Một gắn kết khác thường trong âm nhạc
Album “Hommage à Penderecki” không chỉ là một minh chứng cho tình bạn giữa nhà soạn nhạc Ba Lan Krzysztof Penderecki và nghệ sỹ violin Anne-Sophie Mutter mà còn cho thấy những gắn kết lớn gần giữa họ qua những trải nghiệm trong âm nhạc và cuộc sống.
Nhà soạn nhạc Krzysztof Penderecki và nghệ sỹ violin Anne-Sophie Mutter. Nguồn: anne-sophie-mutter.de
Ngay cả ở tuổi tám mươi lăm, từ trong tâm khảm Krzysztof Penderecki vẫn chưa mất đi sự thôi thúc tự phê bình như ở những thập niên đầu sự nghiệp sáng tác. Sự vững vàng trong kỹ thuật sáng tác của ông giờ đã tăng lên – quả thực, giờ đây nhờ có kỹ thuật sáng tác đặc biệt mà ông đã đúc rút và tinh lọc trong suốt cuộc đời, Krzysztof Penderecki đã có một bộ sưu tập các tác phẩm đồ sộ khí nhạc và thanh nhạc, bao gồm những kiệt tác âm nhạc như Anaklasis – tác phẩm viết cho dàn nhạc dây và trống, Stabat mater - tác phẩm viết cho ba dàn hợp xướng, St Luke Passion - tác phẩm viết cho hợp xướng và dàn nhạc, và các tác phẩm sân khấu như The Devils of Loudun và Paradise Lost cùng nhiều giao hưởng, concerto và âm nhạc thính phòng khác.
Những tác phẩm này đều từ một trí tuệ mẫn tiệp, trải rộng khắp trên những thể loại âm nhạc đầy tính phức tạp khiến khi nghe, người ta đều cho rằng, nó khó là kết quả của cả một quá trình nỗ lực và sự thiếu tự tin vào chính bản thân mình như lời bộc bạch của chính Penderecki: “Những ngày sáng tác là những ngày tôi cảm thấy thiếu tự tin, thậm chí tuyệt vọng. Bởi vì rút cục anh đã vạch ra những hướng đi hoàn toàn khác nhau, bao gồm cả những hướng đi hoàn toàn sai, rồi di chuyển mò mẫm như đi trong một mê cung. Ở Lusławice nơi tôi sống, tôi đã thiết lập một mê cung như vậy. Nó lớn đến nỗi đôi khi tôi bị lạc trong đó và thông thường không thể ngay lập tức tìm được lối ra. Nghe có vẻ hơi mâu thuẫn nhưng ngược lại, tôi thấy điều này vô cùng hấp dẫn bởi mỗi khi viết một tác phẩm lớn hơn trước tôi đều có cảm giác mình đang trên đường tìm kiếm. Và rốt cuộc, với sáng tác giống y như đi trong mê cung: chỉ có một lối đi duy nhất và đây là giải pháp tối ưu, giải pháp mà anh phải tìm ra.” Không nghi ngờ gì nữa, cùng với thời gian, cảm thấy trách nhiệm cao hơn với âm nhạc, Penderecki đã tự lập những yêu cầu mới cho chính mình.
Bản concerto violin thứ hai của Krzysztof Penderecki tạo ấn tượng về một mê cung mênh mông, hấp dẫn, tuyệt vời mà không hề thách đố người nghe. 18 năm trước, khi sáng tác concerto violin thứ nhất, Penderecki từng rũ bỏ những tác phẩm tiên phong và mang tính thử nghiệm của những năm 1960 mà mình từng áp dụng với chủ ý tìm kiếm những cách diễn đạt của âm nhạc thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, những cách mà chúng ta đã thấy trong các bản concerto violin tuyệt vời từ Beethoven đến Berg. Bản concerto violin thứ hai này rõ ràng là sự tổng hòa của những phong cách rất khác nhau mà ông đã khám phá trong những thập niên trước. Tự thân là một nghệ sỹ violin xuất chúng, Penderecki đã khởi thảo tác phẩm này vào năm 1992 nhưng phải đến ngày Thứ bảy Tuần thánh năm 1995 ông mới hoàn thành tổng phổ ở Kraków sau một loạt những gián đoạn kéo dài. Bản concerto được đề tặng Anne-Sophie Mutter, người đã biểu diễn tác phẩm lần đầu tiên vào cuối năm đó.
Nguồn: wiadomosci.gazeta.pl
Nhà soạn nhạc và nghệ sỹ violin đã gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1988 tại Liên hoan Lucerne, khi Penderecki chỉ huy bản Concerto violin số 1 của Prokofiev và Anne-Sophie, nghệ sỹ độc tấu, là một cô gái mười lăm tuổi. Đó là cuộc gặp gỡ mà chính Penderecki mô tả là “cú sốc” nhưng dẫn đến mối quan hệ nghệ thuật hết sức bền chặt giữa họ. Penderecki đã sốc ngay từ giây phút đầu tiên. “Đứng trước tôi là một đứa trẻ với cây vĩ cầm nhưng chơi đàn như người lớn, thực sự còn chơi tốt hơn cả người lớn bởi ngoài kỹ thuật thuần thục thì tiếng đàn của cô tươi tắn hơn, nhưng trên hết chính là lối trình tấu vô cùng đặc biệt của cô.”
Chính Penderecki nảy sinh mong muốn viết một tác phẩm cho nghệ sỹ violin trẻ tuổi, một tài năng hiếm có này. Mong muốn của nhà soạn nhạc không chỉ dừng lại ở bản thứ nhất mà còn dẫn tới bản Concerto violin thứ hai cùng ba tác phẩm khác nữa ra đời, tất cả đều có mặt trong album thu âm cho Deutsche Grammophon “Hommage à Penderecki”. Nhan đề Metamorphosen (Sự biến đổi) chỉ được Penderecki nghĩ ra vào cuối quá trình sáng tác, khi ông thấy rõ cách thức ý niệm “biến đổi” này trở thành trung tâm tác phẩm. Bản concerto số 1 chỉ gồm duy nhất một chương nhạc quy mô lớn và mang đậm phong cách giao hưởng, vừa tràn đầy sức mạnh vừa chan chứa niềm vui. Tác phẩm chứa đầy những sắc thái tương phản, từ sự điềm tĩnh và chân thành, cảm động tới những bùng nổ đầy hoang dại và phức tạp về nhịp điệu, tất cả đều được một năng lượng khác thường đẩy về phía trước. Một đoạn cadenza solo tuyệt vời đã cho phép nghệ sỹ biểu diễn mọi cơ hội thể hiện sự điêu luyện của mình trước khi bè solo hòa nhập trở lại với dàn nhạc và bản concerto kết thúc bằng một đoạn cantabile mang tính trầm tư mặc tưởng.
Tôi đã viết nhạc từ khi lên sáu. Giờ đây tôi gần tám mươi sáu. Điều rất tuyệt vời khi viết nhạc là bạn có thể tiếp tục tạo ra cái gì đó mới mẻ, nhất là dành cho một nghệ sỹ violin tuyệt vời như Anne-Sophie Mutter, Krzysztof Penderecki nói.
Như nhà soạn nhạc nói, ông luôn ý thức về nghệ sỹ mà mình đang viết tặng tác phẩm, nhưng ông đã không thể biết rằng tại thời điểm nhận được bản concerto, Anne-Sophie Mutter sẽ trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời: “Chồng tôi qua đời chỉ vài tuần sau buổi biểu diễn đầu tiên. Anh ấy đã lâm bệnh khi tôi bắt đầu nghiên cứu tác phẩm có một chiều sâu khó tin này. Metamorphosen gây ra một cái gì đó cộng hưởng trong tôi, đồng thời giúp tôi hiểu được sự biến đổi từ bây giờ và ở đây sang một chiều không thời gian khác và có lẽ cũng giúp tôi vượt qua trải nghiệm đó. Đó là lý do tại sao tác phẩm chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời tôi. Nói một cách tổng quát hơn, những gì tôi nghĩ về nó, cảm nhận về âm nhạc của Krzysztof Penderecki vượt xa niềm ngưỡng mộ đơn thuần đã ràng buộc tôi với các tác phẩm của ông trong nhiều thập kỷ. Tôi rúng động tận tâm can bởi chiều sâu cảm xúc phát sinh từ các tác phẩm đó gần như còn hơn cả với thiên tài âm nhạc của ông”.
Điều này cũng đúng với bản Sonata violin thứ hai của Penderecki, được sáng tác vào năm 2000. Bản sonata này cũng được viết cho Anne-Sophie Mutter và đề tặng cô. Với thời lượng biểu diễn hơn ba mươi phút, tác phẩm đa tầng tuyệt vời này đã trở thành một bản tiểu luận đầy công phu về mọi khía cạnh cuộc sống trên Trái đất này. Cả khán giả và cả người biểu diễn rúng động sâu sắc ở phần cuối tác phẩm, chủ đề của chương ba đột ngột trở lại như một tiếng thét phẫn nộ và đưa tác phẩm trở về vạch xuất phát. Mutter thổ lộ: “Với tôi, bản nhạc này nói nhiều với chúng ta về người nghệ sỹ vĩ đại và tâm hồn ông ấy. Nó ẩn chứa một phẩm chất và chiều sâu xúc cảm độc nhất vô nhị mà không phải tác phẩm nào cũng có – và chắc chắn không thể có ở thời nay. Tôi coi đây là một món quà tuyệt vời và có ý nghĩa mà mình may mắn được nhận!” Bản thân Penderecki cũng bị mê hoặc bởi cách tác phẩm có thể sống một đời sống riêng từ đôi tay những người biểu diễn nó. “Điều này nghe có vẻ lạ song cuối cùng tôi nghi ngờ liệu các nhà soạn nhạc có thực sự hiểu tác phẩm của chính mình không. Họ viết và viết. Chỉ khi nghe nhạc – hay nghe Anne-Sophie chơi các tác phẩm – người ta mới thực sự hiểu bản nhạc. Ban đầu, bản concerto này không hề được dự tính là một tác phẩm kịch tính nhưng rồi nó lại thành ra như thế.” Với Penderecki, sáng tác rút cục vẫn là hành trình đơn độc trong mê cung như vậy.
Ngay ở tuổi 13, Mutter đã được nhạc trưởng Herbert von Karajan mời biểu diễn cùng Berlin Philharmonic. Nguồn: classicfm.com
Có thời lượng khoảng mười hai phút, La Follia viết cho violin độc tấu từ năm 2013 và theo quan điểm của Anne-Sophie Mutter ẩn chứa một cái gì đó như “mê cung” ở bên trong. Chúng ta có thể hình dung ra lòng tôn kính Penderecki dành cho các bậc tiền bối Baroque vĩ đại, một ý tưởng không hề vô lý khi chúng ta nhớ lại rằng Penderecki nghe thấy ở Bach “vị thần vĩ đại nhất mà nếu không có người, tôi sẽ không sáng tác.” Việc tái hiện chín lần chủ đề khúc sarabande thời Baroque cùng bộ biến khúc phức tạp của nó có thể như một lời tuyên xưng đức tin vào lịch sử và truyền thống mà Penderecki tiếp tục. Hiển nhiên là ông đã vừa viết tác phẩm vừa nghĩ tới người được đề tặng. Được công diễn lần đầu vào tháng 12 năm 2013, tác phẩm đòi hỏi ở người trình tấu một trình độ điêu luyện bậc nhất. Quả thực, chính tiêu đề của nó có thể ám chỉ đến những ý nghĩ “điên rồ” này. Ngay cả Anne-Sophie Mutter cũng thừa nhận đã trút bầu tâm sự với nhà soạn nhạc và phàn nàn về một số quãng âm đơn giản là không thể chơi được. Nhưng chính những khó khăn đó lại hấp dẫn cô: “Thời gian và một tác phẩm đương đại một lần nữa lại mở ra những khả năng mới và cho phép bạn khám phá những thứ mới mẻ, những màu âm mới, những yêu cầu kỹ thuật mà tôi đã không biết là có tồn tại. Không có điều này cuộc sống của tôi sẽ nghèo nàn hơn. Tôi sẽ bỏ lỡ thử thách trí tuệ đặc biệt này.”
Nếu La Follia là một cuộc độc thoại tuyệt vời, thì bản Duo concertante mà Penderecki viết cho Anne-Sophie Mutter và Roman Patkoló vào năm 2010 theo đuổi ý tưởng về một cuộc đối thoại âm nhạc. Ở đây, chúng tôi tham gia vào một cuộc trò chuyện thú vị giữa hai người đang trao đổi ý tưởng qua lại, tránh né nhau, rơi vào im lặng và cũng cho phép người kia nói hoặc lắng nghe mình.
Để đánh dấu sinh nhật lần thứ 85 của Krzysztof Penderecki vào năm 2018, hãng Deutsche Grammophon đã phát hành cặp album “Hommage à Penderecki” giới thiệu một số tác phẩm mà nhà soạn nhạc người Ba Lan này viết cho violin và piano hoặc violin và dàn nhạc. Đảm nhiệm bè violin solo trong album là nghệ sỹ violin Anne-Sophie Mutter, người có tên tuổi liên quan mật thiết với tên tuổi Penderecki.
Các concerto, các sonata, các tác phẩm độc tấu và song tấu đều là những ví dụ về các hình thức cổ điển nằm trong những giới hạn mà Krzysztof Penderecki – một trong những nhân vật vĩ đại của thời đại chúng ta – vừa cần mẫn “cày xới” bên trong vừa tiếp tục “khai hoang” mở rộng những ranh giới đó. “Tôi đã viết nhạc từ khi lên sáu. Giờ đây tôi gần tám mươi sáu. Điều rất tuyệt vời khi viết nhạc là bạn có thể tiếp tục tạo ra cái gì đó mới mẻ, nhất là dành cho một nghệ sỹ violin tuyệt vời như Anne-Sophie Mutter. Khi ấy bạn cảm thấy muốn tìm kiếm những con đường mới – và tìm thấy chúng. Với mỗi tác phẩm mới, tôi bắt đầu từ vạch xuất phát và suy nghĩ trước tiên về các vấn đề hình thức. Tất nhiên tôi có thể viết các nốt nhạc. Nhưng tôi thích tìm các hình thức và biến chúng thành một thứ gì đó chưa tồn tại trước đó – đó là thử thách mà tôi tự đặt ra cho bản thân. Tuy nhiên rốt cuộc mọi hình thức đều là các hình thức cổ điển về cơ bản. Không có bất kỳ hình thức nào khác ngoài đó".
Tôi thích đi trên những con đường chưa có trên bản đồ. Tôi phải làm điều này mỗi khi sáng tác, nếu không sẽ chẳng viết được gì. Tôi bắt đầu ở đâu đó giữa một tác phẩm, trước khi rẽ phải hoặc trái và hết lần này đến lần khác phải trở lại trục đường chính, điều đó thường có nghĩa là thoái lui. Tôi sẽ còn tiếp tục sáng tác cho đến khi thấy rõ rằng mình thực sự có thể làm tốt hơn nhiều. Sau đó, tôi lại bắt đầu từ vạch xuất phát. – Krzysztof Penderecki
(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn/)