Nghệ ít thuật nhiều

28/03/2014

Bước vào xã hội hiện đại với sự bùng phát của nhiều trào lưu nghệ thuật, tính đa nguyên cộng hưởng với vai trò thượng tôn công nghệ… đã đưa nghệ thuật tới tình cảnh khá đa tạp, thậm chí bát nháo theo chiều hướng nhiều về Thuật mà ít về Nghệ. Đây phải chăng là xu hướng tất yếu của trào lưu nghệ thuật Hậu hiện đại? Bản thân trào lưu Hậu hiện đại đã tiến một bước dài đi tới chỗ gần như phủ định thuộc tính “Tiên thiên” trong Nghệ thuật và đề cao vai trò Hậu thiên của nó. Thuộc tính Tiên thiên hay yếu tố “Nghệ” đề cập trên đây trong nghệ thuật đó chính là tinh thần Sáng tạo. Sáng tạo có thể coi như bản chất của hoạt động nghệ thuật. Còn thuộc tính “Hậu thiên” hay “Thuật” là những yếu tố phái sinh từ kỹ thuật. Nghệ và Thuật là hai mặt của một thực thể, nếu nghiêng theo chiều hướng nào, đặc biệt quá chú trọng vào sự lựa chọn các giải pháp kỹ thuật thì đó là Nghệ thuật cáo chung.

Trong lịch sử phát triển của âm nhạc phương Tây, từ thời Cổ đại Hy Lạp với học thuyết Mô phỏng; đến thời Trung cổ, thế giới quan Thần học chiếm vị trí trung tâm; sau nữa là thời kỳ văn nghệ phục hưng, con người dần dần xác lập vai trò trung tâm của mình thay thế cho Đấng sáng tạo là Thượng đế một cách sáng tạo; rồi thời kỳ nghệ thuật Ba rốc – một giai đoạn hết sức quan trọng trong lịch sử âm nhạc phương Tây – mở ra chân trời xán lạn trong âm nhạc, ca kịch phát triển cực thịnh, nhạc đàn xác lập được vai trò độc lập, âm nhạc phức điệu đạt tới đỉnh cao, hệ thống Hòa thanh cùng với nhiều thể loại âm nhạc quan trọng được hình thành; tới thời kỳ Chủ nghĩa cổ điển mà khởi phát là cuộc vận động Khai sáng nhắm sự phản kháng vào chế độ Phong kiến, vai trò độc tôn của giáo hội đã xác lập tính quân bình giữa lý tính và cảm tính; kế đến thời kỳ Chủ nghĩa lãng mạn, học thuyết Cảm tính thay thế Lý tính, yếu tố cảm tính được chú trọng trong cách biểu hiện của âm nhạc; Chủ nghĩa Hiện đại rẽ sang một bước ngoặt mới làm hình thành diện mạo đa dạng, cá tính hóa với sự nở rộ của các trường phái Ấn tượng, Chủ nghĩa biểu hiện, Chủ nghĩa cổ điển mới, Chủ nghĩa Serizem, Chủ nghĩa giản đơn (Limilizem); đến Chủ nghĩa Hậu hiện đại, xét về thực tiễn, những trào lưu âm nhạc mới đi đến chỗ phi định tính, phong cách phức hợp, số hóa, ảo hóa và hàng hóa hóa sản phẩm âm nhạc… Sự thịnh suy trong các trường phái nghệ thuật một mặt nói lên tính phổ biến của sự tồn tại, mặt khác phản ánh tính bản chất của các loại hình nghệ thuật, đó chính là Sáng tạo. Không có sáng tạo sẽ không còn nghệ thuật.

Ở nước ta, việc tiếp cận các trào lưu nghệ thuật mới diễn ra khá nhanh chóng, nhưng theo xu hướng trọng về Dụng mà kém về Thể. Đặc tính này thể hiện rõ rệt trong văn hóa truyền thống. Mặc dù, phải rất lâu sau này, tính đa dạng trong văn mới có điều kiện phát triển. Nhưng, xét từ truyền thống, tính đa dạng trong văn hóa mới chính là bản thể của văn hóa nước ta, khi mà chúng được hình thành từ những cuộc tiếp xúc với nhiều dòng văn hóa ngoại lai, mặt khác, đối với một quốc gia đa tộc người cùng sinh sống trên một vùng lãnh thổ, sự giao lưu qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau là một kết quả tất yếu. Có điều, tính đa dạng trong văn hóa truyền thống này là một kết cấu lỏng lẻo, vì, thiếu chất kết tính của hệ giá trị triết học, mỹ học và lại liên tục bị đứt gãy trong tiến trình lịch sử. Hiện tượng đứt gãy trong văn hóa diễn ra bởi sự tàn phá của chiến tranh, sự khắc nghiệt của thời gian và sự tàn nhẫn của chính hành vi con người. Xét riêng ở góc độ văn tự, kênh chuyển tải thông tin chủ yếu và phổ biến trong nền văn minh loài người, thì nước ta ít nhất đã “đứt gãy” đến vài lần, từ Hán tự sang Hán – Nôm rồi chữ Quốc ngữ theo ký tự ABC… Và hệ quả của nó là người Việt hiện đại nói chung không thể tiếp cận được trực tiếp với những tác phẩm của người xưa. Thêm vào đó, trước sự phát tác một cách mất cân đối của tính chất trọng về “dụng” trong văn hóa, mà ở hầu hết các lĩnh vực, không loại trừ nghệ thuật, yếu tố chiếm vai trò chủ đạo vẫn chú vào “thực tiễn”, khiếm khuyết một cách trầm trọng cơ sở lý thuyết – cái yếu tố “Pháp” trong những hoạt động đó. Cho đến nay, khi các loại hình âm nhạc phát triển khá đa dạng, nhưng Nhạc pháp – cơ sở lý thuyết – vẫn cứ khiếm khuyết đến tội nghiệp, đặc biệt đối với âm nhạc truyền thống. Những nỗ lực của một số nhà nghiên cứu đi trước trong lĩnh vực này không thấm vào đâu so với “khoảng trống” khó thể lấp đầy từ bao đời nay để lại. Vì, nó là sự bất túc trong văn hóa truyền thống tích tụ từ nhiều thế hệ, nên khó thể bổ túc, chỉnh sửa trong một đời, càng không thể lãng quên bằng cách tự huyễn hoặc mình. Bên cạnh đó, sứ mệnh cao cả của những “người đương thời” vẫn còn phải không ngừng sáng tạo ra những giá trị nghệ thuật mới.

Tính chất thực dụng, chỉ chú trọng vào hoạt động thực tiễn dẫn đến nhiều trào lưu sản sinh một ra cách tự phát và nhẫm lẫn về học thuật. Tham chiếu theo dòng chảy lịch sử âm nhạc phương Tây chúng ta thấy, sự thay đổi các trào lưu nghệ thuật luôn là hệ quả của những chuyển biến về quan điểm triết học, mỹ học, chứ không chỉ thuần túy là ngôn ngữ âm nhạc hay cụ thể là kỹ thuật sáng tác. Từ đó, chủ nghĩa Hậu hiện đại là nguyên cớ để ghé vào cái bến Tùy tiện, nhảy lò cò qua các giai đoạn tiệm tiến về học thuật. Thay vào đó lắm khi là trò bịp bợm, giả tạo của kỹ thuật cấp thấp. Nghệ thuật nói cho rốt ráo vẫn là hoạt động sáng tạo. Khi mà tinh thần sáng tạo bị cạn kiệt, có nghĩa là Vốn sáng tạo đã bị thâm hụt, mà người ta còn muốn có Lãi, thì phải giở “Thuật”. Cứ nghe ca khúc hiện hành sẽ thấy nhan nhản các trò phù phép, ú tim của nhiều nhạc sĩ thời nay.

Tại sao, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại vắng bóng những bài viết bóc mẽ, vạch trần… những thói này đến thế. Nhìn tình cảnh của Báo chí cũng thấy hiện thực của tình trạng “lực bất tòng tâm”. Nhiều bài viết về âm nhạc xoáy vào chuyện đời tư của ca sĩ. “Phê bình” về âm nhạc chủ yếu đề cập đến chuyện ăn mặc, những thứ chẳng liên quan gì tới nghệ thuật. Khá hơn là một số nhạc sĩ viết “phê bình” chỉ biết dựa vào lời ca (đối với ca khúc). Chuẩn mực về học thuật bị nhầm lẫn như vậy làm sao có được những chiếc phanh, hay cột báo đèn đỏ trên cung đường âm nhạc? Vượt lên trên hết, tính bát nháo giữ vai trò độc tôn, thật giả lẫn lộn, Ma - Phật cộng tồn... Những người làm Lý luận âm nhạc ngày một hiếm, một số rơi vào não trạng “Ngồi khóc mộ Đạm Tiên”, số khác biết mà chẳng thốt nên lời… Nói tóm lại, tình cảnh Hậu hiện đại hẩm hiu từ trong thâm tâm những người làm âm nhạc ra tới đời sống âm nhạc. Thêm vào đó, còn phải kể đến tác động của các tổ chức nghề nghiệp. Hiệp hội nghề nghiệp ở ta lâu nay chưa từng là Tổ chức quyền uy về mặt học thuật. Giải thưởng của Hội nghề nghiệp vẫn diễn ra, nhưng âm thầm và hết sức tẻ nhạt. Trong khi giải thưởng của các tổ chức quan phương trở thành quyền uy, giải thưởng của báo chí trở thành thời thượng, giải thưởng của truyền hình thì vô cùng sang trọng! Mặc dù, những đơn vị tổ chức trao giải, dù là quan phương hay phi quan phương, họ vẫn mời thành viên ban giám khảo là những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Nhưng, tùy thuộc vào giải thưởng của tổ chức nào mà tiêu chí được xác lập khác nhau. Chưa kể, thành viên trong Ban tổ chức lắm khi cũng đã bát nháo rồi. Chính vì thế, đời sống âm nhạc ở những đô thị của chúng ta hôm nay cũng chẳng khác nào bộ mặt giao thông, ai cũng tiến lên phía trước trong tình cảnh hỗn độn. Món ăn tinh thần cũng có điểm giống như thức ăn vật chất, ngon đấy, bổ đấy, nhưng thiếu an toàn. Tất nhiên, nghe nhạc chẳng đến nỗi gây ra bệnh Sida, Ung thư, nhưng đối với sự hình thành năng lực thẩm mỹ thông qua quá trình hun đúc từ bối cảnh văn hóa ở thế hệ trẻ - bộ phận quan trọng - góp phần làm nên tố chất thẩm mỹ đại chúng trong tương lai thì tác hại nhãn tiền chưa biết đến bao giờ mới tìm ra thuốc chữa?!

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...