Mặt Trời Đỏ bắt đầu chói sáng
Đến hôm nay, nhóm nhạc Mặt trời đỏ đã kiên định tạo cho mình phong cách riêng với dòng "World Music".
8 năm cho 1 album
Ngày nhóm Mặt trời đỏ xuất hiện, đồng thời có nhóm Mặt trời mới với phong cách tương tự cạnh tranh. Cũng là những cô gái đa năng, người giữ giọng chính, người chơi nhạc cụ và đa phần chọn các tác phẩm có âm hưởng dân gian. Đó là điều khiến cho Mặt trời đỏ chưa thật sự nổi bật trong một thời gian dài.
Rõ ràng, để một nhóm nhạc nữ tồn tại và có tiếng nói riêng trong làng nhạc hiện nay là điều không tưởng. Nó đòi hỏi cả tài và tiềm lực về kinh tế để quảng bá nhiều sản phẩm cho chính họ. Thận trọng tìm ra dòng nhạc mà chưa nhóm nào theo đuổi còn là thách thức.
Sau hơn 8 năm xuất hiện đầy khác biệt với cá tính nghệ thuật độc đáo trong làng nhạc Việt, sau nhiều lần thay đổi thành viên, nhóm Mặt Trời Đỏ chính thức cho ra mắt album đầu tiên với chủ đề Tri kỷ. Theo Hồ Nga, trưởng nhóm Mặt trời đỏ chia sẻ: “Với album đầu tiên này, nhóm Mặt trời đỏ hy vọng rất nhiều. Đây là album nhóm tự thấy mình làm việc rất nghiêm túc, có chất lượng nghệ thuật cao. Đặc biệt, nhóm sẽ giới thiệu dòng nhạc nhóm sẽ định hình như phong cách là World Music và hoàn toàn là dòng nhạc dân gian. Nhóm nghĩ với những album như thế nào không nhiều và khán giả chưa thật sự quen nhưng vì nó hay, có lao động nghiêm túc nên nhóm mong khán giả sẽ nghe album và ủng hộ hướng đi này”.
Mặt trời Đỏ cũng không ít lần thay đổi thành viên và tìm cho mình những nhà sản xuất âm nhạc “hợp gu” để có được album trọn vẹn nhất. Quá trình 8 năm ra mắt và hát trên sân khấu, đến hôm nay, nhóm Mặt trời Đỏ mới có được một dòng nhạc chắc chắn sẽ làm nên thương hiệu riêng cho nhóm. Chọn thời điểm khá thích hợp để ra album World Music, Mặt trời Đỏ đang đi vào tâm lý chung của khán giả là tìm về những giá trị đích thực của âm nhạc.
Một album đáng nghe
Lấy ý tưởng từ một bài ca trù có trong album, Tri kỷ mang ý nghĩa chỉ sự gắn bó máu thịt của các thành viên với dòng nhạc mà họ theo đuổi – nhạc dân tộc Việt Nam – và cũng là khẳng định một lần nữa với khán giả đã yêu mến và ủng hộ trong suốt những năm qua về con đường mà nhóm lựa chọn.
Biên chế ban nhạc của Mặt Trời Đỏ đã cho thấy đường hướng phát triển của nhóm: Nhóm gồm các giọng ca có thể biểu diễn cả nhạc nhẹ và dân ca, có các tay chơi nhạc dân tộc xuất sắc hàng đầu Việt Nam, có một cây violin. Tinh thần chung là kết hợp nhạc dân tộc với nhạc nhẹ hiện đại pha trộn chút âm hưởng cổ điển phương Tây. Tinh thần ấy gặp những ý tưởng của các nhạc sĩ tham gia sản xuất album là Thanh Tâm, Nhật Trung và Kim Quang, và Tri kỷ ra đời.
Album Tri kỷ gồm 6 bài hát, mở đầu bằng một bài chầu văn, khép lại là một bài ca trù, các bài còn lại có dân ca Nam bộ, ca Huế, dân ca Tây Nguyên, dân ca Nam Trung bộ, với hai giọng hát chính là Hồ Nga và Thanh Lan, các nhạc cụ dân tộc được sử dụng gồm đàn tranh, t'rưng, đàn bầu, đàn đáy, sáo và violin. Các âm thanh mộc mạc mà đẹp đẽ, giản dị mà biến hóa đầy bất ngờ của các nhạc cụ này cùng các giọng hát điêu luyện đã “ngấm” chất dân gian sau thời gian dài “tầm sư học đạo” được đặt trên nền nhạc hiện đại đa phong cách, pha trộn giữa pop, electro-jazz, electronica, folk thành một chỉnh thể world music đầy quyến rũ, hấp dẫn tai nghe với những tiết tấu dìu dặt dễ “gây nghiện” cùng giai điệu réo rắt đặc trưng của nhạc dân tộc Việt Nam.
Truyền thống và hiện đại
Nhạc sĩ trẻ Thanh Tâm là người soạn hòa âm chính của album, và cũng chính anh là người đã xây dựng nên cái khung, cái hình hài chính của Tri kỷ. Anh đã đưa vào đây rất nhiều ý tưởng mới mẻ để làm cho các bài hát mang đậm tính world music mà vẫn rất dễ nghe. Tư duy mới mẻ, đôi lúc táo bạo của Thanh Tâm đem lại cho những bài dân ca đã rất quen thuộc những không gian âm nhạc hoàn toàn mới mẻ, độc đáo và lạ lẫm nhưng lại cho thấy sự “bám rễ” rất chắc trên nền tảng nhạc dân tộc. Anh chia sẻ: “Khi làm một album nhạc dân tộc như thế này, tôi và nhóm đã cố gắng thu rất kĩ âm thanh của các nhạc cụ dân tộc được sử dụng. Tôi là người chú trọng đến tiểu tiết và nghĩ rằng, để có một sản phẩm chất lượng mình phải chú ý từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Hơn nữa, khi làm một album nhạc dân tộc như vậy tại sao tôi lại không trân trọng và làm cho đàng hoàng chứ? Tôi nghĩ khi làm nhạc dân tộc mình càng phải cẩn trọng hơn vì đó là những giá trị âm nhạc vô giá”.
Khâu quan trọng cuối cùng là master do nhạc sĩ Nhật Trung đảm trách. Bằng đôi tai tinh tường và kỹ thuật xuất sắc của mình, anh tính toán rất kỹ để âm thanh của đĩa nhạc vang lên đầy hiệu quả, tinh tế, hợp với tai nghe của số đông nhưng vẫn đáp ứng được đòi hỏi của những người nghe nhạc khó tính. Sự kết hợp của nhạc cụ dân tộc với các nhạc cụ phương Tây hay nhạc điện tử phải được tính rất kỹ để không cái nào át cái nào, mà cùng tôn nhau lên.
Sự sắp xếp 6 ca khúc trong album là một mạch về ý tưởng khí nhạc đậm nét. Mỗi ca khúc là một sự đầu tư nghệ thuật đích thực. Ví như bài Lý chim quyên (Thanh Lan hát) – dân ca Nam Bộ. Đây là Bản hòa âm có sự kết hợp giữa âm nhạc kiểu đàn ca tài tử với nhạc điện tử theo hơi hướng jazz rock tạo thành một bản world jazz độc đáo. Hay sự thận trọng trong cách hát của từng bài cũng rất đặc trưng. Như bài Mười thương (Hồ Nga hát) – ca Huế. Hồ Nga đã nghiên cứu tìm hiểu rất nhiều về lối hát ca Huế từ các nghệ nhân và các đồng nghiệp của cô. Bài hát mở đầu đúng theo lối ca Huế nguyên gốc rồi dần dẫn dắt người nghe vào không gian âm nhạc kiểu ambient với tiếng hát như ngâm vịnh cùng tiếng đàn bầu thánh thót và violin da diết trên nền điện tử dập dìu.
Đặc biệt là tác phẩm kết lại album độc đáo này: Trần ai tri kỷ (Hồ Nga hát) – ca trù. Bài hát nói về nỗi lòng người ca nương mong tìm người tri kỷ giữa cõi đời nhiều biến loạn. Bên cạnh âm hưởng ca trù kinh điển, bài hát có sự pha trộn với phong cách nhạc electro-jazz, rock và cổ điển. Bài hát này có phần tham gia hòa âm của nhạc sĩ Kim Quang – bạn đời của Hồ Nga.
Album Tri kỷ với phong cách world music được kỳ vọng này sẽ giúp các bài hát dân gian truyền thống nổi tiếng của Việt Nam đến được với đông đảo khán giả hơn, nhất là khán giả trẻ và một phần người nước ngoài muốn tìm hiểu âm nhạc ở những bước đầu tiên. Hiện nay, world music, world jazz được coi là con đường hữu hiệu nhất để âm nhạc truyền thống của các quốc gia đi được vào dòng chính của âm nhạc thế giới.
Với riêng Mặt Trời Đỏ, đây là album đầu tiên cho thấy sự trưởng thành và thống nhất về phong cách âm nhạc của nhóm,. Và với World Music chắc chắn con đường mới của Mặt trời Đỏ sẽ mở ra từ sự kết hợp tinh tế giữa những giá trị âm nhạc truyền thống và hiện đại đầy mới mẻ.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, "world music" là thể loại âm nhạc không biên giới, khai thác các chất liệu âm nhạc dân gian của các vùng miền, không bó buộc trong phong cách thể hiện mà có sự pha trộn các thể loại âm nhạc với nhau. Ghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cho rằng từ "world music" được hiểu rộng là bất kỳ sự kết hợp nào, trong đó sự kết hợp giữa những nét giai điệu phương Đông và nền hòa thanh, tiết tấu của phương Tây là cách giải thích dễ hiểu nhất về world music hiện nay.
(Nguồn: Tạp chí Âm Nhạc Việt Nam 30)