Một chút lan man chuyện nghề
Tuần trước tôi đi nghe các em học sinh trẻ biểu diễn trong Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi rất cảm động. Cảm động vì chợt thấy quá trình luyện tập của các em và các thầy cô cùng sự ủng hộ của gia đình thật lớn. Từ lúc các em đặt tay lần đầu tiên trên phím đàn cho tới khi tốt nghiệp đại học với những bài học thật khó là một quãng đường dài lắm, 15-20 năm. Vậy mà đó cũng chỉ là bước khởi đầu của một con đường khác lớn hơn khi các em phải lập nghiệp và trưởng thành trong âm nhạc.
Con đường đi dài khó khăn như thế chẳng thể nào có những cái đích bề nổi như thành 'sao' hay 'chiến thắng'mà có thể là điểm dừng chân. Con đường đi khó khăn để học được và đạt được sự tự do diễn tả một ngôn ngữ hoàn toàn khác, trừu tượng, khó nắm bắt ví như điêu khắc bằng âm thanh và tiết tấu được sáng tác bởi các tinh hoa văn hoá của nhân loại chỉ có thể lấy tình yêu sâu sắc với âm nhạc làm nguồn năng lượng dài lâu.
Ở tầng phổ cập, chuyện học piano phổ thông tốt cho các em nhỏ về phát triển thẩm mỹ, từ duy lôgic là chuyện hiển nhiên. Ở tầng chuyên nghiệp, chuyện một số rất ít các em được đi học nước ngoài ở những trung tâm âm nhạc lớn và có các thầy giỏi cũng là chuyện rất hiếm cho cả học sinh chuyên ngành trong và ngoài nước. Kể cả khi các em đã được học ở nước ngoài, sự chuẩn bị cho các em sẵn sàng cho một môi trường làm việc chuyên nghiệp cần rất nhiều đầu tư. Đây là môn ngành này có nhiều nhánh: các thời kỳ phát triển cùng với các trường phái âm nhạc khác nhau (Ý, Đức, Pháp, Nga,v.v). Vậy thì ở đâu dù ngồi một chỗ, bản thân giáo án của trường hay các kỳ thi cũng không thể cho các em các kiến thức hoàn toàn đầy đủ để có một hình dung chính xác về môi trường làm việc có tính quốc tế.
Thời gian tôi học ở Anh rất ngắn nhưng là thời gian rất quí giá bởi trường thường xuyên mời các giáo sư từ chuyên ngành của các thời kỳ và các trường phái âm nhạc đến cho open classes. Vậy là dù ngồi một nơi chúng tôi được nghe thầy Pháp nói về Debussy, thấy Đức nói về Beethoven, v.v. Những buổi học này thật sự mang tới những 'cú hích' trong tư duy âm nhạc để chúng tôi hiểu hơn và yêu hơn bộ môn mình đã chọn.
Để đưa được một em sinh viên đi học nước ngoài là cả một quá trình khó khăn không phải gia đình nào cũng có khả năng hỗ trợ . Với số tiền bỏ ra cho một em đi học những trung tâm lớn một năm, ta cũng có thể mời ba chuyên gia sang Việt Nam để làm các khóa ngắn chuyên ngành cho tất cả học sinh tham dự.
Thứ Bảy lan man chút xíu. Hy vọng sẽ biến chuyển những khao khát chia sẻ này thành hiện thực!
18-2-2017