Lửa ca trù trên đất Phượng hoàng
Đan Phượng- tương truyền là miền đất của loài chim phượng hoàng lửa. Trong cái lạnh cắt da của mùa đông, về qua làng Đại Phú, xã Thượng Mỗ, khách xa bỗng xao lòng bởi những làn điệu ca trù cổ da diết, thấm đẫm ý nghĩa nhân văn…
Bảy đời đau đáu lo truyền lửa
“Hứ hự tình tình thư một bức ư ư, phút huê thao tình thư một bức ứ ư. Tâm sự này văng vẳng bóng trăng soi. Chữ nhân duyên đưa lại bởi hừ trời. Duyên kì ngộ ứ hự thề bồi non với nước ứ hự. …”.
Tiếng hát nỉ non ấy là của bà Nguyễn Thị Tam (SN 1950) đang hát mẫu để truyền dạy cho các học viên trong làng. Bà Tam năm nay đã ngoài 60 tuổi, là một người con của dòng họ Nguyễn Duy, một dòng họ mà mấy trăm năm nay đã dồn nhiều tình yêu và tâm huyết cho bộ môn nghệ thuật ca trù của quê hương.
Theo những tài liệu cổ mà ông cha để lại thì vào thế kỉ thứ 17, dòng họ Nguyễn Duy ở đất Thượng Mỗ sinh được một người con gái kỳ tài tên là Nguyễn Thị Hồng. Vốn tư chất thông minh, tính tình hiền thục lại thuộc dòng dõi gia thế nên khi được cha mẹ cho theo học thầy đồ nổi tiếng họ Lưu, Nguyễn Thị Hồng đã bộc lộ được nhiều năng khiếu về thơ ca, đàn hát, đặc biệt là hát nhà trò (hát ca trù – hát ả đào) rất hay. Nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn bà đã nổi tiếng khắp vùng, được mời dạy hát cho 12 họ ở trong làng.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam bên chiếc đàn đáy cổ
Đất Thượng Mỗ ngày ấy lúc nào cũng vang lên tiếng trống, tiếng đàn, nhịp phách hòa trong giọng hát du dương trầm bổng tạo lên không khí vui vẻ, trầm ấm. Cũng từ ấy mà Thượng Mỗ trở thành chiếc nôi hát ca trù của vùng quê Đan Phượng.
Lúc bấy giờ, vua Lê Chính Hòa ngự giá đi kinh lý thăm triền đê sông Hát, vừa tới đất Thượng Mỗ đã nghe tiếng hát: “Tay cầm bán nguyệt thênh thang/ Một trăm ngọn cỏ phải hàng ta đây”. Tiếng hát nỉ non trầm bổng khiến nhà vua say sưa vội cho quân sĩ đi tìm. Nhà vua càng sửng sốt hơn khi thấy đó là một người phụ nữ chân lấm tay bùn nhưng sắc nước hương trời.
Ngài vội cho đến hỏi han, tức thì nàng ấy ứng đối trôi chảy, có tình có lý và tỏ ra thông hiểu cổ kim. Vua rất mừng cho rước nàng về cung phong làm Nội Điện, Thị Nội Cung Tần, sau lại phong làm Đệ Nhị Cung Phi Hoàng Hậu phụ trách dạy lễ nhạc trong Nội Điện, đặc biệt là dạy hát ca trù để phục vụ cho những ngày đại lễ. Một thời gian sau khi bà mất, thể theo nguyện vọng của bà, nhà vua đã tổ chức tang lễ đưa bà về yên nghỉ tại Thượng Mỗ. Cũng theo người dân Thượng Mỗ còn truyền tụng thì tại vùng đất này, bà đã được người dân tụng hô là “Bà Chúa ca trù”.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tam và học trò trong hội diễn văn nghệ dân gian
Từ khi “Bà Chúa ca trù” qua đời, những người con cháu còn lại của dòng họ Nguyễn Duy vẫn tiếp tục tiếp nối mạch chảy của loại hình hát quý tộc này. Trong số đó có thể kể đến như nghệ nhân Nguyễn Thị Chản, Nguyễn Duy Sách, Nguyễn Thị Tam… Nghệ nhân Nguyễn Thị Chản nay đã mất, trước khi mất bà đã kịp truyền nghề lại cho cô con gái của mình là Nguyễn Thị Tam, nay là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thượng Mỗ. Theo bước cha ông, bà Tam cũng dành tâm huyết của cả cuộc đời mình cho việc bảo tồn và phát triển ca trù.
Lo lắng cho ngày mai
Bà Tam là lớp hậu duệ đời thứ 7 của “Bà Chúa ca trù”. Ngay khi mới lên 8 tuổi, bà đã được mẹ cho theo chân phường hát đi hát ở khắp nơi. Thấy con gái bộc lộ nhiều tố chất về loại hình nghệ thuật này, mẹ bà đã cố gắng truyền hết bí quyết trong nghề như cách lấy hơi, nhả chữ, cầm phách, chơi đàn… Đến khi người mẹ mất đi, bà Tam lại tiếp tục công việc truyền lửa vào lớp thế hệ con cháu, những mong loại hình hát ca trù mà cha ông dày công gìn giữ từ xưa sẽ không bị thất truyền.
Hiện nay, lớp học của bà Tam đã dần đông lên với khoảng 50 học viên. Đặc biệt nhất, có những học viên đã ngoại ngũ tuần, ngoại lục tuần vẫn chăm chỉ tối tối rủ nhau đến nhà bà Tam học hát. Học viên ít tuổi nhất là những cháu bé mới 10 tuổi, đang học tiểu học.
Lửa ca trù vẫn âm ỉ cháy ở Thượng Mỗ
Lớp học diễn ra đông đủ nhất là vào tối hai ngày cuối tuần. Khi ấy khắp làng Đại Phú lại văng vẳng tiếng hát, tiếng phách, tiếng trống, tiếng đàn ngân nga, trầm bổng. Bà Tam cho biết: “Chiếc đàn đáy này tính đến đời tôi cũng phải sáu, bảy đời rồi. Trước trong dòng họ có hai chiếc đàn cổ như thế, nhưng một chiếc đã đem tặng cho Bảo tàng huyện Đan Phượng. Bộ phách cổ của dòng họ cũng được đem tặng cho Bảo tàng. Ngày trước anh trai tôi, Nguyễn Duy Sách là cây đàn cự phách số một của vùng, tiếc là anh ấy đã mất, tiếng đàn xưa đã không được nghe lại nữa rồi”.
Kép đàn không còn nhưng việc truyền dạy cho các thế hệ sau cũng không thể dừng lại. Nhớ lại những bí quyết mà mẹ và anh truyền dạy cho lúc trước, bà Tam lại cố gắng một mình vừa làm ca nương, vừa làm kép đàn để dạy cho các cháu. Bởi thế mà một tay bà vừa gõ phách, vừa hát, nhiều bài bà còn kiêm luôn cả tay đàn, tay trống.
Thấy được sự nhiệt huyết của bà, các học viên càng khâm phục và thêm yêu về loại hình hát ca trù của quê hương. Nhờ vậy mà các giải thưởng, phần thưởng cao quý liên tục được bà và các học viên giành về cho quê hương. Mới đây trong Hội Diễn Văn nghệ Dân gian toàn quốc, cháu Nguyễn Thị Huyền (15 tuổi) đã giành được huy chương vàng, cháu Nguyễn Duy Trung (11 tuổi) cũng đạt giải A đánh trống trầu… Năm 2013, với những nỗ lực của mình, bà Nguyễn Thị Tam đã được công nhận là Nghệ nhân dân gian.
… Nay tuổi đã xế chiều, trong 120 làn điệu cổ của ca trù Thượng Mỗ, bà Tam mới truyền dạy được cho học viên của mình chưa đến 10 làn điệu. Học viên nào học khá nhất cũng mới thuộc được 35 làn điệu. Bà Tam lo lắng đến ngày mình từ giã cõi đời, liệu rằng những làn điệu cổ còn lại kia có bị mai một rồi mất dần đi?./.
(Nguồn: http://baophapluat.vn)