Nghe Capriccio Sông Hàn cùng nhạc sĩ Phan Ngọc

17/04/2014

Sau thành công ngoài mong đợi từ 5 bản giao hưởng và hợp xướng đã mang về cho nhạc sĩ Phan Ngọc Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật; mới đây, bản giao hưởng số 6 viết về thành phố Đà Nẵng có tựa đề Capriccio Sông Hàn tiếp tục khẳng định tên tuổi của ông trên con đường sáng tác nhạc không lời bằng Giải thưởng 5 năm Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (2005- 2010).

Phan Ngọc là một trong số ít những nhạc sĩ theo đuổi con đường sáng tác âm nhạc giao hưởng và hợp xướng. Không chỉ trong nước, những bản nhạc và ca khúc của ông đã từng vang lên hoành tráng trên sân khấu quốc tế và các tác phẩm của nhạc sĩ Phan Ngọc được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, như: Ca khúc “Khúc ca Hơrê” và 4 bản giao hưởng: Emoll “Một thời để nhớ” (1966); “Thung lũng đỏ” (1999); Rhapsodie “Hào khí Tây Sơn” (2002); “Chuyện tình Tiên Sa”…

Capriccio Sông Hàn là bản anh hùng ca lãng mạn về sông quê. Qua bao lần bão giông, dòng sông Hàn cuộn sóng. Người cầm súng đứng lên ra đi để lại buồn vui, thương nhớ. Ngày chiến thắng đợi anh về trong khúc hát hò khoan nhẹ nhàng. Theo nhạc sĩ Phan Ngọc, Capriccio Sông Hàn như một khúc tùy hứng viết cho dàn nhạc giao hưởng hai quãng, dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian xứ Quảng làm nét chủ đạo, để xây dựng hình tượng và phát triển âm nhạc xuyên suốt 3 chương. Đây là bản giao hưởng nhằm khắc họa mọi khía cạnh trong bản chất nhân văn của nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Capriccio Sông Hàn gồm 3 chương. Chương một “Buổi mờ sương”, với nhịp chậm, êm đềm, trữ tình, lãng mạn được nhạc sĩ miêu tả như một con thuyền lạnh chơi vơi, một cánh chim trời chấp chới, bảng lảng lúc hoàng hôn. Bộ đàn dây rì rào xao động. Tiếng kèn Cor ấm áp nhẹ trôi vẫy gọi đánh thức bình minh, bỗng vút lên âm điệu hát hò khoan từ kèn Oboe, Cornoinglese làm say đắm, xao xuyến mạn thuyền.

Chương hai có tên gọi “Cuộn sóng”, bằng nhạc điệu Vivace Furioso với tốc độ nhanh, những chồng âm thanh không ổn định đã miêu tả chân thực về đất và người Đà Nẵng. Thông qua hình tượng âm nhạc, nhạc sĩ Phan Ngọc đã dựng lại hình ảnh người Đà Nẵng đã xông pha trong lửa đạn để chống kẻ thù, có những người đã anh dũng ngã xuống cho đất nở hoa. Trong chương này, Phan Ngọc đã “để lại” một hành khúc tang lễ tưởng nhớ những người đã ngã xuống bằng những âm thanh vô điệu tính, miêu tả dòng sông tím bầm cuồn cuộn trong màu xám lửa, phong ba bão tố, cánh chim trời tơi tả, giặc tràn vào bắn phá, người cầm súng đứng lên, ra đi để lại dòng sông buồn vui, thương nhớ và đợi ngày chiến thắng đón anh về.

Capriccio Sông Hàn kết thúc bằng chương ba với chủ đề “Sông Hàn reo”. Chủ đề xuyên suốt trong chương này là anh hùng ca cách mạng, tình yêu khát vọng được tái hiện mạnh mẽ, xanh tươi, mang hồn dân tộc với những điệu nhạc sôi động, lạc quan, náo nức bàn chân, thoăn thoắt tay chèo, hò khoan hố khoan, Đà Nẵng bay lên trong khúc ca huy hoàng.

Có thể nói, với nội dung tư tưởng cao, cùng với cảm hứng sáng tác được chắt lọc từ cuộc sống, Capriccio Sông Hàn một lần nữa khẳng định tên tuổi của nhạc sĩ Phan Ngọc trong nền âm nhạc nước nhà nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Trong thời gian đến, ông mong muốn, để nhạc giao hưởng đến với công chúng rộng rãi hơn, Nhà nước, các nhà tài trợ... cần tăng cường hỗ trợ để nhiều chương trình giao hưởng đến với công chúng, từng bước góp phần để cho nền khí nhạc và giao hưởng Việt Nam phát triển. Bởi theo nhạc sĩ, để giao lưu, giao tiếp với thế giới, chỉ có hai thể loại nhạc đầu tiên là âm nhạc dân tộc độc đáo và nhạc khí giao hưởng không lời.

Nhạc sĩ Phan Ngọc tên thật là Phan Bê, sinh năm 1936 tại Quảng Ngãi. Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nguyên Phó Trưởng đoàn Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn ca múa Quân khu 5; được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất, Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 3 Huân chương Chiến sĩ Giải phóng, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam. Chỗ ở hiện nay, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

(Nguồn: http://www.baodanang.vn)

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...