Nghệ sĩ dương cầm Bích Trà: Người được Joachim Raff lựa chọn?

03/01/2014

Ai đó nói rằng, nếu Đặng Thái Sơn được Chopin lựa chọn thì nghệ sĩ pianist Bích Trà (con gái NSND Trà Giang và cố nghệ sĩ violon Bích Ngọc) được Joachim Raff lựa chọn chăng? Bích Trà đã làm sống lại tên tuổi nhạc sĩ tài hoa Joachim Raff - người Thụy Sĩ gốc Đức sau hơn một thế kỷ ông bị quên lãng ở châu Âu. Tôi có dịp gặp nghệ sĩ Bích Trà trong những ngày chị về Việt Nam thăm gia đình, cùng với đó là lịch làm việc dày đặc. Nghe chị nói về âm nhạc cổ điển, về Joachim Raff, về Chopin, về Schubert… và những trăn trở về nền âm nhạc cổ điển tại Việt Nam hiện nay.

 

Thành công không trải đầy hoa hồng

Nhìn vào những thành công của nghệ sĩ Bích Trà hôm nay, nhiều người bảo rằng, chị khá thuận lợi vì sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Mẹ là NSND Trà Giang - gương mặt vàng của điện ảnh cách mạng Việt Nam thập niên 60-70 và cha là GS - nghệ sĩ violon Bích Ngọc. Nghệ sĩ Bích Trà cho rằng, đó là một may mắn và hạnh phúc rất lớn trong cuộc đời của chị nhưng không hẳn con đường thành công nào cũng trải đầy hoa hồng.

Khi Bích Trà ở tuổi học mẫu giáo, nghệ sĩ Bích Ngọc đã cho con gái học violon, nhưng sau một thời gian vật lộn với cây đàn thì Bích Trà đành chào thua. Không phải bé Trà không học được violon mà vì giai điệu của nó không đem đến sự hứng khởi thực sự. Tuy nhiên, khi chạm tay vào phím đàn piano thì Trà mê ngay với thế giới âm thanh rộng lớn, nhiều màu sắc. Giờ đây sau mấy chục năm chơi đàn dương cầm nhưng mỗi lần ngồi bên cây đàn chị vẫn thăng hoa, được thỏa mãn trong xúc cảm, trong thế giới riêng của mình. Nhưng thời mới học piano quả là kỳ công, có những tác phẩm rất dài nhưng vì bàn tay quá mảnh nên mới đánh hết chương 1 là Trà toát mồ hôi. Sau đó, chị phải luyện đánh đàn như vận động viên chuẩn bị đi thi Olympic. Rồi hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, hằng năm khổ luyện đôi bàn tay của chị đã tương thích thật sự với phím đàn và chị có thể chơi những bản concerto của Brahms dài cả tiếng đồng hồ.

 
Nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Bích Trà

Chị phải xa nhà từ năm 14 tuổi, sang Nga học nhưng lúc đó Liên Xô và Đông Âu bắt đầu khủng hoảng nên cuộc sống của lưu học sinh Việt Nam cũng không thuận lợi, dễ dàng như các thế hệ lưu học sinh trước. Còn khi chị sang Vương quốc Anh thì môi trường cạnh tranh rất khốc liệt với số lượng nghệ sĩ piano đào tạo hằng năm rất lớn. Một nơi cần một pianist thì có đến 250 lá đơn thí sinh ứng tuyển cho công việc biểu diễn hoặc giảng dạy piano. Là người nước ngoài, đến từ quốc gia không có truyền thống âm nhạc cổ điển, Bích Trà đã phải cố gắng hết sức mình nếu muốn tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt ở Anh quốc. Lúc đó, sau khi học ở Nga và về Việt Nam chắc chị sẽ không phải đối diện với nhiều thử thách như vậy. Nhưng biết rõ, nếu về nước thì có lẽ chỉ phát huy được 1/3 năng lực của bản thân nên Bích Trà quyết định ở lại Anh để tiếp tục con đường đã chọn và dấn thân.

Cuộc “gặp gỡ” với Joachim Raff

Bích Trà cho biết, tháng 12 năm ngoái, chị may mắn có buổi biểu diễn hòa nhạc tại một nhà hát có chất lượng âm thanh tốt nhất châu Âu. Nghe cách chị tâm sự và con đường chị đi, nhiều người đều cho rằng Bích Trà không phải là người ham theo đuổi tiếng vang danh vọng, nhưng khi được biểu diễn trong môi trường âm nhạc cổ điển đẳng cấp như thế thì đồng nghĩa với việc tên tuổi của chị được đóng dấu trong làng pianist thế giới. Nhưng như chị chia sẻ: “Một lần biểu diễn như thế là tuyệt vời, khi lên sân khấu và chạm tay vào đàn thì tôi không còn thấy sự khác biệt giữa bất cứ nơi nào khác”. Ngày hôm đó, chị thật hạnh phúc khi có rất nhiều khán giả Việt Nam đến ủng hộ. Sau đó, Báo Độc Lập của Anh - một tờ báo chính thống và có uy tín trong làng báo thế giới viết bài bình luận và so sánh chị với một pianist có tiếng của nước Nga. Đó là niềm vinh hạnh không dành riêng cho pianist Bích Trà mà cho cả gia đình đã đồng hành cùng chị theo đuổi con đường âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp trong bao năm qua, đặc biệt là song thân của chị.


NSND Trà Giang và con gái - nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Bích Trà

Để có thể khẳng định vị trí trong làng nhạc cổ điển thế giới là điều mong ước của nhiều nghệ sĩ nhưng để thành công trong công việc này, pianist Bích Trà cho rằng, phải đặt tình yêu âm nhạc lên hàng đầu thì mới theo đuổi nghề này lâu dài. Trên thế giới, dòng nhạc nhẹ phổ thông hơn, thu nhập cũng tốt hơn nhạc hàn lâm và ở bên châu Âu lượng khán giả đến với nhạc hàn lâm vẫn ít hơn rất nhiều so với dòng nhạc nhẹ. Với bao năm theo đuổi con đường biểu diễn chuyên nghiệp ở Anh, đến tháng 12-2013 chị đã thu được 8 đĩa nhạc của Joachim Raff. Một nhạc sĩ gần như bị quên lãng ở châu Âu. Có lẽ tất cả chúng ta đều thắc mắc vì sao Bích Trà mạo hiểm chọn một nhạc sĩ nằm trong thư viện hơn một thế kỷ để biểu diễn và thu đĩa, trong khi hầu hết các nghệ sĩ pianist lớn trên thế giới thường chọn những nhạc sĩ quen thuộc để biểu diễn như Chopin, Beethoven, Schubert, Mozart…

NSND Trà Giang tâm sự: “Mỗi năm Bích Trà về nước một hoặc hai lần, bên cạnh về với mẹ thì chủ yếu vẫn là công việc. Một nghệ sĩ piano không có gì hạnh phúc hơn là biểu diễn trước khán giả và được thu đĩa, trong 5 năm trở lại đây Bích Trà đã thu được 8 đĩa nhạc Joachim Raff. Tôi rất vui mừng nhưng cũng rất thương anh Bích Ngọc vì đã không sống được đến ngày hôm nay để thấy sự trưởng thành của con”.

Nhiều người bạn biết Bích Trà rất mê nhạc cổ điển lãng mạn của Đức nên hỏi chị có dám mạo hiểm chơi Joachim Raff không, mặc dù trước đó chị chưa nghe tên nhạc sĩ này bao giờ. Và trong các giáo trình âm nhạc chị từng học ở Nga và ở Anh cũng chưa bao giờ đề cập đến Joachim Raff. Nhưng với bản tính ham học hỏi, nghiên cứu và say mê điều mới lạ, chị đọc và thấy rất tò mò. Sau đó, Bích Trà đến Thư viện Quốc gia Anh để tìm hiểu về Joachim Raff. Chị thật bất ngờ với gia tài âm nhạc đồ sộ của Joachim Raff. Sinh thời ông viết hơn 200 tác phẩm có độ dài từ 1 phút đến 50 phút thì có hơn 100 tác phẩm dành cho piano.

Lúc đó mọi người hoài nghi và cho rằng, chọn Joachim Raff trình diễn là chị đi con đường quá mạo hiểm. Vì lâu nay, các pianist tên tuổi vẫn chọn và biểu diễn những nhạc sĩ tên tuổi đã được nhiều người đương thời nhớ đến vẫn an toàn hơn biểu diễn một nhạc sĩ đã chìm vào quên lãng. Chưa kể, các hãng thu âm lớn trên thế giới vẫn thích sự an toàn hơn là mạo hiểm. Nhưng Bích Trà cho rằng: “Cuộc đời mỗi người cũng ngắn ngủi lắm, hãy làm những gì mà mình thực thấy và thực mê thì tốt hơn. Kết quả lao động đó có lẽ tuyệt vời hơn những gì mình làm theo phong trào, theo số đông”. Nói là làm, chị ngồi đọc những nốt nhạc cũ trong thư viện và như gặp được người tri âm - tri kỷ, từng nốt nhạc đẹp của Joachim Raff làm cho tâm hồn chị cứ sáng dần ra. Sau đó, để thuyết phục hãng đĩa chịu ghi âm nhạc Joachim Raff cũng không dễ dàng, nhưng bằng sự quyết tâm và bền chí, pianist Bích Trà đã thuyết phục các Hãng đĩa và may mắn đã đến khi hãng Sterling (Thụy Điển) đồng ý thu âm chị trình diễn 2 tác phẩm piano với giàn nhạc của Joachim Raff…

Thu 1 đĩa, rồi 2 đĩa, sau đó nhờ tiếng vang của hai đĩa nhạc này mà một hãng đĩa lớn vốn trước đây thu âm những nhạc sĩ tên tuổi, nhiều người biết đến và là một trong những hãng đĩa tiên phong giới thiệu các tác phẩm bị quên lãng đã mạo hiểm mời chị thu đĩa nhạc của Joachim Raff. Bích Trà trở thành nghệ sĩ pianist gốc Việt đầu tiên có được hợp đồng ghi âm solo với hãng đĩa nổi tiếng Naxos. 3 CD đầu trong hợp đồng đã được phát hành và được toàn bộ các tạp chí nhạc lớn như Gramophone (Anh), Diapason (Pháp), American Records Guide (Mỹ), Ritmo (Tây Ban Nha) và Fono Forum (Đức) nhất loạt khen ngợi.

Trước khi trở về Việt Nam, tháng 11/2013 tại Anh, chị đã hoàn thành đĩa ghi âm thứ 6 nhạc của Joachim Raff do Hãng Naxos thực hiện. 6 CD độc tấu của chị được Naxos phát hành trên toàn thế giới từ cuối năm 2011. Chỉ tiếc là Naxos chưa có hệ thống phân phối đĩa ở Việt Nam nên những người yêu âm nhạc cổ điển tại Việt Nam chưa có dịp thưởng thức ngón đàn điêu luyện của nghệ sĩ Bích Trà qua các tác phẩm dành cho piano của Joachim Raff.

Làm chủ cây đàn từ tuổi thiếu niên

Nghệ sĩ Bích Trà cho rằng, để thành công trong con đường biểu diễn âm nhạc cổ điển thì cần sự khổ luyện từ nhỏ bên cạnh nhiều nhân tố khác. Từ năm 14-15 tuổi, nếu không làm chủ cây đàn thì đến lúc vào đại học sẽ rất vất vả. Thời học trung cấp ở Liên Xô (cũ) các môn lý thuyết chiếm gần hết thời gian nhưng mỗi ngày chị phải dành ra 6 tiếng để tập đàn. Ngoài thời gian khổ luyện tập đàn thì nghệ sĩ piano phải đọc hiểu, lắng nghe không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc mà còn nhiều lĩnh vực khác để bổ sung vốn sống. “Đã làm nghệ thuật, không chỉ chơi đàn mà người nghệ sĩ còn phải đọc sách văn học, nghiên cứu hội họa, nghiên cứu tình hình âm nhạc… Bạn không đọc thì bạn phải nghe mà bạn không nghe thì phải đọc… Cứ như thế liên tục”, nghệ sĩ Bích Trà cho biết thêm.

Một năm về nước thăm gia đình hai lần kết hợp với biểu diễn, giảng dạy… Bích Trà có dự định mở trang web dạy piano cho trẻ em Việt Nam nhưng lời hứa đó đành dang dở vì từ 2007 đến 2013 dự án thu âm nhạc Joachim Raff đã chiếm hết thời gian. Chị có ý tưởng biên soạn bộ sách đưa lên mạng, phổ cập để trẻ em đến với nhạc cổ điển một cách tự nhiên nhất. Bộ sách ấy phải sinh động, bắt mắt có hình ảnh minh họa thì trẻ em mới thích thú đọc. Dự án này cần rất nhiều người cùng chí hướng, cùng tâm huyết, cùng niềm đam mê thì hy vọng trong tương lai sẽ thực hiện được.


Nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Bích Trà trình diễn tại Nhà hát giao hưởng Việt Nam

Còn chuyện đào tạo âm nhạc cổ điển ở Việt Nam thì Bích Trà cũng chia sẻ là phần lớn giáo trình âm nhạc cổ điển của Việt Nam từ xưa đến nay là theo khung chương trình của Nga, có những điểm tốt và có cả những điểm cần sửa đổi. Khi đem giáo trình dạy âm nhạc cổ điển của Nga sang dạy tại Việt Nam với môi trường văn hóa - lịch sử khác nhau nhiều. Nên nếu rập khuôn hệ thống giáo trình của Nga hay giáo trình của Anh vào việc giảng dạy nhạc cổ điển Việt Nam thì theo nghệ sĩ Bích Trà chưa hẳn đã phù hợp.

Có nhiều bạn trẻ muốn dấn thân vào con đường âm nhạc cổ điển cũng được nghệ sĩ Bích Trà chia sẻ kinh nghiệm: “Để hiểu một nhạc sĩ thì phải tìm hiểu về toàn bộ quá trình sáng tác và hiểu ngôn ngữ âm nhạc của nhạc sĩ đó. Mỗi nhạc sĩ lớn đều có dấu ấn riêng. Nếu âm nhạc Beethoven là sự giằng xé nội tâm rất mãnh liệt để tìm đến cái thiện thì nhạc của Joachim Raff lại nhẹ nhàng hơn, đẹp hơn và gần với thiên nhiên. Còn nhạc của Chopin thì có nét buồn, cô đơn. Nhạc của Schubert thì rất khó chơi vì tâm trạng buồn vui - tuyệt vọng và hy vọng cứ xen lẫn với nhau”. Do đó, khi quyết định chơi Joachim Raff thì chị phải tìm hiểu rất kỹ về cuộc đời, sự nghiệp, tâm trạng của ông khi sáng tác các ca khúc đó. “Để trình diễn một tác phẩm âm nhạc cổ điển, bạn không thể biểu diễn một cách cảm tính mà phải có một quá trình thẩm thấu sâu tác phẩm đó, bên cạnh khả năng sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật của riêng mình. Có lẽ khám phá một tác phẩm âm nhạc như khám phá một con người”.

Trên thế giới có 3 cái nôi âm nhạc cổ điển lớn là Nga, Đức và Pháp từ đó chia ra nhiều nhánh và lan tỏa khắp thế giới. Theo chị, cái chính là phải có thầy giỏi và có mối giao lưu tốt về âm nhạc giữa thầy và trò. Học ở Nga, môi trường âm nhạc và giảng dạy rất tốt, bậc sơ cấp và trung cấp âm nhạc rất hoàn thiện và có lẽ chưa có nơi nào trên thế giới đào tạo hai bậc học này tốt như ở Nga. Còn khi lên đại học thì Bích Trà cho rằng, môi trường thực tế ở Anh, Đức, Pháp cho người nghệ sĩ nhiều đất để diễn, để thể nghiệm…

Sau mấy chục năm xa quê hương, cùng với dương cầm, nghệ sĩ Bích Trà đã biểu diễn nhiều chương trình recital piano, hòa nhạc thính phòng, biểu diễn concerto tại Nga, Ba Lan, Đức, Na Uy, Tây Ban Nha, Ý, Mỹ, Anh và được giới phê bình đánh giá cao. Chị cũng từng xuất hiện trên sóng radio 4 ở Hongkong, được mời tham gia Festival kỷ niệm Shostakovich tại phòng hòa nhạc danh tiếng Queen Elizabeth Hall, London. Vừa qua, Bích Trà được trao tặng danh hiệu ARAM (Associate of the Royal Academy of Music, thành viên của Viện Âm nhạc Hoàng gia, Anh) cho “Những cống hiến âm nhạc nổi bật” trong năm 2013.

Giờ đây, trong giới pianist gốc Việt hiện đang sống, biểu diễn, giảng dạy, thu âm và định cư ở nước ngoài không thể không nhắc đến hai nghệ sĩ tên tuổi Đặng Thái Sơn và Nguyễn Bích Trà. Nếu như Đặng Thái Sơn là người được Chopin lựa chọn thì nghệ sĩ dương cầm Nguyễn Bích Trà đóng dấu ấn vào làng nhạc cổ điển thế giới là người được Joachim Raff lựa chọn.

Joachim Raff là nhạc sĩ người Đức gốc Thụy Sĩ sống ở thế kỷ XIX (1822-1882). Cha ông là người Đức chạy loạn sang Thụy Sĩ. Sinh ra ở Thụy Sĩ, lớn lên Joachim Raff không định học nhạc nhưng vì quá yêu âm nhạc, tự mày mò và học nhạc bằng mọi cách. Trong một lần nhạc sĩ Franz Liszt (người Hungary đã viết rất nhiều tác phẩm dành cho piano) sang Thụy Sĩ biểu diễn thì Joachim Raff đi quãng đường thật dài đến xem Liszt biểu diễn trong trời mưa tầm tã. Sau này Joachim Raff theo Liszt học và từ từ gầy dựng tên tuổi. Dù không được đào tạo bài bản nhưng Joachim Raff có năng khiếu sáng tác thiên bẩm và sử sách viết rằng, ông luôn trong trạng thái phải sáng tác nhưng vì nhiều lý do mà ông là một trong nhiều nhạc sĩ cổ điển tên tuổi của châu Âu ở thế kỷ XIX âm nhạc không lan tỏa sang thế kỷ XX.

 (Nguồn: http://petrotimes.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...