Nghệ nhân Kim Sinh từ trần
Nghệ nhân nhạc cổ Kim Sinh đã ra đi ngày 16-1-2015. Tiễn biệt ông, website Hội Nhạc sĩ xin đăng lại bài viết của nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền
Một ngày Đông lạnh năm 2006, một cú điện thoại lúc chập tối…
-Tao đây, bố lo cho con quá mà chẳng thấy mày tin tức gì, liệu chúng nó có làm gì con không? Mày cứ biền biện suốt, bố phải gọi điện hỏi thăm chú Tô Ngọc Thanh…
-Không sao bố à. Con có nhiều người bạn giúp đỡ…
-Tao ốm quá, lòng như lửa đốt mà chẳng giúp gì được. Mày có muốn nghe bố hát không? Bố chẳng có gì cho con lúc này cả…
-Trời! Bố thật là…
Thế rồi nghe thấy tiếng cụ loay hoay nhờ người nhà cầm hộ điện thoại. Bố muốn vừa đàn vừa hát. Và, thật diệu kỳ, đó là mấy câu Vọng Cổ mà tôi rất thích cách đây 15 năm về trước:
“…Thiên Kiều ơi… anh với em không cùng chung máu huyết và tên em không phải là A khắc Thiên Kiều”.
Đã lâu lắm rồi..! Cảm xúc nao nao phút chốc dâng trào, tôi bàng hoàng chợt nhớ ra, mình là kẻ may mắn biết mấy!
Thật không quá lời khi nhận định, Kim Sinh là một kho tàng cổ nhạc vô giá. Tôi đến với ông lần đầu vào mùa Đông năm 1990, khi nghiệp nghiên cứu cổ nhạc bắt đầu chín muồi. Ông với tôi như duyên nợ, định phận tiền kiếp. Một mối quan hệ đầy ắp cảm xúc, đủ mọi thăng trầm theo năm tháng. Hồi đó, ngay sau tháng đầu quen biết, ông đã bắt tôi đưa về nhà để nói chuyện với ba tôi. Đó là một cuộc trò chuyện lịch sử mà tôi còn nhớ mãi. Ba tôi khi đó đang lâm bệnh trọng, nằm liệt trên giường. Hai người nắm tay trò chuyện hồi lâu về tôi, rồi ông nhận ba tôi làm anh kết nghĩa. Ông hứa sẽ chăm sóc, dạy dỗ tôi như con đẻ mình vậy. Từ đó, bên cạnh tình thầy trò, tôi coi ông như người cha đỡ đầu.
Không những là một người thày nghệ nhân, có thể tìm thấy ở Kim Sinh cả một khối tình tri kỷ, như một người bạn vong niên vậy! Cuộc sống xuôi ngược, bươn bải. Cứ bẵng một thời gian dài không qua thăm ông là thế nào cũng được nghe chửi: “A lô! Chào anh, tôi vẫn còn sống…”, hay “Tiên sư anh, anh định đợi tôi chết rồi mới qua à?” Thủa còn đi cái xe cua-rơ cà tàng, tôi thường để ông ngồi gióng ngang rồi bon bon khắp 36 phố phường. Bố ngồi lúc đầu cũng khiếp lắm, nhưng sau cũng quen dần và tin tưởng “tay lái lụa” của tôi. Chỉ thỉnh thoảng lầu bầu chửi: “Úi giời ôi, con ơi! Tiên sư thằng Honđa, hay đ…mẹ thằng ô tô, bấm còi thế đấy!” Thời còn đi dạy ở Nhạc Viện, cứ lúc nào có thể là tôi lại chuồn qua với ông. Bố cũng thường lọ mọ một mình trên căn gác xép nhỏ. Nếu không làm việc, học hỏi, khai thác đủ điều thì nhiều khi cũng chỉ đơn giản thế này:
-Bố ơi, sáng nay lên lớp 5 tiết, mệt quá!
-Thế con thích gì nào?
-Bố đàn cho con ngủ
-Mày thích nghe gì?
-Bố đàn Nguyệt, gì cũng được mà!
Thế là ông ôm đàn, thơ thẩn dạo quanh những khúc nhạc triền miên, vô định, đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm sau khi rờ rẫm vào đầu để biết chắc con trai đã nằm bên cạnh. Hoặc một chiều nọ, tan trường về, phóng thẳng đến ông.
-Hôm nay con muốn trình bày với bố một việc quan trọng.
-Gì thế?
-Thưa bố, ba con lấy mẹ con, đẻ các anh chị trước rồi mới đến con. Thủa nhỏ, ba mẹ nuôi con ăn học.., rồi lớn mãi.., và đi dạy học... Nhạc Viện trả lương cho con… Và thưa bố, hôm nay đến kỳ, con mới lĩnh lương, mời bố đi uống cafe.
-Tiên sư mày, nói xỏ tao à, mày bảo tao hay dài dòng chứ gì?!
Người đời vẫn biết đến Kim Sinh như một danh cầm nhạc Tài tử- Cải lương Nam Bộ. Thế nhưng ít ai biết được, ông có thể diễn tấu nhiều thể loại cổ nhạc khác nhau. Ông như một kho tàng giàu có và thật đa dạng. Tôi đã từng chứng kiến ông đàn cho nghệ sĩ đầu đàn ngành Chèo như Xuân Theo hay Quý Bôn hát. Cả 2 đều nhận định, ông “đàn thế này thì dân chèo chạy theo cũng không kịp”! Nhạc thính phòng Huế, Chầu Văn, Xẩm.., loại nào ông cũng hòa nhập, diễn xướng đến độ đẳng cấp. Có rất nhiều giai thoại về người nghệ sĩ tài hoa này.
Tháng 8/1996, mẹ đỡ đầu tôi- Nghệ nhân Hà Thị Cầu ra Hà Nội. Tôi có đưa bà về nhà chơi với mẹ tôi. Tranh thủ, tôi mời bố Sinh và rất nhiều bạn hữu đến gặp bà. Đó thực sự là một cuộc hội ngộ lịch sử giữa 2 đại danh sư cổ nhạc- Kim Sinh và Hà Thị Cầu. Sau màn chào hỏi mào đầu, cả 2 nghệ nhân lão thành nhanh chóng giao lưu nghệ thuật. Bố Sinh thì nói: “Nghe tiếng chị đã lâu, kính lão đắc thọ, mời chị hát trước. Bấy lâu nay em nghe tiếng đàn ngọt ngào của bà chị, thấm thía lắm, giờ mời chị cất tiếng trước, em sẽ đàn theo.” Bu Cầu (lúc này hơi ngà ngà men rượu) cũng nói: “Bác nổi tiếng thế thì phải đàn trước, tôi quê mùa sẽ theo sau…”. Rồi cuối cùng cũng theo nếp xưa. Bu tôi ôm đàn nhị cất giọng ca bài Xẩm Thập Ân. Bố Sinh đàn nguyệt theo ngay.
Nên nhớ! Xẩm vốn không bao giờ sử dụng đàn nguyệt. Thế nhưng với một danh cầm lão luyện như Kim Sinh, dường như loại nào ông cũng bắt nhập được dễ dàng. Đàn nguyệt cho hát Xẩm, lần đầu tiên mà như thể 2 người đã hiểu ý nhau lắm. Cũng như những thể loại nhạc cổ truyền khác, mọi bài ca của Xẩm vốn trình diễn theo phương thức ngẫu hứng ứng tác. Bố Sinh chỉ việc nắm bắt thật nhanh cung điệu của làn điệu rồi cứ thế đàn theo, khi khoan khi nhặt, thật bay bướm. Bu tôi dường như cả đời chưa bao giờ gặp bạn đàn có đẳng cấp như vậy nên vô cùng cao hứng, hát liền tù tì mấy bài Trống quân- “Ngược đời”, “Dâu lười”, “Rể lười”, Hà liễu- “Giọt nước cánh bèo”... Kết thúc phần mình, bu liếc nhìn bố Sinh một cách ý vị rồi bảo, chú có cái số đào hoa như thế, Hà Thị Cầu xin hát tặng Kim Sinh bài “Vợ cả vợ hai”. Cả nhà phá lên cười vui vẻ. Tưởng bu tôi hiền lành, mà cũng đáo để ra phết. Cụ còn chua thêm: “Ở đời các ông thì giai năm bảy vợ, chị em chúng tôi thì chính chuyên chỉ có một chồng. Ông nhà tôi cũng có tới 18 bà, tôi là thứ 18 đấy…” Rồi cụ cất giọng liền. Bài ca theo thể Phú Sử, lấy âm hưởng của Ca trù. Mới biết độ giang hồ của Xẩm như thế nào.
Đến phần bố Sinh.
-Bà chị thích nghe gì nào, Cải lương, Huế hay Chèo… để em đàn hầu đại tẩu?
-Tôi chỉ thích nghe Văn, nhất là Văn Mẫu Thoải. Thương Mẫu lắm, phận đàn bà..!
Không có trống phách phụ trợ, bố Sinh cứ thế ôm đàn cất giọng. Từ Kiều Bóng- Thổng- Phú- Dọc… sang Phú Rầu..., cả một trường liên khúc, chuyển tải một bản văn được coi là kinh điển nhất của thể loại Hát Văn. Bu trầm hẳn xuống. Không gian im ắng. Chỉ có mình giọng ca, tiếng đàn ngọt ngào, điêu luyện của bố Sinh dẫn dắt, như đưa người nghe vào một thế giới mộng ảo, hư hư thực thực… Tôi có lẽ là người may mắn chứng kiến nhiều cuộc hội ngộ lịch sử của ông. Song không có lần nào lại thấy ấn tượng như cuộc hội ngộ năm ấy.
Bố Sinh tôi khiếm thị từ nhỏ. Trước, mắt còn nhìn thấy ánh sáng lờ mờ. Sau tối dần rồi mất hẳn. Cuộc đời bố là cả một thiên trường ca của cái nghiệp cầm ca cổ nhạc. Bao thăng trầm, trăm ngàn cay đắng, tủi cực, cơ hàn trong vòng luẩn quẩn của cuộc mưu sinh với sự chế áp của vầng hào quang, danh vị. Bố tôi đa tài nhưng cũng nhiều tật. Ai cũng thừa nhận ông thuộc loại khó tính, khó chiều. Tính khí nghệ sĩ bốc đồng loại có tiếng. Thương, yêu thì cởi lòng cởi dạ, thích gì cho nấy. Ghét thì đào đất đổ đi, đừng hòng mong cụ nguôi ngoai một sớm một chiều. Thú thực, tôi cũng bao phen bị bố nổi trận phong lôi, song cứ như duyên tiền định vậy, chẳng thể nào xa nhau được. Có lần ngồi café, bố đã từng rủ rỉ: “Bố nghiệm thấy tao với mày có giận nhau mấy cũng không bỏ được nhau, con à!”
Bạn có thể sẽ nghe nhiều điều khá mâu thuẫn, trái ngược trong con người đầy tài năng đấy. Nhưng hãy thử nhắm mắt lại rồi hãy tưởng tượng. Bạn sẽ đi đứng ra sao, sinh hoạt kiếm sống như thế nào? Rồi hãy ôm lấy cây đàn, lần mò thử xem. Ta làm gì, để nuôi sống 10 người con trưởng thành, giường cứt chiếu đái, sài ghẻ con cam mấy bận, ngày này qua tháng khác, vật lộn với sự tồn tại trên cõi đời, để rồi được công nhận như một nhân tài cổ nhạc nổi tiếng Bắc Kỳ trong hơn nửa thế kỷ qua? Có thế, mới thấu hiểu và cảm nhận, mới cầm lòng và vị tha cho một nghệ nhân khiếm thị như ông.
Đi bên ông, tôi học hỏi được quá nhiều điều. Không chỉ trong lĩnh vực cổ nhạc Đại Việt, mà còn cả một kho kinh nghiệm sinh hoạt, kinh nghiệm sống của người khiếm thị. Nó giúp ích cho người sáng mắt nhiều lắm, bạn có biết? Tỉ như những điều nhỏ nhặt nhất như vì sao bố tôi lại chỉ… sờ mà phân biệt được mặt A và B của cuốn băng cassette? Rồi cách bật diêm thắp hương, châm thuốc. Hay tại sao cả chùm độ 3 chục chìa khóa mà cụ lần đúng chìa nào với chìa nào? Hay cách thò tay cắm ổ phích trong cả mớ dây điện lùng nhùng sao cho không… giật..v..v.. Nhiều lắm! Hệ thần kinh xúc giác và thính giác của người khiếm thị đặc biệt phát triển, như một sự khỏa lấp mang tính tự vệ, bù đắp. Theo đó, bàn tay của họ cũng đặc biệt nhạy cảm. Tất cả lý giải tại sao, họ có thế mạnh trong việc thụ cảm và trình diễn âm nhạc, với một chiều sâu riêng mà người thường không dễ có. Có nghe ông đàn, mới hiểu được tại sao nhiều người yêu quí ông đến thế!
Rất nhiều công trình nghiên cứu cơ bản của tôi đều căn cứ vào ông như một “tiêu bản sống”. Có thể tìm thấy ở ông rất nhiều, rất nhiều giá trị cổ nhạc của quá khứ. Bên cạnh đó, những giai thoại trong giới nghề mà ông kể có thể viết nên cả một pho sử âm nhạc cổ truyền của thế kỷ. Chuyện ông theo những gánh hát năm nào, gặp gỡ những bậc cao thủ, hay đàn ở quán cụ Quách Thị Hồ ra sao… Rồi chuyện khi lính Pháp rút khỏi thủ đô năm 1954, lúc xe tải chở họ chạy qua rạp hát phố Chợ Gạo.., lính Pháp vươn người ra hét: “Tư Liên, Tư Liên!” Chả là họ vốn rất mê nghệ nhân hề Chèo Tư Liên (Đội Liên), rất nổi tiêng thời đó…
Bố Sinh tôi có thể đàn thông thạo, điêu luyện nhiều nhạc cụ dân tộc, bên cạnh những nhạc cụ Tây phương như guitare espagnole, guitare hawaienne hay violon. Sở trường lớn nhất của ông, có lẽ phải nói đến cây đàn nguyệt. Vào những năm đầu của thập kỷ 60, ở Nhạc viện Hà Nội (lúc bấy giờ gọi là Trường Âm nhạc Việt Nam), hẳn rất nhiều người còn nhớ một giai thoại truyền tụng về “Paganini đàn nguyệt”[1]. Thời gian đó, khoa nhạc cụ cổ truyền có mời 3 danh cầm của đoàn Cải lương Chuông Vàng về trường biểu diễn. Đó là 2 nghệ nhân lão thành Đinh Lạn (đàn cò), Bảy Nghì (đàn gáo) và nghệ nhân trẻ Kim Sinh (đàn nguyệt). Trong lúc hòa tấu bài Nam Đảo[2], vào khoảng gần hết lớp I (8 câu đầu) thì không may, cây đàn nguyệt Kim Sinh đang diễn tấu bất ngờ long phím số 6. Tuy vậy, ông vẫn chơi tiếp mà không dừng lại gắn phím. Vì đây là một cung bậc quan trọng, xuất hiện nhiều trong bài Nam Đảo nên từ lúc đó trở đi, Kim Sinh buộc phải sử dụng lối nhấn mượn phím[3] liên tục để thể hiện nó. Do nhấn quá căng liên tục như vậy, nên khi đàn đến khoảng đầu lớp III thì dây ngoài của đàn Nguyệt bị đứt. Thế nhưng Kim Sinh vẫn tiếp tục chơi hết phần còn lại của bài Nam Đảo bằng cây đàn nguyệt… một dây, long phím đó! Ngay lập tức, dưới khán thính giả có ai đó đã thốt lên: “Paganini đàn nguyệt”!
Ở đây, xin lưu ý, đàn nguyệt vốn chỉ có 2 dây, phím lại gắn theo hệ ngũ cung nên bình thường chơi đã khó rồi, nay lại còn đứt dây long phím nữa thì khỏi phải bàn là nó sẽ như thế nào! Mặt khác, cần lưu ý, bài Nam Đảo có 52 câu, tính từ khi đứt dây ngoài thì Kim Sinh phải chơi nốt hơn 30 câu còn lại, và sau đó lại chuyển sang 15 câu Song Cước trên dây Hò Ba. Ngay trong giới nhà nghề, thực hiện được điều đó vẫn là điều “xưa nay hiếm”!
Bàn về tài năng sử dụng nhạc cụ của Kim Sinh, điều thú vị nhất là khả năng thích ứng với một nhạc cụ mới lạ mà cả đời ông chưa từng… rờ tới. Có 2 giai thoại điển hình:
-Chuyện thứ nhất: Năm 1993, tôi có dạy cổ nhạc cho một sinh viên đàn tỳ bà ở Nhạc Viện. Khi tới độ chín muồi, tôi đã dẫn cô bé đó ôm đàn đến xin ông chỉ giáo. Ông cười: “Cả đời tao có biết mặt mũi tỳ bà nó thế nào đâu, đưa bố xem nào”. Cầm cây đàn trên tay, ông lần mò từng cung phím làm quen, vặn lại dây theo hệ âm tương thích, rồi bắt đầu dạo ngón. Chỉ một lát sau, những ngón đàn tỳ bà xuất thần mang “thương hiệu” Kim Sinh đã cuồn cuộn tuôn trào. Tôi sửng sốt, không nhịn được, buột mồm rỉ tai cô sinh viên nọ: “Thôi em bỏ nghề đi, đừng chơi đàn tỳ bà nữa!”
-Chuyện thứ hai: Mùa Đông năm đó, có một phái đoàn thuộc tổ chức Trung tâm nghiên cứu âm nhạc châu Á Thái Bình Dương của Mỹ sang làm việc. Thầy Tô Ngọc Thanh giao cho tôi sắp đặt, tổ chức một buổi biểu diễn nhạc cổ truyền tại Viện Âm nhạc để làm việc với khách. Tôi bàn với bố thiết kế chương trình hòa tấu nhạc Tài tử- Cải lương… Về vấn đề nhạc cụ cung vĩ kéo, tôi nói không nên đàn violon, phải dùng đàn nhị cho nó… thuần khiết(!) Bố cười mà rằng: “Tao có chơi đàn nhị bao giờ đâu”- “Giời ơi! Bố phải thử xem sao, bố sẽ chơi được mà…”. Rồi tôi kiếm ngay một cây nhị mang đến cho ông. Và đương nhiên là sau một thời gian ngắn làm quen, bố Sinh tôi đã “xài” ngon lành, những cung vĩ ngọt ngào trên cây đàn mang cả đời ông chẳng bao giờ đụng tới. Buổi biểu diễn thật ấn tượng, không ai nhận ra điều đó, trừ tôi và các nghệ nhân trong nhóm.
Thời chiến tranh chống Mỹ. Bố Sinh tôi khi đó thuộc biên chế đoàn Cải lương Chuông Vàng, nhưng vẫn tham gia biễu diễn trên Đài phát thanh Giải phóng (Đài B). Những cán bộ chuyên trách thời kỳ đó hẳn còn nhớ mãi một giai thoại khá nổi tiếng về ông. Lúc đó, ở Sài Gòn, nghệ nhân lục huyền cầm nổi tiếng nhất của nền ca nhạc Tài tử -Cải lương Nam Bộ là bác Văn Vĩ. Ông cũng là một nghệ sĩ khiếm thị, nằm trong bộ ba đại danh cầm Năm Cơ- Văn Vĩ- Bảy Bá. Giới nhà nghề thường gọi họ là Tam hùng cổ nhạc miền Nam. Cùng lúc ở ngoài Bắc, bố Sinh tôi khi đó cũng đã nổi tiếng lắm.
Một ngày nọ, trên Đài phát thanh Tự do (của chế độ Sài Gòn cũ) bỗng vang lên một giọng nói: “Này tên Việt Cộng Kim Sinh, hãy nghe đây, nghe đây!” Rồi người ta nghe thấy tiếng đàn ghi ta phím lõm (lục huyền cầm) của danh cầm Văn Vĩ với chuỗi 6 câu Vọng Cổ danh bất hư truyền. Mấy hôm sau, Kim Sinh lập tức lên sóng đàn lại 6 câu đối đáp. Cuộc “chạm trán” đó được giới nghề truyền tụng mãi. Ngay sau ngày giải phóng, đoàn Chuông Vàng vào Sài Gòn biểu diễn giao lưu. Kim Sinh lập tức nhờ người đèo ngay đến xin gặp Văn Vĩ. Cũng biết tiếng Kim Sinh từ lâu và cũng thực lòng mến mộ, danh cầm Văn Vĩ đã tổ chức một bữa đại tiệc linh đình tại nhà riêng với đủ mặt anh tài Cải Lương đất Sài Gòn. Hai nghệ sĩ khiếm thị ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Bởi họ thực bụng kính trọng nhau với tấm lòng đồng cảm của giới nghệ sĩ cổ nhạc, như những hiệp khách giang hồ tứ phương tám hướng. Bố tôi kể, trong buổi tiệc đó, bác Văn Vĩ xếp ông ngồi kế bên, giới thiệu với từng người một, rồi sau đó, một cuộc đờn ca bắt đầu. Tình nghệ sĩ Bắc Nam một nhà xum họp cứ thế tuôn trào với biết bao xúc cảm đặc biệt. Bữa đó, bác Vĩ đã nhận bố Sinh tôi làm em kết nghĩa. Về sau, bác Văn Vĩ cũng cho biết rằng câu chuyện trên Đài Tự Do là do ai đó sắp đặt, cho phát cuốn băng tiếng đàn Văn Vĩ khiêu khích Kim Sinh chứ thực tình, ông không hề hay biết. Mối giao tình giữa các nghệ sĩ nhạc Tài tử- Cải lương 2 miền thực ra đã có từ thời Pháp thuộc. Đến thế hệ 2 ông, đã đầy ắp nhưng câu chuyện của cả một thời phiêu bạt, lưu diễn của các thế hệ tiền bối.
Năm 1993, khi tôi chính thức triển khai đề tài nghiên cứu nhạc Tài tử -Cải lương tại tp Hồ Chí Minh, mỗi giao tình giữa bố Sinh và các danh cầm trong đó lại một lần nữa thắt chặt. Những năm đó, tôi như chú nhỏ giao liên, đi đi về về để chuyển giao khối tình của các danh cầm như Bảy Bá, Năm Vĩnh, Ba Tu, Văn Giỏi, Thanh Hải giành cho bố Sinh. Có rất nhiều chuyện cảm động mà không thể kể hết.
Không thể viết thư, bố Sinh đã nói chuyện và đàn vào băng cassette để tôi mang vào trong đó nhắn gửi với từng danh cầm. Đáp lại, mỗi nghệ nhân lại giao tình theo một cách khác nhau. Bác Bảy Bá thì nói vào băng cho tôi thu: “Kim Sinh có mạnh không, nghe nói đa mang quá mà, tui nhớ Kim Sinh lắm đó, cái vụ anh em mình.., nhớ không?” Bác Năm Vĩnh thì độc tấu gửi tặng bố Sinh những ngón đàn xuất thần của ông. Riêng chú Ba Tu, đã cất công bật băng Kim Sinh gửi đề hòa tấu theo kiểu “hữu thanh vô hình”- đối thoại với Kim Sinh… Sư phụ tôi- hoàng đế lục huyền cầm Văn Giỏi và đại ca Thanh Hải thì lần nào cũng gửi tôi mang cả xấp tiền về cho bố. Còn nhiều lắm, những câu chuyện cảm động giữa những bậc tài danh cổ nhạc.
Không chỉ trong nước, tài danh cổ nhạc Kim Sinh cũng đã được biết đến nhiều nơi trên thế giới. Bố Sinh tôi cũng đã từng được mời lưu diễn ở Nhật Bản và Mỹ. Không phải bàn nhiều về chuyện này, có thể tìm trên mạng những album Kim Sinh mà người ta đã phát hành. Chuyện vui nhất ở những chuyến xuất ngoại đó, bố kể: “Tao cứ nghe thấy bà nào xì xồ chào tao là không dám đưa tay ra bắt, phải đợi họ nắm tay trước. Mẹ! Nhỡ đụng nhầm vào… thì…!” Hay khi được phóng viên hỏi cảm giác của ông về nước Mỹ. Ông cười mà than rằng: “Khốn nạn, tôi có nhìn thấy gì đâu, thành phố các ông, cái nào cũng giống nhau cả thôi, loanh quanh trong phòng thu, thơm thơm mùi Tây và… tối như hũ nút!”
Buổi xế chiều, nghề Cải lương không còn đất dụng võ, bố Sinh tôi quay sang nghề tay trái- Hát Văn. Giới nghề hiện nay vẫn thừa nhận, ông là một tay cung văn có hạng. Các bậc cao niên trong nghiệp Hát Văn cũng phải kính nể ông vài phần. Nhiều năm qua, bên cạnh nguồn lương hưu, ông chủ yếu kiếm miếng ăn qua cửa Điện thần Tứ phủ. Song tuổi cao sức yếu không chiều mãi lòng người, “keng keng, cốc cốc cốc cốc keng keng” cũng không được nhiều! Khổ nỗi, ông không thể tự hành nghề này một mình. Bởi trong lễ thức lên đồng, người cung văn buộc phải theo dõi bà đồng, xem họ làm gì để biết đường còn sắp đặt các điệu nhạc cho phù hợp, ăn nhập. Thường thì bố Sinh tôi luôn làm chung với 1 cung văn khác. Họ đánh phách, hát và theo dõi lễ thức để chủ động dẫn dắt, bố chỉ đàn theo. Thế nên cũng bất tiện nhiều phần. Đấy là chưa kể ở nơi chốn thờ phụng, hương khói đậm đặc, cũng bất lợi cho sức khỏe; hay mỗi lần đi vệ sinh, ăn uống đều phải có người đưa dắt, mà chỗ lên đồng lúc nào cũng chật như nêm cối…
Cả một thời hoàng kim rực rỡ ánh đèn sân khấu, nay đã trở thành hoài niệm. Hoàng hôn đời bố Sinh tôi màu gì? Ai dám nói? Hôm nay, lại đến ngày giỗ Tổ nghề, cũng như bao năm tháng đã qua, bố lại lọ mọ đến các đoàn Cải lương dâng hương tế Tổ. Một kiếp đại danh cầm cổ nhạc đất Bắc, vậy đó!