Mua vui người lớn bằng cuộc thi trẻ con: Sự lãng phí đáng tiếc

09/07/2014

Các cuộc thi được tổ chức với danh nghĩa tích cực nhưng kết quả không như những gì nhà tổ chức đề ra, không đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội

Đúng nghĩa một cuộc chơi trên sóng truyền hình, khi “game over” (trò chơi kết thúc), nhiều người cũng nhanh chóng lãng quên như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Không đơn vị sản xuất nào phải chịu trách nhiệm về tương lai của những tài năng mà họ tìm kiếm được qua cuộc thi bởi đơn giản, chương trình là một sân chơi có kỳ hạn. Sau cuộc thi, dù các em có giỏi đến đâu vẫn bị bỏ rơi nếu gia đình không nhận thức đúng và đủ điều kiện cho trẻ đến những trường lớp rèn luyện năng khiếu.

Khai thác hay bóc lột?

Đắt sô diễn là những gì công chúng dễ dàng thấy được ở những thí sinh nhí đoạt giải cao sau khi cuộc thi trên sóng truyền hình kết thúc. Phương Mỹ Chi là một điển hình, nhất là khi em được ông bầu kiêm ca sĩ Quang Lê ký hợp đồng độc quyền. Chạy sô khắp các vùng miền đất nước, Phương Mỹ Chi còn bay sang nước ngoài biểu diễn trong sự háo hức của công chúng. Không chỉ được chào đón ở những chương trình nghệ thuật đầu tư lớn hay sự kiện của các thương hiệu tiếng tăm, Phương Mỹ Chi còn đắt sô diễn tại nhiều phòng trà.


Phương Mỹ Chi được xem là ngôi sao, xét ở khía cạnh mức thù lao, tần số
xuất hiện trên thị trường ca nhạc dưới sự quản lý của ca sĩ Quang Lê
Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Giọng ca 12 tuổi này còn tất bật với những sản phẩm âm nhạc riêng. Trước khi ra mắt album riêng, Phương Mỹ Chi cũng kịp chạy đua quảng bá cho album mới của mình bằng việc tham gia các cuộc thi. Nhìn những gì Phương Mỹ Chi đang làm, có thể xếp em là một ca sĩ chuyên nghiệp, thậm chí được xem là ngôi sao - xét ở khía cạnh mức thù lao, tần số xuất hiện trên thị trường ca nhạc. Nhưng rõ ràng, đó chỉ là góc nhìn thiển cận bởi những gì đang diễn ra không đủ bảo đảm cho một tương lai xa của cô bé.

Chuyện làm việc quá tải của Phương Mỹ Chi cũng từng làm dấy lên dư luận phản đối vì trẻ cần phải được đi học mới có tương lai. Ông bầu Quang Lê trấn an dư luận bằng cách cho cô bé vào học trường quốc tế với lời hứa “chỉ diễn vào cuối tuần”. Song, nhìn vào lịch diễn dày đặc từ Bắc chí Nam của Phương Mỹ Chi, không ai tin cô bé có thể bảo đảm tốt việc học của mình.

Cũng như tất cả chương trình truyền hình thực tế với danh nghĩa tìm kiếm tài năng khác, các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng nhí sẽ chấm dứt vai trò của mình ngay khi nó kết thúc. Mối bận tâm lớn nhất của đơn vị sản xuất chính là làm hài lòng nhà tài trợ và đơn vị quảng cáo - nguồn thu lợi nhuận của họ.

Thí sinh vốn chỉ là những quân cờ trong ván cờ lợi nhuận nên việc lo nghĩ về đường dài cho các em là điều xa vời với đơn vị sản xuất chương trình. Vừa buông chương trình này, lập tức họ phải lao vào chương trình khác. Nếu có bầu sô nào quan tâm thì điều họ muốn chính là lợi nhuận thu được tức thì thay vì phải đầu tư đường dài.

Đào tạo đúng cách

Đối với những giọng ca nhí, yếu tố rèn luyện chuyên môn để giữ giọng đóng vai trò tối quan trọng. Nước Anh từng chết ngất bởi giọng ca thiên thần Declan Galbraith qua rất nhiều ca khúc ăn khách. Được cả thế giới ngưỡng mộ khi mới 7-8 tuổi nhưng 5 năm sau, Declan Galbraith biến mất như chưa bao giờ xuất hiện bởi nhiều yếu tố mang tính chủ quan lẫn khách quan tác động.

Hiện tượng vỡ giọng ở những “giọng ca thiên thần” đưa các em từ ánh hào quang vào bóng tối. Đó là sự thật và cũng không phải là điều quá bất ngờ. Từ những bài học nhãn tiền, nhiều nhà đầu tư chiến lược đúc kết kinh nghiệm: “Sự đào tạo bài bản chưa bao giờ mất giá trị”.

Hầu hết giới chuyên môn đều tán thành quan điểm các tài năng trẻ cần được đào tạo bài bản để đi đường dài trên con đường chuyên nghiệp. Tìm được người có năng khiếu thực sự rất khó nên việc tìm thấy rồi lại bỏ là một sự lãng phí đáng tiếc. Tài năng nhí rất cần những môi trường học tập, rèn luyện bài bản để phát triển tài năng đúng nghĩa.

Các cuộc thi được tổ chức với danh nghĩa tích cực nhưng kết quả không như những gì nhà tổ chức đề ra, không đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội. Tuyển chọn và đào tạo bài bản chính là cách đầu tư chiến lược nhưng có lẽ cách làm chuyên nghiệp này (vốn đã được Hollywood, Hàn Quốc, thậm chí Thái Lan triển khai hàng chục năm nay) không phải là bài tính của showbiz Việt.

Phụ huynh quyết định

 

Cũng có những trường hợp phụ huynh nhận thức được lợi ích lâu dài đối với con em mình. Chẳng hạn trường hợp Ngọc Duy, cậu bé đang được đào tạo rất bài bản trong Trường Âm nhạc Soul Music Academy với sự hướng dẫn trực tiếp của ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi. Thậm chí, khi nhận được lời mời thu âm từ một ca sĩ tên tuổi, đại diện của Ngọc Duy vẫn từ chối với lý do: “Không muốn cho Duy đi hát lúc này bởi cậu bé cần phải được đào tạo nhiều hơn mới đủ tự tin ca hát. Có lẽ mất vài năm nữa, Duy mới có thể hát tốt. Đến lúc ấy, chúng tôi mới nhận lời cho em tham gia biểu diễn”.

(Nguồn: http://nld.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...