Ngẫu hứng trên chủ đề “nhạc trẻ” và cái mới trong sáng tác ca khúc
Thú thực, tôi luôn cảm thấy bối rối mỗi khi nhận được những “đơn đặt hàng” kiểu như: “Các xu hướng sáng tác nhạc trẻ”, “Định hướng và nâng cao chất lượng nhạc trẻ”, “Những vấn đề về nhạc trẻ trong lĩnh vực sáng tác ca khúc”... Bản năng cầu toàn cầu an trong tôi thường lên tiếng: “Ba mươi sáu kế, kế chuồn là hơn cả!”.
Không ngại ngần sao được khi bạn buộc phải làm cái việc cày xới, đào bới vào lĩnh vực sáng tác đối với loại nhạc ngay đến tên gọi của “nó” còn chưa thống nhất, và khái niệm về “nó” còn chưa đủ minh bạch để dám chắc không dây vào một cuộc tranh luận ông nói chằng bà nói chuộc. Còn nhớ trước đây từng xuất hiện các cụm từ gây nhiều tranh cãi: nhạc vàng, nhạc đỏ, nhạc xanh, nhạc nhẹ..., và giờ đến nhạc trẻ.
Nhạc trẻ trong lĩnh vực ca khúc hiểu nôm na là những bài hát được tuổi trẻ ưa chuộng. Tuổi trẻ “tiêu thụ” đủ loại. Bên cạnh những bài ca trẻ trung, sôi nổi, thích hợp với lứa tuổi năng động còn có những tình ca mềm mại, sâu lắng, thậm chí có cả sướt mướt, ảo não, quằn quại... Bên cạnh chủ đề tình yêu đôi lứa vốn là đề tài “ruột” của giới trẻ, họ khoái cả những bài ca về quê hương, tình người nói chung, về bản thân; thí dụ, những bài hát chủ đề thân phận của Trịnh Công Sơn được công chúng trẻ đặc biệt yêu thích. Bên cạnh những bài mang phong cách nhạc giải trí ngoại quốc disco, country, pop, rock, rap, jazz..., nhạc trẻ còn “thu nạp” cả ca khúc mang màu sắc dân tộc, như hàng loạt bài giàu chất dân ca của Phó Đức Phương, Nguyễn Cường...
Như vậy, ý nghĩa của từ “nhạc trẻ” được xác định không hẳn theo tiêu chí nội dung đề tài, tính chất âm nhạc, thể loại âm nhạc... (tóm lại những tiêu chí mang tính chuyên môn), mà chủ yếu theo tuổi tác của đối tượng thưởng thức. Từ này lại không an phận trong cái nghĩa giản đơn đó. Nó vượt khỏi khái niệm thị hiếu để lấn sang khái niệm tính chất. Trên báo chí, trong hội thảo, nhạc trẻ vẫn được dùng như một thuật ngữ chính thức để chỉ tính chất một loại nhạc. Mâu thuẫn nảy sinh giữa ý nghĩa và cách sử dụng cụm từ này: ý nghĩa nhằm vào cái biến động linh hoạt, nhưng cách dùng lại như ám chỉ cái cố định không đổi. Làm sao tránh được hiểu lầm trong ngữ nghĩa khi cứ lập lờ giữa hai phạm trù khả biến và bất biến. Thiếu gì cái để bắt bẻ nhau, chẳng hạn: vài chục năm sau, hành khúc vẫn sẽ là hành khúc, tình ca vẫn sẽ là tình ca, nhưng nhạc trẻ của hôm nay sẽ gọi là gì nếu nó không còn phù hợp với tuổi trẻ ngày mai, và chỗ của nó được thay thế bằng những bài hát mới theo nhu cầu thị hiếu không ngừng biến đổi? Chẳng lẽ đẩy những bài hát cũ “lên lão” với tên gọi “nhạc già” theo tuổi tác thế hệ gắn bó với chúng?
Cũng vì xuất phát từ những khái niệm khác nhau nên người này tuyên bố không chút do dự: “Tôi đang viết nhạc trẻ đây!”, còn những người khác thường chỉ biết chắc họ đang viết tình khúc, hài khúc hay hành khúc..., cho tới lúc bài hát được giới trẻ “tôn vinh” thì tác giả mới hay rằng đứa con tinh thần của mình được xếp vào nhạc trẻ.
Tôi không muốn lạm dụng từ nhạc trẻ như một dòng âm nhạc, một tính cách, trường phái hay xu hướng sáng tác. Trong bài viết này, nhạc trẻ chỉ đơn giản là những bài hát đang được giới trẻ quan tâm.
Có lẽ mọi vấn đề của ca khúc dành cho tuổi trẻ đều liên quan đến cái mới. Tuổi trẻ luôn bị hấp dẫn bởi sự mới lạ. Cái mới là vấn đề muôn thuở trong sáng tác. Thể nghiệm cái gì đó mới mẻ cũng có thể bị coi là “tuyên chiến” với cái cũ đã trở thành khuôn mẫu, đôi khi khuôn sáo. Bởi vậy cái mới dễ dàng chinh phục giới trẻ bao nhiêu, thì cũng dễ bị giới không còn trẻ công kích bấy nhiêu.
Nhớ lại, chính sự hướng tới cái mới lạ của trời Tây đã thôi thúc sự ra đời không cưỡng lại được của Tân nhạc bất chấp phản ứng của phái nệ cổ. Mới lạ đôi khi là cặp bài trùng với thời thượng. Tính thời thượng có mặt tích cực của nó, đó là khi sáng tác đáp ứng kịp thời nhu cầu ca hát và nói lên được khát vọng tâm tình của công chúng. Trong thời chiến từng có một cuộc gặp gỡ hài hòa giữa tính thời thượng và tính thời sự. Nhờ vậy ca khúc thời chống Mỹ đã hoàn thành tuyệt vời “sứ mạng” của mình trong giai đoạn lịch sử “tiếng hát át tiếng bom”. Sang giai đoạn đổi mới, loay hoay chật vật mãi trong cuộc chiến giành giật công chúng với nhạc ngoại, cuối cùng bài hát “nội địa” cũng đã được lột xác, thổi một luồng gió mới mẻ, tươi trẻ, đầy sức sống vào đời sống âm nhạc đương đại.
Song, cũng trong hơn chục năm nay, tính thời thượng không ngừng bộc lộ mặt trái. Thời thượng luôn gắn liền với yếu tố thương mại. Tiêu chuẩn ăn khách trong điều kiện dân trí chưa cao đã nhanh chóng thế chỗ cho chất lượng sáng tác, khiến cho hàng loạt bài hát thuộc danh mục nhạc trẻ biến thành một sự tra tấn lỗ tai thực sự đối với giới hiểu biết âm nhạc. Đó là sản phẩm “ăn liền” của các tác giả nóng vội chạy đua theo mode, trong khi họ thiếu hẳn những yếu tố cần thiết cho một nhạc sĩ chuyên nghiệp dấn thân vào con đường đi tìm cái mới đích thực:
- thứ nhất, kiến thức cơ bản về âm nhạc chung của thế giới (di sản văn hóa của nhân loại);
- thứ hai, kiến thức cơ bản về âm nhạc dân tộc (cổ truyền và đương đại);
- thứ ba, tính cách riêng của tác giả.
Hai yếu tố đầu thuộc trình độ hiểu biết buộc phải tích lũy lâu dài và không có giới hạn để không tụt hậu với thời đại, không rơi vào tình cảnh ếch ngồi đáy giếng. Yếu tố thứ ba thuộc về tài năng, đòi hỏi sự vận động không ngừng để không lặp lại mình, để luôn mới mà vẫn là chính mình. Nếu hai yếu tố đầu là cơ sở vốn liếng tạo nên cái mới, thì yếu tố thứ ba quyết định khả năng làm ra cái độc đáo. Thiếu một trong ba yếu tố trên dễ bị ngộ nhận về cái mới hoặc bất lực trong tìm tòi cái mới. Không học, không biết, cứ tưởng mình mới, có khi đó là cái người ta đã làm từ đời nảo đời nào. Học nhiều, biết nhiều mà trời chẳng cho một tính cách riêng trong sáng tạo thì cũng chịu chẳng nảy ra được gì mới mẻ, khác người. Bỏ qua một trong ba yếu tố ấy có thể vẫn may rủi thành công trong một hai bài hát, nhưng thật phí đời nếu bạn cứ liều mạng quyết chí đeo đuổi sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp.
Chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng nhận diện đúng và nhạy bén về cái mới. Chẳng phải ai cũng luôn đủ vốn liếng và bản lĩnh sáng tạo cái mới. Trong các bài hát cho tuổi trẻ hôm nay vẫn tồn đọng quá nhiều cái chẳng còn gọi là mới mẻ được nữa. Trước đây, cũng vì chuộng cái mới lạ từ nhạc pop - rock mà đã sinh ra phong trào tiết tấu hóa trong sáng tác và biểu diễn ca khúc Việt Nam. Đến nay, việc lạm dụng một âm hình tiết tấu trong giai điệu và áp đặt tiết tấu các điệu nhảy trong phần đệm đã trở thành một trong những nguyên nhân gây phản cảm và dị ứng cho người nghe. Kiểu viết ít sáng tạo, chỉ ăn theo thị hiếu, vuốt đuôi thị hiếu thường đẻ ra những giai điệu non nớt, thiếu cá tính. Giai điệu vốn nhợt nhạt càng bị nhàm chán hơn với lối hòa âm máy móc, già cỗi trên “sườn” công năng giản đơn của nhạc giải trí phương Tây. Có sản phẩm mới ra lò mà chất lượng đã mang hơi hướng tồn kho, “quá đát”. Việc gây ấn tượng bằng những yếu tố hình thức trình diễn, như ngoại hình và phong cách của ca sĩ, các màn minh họa, trang trí, ánh sáng v.v, chẳng khỏa lấp được sự thiếu hụt về chất lượng âm nhạc, nhưng cái mắt đánh lừa cái tai vẫn đang tiếp tục là thủ thuật dàn dựng các chương trình ca nhạc.
Bão hòa với những giai điệu dễ dãi, lĩnh vực ca khúc như đang chờ một cuộc “lột xác” mới. Cũng bắt đầu thấp thoáng vài thể nghiệm mang màu sắc khác lạ. Các nhạc sĩ trẻ được đào tạo chính quy đang cố bứt phá khỏi thói quen tư duy đơn âm. Hòa âm - phối khí có thể là một miền đất hứa cho những tín đồ khai thác cái mới. Để thoát khỏi quan niệm thâm căn cố đế: sáng tác ca khúc chỉ nặn ra một giai điệu là đủ, nhạc sĩ phải viết lấy phần đệm, bè bối hoặc tự hòa âm cho ca khúc của mình, khi ấy con đường sáng tạo càng thêm thênh thang.
Rõ rằng sáng tác cho đối tượng trẻ rất cần tính năng động, nhạy bén và trí tuệ. Đó cũng là những đặc điểm chung của thế hệ trẻ hôm nay. Để năng động, nhạy bén trong sáng tạo không thể thiếu trí tuệ. Dù ca khúc là một thể loại âm nhạc khiêm tốn, dễ hiểu, đại chúng, vẫn mong mỏi cho nó được nâng cao hơn về mặt trí tuệ: vừa chứa đựng trí tuệ của người viết, vừa phản ánh được trí tuệ của đối tượng thưởng thức.
Nói gì đi nữa, cuối cùng vẫn phải nhấn mạnh một điều: để chinh phục người nghe - người nghe trẻ hay già cũng thế thôi, trước hết sáng tác phải bắt nguồn từ cảm xúc chân thực, thiếu cái phần hồn ấy, dù tài cao trí rộng đến đâu cũng chẳng bao giờ bạn chạm được tay tới vòng nguyệt quế của thần Nghệ thuật.
21-3-2002