Một năm khó khăn với đầy sóng gió, VCPMC vẫn thu về hơn 83 tỷ đồng

29/01/2018

 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương nhận định, 2017 là một năm đầy sóng gió và biến động nhưng VCPMC vẫn có được thành tích lớn là thu về hơn 83 tỷ đồng.

Sáng 26/1 tại Hà Nội, Trung tâm Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức họp tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2018.

Trong báo cáo tổng kết của do nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Phó Giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh phía Nam của VCPMC trình bày, đã nêu ra được n thành tích ấn tượng mà Trung tâm đã đạt được trong năm 2017. Tổng cộng, Trung tâm đã thu được hơn 83 tỷ đồng (đã trừ thuế), tăng hơn 10 tỷ so với năm 2016 là gần 73 tỷ đồng.

Trong đó, lĩnh vực sử dụng âm nhạc trên website, ứng dụng nhạc (app) phát triển mạnh trong 2017 và thu về gần 19 tỷ đồng. Lĩnh vực karaoke, phòng thu âm và lĩnh vực biểu diễn cũng thu về lần lượt hơn 9 tỷ và gần 8 tỷ.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Phó Giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh phía Nam trình bày báo cáo tổng kết.

Ông Đinh Trung Cẩn cho biết: “Với doanh thu hơn 83 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc trong năm qua, chúng ta đã vượt qua khá nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… Sự giúp đỡ và phối hợp của các Bộ ban ngành, các cơ quan quản lý nhà nước và nhiều bên liên quan đã tạo nên thành tích thực sự ấn tượng”.

Trung tâm cũng phát triển hội viên, tổng cộng có 3,749 người (tăng 194 thành viên so với 2016), trong đó có cả những nhạc sĩ quốc tế. Nhiều tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cũng đã ủy thác cho Trung tâm và phối hợp chặt chẽ hơn để bảo vệ bản quyền. Trung tâm cũng đã phát triển bộ phận pháp chế với nhiều luật sư để tiến hành giải quyết các vấn đề pháp lý.

Trong năm 2017, Trung tâm đã phân phối cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (bao gồm nhạc việt và Quốc tế) sau khi đã trích hành chính phí là hơn 60 tỷ. Số tiền này được chia làm 4 quý với tỷ lệ phân phối thành công là hơn 90%.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng hoa và bằng khen cho nhạc sĩ Phó Đức Phương về những cống hiến của ông trong công tác bảo vệ quyền tác giả âm nhạc.

Tuy vậy, trong năm qua, với riêng VCPMC mà nói thì là một năm khó khăn với đầy sóng gió. Việc thu phí tác quyền tại phòng khách sạn đã gặp phải sự phản ứng lớn không chỉ từ các chủ khách sạn mà còn với người dân. Cách thu chi không hợp lý, không minh bạch… khiến Bộ VH-TT&DL phải vào cuộc và yêu cầu tạm dừng việc thu phí.  

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho biết: “Năm qua, sóng gió dâng lên, nảy sinh rất nhiều dư luận, chủ yếu là trên mặt báo. Thực tế, trong 16 năm qua, Trung tâm đã phải đối mặt với nhiều khó khăn như thế rồi. Đụng chạm đến quyền lợi của người nọ người kia thì sẽ vấp phải phản ứng. Nhưng, với những gì chúng tôi tin là đúng, cùng với sự kiên trì, nhẫn nại, kiên quyết trên tinh thần hiểu biết đến tận cùng luật pháp, thì dù khó khăn thế nào thì chúng tôi cũng vẫn sẽ tiếp tục”.

Cũng trong buổi họp tổng kết, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đọc “tâm thư” gửi Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam (cơ quan chủ quản của VCPMC) về việc dừng làm Giám đốc VCMPC và trao lại trách nhiệm lại cho nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, nguyên nhân chính khiến ông xin nghỉ là do 18 năm tập trung vào công tác của Trung tâm khiến ông không có thời gian để sáng tác và nghỉ ngơi.

Khi được hỏi, liệu có phải do sức ép dư luận cũng như những vụ việc ầm ĩ trong năm qua của VCPMC khiến ông quyết định nghỉ, nhạc sĩ Phó Đức Phương thẳng thắn trả lời: “Cứ 2-3 năm, lại có một trận “bão” như vậy. Tôi không chịu bất kỳ áp lực nào. Nhiều người bảo tôi là “thần kinh thép” nhưng kỳ thật là tôi có giải pháp. Tôi không nghe những ý kiến vụn vặt. Chúng tôi không phải ở cái độ tuổi được người ta khen mới làm, được người ta chê thì hoang mang.”.

Dù không giữ chức vụ Giám đốc nữa nhưng ông vẫn sẽ cố gắng giúp đỡ Trung tâm trong một trách nhiệm phù hợp để Trung tâm mãi phát triển một cách vững chắc. Có thể ông sẽ đảm nhận vị trí cố vấn của Trung tâm.

Trong năm 2018, VCPMC sẽ khẩn trương sắp xếp nhân sự, phân công trách nhiệm và chuẩn bị các kế hoạch và điều kiện hoạt động sau khi Giám đốc Phó Đức Phương nghỉ. Với sự điều hành mới (theo đề cử là ông Đinh Trung Cẩn), Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bản quyền tại Việt Nam./.

(Nguồn: http://vov.vn) 

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...