Nghệ sĩ đàn tranh Julie Fam: Cội nguồn là gốc rễ

23/05/2019

Julie Fam được biết đến là một nghệ sĩ đàn tranh đang có những hoạt động tích cực quảng bá nghệ thuật dân tộc trong kiều bào và bạn bè quốc tế. Mặc dù khá bận rộn với vai trò là diễn viên phim truyền hình tại Auckland (New Zealand) nhưng với chị, được góp phần giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ra nước ngoài là trách nhiệm và sứ mệnh mà một người nghệ sĩ phải thực hiện.

Nghệ sĩ Julie Fam.

PV: Chào Julie Fam! Dành cả tuổi thanh xuân để học nhạc cụ dân tộc tại Việt Nam, lý do gì mà bạn lại chọn New Zealand để tiếp tục sự nghiệp của mình?

Nghệ sĩ Julie Fam: Thật ra tuổi “thanh xuân” của tôi là dành để viết báo và mua bán bản quyền âm nhạc. Tôi từng là phóng viên mảng văn hoá của vài tờ báo điện tử ở Việt Nam cũng như là chuyên viên bản quyền của một dự án về âm nhạc thuộc VNPT. Tôi làm việc này song song với việc học tập chuyên ngành đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trong suốt 11 năm (2000-2011). Sự hiểu biết về âm nhạc cũng như môi trường và các mối quan hệ với các bạn học là ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên đã hỗ trợ công việc của tôi rất nhiều.

Cũng nhờ đó tôi giành được học bổng thạc sĩ chuyên ngành Quốc tế học của New Zealand. Ra nước ngoài học, tôi phải đáp ứng điều kiện là phải làm việc theo số giờ nhất định cho nhà trường. Rất may vì có lợi thế biết đánh đàn dân tộc nên tôi được nhà trường chọn để biểu diễn trong các dịp khai giảng, bế giảng, giao lưu văn hoá và sử dụng hình ảnh để quảng bá cho các sự kiện văn hoá trong trường. Nhờ đó mà tôi không phải làm việc nhiều giờ như các bạn có học bổng khác. Đặc biệt, thông qua các sự kiện, tôi được mọi người tại thành phố đang sống và những thành phố lân cận biết đến nhiều hơn.

Sống tại một quốc gia đa văn hóa như New Zealand, việc biểu diễn âm nhạc dân tộc  Việt Nam của chị đã được đón nhận như thế nào? 

- Theo cảm nhận của tôi thì nhạc cụ truyền thống của Việt Nam đang được đón nhận rất nồng nhiệt không chỉ ở New Zealand mà nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay ở New Zealand từ bậc tiểu học các học sinh đã được giáo dục về nghệ thuật một cách rất kỹ lưỡng. Nhà trường cũng thường mời các nghệ sĩ đến trường biểu diễn trong các hoạt động ngoại khóa. Và ngay trước khi nghệ sĩ đến biểu diễn, các thầy cô thường giúp học sinh của mình tìm hiểu về nghệ sĩ, loại hình nghệ thuật mà nghệ sĩ sắp biểu diễn. Ngoài ra, các giáo viên còn phân tích loại hình nghệ thuật, tác phong lịch sự khi làm khán giả, đặc biệt là cách thưởng thức và bày tỏ lòng tôn trọng đối với người nghệ sĩ. Nhờ đó mà khi lớn lên người dân New Zealand luôn đánh giá cao và tỏ lòng tôn trọng với nghệ thuật cũng như có sự hứng thú để tìm hiểu các loại hình nghệ thuật đến từ các nước khác nhau trên thế giới.

Nói về nhạc truyền thống Việt Nam tại New Zealand thì không chỉ họ trân trọng, ngưỡng mộ vẻ đẹp mà còn tìm hiểu rất kỹ về từng loại hình âm nhạc. Ngay những nhạc cụ dân tộc của Việt Nam, quan tâm từ những nét chạm khắc trên cây đàn, cho đến âm thanh được phát ra bởi cây đàn… và cả những câu chuyện lịch sử hình thành và phát triển của cây đàn nữa. 

Là một nghệ sĩ đang đồng hành với các hoạt động quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam tại nước ngoài, theo bạn chúng ta cần làm gì để phát huy được hiệu quả các giá trị văn hóa đặc sắc này?

- Điều đầu tiên theo tôi việc quảng bá truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế rất quan trọng. Với những nghệ sĩ như tôi luôn phải dành thời gian tập luyện, học hỏi và cập nhật những sáng tạo của thời đại nhằm tìm ra phương thức mới mẻ nhất để giới thiệu bản sắc văn hoá Việt tại các nước. Để làm được việc này rất khó, vì ai cũng có cuộc sống riêng cần được cân bằng. Bởi với người nghệ sĩ có những thời kỳ đỉnh cao sáng tạo nhưng cũng có những giai đoạn gặp vướng mắc, khó khăn.

Bên cạnh đó, với mỗi một nghệ sĩ cũng phải ý thức được giá trị bản thân, vị trí của mình trong bức tranh nghệ thuật dân tộc Việt Nam nói chung cũng như thị trường nghệ thuật tại đất nước sở tại để quảng bá một cách tốt nhất.

Ngoài ra việc thu hút sự chú ý của giới trẻ - những người kế thừa trong tương lai để truyền dạy cho các bạn là một điều không thể thiếu trong chiến lược gìn giữ và quảng bá lâu dài. Hiện nay, một phần trong chiến lược quảng bá văn hoá Việt tại các nước ngoài mà tôi đang thực hiện - đó là tổ chức cuộc thi Đàn tranh Online “Tiếng đàn tranh Việt”. Đây đã là năm thứ 2 mình tổ chức với quy mô trên toàn thế giới, không giới hạn độ tuổi, trình độ với sự tham gia của các thầy cô có uy tín trong giới âm nhạc truyền thống đến từ nhiều thành phố khác nhau trên đất nước Việt Nam và nhiều nước khác như Pháp, Australia, Mỹ…

Sự khác biệt về văn hóa với bạn chắc có rất kỉ niệm trong những lần biểu diễn phục vụ khán giả nước ngoài?

- Đúng là trong nghề có rất nhiều điều dẫn dắt và làm nghệ sĩ thay đổi từ cái nhìn, tư duy cho đến cuộc sống. Còn nhớ có một lần tôi biểu diễn khúc “Ru con” của cố nhạc sĩ, NSƯT, NGND Xuân Khải (người thầy đầu tiên dạy đàn tranh và cũng là người đầu tiên dẫn dắt tôi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp trong trường đại học mà tôi từng theo học).

Khi đó, tôi mới sang New Zealand, chưa hiểu lắm về văn hoá khán giả nơi đây. Tôi vẫn cứ nghĩ khi biểu diễn là sẽ có rất nhiều tiếng ồn như nhiều lần khác ở Việt Nam. Thế nhưng mọi việc diễn ra hoàn toàn ngược lại. Lúc đó cả khán đài im lặng không một tiếng động nhỏ khiến tôi vừa biểu diễn vừa hoang mang vô cùng. Tuy nhiên, ngay sau phần biểu diễn kết thúc, tiếng vỗ tay và tiếng reo hò vang lên mạnh mẽ làm tôi giật mình.

Sau đó, khi đã lui vào sau khu vực cánh gà, tôi được một khán giả đến gặp và dùng những câu chữ hoa mỹ nhất để bày tỏ cảm nhận của họ khi nghe bản nhạc. Kể từ đó mình mới biết tiếng Anh không chỉ cứng nhắc như những gì tôi từng học, mà nó còn là một loại ngôn ngữ đẹp không kém gì tiếng Việt. Và cũng từ đó tôi đã quyết tâm học cách dùng những ngôn từ mang tính hoa mỹ trong tiếng Anh nhiều hơn.

So với cách giáo dục về nghệ thuật tại New Zealand, theo bạn, Việt Nam cần học hỏi những gì để có thể phát huy hiệu quả trong công tác giảng dạy? 

- Đã từ rất lâu rồi tôi không học hay đến các trường học ở Việt Nam để nhìn thấy sự thay đổi (có thể là tích cực hoặc cũng có thể là không tích cực) trong giảng dạy và học tập tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo như trong trí nhớ của mình thì các môn nghệ thuật trong trường học rất ít khi gây hứng thú cho các học sinh. Như tôi đã nói ở trên, giáo dục nghệ thuật tại New Zealand rất mang tính thực hành và sát thực với thực tế, từ việc chuẩn bị mời các nghệ sĩ, giúp học sinh tìm hiểu về loại hình nghệ thuật và văn hoá làm khán giả, cho đến khi chương trình diễn ra và kết thúc. Thiết nghĩ đây cũng là một ý tưởng tốt để chúng ta có thể áp dụng trong việc giáo dục nghệ thuật ở các trường của Việt Nam.

Theo đuổi nghệ thuật dân tộc là một hành trình khá khó khăn, theo bạn, chúng ta có nên cứng nhắc, giữ gìn nguyên vẹn bản sắc của mình hay nên hòa nhập với đương đại và thay đổi cho phù hợp với thị trường âm nhạc hiện tại? 

- Âm nhạc dân tộc ở thời đại nào thì cũng sẽ có 2 phần - đó là nguyên bản và phát triển. Có những người thì chỉ thích giữ nguyên một cách tuyệt đối, có những người thì muốn sáng tạo và phá cách. Vì thế ta nên tuỳ vào sức lực và sở thích cũng như cá tính nghệ thuật của từng người mà hoạt động và phân bổ giữa việc giữ nguyên vẹn hay phát triển theo hướng đương đại. Nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng nghỉ, nhưng với nghệ thuật truyền thống thì cội nguồn lại là gốc rễ, là phần không thể thiếu. Những người nghệ sĩ như mình sẽ tìm mọi cách tốt nhất để cân bằng giữa truyền thống và hội nhập. Điều quan trọng nhất là mang hình ảnh đặc trưng nhất, đáng tự hào nhất của truyền thống Việt Nam để tạo dấu ấn sâu sắc trong mắt các bạn quốc tế để sau này họ nhớ đến ta với một hình ảnh đặc trưng, không nhầm lẫn với bất kỳ quốc gia nào khác.

Cảm ơn bạn về những chia sẻ!

* Nghệ sĩ Julie Fam (tên thật là Phạm Duy Ly) sinh năm 1984 hiện đang là diễn viên phim truyền hình tại Auckland (New Zealand). Cô theo học tại Khoa Đàn tranh – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ năm 2000 – 2011. Năm 2012, Julie Fam ra mắt đĩa CD “Mẹ yêu con” và đã tiêu thụ hết 10.000 bản tại Việt Nam, Đức, Pháp, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc), New Zealand… Cô cũng từng là giảng viên các môn Lý thuyết âm nhạc và Âm nhạc thị trường tại Cao đẳng dạy nghề Universal College Of Learning (New Zealand).

(Nguồn: http://daidoanket.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...