Nghệ sĩ Phạm Hồng Hà: Sự trở về của người con xa xứ

04/01/2016

Trong một không gian âm nhạc bao trùm những giai điệu quen thuộc, có thể cũng đã từng là kỉ niệm của không ít khán giả, không chỉ từng tiếng vỗ tay, mà “sự lặng thinh” để chìm đắm theo giai điệu cũng làm cho mỗi nghệ sĩ cảm thấy thăng hoa và dâng trào cảm xúc.

Trong hai đêm 28 và 29/12 tại Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Pháp, nghệ sĩ, nhạc sĩ Phạm Hồng Hà, người Việt ở Liên Bang Nga trở về và cống hiến cho khán giả những đêm nhạc cổ điển đỉnh cao cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Nguyễn Khắc Thành.

Không lựa chọn những ca khúc mới, các nghệ sĩ thể hiện những nhạc phẩm đã từng "sống" rất lâu trong lòng khán giả yêu nhạc. Các tác phẩm được xem là đỉnh cao của âm nhạc Tây Ban Nha, cũng như là tác phẩm đỉnh cao dành cho guitar này.

Điểm nhấn của chương trình là sự tham gia của nghệ sĩ guitar Phạm Hồng Hà. Bùng nổ với một sắc màu mới lạ, đâu đó những lúc lại thổn thức, chất guitar ngọt ngào như "mật ngọt" mà đầy nội lực đã khiến trái tim khán giả gần như tan chảy và hòa quyện vào từng giai điệu.

Phạm Hồng Hà sinh năm 1961, một người con của Hà Nội. Anh tham gia các lớp học Guitar từ khi còn nhỏ tuổi. Từ năm 1989, anh sang Nga định cư tại Matxcova. Tại đây, anh trau dồi thêm về guitar và có trình độ biểu diễn guitar cổ điển vững vàng.

Hồng Hà ghi nhiều dấu ấn tại những đêm nhạc của cộng đồng Việt Nam tại Nga. Những album ca nhạc CD: “Ru lòng”, “Con đường xưa”, “Em đến”… của anh đã vẫn và đang đi vào lòng người yêu nhạc. Ngoài ra anh còn cho in những tập sách nhạc có cùng những tựa đề trên.

Với nỗi niềm gắn bó với Tổ Quốc Việt Nam và cả với đất nước Nga nhân hậu mà anh gắn bó đã bao năm, Hồng Hà dạy âm nhạc cho các em cả Việt lẫn Nga hoàn toàn miễn phí. Lớp của anh luôn thu hút rất đông học trò nhỏ tuổi.

Phạm Hồng Hà bảo,việc mở câu lạc bộ là động lực tiếp sức cho anh nối dài con đường sáng tác âm nhạc. Từ những tác phẩm Việt Nam chuyển soạn cho cây đàn ghi ta, anh giới thiệu tới những học trò của mình về văn hoá, con người và về nền âm nhạc phong phú và đa dạng của quê hương, xứ sở.

Chia sẻ với PV Dân trí về những dự định sắp tới của mình, nhạc sĩ Hồng Hà cho biết: “Tôi muốn làm một minishow gồm 10- 12 bài về Hà Nội, mảnh đất thủ đô nơi tôi sinh ra và là hai tiếng tự hào đối với bất kì người Việt nào ở nơi đất khách quê người”. Anh cười, chuyện chơi đàn, dạy đàn và sáng tác ca khúc phần nào bù đắp được khoảng trống nội tâm trong tâm hồn đối với một người con xa xứ.

Chú thích ảnh: Một số hình ảnh tại đêm diễn:


Khán phòng biểu diễn Trung tâm Văn hóa Pháp chật kín khán giả


Nghệ sĩ thể hiện “Concierto de Aranjuez”. Đây là tác phẩm viết cho guitar cổ điển và dàn nhạc của nhạc sĩ khiếm thị Joaquin Rodrigo. Được viết năm 1939, thành công của bản concerto này đã đưa tên tuổi Rodrigo ra tầm thế giới.


Ngoài ra, khách tri âm còn được nghe tác phẩm Bản Giao hưởng số 2 cung Rê trưởng, op.36 của nhà soạn nhạc Ludwig van Beethoven.


Nghệ sĩ Phạm Hồng Hà và nhạc trưởng Nguyễn Khắc Thành trong đêm biểu diễn



Nghệ sĩ, nhạc sĩ Phạm Hồng Hà biểu diễn trong đêm nhạc tại quê hương


Nghệ sĩ Phạm Hồng Hà trong vòng tay người hâm mộ


Phạm Hồng Hà cởi mở tâm sự về cuộc sống của anh tại “xứ sở Bạch Dương”, anh đã tạo lập được một xưởng mỹ nghệ tại vùng ngoại ô Mátxcơva, thu hút nhiều thợ Việt Nam và Nga có tay nghề cao, bao gồm cả các lĩnh vực điêu khắc, mộc, vẽ, phục vụ cho các công trình kiến trúc của cả giới doanh nghiệp và xây dựng Việt Nam và Nga.

(Nguồn: http://dantri.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...