Nghệ nhân Tây Nguyên đam mê âm nhạc truyền thống

26/02/2015

Ngày đầu năm mới, không khí trong gia đình nghệ nhân Rơ Chăm Tih rộn ràng hơn bởi âm thanh của những loại nhạc cụ truyền thống.

Với tình yêu văn hóa truyền thống, nhiều nghệ nhân dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã dành phần lớn thời gian để nghiên cứu, gìn giữ bản sắc của dân tộc mình. Trong đó, ông Rơ Chăm Tih (dân tộc Jarai) ở làng Jút, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai là một điển hình.

Ngày đầu năm mới, không khí trong gia đình nghệ nhân Rơ Chăm Tih ở làng Jút, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai càng trở nên rộn ràng hơn bởi âm thanh của những loại nhạc cụ truyền thống vang lên, xen lẫn tiếng cười nói của các lớp học trò. Đến chúc Tết thầy, nhưng học trò vẫn say mê với các loại nhạc cụ yêu thích như đàn T’rưng, Ting Ning, Klông Pút…


Nghệ nhân Rơ Chăm Tih đang hướng dẫn cách làm nhạc cụ dân tộc (Ảnh: SGGP)

Hàn huyên về công việc năm cũ và dự kiến năm mới, nghệ nhân Rơ Chăm Tih cũng không quên nhắc nhở học trò những chỗ còn thiếu sót. Thầy và trò cứ mải mê với nhạc cụ truyền thống, với những chi tiết của cây đàn T’rưng, Ting Ning, Klông Pút… cần phải chỉnh sửa để đạt chuẩn về âm thanh, nốt nhạc.

Chăm chú vào những động tác của nghệ nhân, lắng nghe từng điệu nhạc, anh Siu Tết ở làng Jút 1, xã Ia Dêr cho biết: “Tôi học Ting Ning được 6 tháng rồi. Thầy chỉ cho tôi kỹ lắm, tôi cũng tiếp thu được nhiều. Tôi mong muốn học để bảo tồn văn hóa truyền thống. Bà con người J’rai thì luôn gìn giữ và phát huy tốt truyền thống văn hóa của mình”.

Nghệ nhân Rơ Chăm Tih chia sẻ, tình yêu với nhạc cụ truyền thống đã ngấm vào máu thịt ông từ lúc còn rất nhỏ. Qua các mùa lễ hội ở buôn làng, qua năm tháng miệt mài dõi theo các cụ già trong làng vót những ống tre, ống nứa làm đàn, đến năm 12 tuổi, Rơ Chăm Tih đã tự chế tác được một số nhạc cụ đơn giản. Và cho đến 12 năm sau, tên tuổi và tài năng âm nhạc dân tộc của Rơ Chăm Tih thực sự được nhiều người biết đến.

Đó là vào mùa hè năm 1997, tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc ở Huế, mọi người thực sự ngưỡng mộ trước tài năng chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc rất tài hoa của Rơ Chăm Tih, mang về tấm Huy chương vàng cho đoàn Gia Lai.

Xuân này, mới ngoài 40 tuổi, nhưng bộ sưu tập huy chương của ông thật đáng trân trọng, với 10 Huy chương vàng và 1 Huy chương bạc trong các kỳ Liên hoan nghệ thuật quần chúng.

Nghệ nhân Rơ Chăm Tih nói: “Hồi còn nhỏ, tôi rất thích nhạc cụ truyền thống. Rảnh rỗi lúc nào tôi cũng chạy đến chỗ các nghệ nhân để nghe, nhìn cách nghệ nhân chế tác nhạc cụ. Lúc đó, tôi rất thích”.

Theo nghệ nhân Rơ Chăm Tih, một dàn nhạc cụ đầy đủ của người Jarai hay Bana phải đủ 15 loại, nhưng ông tự chế tác được 14 loại từ tre nứa, riêng cồng chiêng là phải mua. Ngày xưa, người già làm một cây đàn T’rưng phải tốn rất nhiều thời gian, công sức. Tre chặt ở rừng về phải ngâm dưới bùn ao đến 3 năm mới có thể mang lên để làm đàn. Ngày nay, tuy thời gian được rút ngắn hơn, nhưng các công đoạn chế tác cũng không kém phần công phu. Tre chặt về, phơi nắng 3 tháng, rồi đem luộc, sau đó lại đem sấy trên dàn bếp. Những đoạn tre già, thẳng và chắc mới đủ tiêu chuẩn làm đàn.

Sau những lần biểu diễn ở các nơi, có nhiều người yêu thích, hỏi mua cây đàn T’rưng của nghệ nhân Rơ Chăm Tih. Ông rất vui mừng và tự hào vì âm nhạc truyền thống của dân tộc mình vẫn được nhiều người yêu thích, cần phải tìm cách phát huy và truyền bá rộng rãi. Từ đấy, nghệ nhân thành lập Hợp tác xã sản xuất hàng mỹ nghệ Tây Nguyên, đồng thời mở lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Rơ Chăm Tih rất phấn khởi, vì sản phẩm của hợp tác xã làm ra tới đâu, khách hàng đến mua hết từng đó, học trò theo học ngày càng đông.

Từ niềm đam mê âm nhạc truyền thống, nghệ nhân Rơ Chăm Tih đã tạo ra công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều người, vừa góp phần lưu giữ, phát huy và quảng bá được văn hóa truyền thống của dân tộc mình./.

(Nguồn: http://vov.vn)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...