Mạn đàm: Loạn và … Loạn

25/05/2020

Từ trước đến nay, chúng ta thường hay nghe các cụm mỹ từ: âm nhạc là "tiếng nói tâm tư, tình cảm của con người", là "mang cái đẹp đến cho con người", là "tiếng nói chân thực của cuộc sống, phản ánh cuộc sống", là "tiếng nói chung để mọi người trên thế giới vượt qua rào cản ngôn ngữ để hiểu nhau hơn", là "hướng đến cái Đẹp, cái Chân - Thiện - Mỹ".

Khi còn trẻ, tôi luôn tâm đắc, hào hứng với những điều này, đến giờ, đã quá nửa đời người, tôi vẫn tâm đắc, nhưng cái sự "hiểu", cái sự "tâm đắc" đó đối với cuộc sống hiện tại nó mang một vị gì đó chua chua, cay cay, đăng đắng…, rõ nhất là sự chán nản, tự ái nghề nghiệp! Âm nhạc, theo tôi - tôn chỉ của nó là cái Đẹp, mang cái Đẹp đến với con người, đến với cuộc sống… Vậy tại sao không cho nó làm đúng chức năng của nó?

Thực tế hiện nay, chính trị đã cuốn sâu các hội nghề nghiệp vào vòng xoáy của nó. Âm nhạc là "vũ khí đấu tranh", đã đóng vai trò không nhỏ trong hai cuộc chiến tranh. Các nhà sáng tác thời kỳ đó đều là những nhạc sĩ thuộc thế hệ vàng, có tài, có tâm, hào hứng tham gia với suy nghĩ giản đơn là góp sức cho đất nước, đa phần không hề nghĩ rằng mình đang làm chính trị. Đối với họ, đơn giản khi "đẻ" ra được một tác phẩm là niềm vui, hạnh phúc. Song văn nghệ sĩ phải "hồng" nhiều hơn "chuyên"! Rồi quan điểm "nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh" cũng chồng chéo không kém. Bởi như đã nói, âm nhạc là "tiếng nói tình cảm, tâm tư của quần chúng nhân dân… thông qua âm nhạc, người dân có thể phản ánh những hiện thực trong đời sống sinh hoạt… của họ", đó chẳng phải là "nghệ thuật vị nhân sinh" đó sao? Nói đi, phải có nói lại cho rõ ràng: Nghệ thuật vị nhân sinh, thì đối tượng chính là quần chúng nhân dân, nên nghệ thuật cũng phải có "tầm" để phục vụ nhân dân. Đời sống nâng cao thì nhận thức, hiểu biết của nhân dân về mọi mặt (trong đó có âm nhạc) cũng được nâng cao, nên tác phẩm âm nhạc phải vừa phù hợp với tâm tư của quần chúng nhân dân, nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng học thuật. Không thể xem thường nhân dân, không thể cho ra đời những tác phẩm mang tính "xã ca", "huyện ca", rồi tung hô như tuyệt tác!

Còn hiện nay, khi mà xã hội cần hòa nhập với thế giới, câu "hòa nhập nhưng không hòa tan" có khi là con dao hai lưỡi, đúng với trường hợp này, nhưng không đúng với trường hợp khác. Do chưa được quan tâm đúng mức nên so với thế giới, nền âm nhạc Việt Nam vẫn đang trong tình trạng "ì ạch, lẹt đẹt". Tôi thấy rằng, có những điều chính phủ và các tổ chức chuyên môn của thế giới làm rất chuẩn như việc họ quan tâm đến chất lượng học thuật, quan tâm đến tài năng, đến con người, đến khả năng, hiệu quả sáng tạo tuyệt đối, rõ ràng, sòng phẳng, dứt khoát… Những vấn đề như thế này thì mình vẫn có thể "hòa tan" được, tại sao không?

Loạn… vì cái sự áp đặt chủ quan lên cái Đẹp, giống như kiểu ép duyên, làm cho cái Đẹp cứ phải vùng vẫy giữa dòng! Loạn… cũng vì một số tổ chức, cá nhân, ban ngành nhắm mắt, xuôi… người! Loạn… cũng do những con người mang danh văn nghệ sĩ nhưng chẳng có hình hài thực sự! Loạn… khi không đánh giá văn nghệ sĩ qua khả năng chuyên môn, qua tài năng, qua tác phẩm, mà chỉ thiên về đánh giá "lập trường tư tưởng"! Loạn… khi xem xét tác phẩm theo kiểu ban phát, xin cho! Loạn… cũng do vấn đề trên mà những người thực sự có chuyên môn, tâm huyết với nghề, những tác phẩm có chất lượng… bị cô lập, bị gạt ra không thương tiếc! Loạn… nên nhiều người không có chuyên môn thực sự, không có tác phẩm có chất lượng thực sự lọt vào đội ngũ văn nghệ sĩ, khệnh khạng tự xem mình là văn nghệ sĩ, xênh xang sánh vai với những bậc đàn anh đàn chị khét tiếng trong nghề! Loạn… cũng do có những văn nghệ sĩ dởm nên đương nhiên - tác phẩm dởm náo loạn thị trường âm nhạc! Loạn… là nhiều nhà quản lý chuyên môn lại hưởng ứng những cái loạn trên. Thật giả lẫn lộn, làm cho những người có tâm với nghề thở dài, ngao ngán! Có thể là do các ban ngành liên quan vì lý do nào đó chưa thực sự thấu hiểu văn nghệ sĩ, chưa thực sự hiểu nghệ thuật, nên không coi trọng, không quan tâm. Kết quả là rối bời một cục không biết khi nào tháo gỡ được!

Lời "loạn" cuối là lời rất thẳng thắn, chân thực, không hề muốn "phá" ai: Hãy để cho nghệ thuật và những con người làm nghệ thuật được là chính mình, làm đúng với chức năng của mình! Nếu được như vậy, cuộc sống, xã hội sẽ muôn màu sắc, đa dạng, văn minh hơn - đó không phải là điều mà thể chế nào cũng ao ước sao?

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...