Luộm thuộm chức danh học hàm, học vị

29/03/2018

Đứng trước Phòng khám thấy tấm biển ghi: bác sĩ Nguyễn Văn A, Chuyên khoa, Giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng khoa… Nguyên Phó chủ tịch… không khỏi khiến bệnh nhân lưỡng lự, thậm chí hoang mang về bệnh tình… của bác sĩ. Trong trường hợp này, có lẽ bệnh của bác sĩ còn nặng hơn bệnh nhân. Vì, đối với bệnh nhân, bác sĩ đã là một bảo chứng cần tìm đến mỗi khi lâm vào tình trạng sức khỏe xuống cấp. Song, đằng sau tấm biển trên cho thấy sự sa sút, xuống cấp về niềm tin. Cuộc khủng hoảng này đã lan rộng trong xã hội, ăn sâu vào tâm lý con người khiến cho các chỉ báo đo lường chất lượng, mức độ, nhất là độ tin cậy không ngừng gia tăng bên ngoài sản phẩm, kể cả con người. 

Trong hoạt động nghiên cứu, một địa hạt thuộc lĩnh vực khoa học, người ta cũng không ngần ngại huy động nhiều chỉ báo không liên quan nhằm gia tăng độ tin cậy, như học hàm, học vị, chức danh, nghệ danh… Những món đồ trang sức ấy phơi bày nhan nhản trên trang báo, len lỏi vào tấm Card visit cá nhân. Nhiều người tỏ ra thiếu tự tin khi viết: “ông A, bà B nói rằng”. Thay vào đó, những giáo sư, tiến sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nguyên Chủ tịch, Phó chủ tịch hội này đoàn kia ngổn ngang trong bài viết. 

Thói chuộng danh, háo danh, thích danh, bệnh sĩ phổ biến ở nhiều nơi. Nó như một biểu hiện của nhân tính. Trong bối cảnh thật giả lẫn lộn, danh hiệu, thương hiệu, đẳng cấp lên ngôi là một xu hướng tất yếu. Thứ văn hóa “bao bì”, chuộng nhãn mác dễ lừa phỉnh con người nhằm gói ghém, che đậy những thứ yếu kém. Ở một chiều hướng khác quan sát, tình trạng suy yếu, đánh mất niềm tin, lòng tin và đức tin đã đẩy con người tới chỗ tin vào những chỉ báo ngoại tại. Điểm tập kết, ngưng tụ của nó nằm ngay trong não trạng con người và trên những sản phẩm nhân danh văn hóa. Bên cạnh sự suy đồi, khủng hoảng niềm tin, xã hội còn khiếm khuyết hệ giá trị mang tính định hướng. Nó củng cố cho lợi ích cá nhân, góp phần sùng bái cái tôi ích kỷ. 
Việc phơi bày chức danh, học hàm, học vị, nghệ danh… suy cho cùng là những giá trị đối với cá nhân. Nó chưa bao hàm trách nhiệm của người thừa hưởng đối với xã hội, cộng đồng hay nhân loại. Chưa kể, đằng sau thói chuộng danh, giả danh, háo danh ẩn giấu những điểm mờ về văn hóa, đạo đức. Xã hội từ lâu đã đánh mất lý tưởng, nên lợi ích thế chỗ và gặp điều kiện thuận lợi phát triển. Tình trạng mập mờ giữa danh và thực gieo vào lòng người sự ngờ vực. Một vị hiệu trưởng trường Đại học nọ được “cử” trước khi “thi” (tiến sĩ) đã vội vàng in trên tấm Card visit học vị “tiến sĩ”. Cả đời sống sinh hoạt lẫn văn hóa, đạo đức, giáo dục, học thuật đều rơi vào tình trạng khủng hoảng niềm tin. Cuộc khủng hoảng này đã di chuyển vào “vùng đất linh hồn”, khoét sâu tư duy hám danh, giả danh, háo danh. Các biển hiệu, bảng hiệu, thương hiệu từ giá trị vô hình trở thành tài sản hữu hình mà nhiều cá nhân, tổ chức theo đuổi bằng mọi giá, kể cả dùng thủ đoạn để đánh tráo thật giả. 

Trước nhu cầu hội nhập thế giới, danh là cái dễ dàng đạt tới mức độ bình đằng. Suốt thời gian qua, chúng ta nỗ lực lấp đầy khoảng cách giữa mình và thế giới bằng hàng loạt danh vị, học vị, tước vị… Cá nhân vốn là một phức thể tổng hợp. Cho dù chúng ta cố gắng liệt kê hết chức danh, học hàm, học vị… của mình cũng không thể nào thay thế được toàn bộ con người. Trong trường hợp cụ thể, nên lựa chọn danh xưng thích hợp, chẳng hạn, với tư cách cha mẹ đi họp phụ huynh cho con thì chúng ta đơn giản đóng vai trò cha  hay mẹ của con mình. Tác giả một ca khúc trả lời phỏng vấn, người phỏng vấn có thể xưng danh là nhạc sĩ, chứ đừng nên dùng tiến sĩ… Việc liệt kê nhiều chỉ báo để nhận biết về cá nhân tiềm ẩn nguy cơ về giá trị. Nó phản ánh mức độ nghiêm trọng cuộc khủng hoảng lòng tin. Thực phẩm đóng dán nhiều loại nhãn mác, ăn vào vẫn có khả năng gây ngộ độc. Bác sĩ trưng nhiều thứ học hàm, học vị, chức danh, chức tước… mà bệnh nhân chưa thấy yên tâm… 

Khổng Tử là người chủ trương thuyết Chính danh, từng được phong làm bậc Chí thánh, phẩm cao nhất trong thang giá trị Nho giáo, người đời suy tôn là Vạn thế sư biểu (người thầy của muôn đời). Song, trong trước tác của ông, người xưa chỉ ghi: “Tử viết”, nghĩa là Khổng Tử nói rằng, chứ không viết: Vạn thế sư biểu Đức thánh Khổng Tử nói rằng. Thói khiêm cung là một đức tính rất cần trong mọi sinh hoạt, đạo đức cũng như học thuật. Trong văn hóa phương Đông, nhiều giá trị trường tồn qua thời gian, ổn định trong cấu trúc văn hóa, như danh xưng thầy chẳng hạn. Ở Đài Loan, một xã hội mà nhiều giá trị truyền thống vẫn tiếp tục chảy giữa lòng thời đại, người ta tôn kính học giả, kẻ sĩ bằng danh xưng thầy, vừa khiêm cung, vừa gần gũi. Mặc dù nhiều người trong số đó làm quan, có học hàm, học vị, chức vị, nhưng không nhất thiết trưng những món đồ ấy trên trang giấy hay thốt lên cửa miệng, mà gói ghém vào một danh xưng đầy tôn kính. Từ thầy bao trọn nội hàm tôn kính. Trong lĩnh vực nghệ thuật, danh xưng nghệ sĩ đã là đủ. Còn nghệ sĩ ấy có ưu tú, xuất sắc, xuất chúng hay không tùy thuộc vào sự phán xét của khán thính giả. Ở ta, nhiều danh hiệu do cơ quan nhà nước phong tặng. Việc phong tặng này cũng lắm chuyện đáng bàn, đặc biệt rất “đúng quy trình” khiến cho nhiều người đi “cửa sau”, về cửa trước gây tổn hại đến cả thể diện cá nhân lẫn danh hiệu. 
Nhiều năm qua đi, nhìn lại không khỏi ngỡ ngàng về tình trạng hiếu danh trong xã hội. Danh vốn là khách của thực. Việc bỏ thực để cầu danh đã lưu lại trong văn hóa tình trạng danh không xứng với thực. Đây không chỉ là căn bệnh của ngành y tế hay giáo dục mà của cả nền văn hóa đất nước. 

Tác giả: Lê Hải Đăng

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...