Maria Callas - Nữ thần Opera

15/07/2013

Mặc dù sự nghiệp không dài, nhưng Maria Callas, giọng nữ cao người Mỹ gốc Hy Lạp này chắc chắn sẽ đi vào lịch sử như một ca sĩ opera quan trọng và danh tiếng bậc nhất của nửa sau thế kỷ 20. Điều làm bà trở nên nổi trội và đặc biệt ở thời đại ấy là do bà sở hữu kỹ thuật hát giọng đẹp, sắc thái lời ca đẹp, ấn tượng và khả năng diễn xuất tuyệt vời. Không ai có thể phủ nhận rằng người nghệ sĩ tài năng với cuộc đời đầy bi kịch, có cả những thất bại và vinh quang chói lọi này là một huyền thoại opera của thế kỷ 20.

Maria Kalogeropoulos chào đời vào ngày 02/12/1923 tại New York, Mỹ trong một gia đình di cư gốc Hy Lạp. Maria có một tuổi thơ không hạnh phúc bên người mẹ khắc nghiệt. Ông bà Kalogeropoulos và Evangelina vừa mất đi đứa con trai nên rất mong muốn đứa con thứ ba của họ sẽ là một cậu bé. Mẹ bà đã rất thất vọng vì sự ra đời của cô con gái Maria đến mức không thèm nhìn mặt đứa bé trong vòng bốn ngày. Thời gian tiếp theo đó, Maria không nhận được nhiều sự chăm sóc và yêu mến của bố mẹ như họ đã giành cho chị gái cô, mà trái lại, thờ ơ và lạnh nhạt.

Evangelina phát hiện ra rằng cô con gái út của bà cũng có giọng hát, bà bắt đầu ép buộc Maria phải hát. Maria sau đó nhớ lại “Tôi bị bắt phải đi hát khi tôi mới chỉ năm tuổi, và tôi thật ghét điều đó”. Sau khi cha mẹ ly dị, Maria theo mẹ về Hy Lạp sinh sống.

Lên 9 tuổi, Maria bắt đầu làm quen với piano. Với trí thông minh, nhạc cảm tuyệt vời, Maria hoàn toàn có thể trở thành một nữ nghệ sĩ piano tài danh nếu không đi theo con đường opera. Thậm chí sau này, khi tiếp nhận vai mới, Maria luôn tự vỡ bài một mình mà không cần đến người hướng dẫn đệm đàn riêng. Chính những lần nghe lén cô chị học hát, niềm đam mê ca hát đã bắt rễ và lớn lên trong cô. Năng khiếu thiên bẩm càng bộc lộ khi Maria đạt giải nhì trong một cuộc thi hát thiếu nhi trên sóng phát thanh với ca khúc “La paloma”.

Ngay cả khi đã trở về Hy Lạp, Maria vẫn không quên ước mơ cháy bỏng được đến với sân khấu opera lộng lẫy. Điều đó thôi thúc Maria tiếp tục học nhạc. Vào năm 1938, khi mới 15 tuổi, Maria đã được vào học tại Nhạc viện quốc gia Athens, dù tuổi thấp nhất để có thể được nhận vào là 16. Maria học thanh nhạc dưới sự hướng dẫn của giảng viên Maria Trivella. Trivella đã nhớ lại đầy ấn tượng của cô về một “Maria, một cô gái trẻ tròn trĩnh: “Quãng giọng ấm, trữ tình và mãnh liệt, nó cuốn đi và bừng sáng như một ngọn lửa, lấp đầy không khí với những âm vang du dương như một hồi chuông. Nó như một hiện tượng đáng kinh ngạc, hay đúng hơn là một tài năng lớn cần được chỉ bảo, hướng dẫn kỹ thuật và rèn luyện nghiêm khắc để có thể tỏa sáng với tất cả sự rực rỡ của nó”. Ngay từ năm đầu tiên, Maria đã chiếm giải nhất trong vai diễn đầu đời – Santuzza (Cavaleria Rusticana, Pietro Mascagni) trong cuộc thi của Nhạc viện. Maria lập tức lọt vào mắt xanh của giảng viên Elvira de Hidalgo - một trong những coloratura soprano Tây Ban Nha nổi tiếng nhất thời bấy giờ. Elvira De Hidalgo trở thành giảng viên của Maria và tập trung vào đào tạo giọng nữ cao.

Sự nghiệp

Năm 1940, bà ký hợp đồng đầu tiên với Công ty Lyric Theatre, hát các bài hát trong vở Lái buôn thành Venice của Shakespear tại Nhà hát Hoàng gia ở Athens. Năm 1941, bà diễn vai diễn opera chuyên nghiệp đầu tiên, Beatrice trong vở Boccaccino tại Rạp chiếu phim Palas, Athens.

Năm 1942, may mắn đến với Maria khi bà được nhận vai chính Tosca tại Hy Lạp trong một buổi biểu diễn ngoài trời tại Nhà hát Park Summer, Quảng trường Klafthmonos. Buổi biểu diễn thành công vang dội, Maria nhận được không ít lời mời tại các nhà hát opera Hy Lạp. Cũng vào năm đó, Maria còn biểu diễn thêm một vài lần, bằng tiếng Ý. Chính những buổi biểu diễn này đã giúp Maria được nếm trải cảm giác thực sự là ngôi sao. Tiếp theo đó bà diễn vai Marta trong vở Tiefland của Eugen d'Albert ở nhà hát Olympia. Vai diễn Marta của Callas đã nhận được những lời phê bình tích cực. Nhà phê bình Spanoudi miêu tả Callas như “một nghệ sĩ đầy bùng nổ sở hữu một khả năng âm nhạc và diễn xuất hiếm có”.

Tiếp theo Tiefland, Callas đóng vai Santuzza trong Cavalleria Rusticana lần nữa và tiếp theo là O Protomastoras tại nhà hát Odeon of Herodes Atticus cổ dưới chân Acropolis, đó là những vai diễn Callas ký hợp đồng với công ty Lyric Theatre.

Trong tháng 8 và 9 năm 1944, Callas diễn vai Leonora trong tác phẩm tiếng Hy Lạp của Beethoven, Fidelio. Nhà phê bình người Đức Friedrich Herzog khi xem vở diễn đã miêu tả sự thắng lợi tuyệt vời của Leonore Callas như sau: “Khi Leonore của Maria Kaloy-eropoulou đã đưa giọng soprano vút lên thật lộng lẫy trong niềm hân hoan vô bờ của bản song ca, cô đã nâng lên một đỉnh cao tuyệt đối... Và cô đã đưa tới nụ, hoa và quả cho sự hài hoà của âm thanh, điều đã làm cao quý cho nghệ thuật của những nữ diễn viên chính trong các vở opera” Cho dù rất thành công ở Hy Lạp, Maria quyết định trở về Mỹ để phát triển sự nghiệp, trái ngược với lời khuyên của de Hidalgo. Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, bà trở về New Yord tìm cha. Maria Kalogeropoulos chính thức đổi tên thành Maria Callas. Bà tham dự nhiều buổi thử giọng. Tháng 9 năm đó, Edward Johnson, giám đốc Nhà hát Metropolitan nghe bà thử giọng và quyết định giao cho bà 2 vai chính trong vở Madama Butterfly (Giacomo Puccini) và Fidelio (Ludwig van Beethoven). Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng của Edward, Callas đã từ chối cả 2 vai này. Lý do mà Callas đưa ra là bà quá nặng nề và mạnh mẽ với Butterfly và bà không muốn hát Fidelio bằng tiếng Anh..

Thất bại ở Mỹ không làm Callas nản lòng, bà quyết định sang Italia, cái nôi của nghệ thuật opera của thế giới. Tại đây, năm 1947, Callas được Giovanni Zanatello chọn là vai chính trong La Gioconda khi ông đang tìm kiếm một giọng nữ cao kịch tính. Đây cũng chính là vai diễn đầu tiên của Maria ở Italia. Tiếp đó, Callas tiếp tục may mắn khi lọt vào mắt xanh của nhạc trưởng Serafin khi ông tìm kiếm người hát Isolde (trong Tristan und Isolde). Ngay lập tức, Serafin đã mời bà vào vai diễn này. Nhận thấy tố chất của giọng hát kịch tính bẩm sinh, Serafin đã mời Callas tham gia vào hàng loạt những vai nặng như Isolde (Tristan und Isolde), Turandot (Turandot), Bronnhilde (Die Walkre). Một bước ngoặt khác đến với Callas một cách bất ngờ. Khi đang tập dượt cho vai Brnnhilde, quá mệt mỏi với những “Ho-jo-to-hos”, Callas đã quyết định tự giải trí bằng cách hát vui một đoạn nhạc trong I Puritani (Vincenzo Bellini). Tình cờ vợ của Serafin nghe được và bà đã nói lại với chồng. Serafin lúc này đang gặp khó khăn khi nữ ca sĩ Margherita Carosio – người đóng vai Elvira (I Puritani) bị ốm mà ông chưa tìm được diễn viên “đúp” 2 thay thế, và Callas là lựa chọn duy nhất. Thật bất ngờ, I Puritani đã thành công hơn cả mong đợi qua sự thể hiện xuất sắc của Callas. Từ đó, tên tuổi của Callas đã thực sự tỏa sáng khắp nước Ý với những vai diễn coloratura soprano. Chính những bài tập nghiêm khắc năm nào của Hidalgo đã giúp Callas chiếm được cảm tình của những khán giả khắt khe ở đất nước này. Callas đã thức tỉnh opera bel canto – dòng opera đề cao nghệ thuật hát đẹp truyền thống của nước Ý từng bị rơi vào quên lãng. Sau này, Serafin cũng trở thành người cố vấn và giúp đỡ cho Callas.

Chỉ ba tháng sau sự kiện quan trọng này, Callas đã quyết định kết hôn với nhà tư bản giàu có yêu opera, Giovanni Battista Meneghini. Với ảnh hưởng lớn, quan hệ rộng và nguồn lực tài chính dồi dào, Meneghini trở thành người quản lý cho Callas và ông đã giới thiệu tài năng của người vợ trẻ của mình không chỉ ở Ý mà còn trên khắp Châu Âu. Callas được thử sức ở hàng chục vai và vai nào cũng thành công vang dội.

Năm 1953, Callas được EMI Classics mời thu âm vở opera Lucia di Lammermoor (Geatano Donizetti). Sau đó, Callas tiếp tục thu âm một loạt những tác phẩm khác như I Puritani, Cavalleria Rusticana dưới sự chỉ huy của Serafin và đặc biệt là Tosca nổi tiếng. Năm 1954, chỉ trong 1 năm, Callas đã giảm hơn 30 cân. Vịt con xấu xí ngày nào vụt biến thành nàng thiên nga kiêu hãnh, lộng lẫy. Những fan cuồng nhiệt của nhà hát La Scala đã xưng tụng Callas là “La Divina - Nữ thần”. Thời kỳ này đánh dấu sự chín muồi của Callas không chỉ ở giọng hát, kỹ thuật thanh nhạc, mà ở cả khả năng nhập vai, diễn xuất rất tinh tế, giàu biểu cảm. Sau đêm diễn La Traviata tại Verona, soprano huyền thoại người Đức Elisabeth Schwarzkopf đã quyết định sẽ không đóng Violetta nữa vì bà cho rằng: “Còn lấy đâu ra cảm xúc để diễn nữa, khi cô ấy đã thể hiện Violetta quá hoàn hảo rồi”.

Callas quyết định quay trở lại Mỹ bằng vai diễn Norma tại Lyric Opera, Chicago và tiếp tục thẳng tiến đến nhà hát Metropolitan. Lúc đó, Callas đã gặp rắc rối với tạp chí Time khi họ đăng một bài phỏng vấn mẹ bà, bà Evangelina. Bài báo miêu tả Callas như một đứa con vô ơn và bất hiếu. Callas bị công chúng ghẻ lạnh. Tuy nhiên, với diễn xuất và cách thể hiện hoàn hảo, Callas đã lấy lại được cảm tình của khán giả. Kết thúc buổi biểu diễn, Callas đã nhận được 16 lần gọi ra sân khấu trong sự hoan nghênh nhiệt liệt của khán giả. Tên tuổi của Callas đã hoàn toàn được khẳng định trên khắp thế giới.

Tiền bạc và danh tiếng đến quá nhanh đã khiến Callas trở thành một người phụ nữa ngạo mạn và ích kỷ. Callas luôn tự cho mình là trung tâm của đêm diễn, luôn giành lấy sự tán dương của khán giả và có đòi hỏi thái quá về cát sê và các điều kiện khác. Vì vậy, ngay cả những bạn diễn thân thiết cùng cộng tác nhiều lần với bà như Giuseppe di Stefano hay Mario del Monaco cũng than phiền nhiều lần về tính khí quá kỳ quặc, nóng nảy của bà. Đỉnh điểm là cuộc đối đầu với diva nổi tiếng đương thời Renata Tebaldi. Cuộc đối đầu kéo dài suốt 20 năm, cho đến khi Callas đến xem buổi biểu diễn Adriana Lecouvreur (Francesco Cilea) và ôm hôn, chúc mừng Tebaldi. Đây được xem như hành động xin lỗi và làm hòa chính thức của Callas. Sau đó, cuộc đời của Callas lại một lần nữa biến động khi bà gặp gỡ và yêu nhà tài phiệt hàng hải Aristotle Onassis, kết thúc cuộc hôn nhân với Meneghini năm 1959. Callas đã yêu Onassis như chưa bao giờ được yêu. Bà đã vứt bỏ toàn bộ sự nghiệp âm nhạc đang ở đỉnh cao để đắm chìm trong tình yêu với Onassis. Trong suốt 7 năm, Callas tham gia rất ít các buổi diễn opera chính thức, chỉ thỉnh thoảng biểu diễn tại các phòng hòa nhạc nhỏ. Mãi đến năm 1964, với lời mời của đạo diễn Zeffirelli, Callas mới quyết định quay trở lại sân khấu opera. Vai diễn Tosca quen thuộc một lần nữa đã đem lại thành công cho Callas tại Mỹ. Tuy nhiên, đó chỉ là sự lóe sáng tạm thời, khi mà Callas đã có những dấu hiệu bất ổn về giọng hát, cùng với sự xuất hiện của các giọng ca trẻ trung, tài năng khác, Callas đã nhanh chóng bị lu mờ sau đó. Sức khỏe và giọng hát đã không cho phép Callas tiếp tục, Maria Callas kết thúc sự nghiệp opera vào ngày 5/7/1965 tại Nhà hát opera hoàng gia ở Luân Đôn. Tosca chính là vai diễn chính đầu tiên (1942) và cũng là vai diễn cuối cùng (1965) của Callas.

Vào chính khoảng thời gian đó, năm 1968, Onassis bỏ rơi Callas để theo đuổi Jacqueline Kennedy (vợ của cố Tổng thống Kennedy). Việc mất đi Onassis đã khiến cho Callas, người đã từ bỏ sự nghiệp để dành hết cho tình yêu, vô cùng đau đớn. Khoảng thời gian 1971-1972, Callas tham gia giảng dạy một số khóa học Master class ở Julliard School of Music, New York, nơi bà gặp lại người đồng nghiệp cũ, giọng nam cao Giuseppe Di Stefano. Ông mời bà trở lại sân khấu, tham gia chuỗi các buổi hòa nhạc vòng quanh thế giới để kiếm tiền chữa bệnh cho con gái ông. Tour diễn kéo dài từ 25/10/1973 đến cuối năm 1974, đi qua Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản và giành được thành công lớn. Khán giả đã tới để lắng nghe những giọng ca vàng một thời. Buổi biểu diễn ngày 11/11/1974 là buổi biểu diễn cuối cùng trong tour diễn, được tổ chức tại Sapporo, Nhật Bản – đây cũng chính là nơi cuối cùng được thưởng thức giọng hát của Callas. Sau khi Onassis qua đời năm 1975, Maria Callas rời nước Mỹ, sống cuộc sống ẩn dật và cô đơn trong một căn hộ ở Paris. Ngày 16/09/1977, bà qua đời tại nhà riêng, khi mới 54 tuổi.

Với những thành quả đạt được, năm 2007, Callas được truy tặng Giải Grammy thành tựu trọn đời. Cũng trong năm đó, bà được Tạp chí âm nhạc của BBC bầu chọn là giọng nữ cao vĩ đại nhất mọi thời đại. Bà cũng được nhiều nghệ sĩ tưởng nhớ đến trong các tác phẩm của họ. Có thể kể đến Ban nhạc R.E.M, họ đã đề cập đến Callas ở bài hát “E-Bow the Letter” trong album New Adventures in Hi-Fi. Hay như Celine Dion đã tưởng nhớ Callas qua ca khúc “La Diva”, với lời của Denise Bombardier. Bài hát nằm trong album D'elles, bằng tiếng Pháp. Thậm chí Celine Dion còn ước mơ là sẽ được đóng vai Maria Callas trong một bộ phim nào đó về Callas và nhận giải Oscar cho vai diễn đó.

Callas đã từng nói: “Tôi không phải là thiên thần và tôi không giả vờ mình là thiên thần. Đó không phải là vai diễn của tôi. Nhưng tôi cũng không phải là ác quỷ. Tôi là một người phụ nữ và một nghệ sĩ nghiêm túc, và tôi thích được đánh giá như vậy”. Những câu nói trên đã phần nào khắc họa chân dung, tính cách và con người của nghệ sĩ opera tài hoa này.

Đúng như Dario Soria, nguyên là chủ hãng Angel Records, và bây giờ là Giám đốc của Metropolitan Opera Guild đã nói: “Tôi nghĩ bà sẽ được nhớ đến như là một trong những ca sĩ opera vĩ đại nhất mọi thời đại”.

(Nguồnhttp://www.giaidieuxanh.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...