Một giao hưởng thành cổ Quảng Trị

21/01/2014

Học trường Nghệ Thuật Quân Đội liền 7 năm, Xuân Vũ tốt nghiệp chuyên ngành violin rồi về công tác tại Sở văn hóa Thông Tin Quảng Trị. ở Trung Tâm Văn Hóa vừa biểu diễn, vừa tập viết nhạc. Sau khi về Trung Tâm Văn Hóa được mấy năm Xuân Vũ lại thi vào Đại Học âm nhạc Huế học chuyên ngành sáng tác.

Ra trường, Vũ về công tác tại Đoàn Nghệ Thuật Quảng Trị. Năm 2002 thì chuyển về làm trưởng bộ môn âm nhạc tại trường Cao Đẳng Sư Phạm Quảng Trị, sau đó được bổ nhiệm là phó giám đốc nghiên cứu văn hóa tiểu vùng sông Mêkông, hiện nay là giám đốc. Từ năm 1993, Xuân Vũ đã tập trung sáng tác khá nhiều thể loại âm nhạc. Vũ tâm sự, vì là người Quảng Trị, nhiều lần vào Thạch Hãn và cổ thành, thể nào cũng phải viết một tổ khúc giao hưởng về mảnh đất bi tráng này. Giờ đây, điều đó đã thành hiện thực.

Viết tổ khúc giao hưởng “Thạch Hãn – Cổ Thành”, Vũ vừa để trả ơn cho mảnh đất anh hùng quê hương, vừa coi như một cột mốc trên con đường sự nghiệp. Tác phẩm đã được coi như chứng chỉ tốt nghiệp thạc sĩ âm nhạc tại Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam dưới sự hướng dẫn của giáo sư – nhạc sĩ Minh Khang, vừa được biểu diễn tại phòng hòa nhạc Học viện ngày 5.10.2013 vừa rồi. Tổ khúc giao hưởng gồm một khúc dạo đầu và ba chương nhạc tiếp theo. Ở khúc dạo đầu được viết ở thể hai đoạn đơn, Vũ đã sử dụng chất liệu mô phỏng nét nhạc ru con Quảng Trị. Nét nhạc này được Vũ giao cho cây kèn Oboi đồng áng độc tấu với sự mở đầu của cả dàn nhạc trong nhịp 2/4. Sau tiết nhạc đầu, dàn nhạc lại tham gia một ô nhịp. Sau tiết thứ hai là tham gia của dàn dây. Và sau đó tiết nhạc thứ ba có thêm sự hòa đồng của các dây kèn thuộc bộ gỗ như Flauti (Sáo), Clarinet và Fagotti. Nét nhạc dạo đầu đẹp, trữ tình, mềm mại, du dương nhưng trong đó vẫn ẩn chứa những hòa âm nghịch như tiếng chuông báo hiệu điều chẳng lành sẽ ập tới. Chương 1 “Bản hùng ca bất diệt” được viết theo thể Sonata với nhịp điệu nhanh và vừa, với chủ đề một nối tiếp nhau bằng những đảo phách nhằm miêu tả sự khốc liệt của cuộc chiến đấu trụ vững thành cổ trong 81 ngày đêm. Chủ đề hai miêu tả dòng Thạch Hãn quặn mình, nhuộm đỏ phù sa với máu và nước mắt. Hai chủ đề tương phản với nhau, giằng co giữa sự sống và cái chết. Âm nhạc mang tính anh hùng ca nói lên sự hy sinh cao cả của những người lính “Bộ đội cụ Hồ” với lý tưởng cao đẹp và khát vọng thống nhất đất nước. Câu độc tấu của Flauti (Sáo) chứa đựng một nỗi niềm xa xót không thể tưởng tượng nổi trước sự tàn phá tan nát Cổ Thành. Chương hai “Khúc tưởng niệm” được viết ở thể 3 đoạn phức ở nhịp điệu chậm với giọng nữ cao vocalise da diết đến không chịu nổi ở điệu thức của Sol trưởng với rất nhiều chuyển điệu tạm thời khiến lòng ta xao động, tới khi giọng độc tấu cất lên lời hát thì thấy đau đớn vô chừng:

Quảng Trị ơi! Đau thương và tự hào
Tám mươi mốt ngày đêm Thành Cổ
Xin buông nhẹ mái chèo trên dòng
Thạch Hãn
Để cho các anh yên nghỉ ngàn đời

*
Huyền thoại tám mươi mốt ngày đêm Thành Cổ
Không nơi nào như thể nơi đây
Một dòng sông trở thành dòng sông máu
Thạch Hãn Thạch Hãn ơi!
Suốt bao năm vẫn âm thầm kể chuyện
Về một miền quê đất đỏ lòng vàng …

*
Quảng Trị ơi! Quảng Trị ơi! Quảng Trị ơi!
Đau thương và tự hào
Quảng Trị mãi trong tim Việt Nam
Mãi mãi hát vang bản hùng ca chiến thắng

Chương ba “Ngày chiến thắng” được viết bằng hình thức Rondo ở nhịp điệu nhanh. Âm nhạc nói lên sự kìm nén trước đau thương, mất mát, con người Quảng Trị đã vượt qua mọi khó khăn vươn lên trong cuộc sống để xây lại quê hương giàu đẹp hôm nay. Âm hưởng dân ca Bình – Trị - Thiên làm rõ nét sự trong sáng, tự tin, hùng tráng, tiến tới một coda kết thúc để khẳng định chân lý tin tưởng vào ngày mai, khẳng định sức tranh đấu giữa thiện và ác của toàn nhân loại.

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Xuân Vũ đã thực sự trưởng thành ở tuổi 43. Trước khi bước tới tổ Khúc giao hưởng này, Xuân Vũ đã có những ca khúc ấn tượng ở Quảng Trị với nhiều giải thưởng như “Mồ hôi đá”, “Một thời để nhớ”, “Câu Nam Bằng mở cõi”, “Vòm trời ASEAN”, “Thành phố hoa lộc vừng”, “Con đường mang tên Bác hôm nay”, “Khúc ru rừng thiêng”… Trước khi báo cáo tác phẩm giao hưởng này, vào dịp kỷ niệm 45 chiến thắng Khe Sanh, Xuân Vũ đã được trao giải nhì (Không có giải nhất, ca khúc “tình em gió hát” trong cuộc thi viết về Khe Sanh hôm nay do Báo Lao Động tổ chức.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 32)

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...