Nghe bài hát “Đi học” nhớ nhạc sĩ Bùi Đình Thảo
Hồi nhạc sĩ Bùi Đình Thảo còn sống, các nhạc sĩ Hoàng Hà, Mộng Lân và tôi hay về Duy Tiên (Hà Nam) quê ông. Vì gần Hà Nội, nên có đến 4 lần về với nhau “chén tạc, chén thù” rất chân tình và rôm rã. Trước khi trở về Hà Nội chúng tôi còn được biếu gói trà ướp hoa Nhài ngan ngát hương thơm.
Sau khi thu thanh bài hát “Đi học” - Bùi Đình Thảo phổ nhạc bài thơ cùng tên của Minh Chính - ông mời chúng tôi về chiêu đãi bữa thịt Chó thật khó quên. Vừa ăn vừa mở băng bài hát cùng nghe, thu hút cả bà con hàng xóm. Ai cũng khen hay, ai cũng chúc tụng.
Bài hát “Đi học” gọn gàng, xinh xắn này tác giả viết cho các em thiếu nhi miền núi, nhưng mức độ phổ biến sau đó của nó đã vượt quá khoảng không gian trong dự định của người sáng tác.
Bùi Đình Thảo đã khéo léo lựa chọn những đoạn thơ giầu hình ảnh và cô đọng nhất của Minh Chính để phổ nhạc.
“Hương rừng thơm đồi vắng
Nước suối reo thầm thì
Cọ xoè ô che nắng
Râm mát đường em đi
Chim đùa reo trong lá
Cá dưới khe thì thào
Hương rừng thơm chen hương cốm
Em tới trường hương theo…”
Với chất liệu âm nhạc mang âm hưởng của dân ca miền núi phía Bắc, bằng một giai điệu khoan thai, nhẹ nhàng, trong sáng, có những nốt luyến láy duyên dáng, âm nhạc của ca khúc “Đi học” đã làm cho lời thơ bay bổng.
Bài hát được câu tạo ở thể 3 đoạn. Trước khi vào đoạn thứ nhất có nét nhạc dạo đầu, nét nhạc này mang âm hưởng Tính Tẩu – một loại nhạc cụ quen thuộc của đồng bào Tày, Viêt Bắc. Nét nhạc đó như một sợi chỉ xuyên suốt bài, nó vang lên ở giữa đoạn nhạc thứ nhất với đoạn nhạc thứ hai, tiếp tục làm cầu nối sang đoạn thứ ba để kết thúc.
Dùng thủ pháp sử dụng một nét nhạc “gian tấu” xen kẽ giữa các đoạn nhạc chính trong khúc thức, tác giả gắn liền toàn bộ bài hát thành một khối thống nhất.
Đường nét giai điệu của bài hát được tiến hành chủ yếu bằng những quãng hẹp, rất ít những quảng nhảy do đó tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng, diễn tả được tính cách hồn nhiên, trong sáng vô tư và lạc quan của các em nhỏ trên đường tới lớp.
Tiết tấu của cả 3 đoạn nhạc đều nhất quán trên một âm hình, nhưng đã tránh được sự đơn điệu vì giai điệu mỗi đoạn đều có sự tương phản nhất định. Sự tương phản này không lớn, không mạnh, và chủ yếu chỉ bằng sự thay đổi độ cao. Đoan thứ nhất ở âm vực thấp sang đoạn thứ hai, vẫn tiết tấu nhạc khá rõ khi dùng thêm tiếng đệm “ơ…ơ…” ở câu thơ “Mẹ dắt tay từng bước” Sự phát triển đó dừng lại ngay khi câu nhạc tiếp theo ứng với lời ca “Chim đùa reo trong lá, cá dưới khe thì thào. Hương rừng chen hương cốm, em đến trường hương theo”. Nét nhạc ở đây đã nhắc lại câu nhạc cuối của đoạn thứ nhất có biến hoá chút ít. Sự tái hiện này có tác dụng khắc hoạ thêm nét nhạc xuất hiện ở trên.
Sang đoạn thứ ba, vẫn dùng tiết tấu của hai đoạn trước, giai điệu ở đây cũng tiến hành âm vực cao như đoạn hai. Những công năng hoà thanh đã chuyển sang hướng “át” làm nền, tạo được cảm giác mới so với hai đoạn trên. Tiếp đó tác giả cho tái hiện nét nhạc và lời ca “Hương rừng thơm đồi vắng, nước suối trong thầm thì, cọ xoè ô che nắng, râm mát đường em đi”. Đây là lần thứ ba nét nhạc đó được khắc hoạ đâm nét làm cho người nghe dễ dàng nhớ được âm hình mang tính chủ đạo của bài. Sự khéo léo về cách xử lý lời thơ của tác giả âm nhạc chính ở chỗ đó.
Mặt khác, việc sử dụng chất liệu dân gian một cách nhuần nhuyễn làm cho giai điệu đậm đà tính dân tộc, mang rõ phong cách miền núi nhưng không bị trùng lặp. Với những bài dân ca hoặc những giai điệu miền núi quen thuộc khác cũng là một ưu điểm của bài hát.
Nếu trong sáng tạo nghệ thuật nội dung quyết định hình thức thì ở “Đị học” đã hình thành một dạng “Khúc thức” mới, dạng này khó tìm thấy trong những sơ đồ khúc thức quen thuộc mà lí luận về khúc thức học đã tổng kết. Theo tôi đây có thể xem là một đóng góp của Bùi Đình Thảo.
Hàng năm, cứ đến năm học mới lại có bao em nhỏ lần đầu tiên cắp sách đến trường. Em bước đi trong dáng điệu rụt rè, ngỡ ngàng, nắm chặt tay mẹ và líu ríu bước theo sau. Những em nhỏ ấy hẳn hồi hộp và xúc động lắm. “Đi học” là một bài hát đã ghi lại cảm xúc đó của các em nhỏ và được đông đảo thiếu nhi cũng như người lớn ưa thích.
Cùng với các ca khúc khác viết cho thiếu nhi như: “Em đi giữa biển vàng”, “Sách bút thân yêu ơi”, “Chúng em làm cô Tấm”… Đi học” cũng là một bài hát hay của nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (1931 – 1997) - một ca khúc tạo nên ấn tượng đẹp trong tâm hồn mọi người và trở thành bài ca đi cùng năm tháng./.
(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)