Một đời gắn bó với hát ru

10/03/2014

Nghệ nhân hát ru Cao Minh Hiền là một trong số ít người gắn cả cuộc đời mình với hát ru. Với những nỗ lực và tâm huyết, bà đang ngày đêm âm thầm bảo tồn, gìn giữ tiếng hát ru cho đời sau.


Nghệ nhân hát ru Cao Minh Hiền. Ảnh: TR.TRI

Một trong những người tiếp sức, thôi thúc bà ngày đêm miệt mài gìn giữ tiếng hát ru, đó chính là GS. Trần Văn Khê. Bà đã dành cho Giáo dục TP.HCM buổi trò chuyện thú vị.

PV: Có thể cho biết bà đến với hát ru từ khi nào?

Tiếng hát ru của mẹ, của bà đã ngấm vào trong máu thịt tôi từ tấm bé. Các con của tôi sau này cũng vậy, thiếu tiếng hát ru là khó chìm vào giấc ngủ. Về sau, mặc dù tất bật với công việc mưu sinh, không có thời gian để đi xem, nghe hát ru nhưng tôi luôn nghĩ về nó. Hết ru con mình, tôi lại ru con của hàng xóm. Thời gian sinh hoạt ở Đoàn văn công của Bộ Công an, 6 tháng mới được đi biểu diễn nhưng nhờ đó mà tôi có dịp gắn bó với hát ru. Trong các tiểu phẩm có những bài hát mang âm hưởng hát ru. Hát chèo, quan họ hay ca trù… đều có hát ru của riêng nó. Tôi say sưa tìm hiểu kỹ âm hưởng riêng của từng thể loại, từng vùng miền.

Mỗi miền, mỗi dân tộc đều có hát ru. Bà có thể cho biết vài đặc trưng riêng của từng vùng miền?

Nghệ thuật hát ru rất phong phú. Dân tộc nào, vùng miền nào cũng có hát ru đặc trưng của dân tộc và vùng miền đó. Ở vùng Tây Bắc có hát ru của dân tộc Thái, Mông, Tày. Hát ru của miền Trung cũng “à ơi” nhưng lại man mác của gốc hát xoan. Đồng bằng Bắc bộ hát ru mang tính chất “đá” giữa các vùng miền nhưng chung ở quãng 3 hoặc quãng 4… Vào Thanh Hóa thì hát ru na ná giọng hò sông Mã. Hát ru xứ nghệ là hát ví, hát dặm (hát ru ví dặm). Hát ru Huế mang đặc trưng của dân ca Huế. Riêng các tỉnh Trung Trung bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thì hát ru là nền móng của dân ca bài chòi và một số làn điệu dân ca khác. Trở vào vùng Đông Nam bộ, hát ru nghe réo rắt, khắc khoải, có chút nhọc nhằn vất vả. Miền Tây Nam bộ thì man mác của hò sông nước chậm rãi và khoan khoái.

Hiện nay, tiếng hát ru gần như mất đi?

Đúng, điều đó thật đáng buồn. Các bà mẹ trẻ không ru con, nếu có thì tiếng hát ấy không xuất phát từ cái tâm. Chính vì thế, hiệu quả giáo dục âm nhạc dân tộc, giáo dục trẻ từ trong bụng mẹ (thai giáo - PV) rất thấp. Trong nghệ thuật chèo, tiếng hát ru cũng vắng đi nhiều. Theo tôi, việc gìn giữ, phát triển hát ru không phải một sớm một chiều nhưng cũng không phải quá khó khi thực hiện. Chúng ta cũng không cần thế giới ghi nhận, vinh danh nhưng phải được chính chúng ta công nhận. Hát ru là linh hồn dân tộc, để mai một nó là mang tội lớn.

Được biết, nhiều năm nay bà dành nhiều thời gian và công sức để gìn giữ và bảo tồn hát ru. Kế hoạch đã thực hiện đến đâu, thưa bà?

Dù gặp không ít khó khăn nhưng tôi vẫn nuôi dưỡng ước mơ sẽ đi dọc chiều dài đất nước, ngược lên Tây Nguyên, vào sâu trong các buôn làng để nghe, ghi âm, ghi hình tiếng hát ru làm tư liệu lưu truyền, giữ nền móng hát ru Việt Nam. Trước mắt, tháng 5 này tôi sẽ giới thiệu trên dưới chục bài hát ru, mỗi bài có thuyết minh rõ ràng về nguồn gốc.

Xin cảm ơn bà!

(Nguồn: http://giaoduc.edu.vn)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...