Mật mã của các nhà soạn nhạc

14/05/2013

Những tác phẩm từ “The Marriage of Figaro”1 (Đám cưới của Figaro), “The Magic Flute”2 (Cây sáo thần) của Mozart đến tứ tấu đàn dây Lyric Suite3 của Alban Berg đều tiết lộ niềm đam mê với con số của các nhà soạn nhạc.


Cảnh trong vở Don Giovanni của Metropolitan Opera với Mariusz Kwiecien trong vai chính

Số nào sẽ tiếp theo trong dãy số này: 5, 10, 20, 30, 36 …? Và dãy số này nữa: 640, 230, 100, 91… ?

Nếu am hiểu âm nhạc của Mozart, bạn sẽ nhận ra trong dãy số đầu tiên, số 43 sẽ nối tiếp số 36. Bởi mở đầu vở “The Marriage of Figaro”, Figago vừa cầm thước đo đạc căn phòng sẽ cùng chung sống với cô hầu gái Susanna sau khi họ kết hôn vừa đếm “Năm… mười… hai mươi… ba mươi… ba mươi sáu… bốn mươi ba”. Việc lựa chọn những con số này thật kỳ lạ bởi khi cộngchúng lại sẽ được 144, hay 12 bình phương: có lẽ là một trùng hợp ngẫu nhiên hoặc một cách biểu thị bằng con số cho sự hợp nhất sắp tới giữa Figaro và cô dâu Susanna.

Chuỗi số thứ hai tiếp tục với số 1.003, con số người đẹp mà Don Giovanni4 chinh phục được ở Tây Ban Nha. Điều này được tiết lộ qua lời hát của Leporello, người hầu của Don Giovanni:

Madamina, il catalogo è questo
Delle belle che amị il padron mio;
un catalogo egli è che ho fatt’io;
Osservate, leggete con me.
In Italia seicento e quaranta;
In Allemagne duecento e trentuna;
Cento in Francia, in Turchia novantuno;
Ma in Ispagna son già mille e tre.

(Dịch nghĩa:
Hỡi quý bà thân yêu của tôi, đây là danh sách
Những người đẹp mà ông chủ tôi đã từng yêu
Bản danh sách tôi đã biên soạn lại
Hãy quan sát và hãy đọc cùng tôi
Ở Italia là 640
Ở Đức là 230
100 ở Pháp; ở Thổ Nhĩ Kỳ là 91
Ở Tây Ban Nha là 1.003)

Mozart rất yêu những con số. Johann Andreas Schachtner, nghệ sỹ trumpete cung đình và là một người bạn của gia đình Mozart, đã ghi lại về chàng Wolfgang trẻ tuổi: “Khi anh làm toán, tất cả bàn, ghế, tường và thậm chí cả sàn nhà đều nhằng nhịt những con số viết bằng phấn.”

Nỗi ám ảnh với những con số cũng không hề thuyên giảm khi Mozart trưởng thành. Ông vẫn thường rải số khắp những bức thư gửi gia đình và bạn bè. Gia đình Mozart cũng dùng mật mã để giữ kín những lời bình luận nhạy cảm về chính trị khỏi cặp mắt của các nhà kiểm duyệt. Nhưng riêng nhà soạn nhạc còn sử dụng con số trong những nội dung trao đổi thân thiết hơn. [Trong thư ông thường thể hiện tình cảm của mình bằng] số lượng những nụ hôn theo đơn vị nghìn, mặc dù thi thoảng ông có thể chọn những con số thú vị hơn để chứng tỏ tình cảm với người nhận thư.

Dãy số gây tò mò 1095060437082 xuất hiện trong một bức thư Mozart gửi vợ ông, Constanze. Có một cách giải mã dãy số đó như thế này: 10+9+50+60+ 43+70+82=324, tức 18 bình phương, giống phần mở đầu của Figaro, biểu lộ mối tình giữa Mozart và Constanze. Nhà soạn nhạc cũng từng ký dưới một bức thư khác là “Người bạn của Ngôi nhà số”; chính Constanze đã kể với một nhà viết tiểu sử sau khi Mozart qua đời về “tình yêu của ông với số học và đại số”.

Mozart không phải là nhà soạn nhạc duy nhất bị mê hoặc bởi các con số. Cái tên Bach cũng giải thích cho một loạt nốt nhạc mà ông thường dùng trong những sáng tác của mình như thể ông đang tạo ra một loại chữ ký bằng âm nhạc. Những nhà soạn nhạc khác trong thời kỳ Baroque cũng dùng một loại mã bí hiểm, biến các chữ cái thành con số trong các sáng tác, hòng giữ kín phần lời. Ví dụ, nếu thay chữ cái bằng con số ứng với thứ tự của nó trong bảng chữ cái, tên của Bach có thể biến thành phép tính: 2+1+3+8=14. Một số nhà bình luận đã cố gắng tìm hiểu nỗi ám ảnh với con số 14 qua các tác phẩm và trong suốt cuộc đời của Bach. Nghe nói khi nhà soạn nhạc được mời tham gia Hội Các ngành khoa học về âm nhạc của Mizler5, ông đã trì hoãn cho đến tận năm 1747 để chắc chắn rằng mình sẽ trở thành thành viên thứ 14.

Schumann cũng là người có nhiều năm sử dụng các kỹ thuật để mã hóa âm nhạc của mình. Gần hơn trong lịch sử thì có Alban Berg, người coi số 23 như thể chữ ký của mình, giống như một cầu thủ được nhận biết bằng số áo. Chẳng hạn, tác phẩm “Lyric Suite” được tạo bởi một chuỗi các đoản khúc gồm 23 nhịp. Một biểu trưng cho mối tình thầm kín của Berg vào thời gian này cũng được lồng vào “Lyric Suite”. Người yêu của Berg được biểu thị bằng một chuỗi 10 nhịp quện lấy chữ ký của chính ông, số 23, một sự kết hợp giữa toán học và âm nhạc để hát lên dạ khúc về mối tình của ông.

Nhưng có lẽ vở opera cuối cùng của Mozart, “The Magic Flute”, mới là tác phẩm ẩn chứa nhiều ký hiệu và số nhất. Vở opera tràn ngập biểu tượng của hội Tam điểm, được xây dựng bằng toán học – Mozart đã được kết nạp vào hội Tam điểm ở Vienna từ bảy năm trước đó. Số ba, chẳng hạn, hết sức quan trọng trong thông lệ hội Tam điểm. Âm thanh ba tiếng gõ vào cánh cửa gỗ là một phần của nghi thức kết nạp hội viên mới của hội này – vang lên nhiều lần trong suốt vở opera. Như Goethe, một hội viên hội Tam điểm, đã nói: “Đám đông khán giả sẽ thích thú khi thấy cảnh tượng ấy: và đồng thời, những thành viên mới gia nhập hội đều sẽ nhận ra ngay những âm thanh giàu ý nghĩa này.”

Ngoài chuỗi nhịp điệu ba nốt thì số ba len lỏi vào trong vở opera bằng nhiều cách. Phần nhiều âm nhạc tam điểm của Mozart được viết ở giọng Mi giáng trưởng, một âm điệu với ba nốt giáng, mặc dù có lẽ chủ yếu do nó thích hợp nhất cho các nhạc cụ hơi mà Mozart dùng cho vở này. Nhiều nhân vật cũng xuất hiện theo nhóm ba: ba người hầu cận Nữ hoàng Bóng đêm, ba chàng trai... Kiểu hòa âm ba phần thì đầy rẫy trong tác phẩm.

Vở opera này cũng đầy các cặp đôi. Ngày và đêm, lửa và nước, Osiris và Isis, vàng và bạc, mặt trăng và mặt trời. Số 5 cũng đóng vai trò nhất định, một con số quan trọng khác đối với hội viên Tam điểm, chẳng hạn họ đã chọn ngôi sao năm cánh làm biểu tượng. Các tam tấu nhường chỗ cho các ngũ tấu chứ không phải là tứ tấu. Và cuối cùng, quyền lực của Sarastro gắn chặt với biểu tượng huyền bí có hình bảy quầng sáng của mặt trời.

Với Mozart, “The Magic Flute” cũng là tuyên ngôn về đức tin của ông trong một trật tự xã hội đang thay đổi, không chỉ xét về chính trị mà cả về âm nhạc. Tác phẩm này này ra mắt công chúng lần đầu tiên tại Vienna vào năm 1791, hai năm sau khi nổ ra Cách mạng Pháp. Thành viên hội Tam điểm bị đàn áp bởi chính quyền cảm thấy sợ hãi trước những tư tưởng khai sáng mà tổ chức bí mật này đề xướng. Sự chuyển tiếp từ thời kỳ trung cổ sang thời kỳ Khai sáng đã được thể hiện trong âm nhạc. Phần nhạc hoa mỹ trong các aria của Nữ hoàng Bóng đêm đã mở đường cho một âm hưởng mới mà Mozart hy vọng sẽ trở thành dấu ấn di sản của mình.

----

1 Vở hài kịch bốn màn của Mozart, được sáng tác vào năm 1786, với phần lời bằng tiếng Italia của Lorenzo Da Ponte, trên cơ sở vở kịch nói của Pierre Beaumarchais (1784).
Vở kịch nói “The Marriage of Figaro” của Although Beaumarchais từng bị cấm ở Vienna vì bị cho là “quá phóng túng” bởi vậy Lorenzo Da Ponte đã hết sức thận trọng trong việc sáng tác lời cho phiên bản opera để tránh kiểm duyệt. Cuối cùng vở opera này đã gây được tiếng vang sau buổi ra mắt đầu tiên, tại nhà hát Burgtheater ở Vienna vào ngày 1-5-1786.

2 Vở opera hai màn của Mozart với phần lời tiếng Đức của Emanuel Schikaneder. Tác phẩm này được viết dưới dạng kịch truyền thống của Đức, bao gồm cả hát và thoại. Vở kịch ra mắt lần đầu vào năm 1791 tại nhà hát Freihaus-Theater auf der Wieden của Schikaneder ở Vienna.

3 Lyric Suite gồm 6 chương được Alban Berg sáng tác vào khoảng năm 1925 - 1926, bằng phương pháp có nguồn gốc từ kỹ thuật 12 âm của Schoenberg.

4 “Don Giovanni” là vở opera hai màn của Mozart với phần lời bằng tiếng Italia của Lorenzo Da Ponte. Nó được sáng tác dựa trên những câu chuyện về chàng Don Juan, một nhân vật hư cấu đầy phóng đãng và chuyên quyến rũ phụ nữ. Vở diễn ra mắt khán giả lần đầu tại nhà hát Nhà hát Quốc gia Prague, Czech, vào ngày 29-10-1787. Phần lời của Da Ponte được ví như dramma giocoso, một thuật ngữ chỉ sự pha trộn giữa sự nghiêm túc và hài hước. Mozart cũng đã đưa tác phẩm này vào danh sách các vở “opera buffa” (opera hài hước) của mình.

“Don Giovanni” hiện đứng thứ 10 trong danh sách những vở opera được trình diễn nhiều nhất trên thế giới.

5 Lorenz Christoph Mizler von Kolof (hay Mitzler de Koloff) là nhà y học, toán học, nghiên cứu âm nhạc, và soạn nhạc người Đức. Ông là bạn và nhà bảo trợ của Bach.

(Nguồnhttp://www.tiasang.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...