Nghệ sĩ piano Bích Trà muốn “về nhà” với mẹ
Quanh năm đi nhiều nơi trên thế giới để biểu diễn và giảng dạy, nghệ sĩ piano Bích Trà giờ đây muốn về Việt Nam nhiều hơn "vì tôi còn mẹ!”.
Diễn viên điện ảnh - NSND Trà Giang và con gái - nghệ sĩ piano Bích Trà trước buổi biểu diễn tối 26/5
Tối 26/5, tại Nhà hát TP.HCM, khán giả say sưa chìm trong tiếng dương cầm của nghệ sĩ piano Bích Trà biểu diễn tác phẩm Concerto số 2 dành cho piano của Rachmaninov cùng dàn nhạc giao hưởng HBSO.
Tác phẩm gồm ba chương, cấu trúc truyền thống của thể loại concerto, được Sergei Rachmaninov hoàn thành vào năm 1909. Tác phẩm này cũng đã được sử dụng trong nhiều bộ phim nổi tiếng và giai điệu chủ đề của tác phẩm cũng trở thành nền tảng của nhiều ca khúc.
Có lẽ bộ phim nổi tiếng nhất đã sử dụng tác phẩm này là Brief Encounter của đạo diễn David Lean (kịch bản Noel Coward) sản xuất năm 1945. Bản concerto đã trở thành một phần không thể thiếu của bộ phim, đến nỗi sau khi nghe lại phần âm nhạc, người ta có thể hình dung ra được các cảnh trong phim. Bản thân bộ phim trắng đen đã là một thử thách để có thể lột tả được tất cả ý đồ làm phim và việc sử dụng âm nhạc Rachmaninov đã khiến cho bộ phim trở thành một trong những bộ phim Anh kinh điển.
Nghệ sĩ Bích Trà đón nhận những tràng pháo tay không dứt của khán giả
Concerto số 2 dành cho piano cũng xuất hiện trong bộ phim Shine của Scott Hicks (năm 1996) kể về một nghệ sĩ chơi piano trẻ tuổi trong hành trình khó khăn để đạt được sự công nhận.
Nghệ sĩ piano Nguyễn Bích Trà (Trà Nguyễn) là con gái của diễn viên điện ảnh - NSND Trà Giang. Bích Trà đi du học từ rất sớm, sau khi tốt nghiệp, cô sinh sống tại London, hiện tại thường đi về biểu diễn, đồng thời giảng dạy âm nhạc tại Anh, Hong Kong và Việt Nam. Chương trình biểu diễn gần nhất trước đó tại Việt Nam, Bích Trà biểu diễn cùng dàn nhạc HBSO tại Nhà hát TP.HCM ngày 19/10/2018, trình diễn tác phẩm Concerto dành cho piano của Gershwin.
Quanh năm Bích Trà đi công tác, hiểu Anh, Hong Kong có thể còn hơn cả Hà Nội hay Sài Gòn. Về Sài Gòn với mẹ thì đi đâu ăn gì đều do mẹ lo. Nhưng nếu ai đến Hong Kong cần tư vấn, sẽ được Bích Trà hướng dẫn cần phải nghe nhạc ở Nhạc viện, Nhà hát thành phố, Trung tâm Văn hóa Hong Kong (Hong Kong Cultural Centre), có cực nhiều chương trình, đặc biệt là những buổi hòa nhạc miễn phí, được chính phủ tài trợ để đưa nghệ thuật đến với người dân.
Nhạc trưởng Trần Vương Thạch (giữa) và nghệ sĩ Bích Trà sau đêm diễn
Bích Trà cho biết: “Bây giờ đi về Việt Nam biểu diễn, thấy có nhiều điều mừng, trước hết là chương trình biểu diễn đã xây dựng được dài hạn và khán giả của âm nhạc đông, bán vé tốt và độ tuổi nghe nhạc khá trẻ”.
“Lượng người nghe nhạc cổ điển quốc tế ở các nước đông hơn Việt Nam, nhưng nếu so sánh họ với những người nghe nhạc trẻ thì đương nhiên người nghe nhạc cổ điển chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Khán giả nước ngoài có hiểu biết về âm nhạc cổ điển nhiều hơn, do được đào tạo từ nhỏ nhưng nếu để so sánh về chất lượng nghe nhạc thì không có sự khác nhau giữa người nghe Việt Nam và nước ngoài. Tôi nghĩ, để chuyển tải được cảm thụ tác phẩm đến với số đông công chúng và khiến họ xúc động, phụ thuộc vào tài năng của mỗi nghệ sĩ” – Bích Trà nói.
Bích Trà kể ở nhiều nước châu Âu có những buổi hòa nhạc mang tính chất đào tạo cho khán thính giả. Ở đó, có thể chỉ biểu diễn những trích đoạn hoặc những tác phẩm nhỏ; bối cảnh biểu diễn nhiều khi chẳng cần nhà hát mà có thể là khuôn viên, nơi các bà mẹ có thể vừa cho con bú vừa nghe nhạc, hoặc những đứa trẻ có thể bò lổm ngổm trên cỏ, vừa chơi đùa vừa nghe nhạc.
Nghệ sĩ Bích Trà trò chuyện về chuyên môn với các đồng nghiệp trẻ sau đêm diễn
Bích Trà cho biết giờ đây cô muốn được về Việt Nam biểu diễn nhiều hơn. Vừa là những cơ hội để hòa vào dòng chảy đời sống âm nhạc trong nước, vừa vì: “Tôi còn có mẹ! Ai còn mẹ là hạnh phúc! Tôi chuyển về Hong Kong và Việt Nam biểu diễn và giảng dạy nhiều hơn là để được gần mẹ!”
(Nguồn: https://viettimes.vn/)