Một mình cãi lý một mình
- Này, danh hiệu nghệ nhân với nghệ sĩ ở ta có khác gì nhau không?
- Rất khác!
- Khác ở chỗ nào?
- Nghệ sĩ thì phải làm ở đoàn nghệ thuật nhà nước, phải được đào tạo có trường lớp đàng hoàng, còn nghệ nhân thì tự do.
- Thế phân biệt chính là chỗ làm à? Ôi chao thú vị nhỉ!?
- Không hẳn là như vậy, nhưng từa tựa như vậy, xưa nay vẫn thế.
- Này, tự điển họ định nghĩa nghệ sĩ là thế này ông nhé: "Người có tài về một nghệ thuật đòi hỏi óc sáng tạo: Nghệ sĩ là người có tâm hồn nhạy cảm". Còn nghệ nhân là thế này: "Người chuyên vào một nghệ thuật, thường có tài cao: Bà cụ là một nghệ nhân chuyên làm hoa giả rất khéo".
- Ừ, định nghĩa này dường như người làm tự điển muốn phân biệt cái tài nghệ thuật thủ công khác với cái tài về óc sáng tạo nghệ thuật trình diễn. Có khi đúng đấy nhỉ?
- Đúng là cái chắc, chả thế mà thời GS - nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, khi làm Chủ tịch Hội đồng Phong danh hiệu quốc gia, đã phong cho rất nhiều người làm công tác biểu diễn nghệ thuật cổ truyền (không làm nhà nước) chức danh nghệ sĩ. Này nhé, cụ Quách Thị Hồ được phong Nghệ sĩ Nhân dân (Ca trù), bà Hà Thị Cầu được phong Nghệ sĩ Ưu tú (Hát Xẩm). Chứ còn những người thực hành nghệ thuật cổ truyền như Chèo, Tuồng, Cải lương ở các đoàn nghệ thuật nhà nước thì danh hiệu nghệ sĩ nhiều cả gánh.
- Nhưng chuyện ấy có gì quan trọng?
- Quan trọng lắm chứ! Giới quản lý văn hóa người ta coi những người nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận chỉ là văn hóa quần chúng và có tính phong trào thôi. Mà đã là phong trào thì khi cần mới ngó đến. Do vậy, mọi tổ chức biểu diễn di sản của các nghệ nhân thực hành nghệ thuật cổ truyền chỉ được gọi là liên hoan, không được bằng khen, không được huy chương các loại, chỉ được giấy khen cấp Cục thôi.
- Thế ông muốn gì?
- Không phải tôi muốn, mà tôi mong những nhà quản lý văn hóa thay đổi danh hiệu của những người thực hành di sản nghệ thuật biểu diễn cổ truyền hiện nay là nghệ nhân sang danh hiệu nghệ sĩ để thống nhất với các ngành sân khấu và ca nhạc cổ truyền khác. Đồng thời cũng để phân biệt danh hiệu của họ với danh hiệu của ngành thủ công truyền thống, bởi hai công việc hoàn toàn khác nhau.
- Ông muốn gì nữa?
- Để các nghệ nhân hiện nay hết lòng với di sản, nhiệt tình thực hành di sản cần phải có Hội diễn định kỳ. Phải trao cho họ các phần thưởng giống với các hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp như bằng khen, giấy khen và huy chương các loại.
- Tại sao bây giờ ông mới đặt ra cái ý này?
- À, một quá trình tham gia nghiên cứu, dõi theo sự khổ luyện nghệ thuật biểu diễn cổ truyền của lớp trẻ tôi mới nghĩ được những nội dung này đấy. Ngày nay lớp lớp nghệ nhân cổ truyền ra đi nhiều lắm rồi, lớp trẻ đang thay thế họ. Đây là lớp người có kiến thức, có văn hóa và rất ý thức trong công tác bảo tồn vốn di sản nghệ thuật biểu diễn cổ truyền. Không khích lệ họ, không quý trọng họ thì di sản tồn tại làm sao?
- Ông định cầm đèn chạy trước ô tô à?
- Không hẳn thế, những tôi gióng lên mấy hồi mõ, như mấy ông mõ làng ngày xưa thôi, ai nghe thì nghe, chẳng nghe thì đừng.