Một vài suy nghĩ về đào tạo ngành sáng tác và đầu ra của các tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp trong giai đoạn hiện nay

18/03/2015

Gần một thế kỷ qua, nền âm nhạc Việt Nam tiếp tục kế thừa truyền thống văn hóa của cha ông, thường gắn bó với đời sống dân gian, ca ngợi quê hương đất nước, ôn lại những lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, ca ngợi tình yêu tuổi trẻ, thiên nhiên, đất nước.

Lĩnh vực sáng tác chủ yếu cũng là thế mạnh của âm nhạc Việt Nam vẫn là ca khúc. Trên thực tế, chúng ta cũng có rất nhiều những tác phẩm khí nhạc hay của Việt Nam như: Bài ca chim ưng của nhạc sĩ Đàm Linh, Rhapsody của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, giao hưởng Quê hương của nhạc sĩ Hoàng Việt và còn rất nhiều những các tác phẩm khác. Cần phải nhìn nhận rằng, để đem tới sức sống cho một tác phẩm khí nhạc là vô cùng khó khăn, từ khâu xây dựng ý tưởng đến khâu biểu diễn. Nhìn chung, để đưa tác phẩm tới công chúng, phải trải qua ba bước cơ bản:

- Thai nghén tác phẩm của nhạc sĩ, về ý tưởng âm nhạc, chủ đề;

- Dàn dựng tác phẩm - đây là bước vô cùng khó khăn (kinh phí, số lượng nhạc công...);

- Biểu diễn tác phẩm.

Thực trạng trong đào tạo ngành sáng tác hiện nay còn khá nhiều khó khăn, về giáo trình cho nhập môn sáng tác hiện nay vẫn chưa có một quy chuẩn. Trên thế giới, cuốn sách về nhập môn sáng tác của Arnold Schoënberg Fundamentals of Music Composition đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng khác nhau, để sinh viên có thể tìm hiểu sâu hơn về kỹ thuật sáng tác.

Đất nước chúng ta có 54 các dân tộc anh em nên có một kho tàng đồ sộ về âm hưởng dân ca các vùng miền Tổ quốc. Tuy nhiên, số lượng sáng tác khí nhạc mang âm hưởng dân gian còn nhiều hạn chế. Các nhạc sĩ cần có tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Sinh viên hiện nay còn nhiều những bất cập khi tiếp cận môn Sáng tác. Về giáo trình học tập, chưa được tiếp cận như về tổng phổ, tư duy cách viết, diễn tấu âm nhạc đương đại, còn rụt rè trong cách sáng tạo âm nhạc. Về giáo trình hiện tại, chưa có nhiều các tác phẩm với ngôn ngữ âm nhạc mới (về tổng phổ...) cho học sinh có thể tham khảo nhiều hơn nữa.

Những năm gần đây, ở ta thiếu sự đầu tư cho các thể loại âm nhạc kinh điển - bác học từ khâu sáng tác, biểu diễn đến quảng bá tuyên truyền và lưu trữ. Các nhà hát như Nhạc vũ kịch Việt Nam, các dàn nhạc giao hưởng lớn của Nhà nước và các trung tâm đào tạo âm nhạc như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh… hầu như chỉ biểu diễn các tác phẩm của các tác giả nước ngoài. Sự lệch pha giữa sáng tác và biểu diễn, khoảng cách này càng xa. Hội Nhạc sĩ Việt Nam được phép đầu tư tác phẩm, song kinh phí tài trợ đầu tư quá ít ỏi, tác phẩm viết xong lại không có tiền để dàn dựng biểu diễn. Cái vòng luẩn quẩn ấy đã diễn ra suốt trong thời gian dài.

Sự lệch lạc về thẩm mỹ còn được nhân lên trong giới trẻ với các bài hát “tự sáng tác”, tự biểu diễn lai căng nhạc Hoa, nhạc Hàn, nhạc Nhật v.v… Chưa bao giờ chúng ta lại có nhiều nhạc sĩ ca sĩ tự phong như bây giờ, trong khi sân khấu nhạc nghiêm túc hầu như bị bỏ trống! Các tổ chức âm nhạc kinh điển - bác học, có tính quốc tế như Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia, Nhà hát Nhạc vũ kịch (Opera ballet) đa phần chỉ biểu diễn các tác phẩm nước ngoài do người nước ngoài chỉ huy (người chỉ huy như huấn luyện viên trong bóng đá, ta đang thiếu trầm trọng, nên luôn phải mời chỉ huy nước ngoài) vì các chương trình này kêu gọi được tài trợ. Và ngay cả trên các đài phát thanh truyền hình, các chương trình nhạc nghiêm túc không bao giờ được phát sóng trong giờ vàng và chỉ được đặt vào “nhạc đêm khuya”, phát lúc 11, 12 giờ đêm. Vậy người nghe có được tôn trọng và có được tiếp cận với âm nhạc nghiêm túc không? Ở đây xin liên hệ tới hệ thống phát thanh -truyền hình các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… đều có một kênh riêng dành cho loại hình âm nhạc kinh điển bác học cùng sự dẫn giải cho người nghe! Tại sao chúng ta không làm được như vậy? Đó là câu hỏi chúng ta hoàn toàn có khả năng trả lời thấu đáo, song ai sẽ là người “cầm trịch”?

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...