Nặng lòng với dân ca xứ Nghệ

12/11/2014

Nói đến dân ca xứ Nghệ, những người yêu câu ví, giặm lại nhắc đến NSND Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, người dành cả đời rong ruổi theo những câu hát dân ca ấy, để gìn giữ lại di sản văn hóa của quê hương.

Sinh ra ở thôn Đông Thượng, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An), từ nhỏ, Hồng Lựu đã được đắm mình trong những lời ru, câu Kiều của bà, của mẹ, những bài vè quanh thôn xóm, những câu hát dân ca ví, giặm… Và thế là, những câu hát dân ca của bà, của mẹ đã lặng lẽ đi vào cuộc đời chị từ khi nào không rõ.


NSND Hồng Lựu.

NSND Hồng Lựu kể, lần đầu tiên chị đứng trên sân khấu để hát là năm 4 tuổi. Lần đó, đoàn văn công của Tổng cục Hậu cần về diễn cho đơn vị K55 đóng quân tại làng, các cô trong đoàn văn công khi đó xin ở nhờ tại nhà Hồng Lựu, thấy cô hát hay và đam mê ca hát nên đã cắt vải may cho cô một cái váy để lên sân khấu hát... Khi bài hát kết thúc, những tiếng vỗ tay thật to vang lên, và từ giây phút đó, chị đã ao ước được theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp với mong muốn sẽ hát cho thật nhiều người nghe.

Khi còn nhỏ, Hồng Lựu thường xuyên tham gia vào phong trào văn hóa nghệ thuật ở trường lớp hay thôn xóm. Tốt nghiệp PTTH, Hồng Lựu tham gia thi tuyển vào lớp diễn viên, Khoa sân khấu của trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Đến năm 1997, Hồng Lựu về công tác tại Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh (nay là Trung tâm bảo tồn và phát huy Di sản Dân ca Xứ Nghệ) và bắt đầu bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.


NSND Hồng Lựu gặp gỡ các nghệ nhân để sưu tầm các làn điệu dân ca.

30 đứng năm đứng trên sân khấu, với hơn 60 vai diễn, dù đóng vai chính hay vai phụ, đào thương hay đào lệch, Hồng Lựu đều thể hiện trọn vẹn vai diễn của mình và để lại những dấu ấn khó quên trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và khán giả. Chị đã từng 8 lần tham gia Liên hoan Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, giành được 8 Huy chương Vàng, 3 giải nghệ sỹ xuất sắc.

Không chỉ thể hiện thành công các vai diễn, NSND Hồng Lựu còn tham gia sáng tác, biên tập, chuyển thể kịch bản dân ca, dàn dựng các vở diễn, chương trình nghệ thuật… Với mong muốn gìn giữ di sản văn hóa quý báu của quê hương, ngay từ năm 1993, Hồng Lựu đã nghĩ đến việc truyền dạy dân ca trong trường học. Chị tìm đến trường Đặng Thai Mai (thành phố Vinh) đề nghị được truyền dạy hát dân ca cho các em học sinh trong trường. Được sự đồng tình của các thầy cô trong trường, NSND Hồng Lựu đã sưu tầm, tìm các làn điệu dễ hát, phù hợp với lứa tuổi học sinh để dạy cho các em.

Chị còn lồng ghép kiến thức ở bài dạy trong môn sử, môn văn trên lớp chuyển thành các làn điệu dân ca cho các em học thuộc. Vừa dạy cho học sinh trong trường học, Hồng Lựu vừa thường xuyên dạy hát dân ca trên sóng truyền hình Nghệ An. Những buổi dạy học hát dân ca của chị đã làm phong trào hát dân ca ở Nghệ An lan tỏa rộng rãi, nhiều trường học, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được các câu lạc bộ hát dân ca và dân ca xứ Nghệ đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong các phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương, trong các tiệc cưới hỏi, lễ Tết...

NSND Hồng Lựu tâm sự: “Không chỉ dạy cho thế hệ trẻ cách hát dân ca cho đúng, cho hay, mong muốn lớn nhất của tôi là hình thành ý thức bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ trong thế hệ trẻ. Khi “sống” được trong cộng đồng, thì dân ca ví, giặm sẽ được bảo tồn và phát triển bền vững”.

NSND Hồng Lựu cho biết, dân ca xứ Nghệ có sức sống hơn các làn điệu vùng miền khác, bởi nó luôn sống theo thời cuộc. Lời của các bài hát đều do người dân tự sáng tác theo suốt chiều dài hình thành và phát triển đất nước. Vì vậy, để dân ca đi vào lòng người, người sáng tác cũng phải biết vận dụng vào thực tiễn cuộc sống hôm nay. Có như vậy, dân ca ví, giặm xứ Nghệ mới có sức sống trường tồn, mới thu hút được người nghe.

Kể từ khi Chính phủ đồng ý chủ trương làm hồ sơ dân ca ví, giặm Nghệ An để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, NSND Hồng Lựu lại miệt mài cùng đồng nghiệp rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm, điền giã tới các miền xa xôi, hẻo lánh ở Nghệ An để sưu tầm, tập hợp và gây dựng các câu lạc bộ dân ca, lấy đó làm tư liệu để xây dựng hồ sơ di sản. Những cống hiến của NSND Hồng Lựu đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, phong tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Chị cũng là nghệ sỹ đầu tiên được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ nhân dân ở Nghệ An.

(Nguồn: http://baotintuc.vn)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...