Mơ về một cuộc thi piano quốc tế mang tên Đặng Thái Sơn

10/06/2015

Tại sao chúng ta không nghĩ về một cuộc thi piano quốc tế tại Việt Nam mang tên Đặng Thái Sơn? WHY NOT?

Cái tên Đặng Thái Sơn hoàn toàn xứng đáng để làm điều đó, không thua kém với những tên tuổi như Van Cliburn, hay Ivo Pogorelich…

Năm 1962, chỉ 4 năm sau khi Van Cliburn đoạt giải nhất cuộc thi Tchaikovsky năm 1958, người Mỹ đã lập nên cuộc thi "Van Cliburn International Piano Competition".

Và cũng chỉ 9 năm sau “sự cố” ở giải Chopin 1980, ngay từ năm 1989, đã có Festival Piano mang tên Pogorelich.

Đặng Thái Sơn cũng đã đoạt giải Chopin, một giải được xếp vào top đầu của các giải piano quốc tế, ngang tầm với giải Tchaikovsky. Không những thế Đặng Thái Sơn còn đoạt thêm tất cả những giải phụ. Anh là người đã chiếm nhiều giải hơn bất cứ ai đã từng thắng giải Chopin từ trước đến thời điểm đó.

Vậy thì chỉ kể riêng về thành tích trong cuộc thi Quốc tế, Đặng Thái Sơn đã ở vị trí dẫn đầu trên thế giới.

Sau khi đoạt giải, anh vẫn liên tục có những buổi hoà nhạc đỉnh cao thành công trên toàn thế giới, thu thanh nhiều CD.

Và cho tới bây giờ anh vẫn đang sải cánh bay cao hơn nữa trong bầu trời âm nhạc, chương trình biểu diễn của anh càng ngày càng đa dạng, phong phú.

Vậy mà đã 35 năm trôi qua, người Việt Nam không ai đã nghĩ về một cuộc thi piano quốc tế mang tên Đặng Thái Sơn.

Đứng ở góc độ người châu Á, chiến thắng của ĐTS còn mang một ý nghĩa đặc biệt: là người châu Á đầu tiên đoạt giải, anh đã chứng tỏ cho thế giới biết rằng người châu Á da vàng vẫn có thể chơi nhạc cổ điển châu Âu ở đỉnh cao nhất. Và kể từ đó, cái nhìn về người châu Á chơi nhạc cổ điển đã thực sự sang trang và 20 năm sau lại thêm một người châu Á là Lý Vân Địch (Trung quốc) đoạt giải nhất Chopin năm 2000..

Vì vậy nếu giả sử một nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… mở một cuộc thi piano quốc tế mang tên Đặng Thái Sơn cũng là hoàn toàn hợp lý, xứng đáng, và không có gì đáng ngạc nhiên.

Quay trở lại Việt Nam, ta cũng đã mở "Cuộc thi piano quốc tế Hà nội" được đúng 2 lần vào năm 2010 và 2012, từ đó tới nay không tổ chức vì không lùa được thí sinh thi và nhất là không có kinh phí để tổ chức.

Vì ta chưa tạo dựng được uy tín và truyền thống về âm nhạc đỉnh cao, mọi người trên thế giới nghĩ về VN mấy chục năm rồi vẫn chỉ là một nước đã chọn con đường “đuổi đi 2 đế quốc to” mà thôi.

“Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội” thực sự ít được quan tâm, nó chẳng mang ý nghĩa nhiều vì không có thí sinh giỏi trên thế giới tham gia, không có Ban giám khảo uy tín cũng đồng nghĩa với không có ai tài trợ, không có tiền!

Nếu đổi tên “Cuộc thi piano quốc tế Hà Nội” thành cuộc thi mang tên “Cuộc thi piano quốc tế Đặng Thái Sơn” chắc chắn sẽ mang đến một khẳng định mới về chất lượng cuộc thi. Những pianist trẻ tuổi trên toàn thế giới chỉ cần nêu lên cái tên 3 chữ "Đặng-Thái-Sơn" là đủ chinh phục họ rồi, cho dù có thể họ chưa biết tới Việt Nam. Từ đó việc mời Ban giám khảo quốc tế cũng như kêu gọi tài trợ cũng sẽ trở nên dễ dàng và đơn giản hơn.

Khó khăn đầu tiên của việc này chính là thuyết phục được Đặng Thái Sơn đồng ý để cuộc thi này mang tên anh, bởi đây chính là một gánh nặng thêm cho anh khi vinh quang anh đã quá dư thừa

Tôi tin rằng một khi anh đã đồng ý thêm gánh nặng vì tương lai của âm nhạc Việt Nam, thì sẽ có nhiều những phát kiến loé sáng trong anh để mang lại thành công cho cuộc thi.

35 năm đã qua kể từ ngày Đặng Thái Sơn đoạt giải mới làm việc này cũng là muộn, nhưng muộn còn hơn không. Giới âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam đừng để báu vật gần như duy nhất của chúng ta chỉ để cho thế giới khai thác.

Dân tộc Việt Nam đã để lỡ bao nhiêu cơ hội để vươn lên rồi? Bây giờ đừng để lỡ thêm cơ hội này nữa.

Chúng ta hãy cùng hành động để cho “Cuộc thi piano quốc tế Đặng Thái Sơn” có thể sớm trở thành hiện thực.

 

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...