Nghệ sĩ mừng đại thọ giáo sư Vĩnh Bảo 100 tuổi

26/12/2017

Tối 23-12, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy Âm nhạc dân tộc Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của giáo sư Vĩnh Bảo.

Giáo sư Vĩnh Bảo tên thật Nguyễn Vĩnh Bảo (sinh 1918, tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, nay là Đồng Tháp) trong một gia đình nho học rất yêu thích đờn ca tài tử. Ông là nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống vừa là nhạc sĩ trình tấu, kiêm cả nghệ nhân đóng đàn. Ông cũng là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn.

"Ông nổi tiếng với tình bạn đẹp đối với Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê. Khi vào những lúc cuối đời giáo sư Khê đã mong muốn được nghe lại tiếng dàn của ông một lần nữa và hai ông đã từng hòa đàn cùng nhau. Tôi rất hạnh phúc khi được ông nhận làm con gái nuôi. Mỗi năm từ Pháp về Việt Nam tôi đều đến thăm ông, được ông đàn cho tôi ca vọng cổ và bài ca tài tử. Mừng đại thọ 100 tuổi của ông, tôi vô cùng xúc động" – NS Hà Mỹ Xuân nói.

Từ năm 5 tuổi, giáo sư Vĩnh Bảo đã biết chơi đờn kìm, đờn cò, 10 tuổi ông đã biết chơi rất nhiều các loại nhạc cụ dân tộc.

Từ năm 1955 cho đến năm 1964, ông dạy môn đàn tranh và cũng là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc Viện TP HCM). Ngoài ra, ông cũng đã đi diễn thuyết giới thiệu và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới.

Năm 1972 ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp).

Từ năm 1970-1972 ông là giáo sư đặc biệt thỉnh giảng về đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ).

Năm 2005 nhạc sư Vĩnh Bảo và giáo sư Trần Văn Khê được trao giải thưởng Đào Tấn của Việt Nam tại TP HCM.

Đến năm 2008, nhạc sư Vĩnh Bảo cũng được Chính phủ Pháp tặng huy chương nghệ thuật và văn học (Ordre des Arts et des Lettres) cấp bậc Officier.

Rất đông các văn nghệ sĩ, nghệ nhân đờn ca tài tử đã đến chúc mừng lễ đại thọ của bậc danh sư còn sót lại của âm nhạc cổ truyền Việt Nam và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.

(Nguồn: http://nld.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...