Một vai trò quan trọng, nhưng ít được biết đến…
Có những công việc, hoạt động dễ được nhiều người trong cộng đồng biết đến. Nếu có tài năng, càng dễ trở nên nổi tiếng. Ví như diễn viên (sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, ca sĩ…), người dẫn chương trình (MC), người mẫu thời trang… các nhà sáng tác có tác phẩm được công chúng ưa thích. Hoặc như các chính khách, nhà lãnh đạo… Bên cạnh đó, lại có những công việc thuộc lĩnh vực văn nghệ, giữ vai trò không nhỏ, tạo nên hiệu quả cuối cùng của tác phẩm, tiết mục nhưng đã được rất ít người để ý nếu không nói là chẳng ai biết tới. Một trong những công việc ấy là phối khí, hay còn gọi là viết phần đệm cho một bài hát trước khi thu thanh hoặc trình diễn.
Lâu nay, công chúng vẫn thưởng thức nhiều tiết mục ca hát được phát trên làn sóng đài phát thanh, truyền hình, trình diễn trên sân khấu hoặc trong mọi cuộc hội họp, gặp mặt… Nếu chỉ mang tính chất phong trào, ví như hội diễn văn nghệ quần chúng, hát trong những cuộc liên hoan thì người đệm đàn cho hát (có thể một, có thể nhiều) chỉ lựa theo người hát mà đệm theo (gọi là đánh tòng). Hay, dở, phong phú hay nghèo nàn tùy thuộc ở ngón đàn, sự nhanh nhạy, thông minh, tài hoa của người đệm. Còn nếu ca sĩ hát mang tính chất trình diễn chính quy, chuyên nghiệp thì bắt buộc người đệm không thể tuỳ hứng “tòng” theo mà phải diễn tấu theo văn bản đã được soạn thảo sẵn. Thưởng những người đệm chỉ diễn tấu, còn thì phải có người khác viết sẵn phần đệm (gọi là tổng phổ). Những người chuyên viết phần đệm này gọi là người phối khí. Ca sĩ không thể chỉ “hát chay” (hay còn gọi là “hát vo”) - tức không có đệm đàn - trừ trường hợp hợp xướng không nhạc đệm (à capella) là một thể loại trình diễn đặc biệt riêng. Hát, nhất là đơn ca, tốp ca mà không có nhạc đệm thì dẫu ca khúc có hay đến mấy, giọng có xuất sắc đến đâu cũng hạn chế rất nhiều hiệu quả, không thể khiến người nghe thích thú. Ngược lại, bài hát chỉ ở mức độ nhất định, giọng ca cũng chỉ thường thường bậc trung, nhưng được trình diễn với một phần đệm công phu, người phối khí dày công tìm tòi, sáng tạo thì sẽ nâng hiệu quả lên rất nhiều.
Phần đệm có khi là cả một dàn nhạc giao hưởng bề thế, hoành tráng, nhất là khi đệm cho ca sĩ có giọng vang, dày, hát ca khúc thuộc dòng nhạc thính phòng, bác học (académique), có khi có quy mô nhỏ hơn chừng mươi nhạc cụ (semi - classic: bán cổ điển). Lại có khi chỉ dăm bảy, vài ba nhạc cụ như ta vẫn thấy phổ biến nhất hiện nay. Và cũng không hiếm trường hợp chỉ là một đàn piano hoặc một orgue điện tử hay một cây guitar gỗ. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những tốp văn nghệ nhỏ lẻ của văn công ta phục vụ chiến trường chỉ hát với một cây ghi-ta như đã nói hoặc đàn mandoline hay banjo alto, có thể thêm sáo, nhị…tùy theo tính chất các bài hát cụ thể. Sau ngày hòa bình lập lại (1954), rất nhiều bài hát nổi tiếng được thu thanh để phát sóng của Đài TNVN đã có phần đệm chỉ bằng một đàn piano với diễn tấu của nghệ sĩ Hoàng Mãnh đã đến với công chúng cả nước. Tuy nhiên, nhiều bài sau đó được phối khí cho dàn nhạc đã đem lại hiệu quả hơn. Có không ít ca khúc bản thân giai điệu chưa có gì thật đặc biệt, nhưng nhờ phần phối khí công phu, “đắt” nên nâng hiệu quả lên rất nhiều, trở thành tiết mục đặc sắc mà bài Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam! (nhạc: Chu Minh, lời: Hoàng Trung Thông) là một ví dụ tiêu biểu. Phần nhiều ca khúc sáng tác từ hải ngoại có giai điệu dễ dãi, tầm thường nhưng có phần đệm hay và giọng ca mùi mẫn nên đã bù lại để chiếm được cảm tình của người nghe đại trà.
Như đã nói, để có một tiết mục ca nhạc mang tính chuyên nghiệp thì bắt buộc phải có phần đệm được phối khí công phu. Người phối khí có thể không viết được ca khúc, nhưng phải hiểu kỹ ca khúc mình phối khí (thuộc loại bài hát nào - trữ tình hay hài hước, hát đơn ca hay tập thể, tự sự hay hoành tráng, hành khúc hào hùng…). Công việc này đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức về hòa thanh và đặc biệt là cần am hiểu kỹ về tính năng các nhạc cụ, nếu từng là nhạc công có nhiều năm ngồi dàn nhạc thì càng thuận lợi, mà nhiều nhạc sĩ sáng tác ca khúc – kể cả những người nổi tiếng cũng không sở trường. Phối khí giỏi, thì có thể ít nhạc cụ nhưng vẫn tạo nên được phần đệm thú vị, trong khi làm việc này yếu kém thì biên chế nhiều nhạc cụ mà nghe vẫn cứ luễnh loãng, kém hiệu quả. Ở Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và một số đoàn văn công, nhà hát ca nhạc luôn có những người phối khí giỏi. Hàng ngàn bài hát hay, nổi tiếng khiến nhiều thế hệ công chúng ưa thích bao năm qua đã có công rất lớn của những nhạc sĩ phối khí này mà rất ít khi nhạc sĩ sáng tác tự đảm đương bởi sở đoản như đã nói. Có người suốt đời chỉ chuyên làm công việc phối khí, ví như các nhạc sĩ Huy Thư, Quang Khải, Văn Cước ở Đài Tiếng nói Việt Nam, hoặc nhiều người làm việc ở các đoàn văn công. Họ đã tạo nên những phần đệm thú vị, gắn với những ca khúc nổi tiếng nhất của nền ca khúc hiện đại Việt Nam.
Đương nhiên, phối khí cũng rất cần sự sáng tạo, chứ không thể làm việc này như một người thợ. Người tạo nên những phần đệm hay cần phải có tư duy, cảm xúc như nhạc sĩ sáng tác, mới có thể cảm nhận, đồng cảm được hết những điều người sáng tác muốn biểu hiện trong ca khúc. Có nhiều trường hợp, người phối khí còn nhân thêm khả năng biểu cảm của giai điệu giúp cho người thưởng thức phát huy tối đa trí tưởng tượng. Đó thực sự là những phần đệm thành công. Ngược lại, người phối khí chỉ làm chiếu lệ, cốt cho xong mà thiếu tư duy, tìm tòi, sáng tạo thì sẽ tạo nên những phần đệm rông dài, vô thưởng vô phạt. Có thể lấy những phần đệm như vậy đệm cho mọi ca khúc cùng dạng tiết tấu, bất kể có thể rất khác nhau về giai điệu. Dĩ nhiên, cũng có những người phối khí “giết chết” ca khúc khi họ không nghiên cứu kỹ giai điệu, ca từ để hiểu rõ ca khúc thuộc dạng nào, đòi hỏi sự thể hiện ra sao. Có khi bài hát chỉ cần phần đệm nhẹ, thoáng, làm nền thì người phối khí đã tạo nên sự hoành tráng quá mức, lấn át hết giai điệu.
Nếu có thể phân định tỷ lệ giành cho vai trò của phần đệm ở một tiết mục hát thì đó sẽ là 30 - 40%. Như vậy, người phối khí đã có một vai trò khá quan trọng làm nên sự thành công của một bài hát khi trình diễn. Nhưng lâu nay, chưa bao giờ họ được biết đến bởi khi giới thiệu tiết mục hát, người ta chỉ nhắc đến ca sĩ và nhạc sĩ sáng tác. (Ngay cả nhạc sĩ, nhiều khi cũng bị bỏ qua ví như các mạng internet chỉ đề duy nhất tên ca sĩ). Đó là một sự không công bằng. Và đây là thói tật chỉ ở Việt Nam mới có, cần được nghiêm túc khắc phục - giống như tình trạng phổ biến là không thông tin đến người nghe phần tác giả lời ca - khi nhạc sĩ phổ nhạc từ thơ./.