Mắt lệ cho người

12/12/2016

Nói tới tình ca, cũng là nói tới bước đường mà, chẳng một nhạc sĩ nào không ít, nhiều kinh qua. Nó giống như cánh cửa mê hoặc đầy cạm bẫy sinh, tử. Với những người làm thơ vậy. Tình ca, cái thế giới mầu nhiệm, thần thánh của tuổi trẻ. Hay nó là mặt bên kia của cảm nhận về địa ngục, thiên đường, hắt lên từ một dương gian hiu quạnh ? 

 Chiều cuối thu, ngồi nhìn những đám mây giông vần vũ cuối chân trời, chợt nghe Tuấn Ngọc ru bản" Mắt lệ cho người", chúng ta mới thấy hết sự mê hoặc của âm nhạc Từ Công Phụng. Ca từ rất đỗi nhẹ nhàng, những nốt nhạc sâu lắng, dìu dặt chút tình vương vấn rồi khép lại trong âm giọng đô trưởng trầm ấm, ngân vang...Hơn 40 năm rồi, tình ca ngày ấy vẫn còn nguyên những nét đằm thắm và quyến rũ đến lạ thường.

Sài Gòn với những cơn mưa chiều bất chợt thường làm cho lòng người chùng xuống. Những cánh rong trôi theo dòng nước dường như mang theo niềm đau, thấp thoáng những cuộc tình trong dĩ vãng. Với giai điệu thiết tha và trầm buồn, ca khúc đã đưa chúng ta về miền thương nhớ, xa vắng:

"Mưa soi dấu chân em qua cầu
Theo những cánh rong cưu mang niềm đau
Đời em đã khép
Đi vội vàng
Tình ta cũng lấp lối thiên đàng
Như cánh chim khuất ngàn
Như cánh chim khuất ngàn
Còn mong còn ngóng chi ngày yêu dấu…”

Nghe lại Từ Công Phụng, chúng ta thường đắm chìm trong hoài niệm, như thấy tuổi trẻ mình lên tiếng. Âm nhạc của ông vẫn còn đó, như lâu lắm rồi, chôn dấu và thổn thức. Dù viết nhiều về những mối tình dang dở nhưng Từ Công Phụng ít khi dằn vặt và đắm đuối. Ái tình trong âm nhạc của ông đầy những phiền muộn nhưng không có dấu vết của niềm tuyệt vọng:

“…Đôi mắt em rất buồn
Đôi chúng ta rất buồn
Vạn câu tình cũ
Xin gửi cho đời...”

Từ Công Phụng (sinh ngày 27 tháng 7 năm 1942) là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng. Ông tốt nghiệp cử nhân luật, tham gia sáng tác nhạc từ năm 1960. Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho nền tân nhạc Việt Nam giai đoạn (1954 – 1975) cùng với Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương....Từ Công Phụng có 3 tuyển tập nhạc: Tình khúc Từ Công Phụng, Trên ngọn tình sầu và Giữ đời cho nhau. Trong đó, có những tác phẩm phổ biến rộng rãi và được nhiều khán giả trong, ngoài nước yêu thích: Bây giờ tháng mấy, Giọt lệ cho ngàn sau, Mắt lệ cho người, Mùa thu mây ngàn, Lời cuối, Tuổi Xa Người, Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, ...

Ông rời Việt Nam vào tháng 10 năm 1980, hiện định cư tại Portland, Oregon, Hoa Kỳ. Năm 1998, ông trở về thăm quê hương Ninh Thuận nhưng không tham gia hoạt động âm nhạc.

Năm 2003, những ca khúc của Từ Công Phụng được Cục nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Sau đó, tháng 5 năm 2008, ông trở lại Việt Nam, tham gia chương trình "45 năm tình ca Từ Công Phụng" tại một phòng trà nổi tiếng ở Sài Gòn. Mới đây, ngày 19/1/2013, Từ Công Phụng lại trở về Việt Nam thực hiện đêm nhạc “50 năm tình ca Từ Công Phụng” tại Nhà hát TP.HCM. Những tình khúc một thời như “Mắt lệ cho người”, “Trên tháng ngày đã qua”, “Như ngọn buồn rơi”, “Tình tự mùa xuân”, “Mùa xuân trên đỉnh bình yên”, “Kiếp dã tràng”, “Lời cuối”, “Đêm không cùng’… đã được chính ông và hai danh Tuấn Ngọc và Ý Lan biểu diễn. Chương trình do nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng làm đạo diễn với phần tham gia của nhạc sĩ Bảo Chấn (pianist) và hai ban nhạc Hoài Sa, Tiếng Xưa.

Du Tử Lê đã có lần nói về Từ Công Phụng, những tình khúc của họ Từ, hình như đã không chỉ như những tình khúc hiểu theo nghĩa một sáng tác nói về tình yêu đôi lứa. Ẩn giữa những dòng nhạc, giấu trong những lời ca, mỗi tình khúc của Từ Công Phụng còn là một thanh thoát êm đềm, dù cho nhạc phẩm nói về một tình yêu đổ vỡ. Ở đâu đó, trong những dòng nhạc, giữa những từ ngữ, vẫn thấp thoáng một nhân sinh quan đầy cam chịu và độ lượng:

“…Thời nào yêu hết trái tim buồn
Lời nào yêu hết trái tim buồn
Xin giữ trong mắt lệ, xin giữ trong mắt lệ
Nhòa theo từng gót chân người xa vời…”

Từ Công Phụng đã từng nói, niềm đau đớn, hiểu theo một cách khác, cũng là một thứ hạnh phúc còn đọng lại trong cuộc đời chúng ta như là một hành trang cho những suy nghĩ về cuộc đời:

“…Mưa âm thầm buổi chiều thổn thức
Sẽ nhạt nhòa từ ngàn năm nữa như em khóc hồn nhiên
Nỗi muộn phiền ngày tàn hơi thở
Em thấy không cõi đời vô vọng...”

Nói tới tình ca, cũng là nói tới bước đường mà, chẳng một nhạc sĩ nào không ít, nhiều kinh qua. Nó giống như cánh cửa mê hoặc đầy cạm bẫy sinh, tử. Với những người làm thơ vậy. Tình ca, cái thế giới mầu nhiệm, thần thánh của tuổi trẻ. Hay nó là mặt bên kia của cảm nhận về địa ngục, thiên đường, hắt lên từ một dương gian hiu quạnh ? Âm nhạc Từ Công Phụng sang trọng và quý phái:

"…Xin em hãy cho tôi tạ tình
Khi em đã đi qua khoảng đời tôi
Dù một khoảng khắc sớm phai tàn
Và lệ em rớt trên môi nhạt…”

Tôi vẫn không quên cảm nhận một cô sinh viên, gặp tình cờ trong quán café ở Sài Gòn ngày ấy, khi nói về Từ Công Phụng: " Anh ạ ! Cảm được cái tình, cái tâm tư ấy của những tình khúc Từ Công Phụng, người ta thường ở trong một không gian kín như góc quán, thưởng thức vị đắng cafe và vị đượm của bài hát...."

Nhưng cũng có thể nhẹ nhàng như chiều nay, khi cơn gió giông chiều đang thổi, một mình nghe những âm giai nhẹ nhàng theo những bước chân lang thang suy ngẫm về tình yêu nào đó vừa đi qua:

"....Xin em hãy cho tôi tạ tình 
khi em đã đi qua quãng đời tôi..."

(Nguồn: http://chieulang.com.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.