“Lửa” ca trù còn mãi

14/04/2014

Chúng tôi may mắn được gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc cách đây 1 năm, khi đó bà vẫn đang nhiệt huyết "truyền lửa” cho các ca nương tại Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Trong câu chuyện, ánh mắt bà đầy tự hào nhắc tới cô chắt ngoại - ca nương nhí Nguyễn Thị Nhung với kỳ vọng "lửa” ca trù trong gia đình còn mãi…


Ca nương Nguyễn Thị Nhung (ngoài cùng, bên trái)

Truyền thống ca trù ở gia đình bà Chúc bắt nguồn từ một người bác vốn là một ca nương của triều đình nhà Nguyễn. Lúc còn trẻ bà vừa hát hay lại vừa xinh đẹp nên càng được biết tiếng. Thuở lên 9 tuổi, bà Chúc đã được bố mẹ dạy cho học hát. Năm 12 tuổi đã được bố mẹ cho đi hát các đám ở cửa đình, lễ hội. Các quan viên rất say mê bà Chúc hát, bởi bà có cách ém hơi, đổ hột rất độc đáo, đặc biệt là cách ngâm, khó ai sánh được.

Sống ở Hà Nội một thời gian, nghề hát ca trù tạm lùi vào quá khứ, bà Chúc quyết định trở lại quê Ngãi Cầu (Hoài Đức, Hà Nội). Tuy mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau nhưng bà Chúc vẫn tiếp tục say mê với ca trù. Những thăng trầm thời cuộc khiến nghệ nhân không còn được ca hát thường xuyên trong nhiều thập kỷ, truyền thống ca trù của gia đình nhiều lúc tưởng chừng không còn người nối tiếp… Năm 2005, bà được phong nghệ nhân dân gian. Và khi ca trù được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2009) thì loại hình nghệ thuật này lại có cơ hội hồi sinh. Tuy vậy, đời sống của bà Chúc cũng chẳng vì thế mà được cải thiện… Dù trong thâm tâm bà luôn quan niệm, đưa ca trù trở lại với đời sống là khao khát của ca nương, kép đàn và việc duy trì diễn xướng không ngoài mong muốn người Việt cũng như người ngoại quốc có cơ hội tiếp cận với tinh hoa cổ nhạc của Việt Nam đã được cả thế giới ghi nhận…

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc vừa ra đi trong lặng lẽ ở tuổi 85 trong vòng tay con cháu tại quê nhà. Có một điều may mắn, trong khi nhiều nghệ nhân trút hơi thở cuối trong sự đau đáu với nỗi lo thất truyền thì bà Chúc "nhẹ gánh” hơn khi đã tương đối hoàn tất việc truyền nghề cho cháu và các chắt. Đặc biệt, ca nương nhí Nguyễn Thị Nhung, chắt ngoại của bà Nguyễn Thị Chúc năm nay 17 tuổi khá giống hình ảnh của bà xưa kia. Hiện Nhung đang theo học tại Khoa Nhạc cụ dân tộc, Học viện Âm nhạc Quốc gia. Nhung vẫn tham gia biểu diễn ca trù tại địa chỉ 87 Mã Mây, Hà Nội. Nhung nói: Khách nước ngoài rất chú ý tới những người trẻ biểu diễn và họ thường đặt những câu hỏi về cách người Việt bảo tồn và gìn giữ ca trù như thế nào khi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Không ít du khách đánh giá ca trù độc đáo và đạt tới nghệ thuật đỉnh cao.

Đến nay, tay phách của Nhung đã bắt đầu điêu luyện, nhưng giọng ca cần phải có thời gian để đủ độ chín. Tuy vậy, những gì mà ca nương 17 tuổi này làm được khiến người nghe không khỏi bất ngờ. Trong Liên hoan Ca trù toàn quốc năm 2009, lúc đó mới 13 tuổi Nhung đã đoạt giải Huy chương bạc trống chầu và bằng khen của Viện Âm nhạc Việt Nam với những đóng góp gìn giữ nghệ thuật ca trù. Nhung là đời thứ 5 trong gia đình theo nghề ca trù. Bà Chúc mừng rơn vì hiện Nhung đã nắm được hết nhịp phách và những cơ bản của làn điệu ca trù cổ. "Nhưng muốn hay, muốn nhuyễn và đặc biệt là muốn biến tấu phải thật giỏi cơ bản thì mới có thể "phiêu” và đưa ca trù lên đỉnh cao được. Với cháu Nhung, giờ chỉ luyện tập và theo thời gian, cháu sẽ "già” giọng, lúc đó mới đạt được độ hay, độ đẹp. Vì ca trù người học càng nhiều tuổi hát càng hay. Lúc đó ca nương mới đủ kinh nghiệm, dạn dày…” - bà Chúc nhấn mạnh.

Còn về mức độ khó tới khắc nghiệt của loại hình nghệ thuật truyền thống này, Nhung chia sẻ: Lúc bắt đầu học năm 12 tuổi, tôi thấy hát đã khó, gõ phách lại càng khó bội phần. Có buổi ngồi trước mặt cụ Chúc, cụ uốn nắn giọng, rồi bắt nghe phách đúng nhịp mà không muốn theo nữa, vừa hát, vừa khóc. Nhưng cụ Chúc nghiêm khắc lắm, mỗi buổi phải luyện đến khi nào cụ cảm thấy hài lòng mới chịu cho nghỉ. Đến giờ, cô đã đủ lớn khôn để hiểu ý nghĩa của từ "thất truyền” mà cụ Chúc thường lo lắng. Vậy là nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc đã mãn nguyện "nhắm mắt xuôi tay”…

(Nguồn: http://daidoanket.vn)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...