Một cổ tích bằng âm nhạc
Tôi đã nhiều lần đến Hội An. Đi với bạn cũng có, đi một mình lãng đãng chiêm nghiệm cũng có, nhưng tôi chưa hiểu được bao nhiêu về vùng đất có nhiều trăm năm tuổi, nhiều huyền thoại và xinh đẹp này. Vậy mà nghe khi nghe album mới của nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp có tên ‘Hội An - anh kể em nghe’, tôi thấy một Hội An hiện về thật trọn vẹn, Hội An như kho ắp đầy những câu chuyện cũ, Hội An lại như một mời gọi khám phá cho bao điều còn rất mới với tất thảy mọi người.
Album mở ra với tiếng guitar thùng đầy dẫn dụ. Phố nhớ (thơ Phùng Tấn Đông) bàng bạc trong nét giai điệu buồn nhưng không phải cái buồn của cuộc tình mất mát, chia ly mà những hoài niệm trong cái thênh thênh của phố.
Gọi là phố chứ không gọi là thành phố để Hội An nguyên sơ, đằm thắm dấu xưa. Trong ca khúc “Một lần về Hội An” - thơ Nam Bình ta nghe có tiếng vỗ trống pa – ra – nưng của người Chăm, âm thanh bung biêng, say đắm như bước chân bập bềnh trên ngõ nhỏ trong nhịp tango cuốn hút.
Ta nghe thấy tiếng tâm tình của nhà thơ Võ Kim Ngân trong ‘Đêm trăng trên biển Cù Lao’. Một bản tình ca giành cho thiên nhiên kỳ thú, một sự biết ơn với đất trời đã ban tặng cho người Cù Lao Chàm. Nốt bậc bẩy tăng của giọng thứ ở bài hát này được tác giả dùng rất đắt. Nó chỉ xuất hiện một lần mà hiệu ứng thật mạnh mẽ, tạo cảm giác nao lòng để rồi “vốc nắm cát mịn màng nghe trăng vỡ đầy tay”.
Người nghe cũng sẽ dễ dàng đồng cảm với sự tinh tế, lãng mạn của Bùi Nguyễn Trường Kiên & Thanh Bình trong ‘Phố nắng’. Nắng vờn trên đầu, phố nhỏ đến nỗi vừa qua đã gặp lại. Một phố cổ mà không cũ bởi nét nhạc tươi tắn, những đôi trai gái ríu rít kính coong đạp xe trong yên bình của nắng.
Phố cổ Hội An hiện lên đẹp như những bức tranh màu nước, hàm chứa một vẻ đẹp mong manh đến nao lòng trong ‘Mong manh phố Hội’ (thơ Quỳnh Lệ). Nền nhạc đàn tranh với âm điệu dân gian có lời ca đẹp long lanh, huyền ảo. Âm hưởng ca trù đưa ta về quá khứ thương cảng xưa.
Bất ngờ nhất là nhịp dance sôi nổi của ca khúc ‘Phố Hội như mơ’ - thơ Bùi Công Minh - làm nhộn nhịp không gian vốn thanh bình, tĩnh lặng của phố Hội.
Trong ‘Bồng bềnh Hội An’ - thơ Nguyễn Lương Hiệu, người nghe có cảm giác bồng bềnh đắm say với cảnh và người đô thị cổ. Ta gặp nhà thơ Hoàng Vũ Thuật phiêu linh trong nhịp swing với ‘Còn vương’.
Và, ai đến Hội An đều trong veo nỗi lòng với những đêm đèn lồng thanh bình, với trăng sông Hoài lung linh cùng đèn hoa mới thấy ‘Đêm Hội An’ của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm là tinh tế và có lý trong dìu dặt, mơ màng của nhịp valse…
Hiếm có nhạc sĩ nào viết chân thành như Quỳnh Hợp. Chị thấy rung động thế nào thì cứ trải lòng như thế. Âm nhạc của Quỳnh Hợp vẫn vậy, trầm tĩnh đấy mà cũng tươi mới đấy; đơn giản và gọn gàng.
Cũng khó nhạc sĩ nào lại viết về những địa danh làng nghề chân lấm tay bùn như chị. Rất khó để đưa nồi hũ chum lọ vào nhạc ấy thế mà ‘Thanh Hà nhịp gốm hoan ca’ – (lời Vĩnh Phúc & Thanh Bình) sthật trong trẻo tình tứ đón một ngày mới, mùa mới của một làng nghề đang chuyển mình ‘Ngày lên bản anh làm đất/ngày lên bên chị chuốt phơ/Em nhỏ mang phôi nắng gội/rồi lửa thắp lên’. Tôi đồ rằng, Quỳnh Hợp phải yêu Hội An lắm mới viết nổi như thế.
Nghe “Xanh xanh Cù lao” - bài hát duy nhất trong album Quỳnh Hợp viết cả nhạc và lời. Nhịp cha cha cha rộn ràng, hòa âm thì thật tuyệt và ca từ là tiếng lòng được cảm nhận trung thực của người viết. Âm nhạc ở đây khiến ta nghe như thấy hơi ấm của mặt nước đang từ từ dâng lên lúc bình minh. Người nghe muốn được đến ngay với biển và trời cùng rừng nguyên sinh nơi này.
Hội An không chỉ là nơi mà người ta muốn đến để đi bộ và ngắm cảnh ngắm nhà xưa hay ngắm chợ mà còn là nguồn cảm hứng cho thơ ca nhạc và họa. Nhưng tất thảy, khi viết về Hội An, ai cũng lắng lòng mình lại để cô gọn cảm xúc đến độ đơn giản và thanh tao thì mới là ca ngợi Hội An, ca ngợi phố cổ. Quỳnh Hợp làm rất tốt điều này.
Giai điệu của Quỳnh Hợp đã thực sự thổi hồn cho những bài thơ có cách miêu tả phố cổ đẹp phi hiện thực, nhưng lại mang tới cho ta một cảm giác rất thực. Dường như, với tất cả các tác giả, khi viết về Hội An đều viết bằng những lời yêu thương giản dị nhất bởi Hội An tự nó đã giản dị, yêu kiều thế rồi.
Các ca sĩ trẻ Hà My, Trang Nhung, Đức Quang, Y Jang Tuyn, Hoài Phương… đã thổi sự tươi tắn, mới mẻ và hơi thở hiện đại vào các ca khúc đã được nhạc sĩ Yên Lam phối khí nhiều màu sắc. Những bản phối khí không chỉ phù hợp với giai điệu các ca khúc mà còn tôn được vẻ đẹp, phong cách của người hát.
13 ca khúc trong album là 13 nét nhạc mang cung bậc tình cảm khác nhau, là sự kết hợp của những thay đổi hợp lý được tính toán chỉn chu của tác giả. Xuyên suốt những ca khúc ấy là tình người tình đất, là hoài niệm và hy vọng về vùng thị trấn nhỏ xinh, rất đẹp từ vóc dáng đến hồn phố thâm trầm. Quỳnh Hợp đã rất khéo léo đan xen mới – cũ, thực - ảo trong những giai điệu vừa dân gian vừa đương đại.
Viết về cái xưa cũ cho tuổi trẻ yêu, tuổi trẻ hát đâu phải dễ. Tôi hiểu vì sao Quỳnh Hợp lại đặt tên album là ‘Hội An - anh kể em nghe’. Bài hát chủ đề album “Anh kể em nghe” – thơ Trần Hưng Đại, điệu nhạc rất mới, rất tươi mà ca từ cứ như một người viết sử Hội An, một cổ tích bằng nhạc. Ta thấy giếng Bá Lễ, Chùa ông, Đình Cẩm Phô, Hội Quán; thấy sông Hoài đêm trăng rằm; thấy cả những thú chơi tao nhã thủa xa xưa.v.v. Quỳnh Hợp dùng tiết tấu tâm tình, âm điệu Trung bộ để thay lời nói của người Hội An mời gọi ta về với mảnh đất đầy những câu chuyện cổ'.
Đến với Hội An, như nhà thơ Võ Kim Ngân đã viết là ‘Lạc vào cổ tích’. Nhưng ai nghe trọn album ‘Hội An - Anh kể em nghe’ thì tôi tin, họ sẽ không phải đi lạc mà sẽ đi tìm cổ tích.
Nghe album ‘Hội An – Anh kể em nghe’ của nhạc sĩ Quỳnh Hợp