Năm cuộc luận chiến trong giới nhạc cổ điển
Âm nhạc cổ điển vốn có tiếng là quý phái song cũng đầy rẫy những cuộc luận chiến và những vụ bê bối. Clemency Burton-Hill chọn ra một vài sự vụ đình đám nhất trong số đó.
Cảm giác cứ như bị giết vậy”, nhạc trưởng 21 tuổi Jonas Tarm diễn tả chuyện cách đây không lâu Dàn nhạc Giao hưởng Trẻ New York (NYYS) hủy bỏ buổi diễn tại Carnegie Hall tác phẩm đoạt giải thưởng March to Oblivion (Hành khúc tới Lãng quên) do anh sáng tác. Xem tác phẩm của mình là “dành cho các nạn nhân phải chịu đựng sự tàn ác và hận thù của chiến tranh, của chế độ độc tài và chủ nghĩa dân tộc cực đoan - trong quá khứ và hiện tại”, người đoạt giải cuộc thi First Music1 danh tiếng đã trích dẫn âm nhạc từ cả quốc ca Ukraine dưới thời Xô viết lẫn từ ca khúc chính thức của đảng Quốc xã, Horst Wessel Lied2. Trong tờ giới thiệu chương trình, Tarm không nói rõ mình đã làm như vậy hoặc tại sao lại làm như vậy.
Trong một tuyên bố công khai dài dòng, giám đốc điều hành của NYYS nói: “… vì thiếu tính minh bạch và sự chấp thuận của các bậc phụ huynh, chúng tôi không thể tiếp tục dùng tác phẩm này làm tiết mục chính trong chương trình.” Tarm thì hùng hồn bảo vệ cho quyền “tự thân biểu đạt” của âm nhạc và miêu tả việc làm của NYYS là hành động kiểm duyệt. (Nhân thể, nên biết rằng hiện nay việc biểu diễn Horst Wessel Lied ở Đức vẫn là bất hợp pháp).
Vẫn là vấn đề xưa cũ và gây nhiều tranh cãi mà chúng ta còn lâu mới trả lời được, đó là liệu âm nhạc, một tập hợp những rung động âm thanh, có thể “mang ý nghĩa” gì không - và nếu có thì chúng ta nên phản ứng như thế nào với ý nghĩa đó. Âm nhạc cổ điển có thể mang danh là một thể loại tinh tế và quý phái, nhưng lịch sử của nó cũng đầy rẫy những cuộc tranh cãi và bê bối - hãy nhớ đến những khiêu khích của Wagner hay Stravinsky, tác giả của “Lễ bái xuân” đã châm ngòi cho cuộc nổi loạn huyền thoại nhất trong lịch sử âm nhạc, những khiêu khích vẫn chưa dứt cho đến ngày nay. Dưới đây là một số tác phẩm cổ điển khác đã gây rùm beng - vì lý do chính trị, ca từ hay thẩm mỹ - trong vài thế kỉ qua.
St John Passion của JS Bach (1724)
Chúng ta không hẳn nghĩ về cha đẻ của âm nhạc cổ điển như một nhân vật chuyên gây scandal, mặc dầu, như cuốn tiểu sử đáng chú ý của John Eliot Gardiner được xuất bản hồi năm ngoái chứng minh, chúng ta cũng không nên coi ông như thánh chỉ vì ông đã viết ra thứ âm nhạc siêu phàm như vậy. Nhưng việc Bach soạn St John Passion [Khổ nạn của Chúa theo Phúc Âm Thánh John], đặt nền móng cho thể loại canon cổ điển, đã để lại vị đắng nơi miệng một số người. Năm 1995, một cuộc biểu tình phản đối của sinh viên nổ ra ở Đại học Swarthmore, Philadelphia, sau khi các thành viên đội hợp xướng không chịu hát những ca từ mà họ cho là có tính bài Do Thái. (Vấn đề là, bản Phúc Âm trên đây gọi những kẻ thù của Chúa là “Lũ Do Thái, lũ Do Thái, lũ Do Thái”3; từ này được lặp lại 70 lần trong suốt tác phẩm dài 110 phút. Năm 2000, vào dịp kỉ niệm 250 năm ngày mất của nhà soạn nhạc, công chúng đã tuần hành phản đối buổi biểu diễn bản St John Passion tại Oregon Bach Festival4, với một giáo sĩ Do Thái đứng canh cho cuộc biểu tình và một giáo sĩ Do Thái khác từ chức ở ủy ban tổ chức Festival.
Các nhà phê bình đã lao vào tranh cãi: nghiên cứu về chủ nghĩa Luther, chủ nghĩa bài Do thái và bản St John Passion của Bach do Michael Marissen tiến hành đã khảo sát chuyên sâu cách nhà soạn nhạc xử lý phần lời “đầy thách thức” của bản phúc âm. Tuy nhiên, hầu hết các nhà bình luận đều chỉ trích quan điểm của Robert L Marshall, học giả danh tiếng về Bach, rằng St John Passion “cất lên tiếng nói cho một số trong những tình cảm cao quý nhất của tinh thần con người [và] cả kiệt tác vô song này lẫn tác giả vô song của nó đều chẳng cần lời biện bạch nào cả.”
Giao hưởng số 3 "Anh hùng", từng được biết đến dưới tên "Bonaparte" của Ludvig van Beethoven (1804)
Câu chuyện đằng sau lời đề tặng bản giao hưởng số ba của Beethoven là một dạng huyền thoại âm nhạc. Như cây bút chuyên về âm nhạc Tom Service của BBC viết: “Hãy hình dung nếu không có sự can thiệp của các vụ việc và Beethoven cứ theo kế hoạch ban đầu của mình thì bản giao hưởng số ba đã được đặt tên là ‘Bonaparte’. Hãy hình dung nếu vậy thì đã có hàng tập diễn giải và phân tích theo hướng gắn tác phẩm với sự nghiệp của Napoleon, những lý tưởng nhân văn và cả những hành động lịch sử quá-đỗi-là-nhân văn của nó.”
Beethoven mường tượng quy mô của tác phẩm thật là vĩ đại - thậm chí ông còn phác thảo ra một chương trình về cuộc đời Bonaparte trong khuôn khổ các chương của giao hưởng - cho đến năm 1804 khi ông biết tin Napoleon đã tự phong hoàng đế. Lời đề tặng ban đầu cho Bonaparte bị xóa bỏ. Beethoven tuyên bố Napoleon là “một tên bạo chúa”, kẻ “sẽ nghĩ mình là bề trên với tất cả mọi người”, và đặt lại tên cho bản giao hưởng là “Anh hùng”.
Bản giao hưởng cũng gây tranh cãi về mặt âm nhạc, khiến người rất hâm mộ Beethoven là Hector Berlioz có lúc phải kêu lên “nếu đó thật sự là điều Beethoven muốn... thì phải thừa nhận rằng ý thích bất chợt này thật ngớ ngẩn!”
Dù ngớ ngẩn hay không, Eroica vẫn sừng sững như tượng đài văn hóa quan trọng nhất của mọi thời đại.
Parade của Erik Satie (1917)
“Ngài và bạn thân mến - ngài không chỉ là một cái mông đít mà còn là một cái mông đít không có âm nhạc.” Đó là lời phán quyết của Erik Satie về nhà phê bình Jean Poueigh, người đã đả kích âm nhạc của ông trong vở ballet Parade dài 15 phút theo hợp đồng với đoàn Ballet Nga của Diaghilev. Poueigh sau đó đã kiện Satie và giành phần thắng tại phiên tòa. Luôn luôn là một nhà soạn nhạc kỳ cục và lập dị, Satie có xu hướng tận dụng những hiệu ứng âm thanh cấp tiến so với thời bấy giờ như tiếng gõ máy chữ lách cách, tiếng chai sữa va nhau leng keng, tiếng súng nổ, tiếng còi tàu và còi tầm. Tiên phong ư? Dĩ nhiên rồi, nhưng khán giả Paris trong buổi công diễn lần đầu ngày 18/05/1917 đã đứng về phe Poueigh: họ la ó, huýt gió và thậm chí ném cả cam vào dàn nhạc.
4’33” của John Cage (1952)
Cage, học trò của Arnold Schoenberg, tuyên bố 4’33” là tác phẩm “quan trọng” nhất của mình; còn các nhà phê bình âm nhạc thì tuyên bố nó là một trò đùa dở. Tổng phổ của tác phẩm ba chương này chỉ dẫn người biểu diễn không chơi nhạc trong suốt thời lượng tác phẩm, nhằm khuyến khích thính giả hòa mình vào những âm thanh bao quanh khán phòng hòa nhạc5. Cage, vốn chịu ảnh hưởng lớn từ Thiền tông Phật giáo, lần đầu tiên nêu ý tưởng soạn một tác phẩm hoàn toàn tĩnh lặng trong lần thuyết trình tại Đại học Vassar vào cuối những năm 1940. Tuy nhiên, ông tiên liệu rằng một tác phẩm như vậy sẽ “không thể hiểu nổi trong bối cảnh châu Âu” và có vẻ như đã miễn cưỡng viết nó ra: “Tôi không mong nó có vẻ như một cái gì dễ làm hay như một trò đùa, kể cả với tôi”, ông nói vào thời điểm đó. “Tôi muốn làm ra nó trọn vẹn đúng như tôi muốn và có thể sống với nó.” Năm 1951, ông sống trong một căn phòng không có tiếng vọng tại Đại học Harvard và trải nghiệm thu được đã đem đến cho ông sự tự tin cần thiết để theo đuổi ý tưởng. “Tôi nghe thấy hai âm, một cao và một trầm,” ông giải thích. “Khi tôi miêu tả chúng cho viên kỹ sư phụ trách, anh ta nói với tôi rằng âm cao là hệ thống thần kinh của tôi đang hoạt động còn âm trầm là máu của tôi đang lưu thông.” Anh ta nói thêm một cách đắc thắng: “Những âm thanh vẫn có đó cả khi tôi chết. Và sau khi tôi chết chúng sẽ vẫn tiếp diễn. Người ta không cần phải sợ cho tương lai của âm nhạc.”
Tuy nhiên, một số thính giả nói tương lai của âm nhạc chưa bao giờ bị đe dọa như vậy. Ngay từ buổi công diễn ra mắt tại Woodstock, New York, năm 1952, những kẻ gièm pha đã bị 4’33’’ chọc tức và nổi giận. “Họ không nắm được vấn đề,” Cage nói về các khán giả đầu tiên ấy. “Chẳng có gì là thinh lặng cả. Cái mà họ nghĩ là thinh lặng, bởi họ không biết cách lắng nghe, lại đầy những âm thanh ngẫu nhiên. Bạn có thể nghe thấy tiếng gió lao xao ngoài kia trong chương đầu tiên. Trong chương thứ hai, tiếng mưa rơi bắt đầu tí tách trên mái, còn trong chương thứ ba chính con người tạo ra đủ loại âm thanh thú vị khi họ nói chuyện hoặc bỏ ra ngoài.” Cuộc tranh luận đến nay vẫn đang tiếp diễn. Liệu đó có phải âm nhạc không? Tùy bạn quyết định.
Four Organs của Steve Reich (1970)
Người đi nghe hòa nhạc cổ điển New York nói chung khá nghiêm trang, song vào ngày 18/01/1973 thì không phải vậy. Tác phẩm của Reich viết cho bốn đàn organ Hammond và nhạc cụ gõ maraca theo đặt hàng của Michael Tilson Thomas - nhạc trưởng trẻ tuổi có tầm nhìn xa trông rộng của Dàn nhạc giao hưởng Boston (BSO), người đã không e ngại đưa nó vào chương trình bên cạnh các tác phẩm như của Mozart, Bartók và Liszt. (Chính các nhà soạn nhạc này từng là kiến trúc sư cho những cuộc cách mạng âm nhạc.) Nhưng theo một nhà phê bình thì phản ứng của khán giả tại đêm nhạc ở Carnegie Hall đã liên tục chuyển gam, hết “la ó ầm ĩ” tới hú hét đe dọa, một số người vừa chạy dọc lối đi vừa gào “Thôi được rồi, tôi xin thú nhận!”, một phụ nữ đứng tuổi nện giày lên sân khấu hòng bịt miệng BSO. Ấy thế mà tới năm 2011, Carnegie Hall rầm rộ kỉ niệm 75 năm ngày sinh của “một trong những nhà soạn nhạc đương thời vĩ đại nhất nước Mỹ”. Chắc bạn đã đoán ra, đó là Steve Reich...
_________________________________________________________
Chú thích:
1. Cuộc thi âm nhạc hằng năm do NYYS tài trợ từ 31 năm nay, được coi là nơi chuyên phát hiện các nhà soạn nhạc trẻ tài năng dưới 30 tuổi, những người sẽ sớm tỏa sáng trong tương lai.
2. Tức “Bài ca của Horst Wessel”, do Horst Wessel - chỉ huy của Sư đoàn Bão Táp (SA) ở quận Friedrichshain, Berlin - viết lời năm 1929.
3. Một trong những sự kiện chính được tường thuật trong Phúc Âm theo thánh John là việc Chúa bị người Do Thái chối từ.
4. Lễ hội được tổ chức hằng năm ở TP Eugene, bang Oregon, Mỹ.
5. Bản nhạc nguyên tác có đề tốc độ, và có ba chương, nhưng hoàn toàn trống trơn. Khi công diễn, người nghệ sỹ mở nắp đàn rồi ngồi im, chỉ đóng và mở lại nắp đàn giữa các chương.
(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)