Long đong Đờn ca tài tử
Từ khi còn sinh hoạt tự phát cho đến khi trở thành di sản, Đờn ca tài tử vẫn hoạt động theo kiểu “chắp vá” và chuyện “hợp tan” của các câu lạc bộ Đờn ca tài tử là lẽ tất nhiên.
Lễ kỷ niệm 99 năm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” (1919 - 2018), kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ 8 và Lễ Giỗ tổ Cổ nhạc đã diễn ra tại Nhà hát Cao Văn Lầu, Khu Lưu niệm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, thành phố Bạc Liêu, tối 20/9/2018. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN
Vùng đất của Đờn ca tài tử Nam Bộ
Đờn ca tài tử Nam Bộ là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung, dân ca miền Nam.
Theo tài liệu lịch sử cũng như từ nguồn tài liệu qua các Hội thảo, Tọa đàm khoa học thì Đờn ca tài tử có nguồn gốc từ nhạc cung đình Huế, du nhập vào miền Nam từ cuối thế kỷ XIX do ba nhạc sư gốc Trung bộ là Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi - Nhạc quan triều đình nhà Nguyễn), Trần Quang Qườn (thầy ký Qườn) và Lê Tài Khị (Nhạc Khị) sáng tạo nên. Như vậy, Đờn ca tài tử Nam bộ là loại hình nghệ thuật biểu diễn độc đáo, vừa mang tính bác học vừa mang tính dân gian của Nam Bộ.
Bạc Liêu luôn được mệnh danh là chiếc nôi của đờn ca tài tử Nam Bộ (nhất Bạc Liêu nhì Cần Đước – Cà Mau), bởi lẽ đây là vùng đất có nhiều thuận lợi cho việc phát triển Đờn ca tài tử và cũng là nơi sản sinh ra nhiều danh ca, danh cầm nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh.
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, tại Bạc Liêu, ông Lê Tài Khí (Nhạc Khị) cùng với Sư Nguyệt Chiếu khởi xướng phong trào Đờn ca tài tử trên nền hoạt động của nhạc lễ, ở giai đoạn này việc canh tân và hiệu đính “Thập loại bài bản” (Nhứt lý, nhì ngâm, tam nam, tứ oán, ngũ điểm, lục xuất, thất chính, bát ngự, cửu nhĩ và thập thủ liên hườn).
Trong thời kỳ này xuất hiện nhiều nghệ nhân vang bóng một thời như: Nhạc Khị, Sư Nguyệt Chiếu, Cao Văn Lầu (Sáu Lầu), Ba Chột (Lê Văn Túc), Hai Thân, Cô Ba Vàm Lẽo, Năm Nghĩa, Mộng Vân, Trịnh Thiên Tư… với các bài, bản tiêu biểu: “Ngự giá đăng lâu”, “Ái tử kê”, “Minh hoàng thưởng nguyệt”, “Phò mã giao duyên”, “Bát man tấn cống”, “Liên bắc thủ”, “Dạ cổ hoài lang”, “Hậu đình Lê”, “Giọt mưa đêm”, “Liêu giang”…
Qua hơn một thế kỷ với bao thăng trầm lịch sử, Đờn ca tài tử đã khẳng định vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng.
Trên địa bàn tỉnh, phong trào Đờn ca tài tử đang phát triển khá mạnh từ nông thôn đến thành thị, hầu như mỗi ấp, khóm đều có từ một đến ba Câu lạc bộ Đờn ca tài tử. Toàn tỉnh có hơn 200 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, trong đó hơn 50 Câu lạc bộ được Nhà nước hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ sinh hoạt, với tổng số hơn 2.100 thành viên (gần 500 nghệ nhân đờn và hơn 1.600 nghệ nhân ca).
Trong đó, huyện Đông Hải chiếm số lượng nhiều nhất, các huyện khác như Phước Long, Vĩnh Lợi, Giá Rai cũng có số Câu lạc bộ khá đông, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ở các địa phương, nhất là vùng nông thôn.
Long đong nghệ thuật Đờn ca tài tử
Mặc dù các xã, phường trên địa bàn tỉnh đều có Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, song trên thực tế, phần lớn những Câu lạc bộ này chủ yếu xuất phát từ đam mê còn xét về tính chuyên nghiệp thì vẫn còn thiếu nhiều yếu tố.
Tồn tại nhiều năm qua, từ khi Đờn ca tài tử còn sinh hoạt tự phát cho đến khi trở thành di sản nhưng vẫn còn sinh hoạt theo kiểu “chắp vá” và chuyện “hợp tan” của các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử là lẽ tất nhiên. Ngoài ra, nguồn kinh phí hạn hẹp cũng là chướng ngại cản trở sự phát triển lớn mạnh của phong trào Đờn ca tài tử.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử huyện Phước Long Lâm Văn Dũng cho biết: Hầu hết các nghệ nhân đều không mấy khá giả, các nghệ nhân có tên tuổi thì thường chạy “sô” và chẳng có mấy ai làm giàu được từ bộ môn nghệ thuật này. Các Câu lạc bộ có gắn với phục vụ du lịch được hỗ trợ 6 triệu đồng/năm còn những Câu lạc bộ không gắn phục vụ du lịch thì địa phương tự cân đối ngân sách để hỗ trợ hoạt động. Tuy nhiên hai năm nay, các Câu lạc bộ gắn với phục vụ du lịch cũng không còn nhận được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, lực lượng trẻ kế thừa, thực hành các kỹ năng nghệ thuật Đờn ca tài tử còn rất khiêm tốn hoặc có thể nói đang thiếu hụt, trong khi đó, lực lượng nghệ nhân "lão làng" đang ngày càng mai một.
Theo các nghệ nhân, hiện nay số lượng các bài ca tài tử dành cho thế hệ trẻ vô cùng khan hiếm, do đó các em phải chọn ca những bài, bản của người lớn rất già dặn, chiêm nghiệm chứ không hồn nhiên, dễ hiểu đúng với lứa tuổi các em.
Đây cũng là điều nan giải với nghệ nhân truyền dạy vì bất đắc dĩ phải để các em luyện giọng, đếm nhịp bằng bài ca người lớn. Do đó, nhiều em học được nửa chừng thì bỏ vì không theo kịp hoặc không thích những bài ca có nội dung xa rời tâm lý lứa tuổi.
Bảo tồn và phát triển bài bản, hiệu quả
Trước những khó khăn và trở ngại cho việc bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử, năm 2014, Bạc Liêu đã triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2014 – 2020”.
Theo đó, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên mục đờn ca tài tử và đưa nội dung tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Đờn ca tài tử phục vụ nhu cầu tìm hiểu, trao đổi và thưởng thức cho nhân dân.
Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu và các huyện, thành phố tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử giữa các câu lạc bộ trong tỉnh và duy trì giao lưu Đờn ca tài tử giữa 3 tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cà Mau, cũng như một số tỉnh trong khu vực Tây Nam bộ. Các ngành chức năng, đoàn thể còn tổ chức nhiều Hội thi, cuộc thi tìm hiểu kiến thức về Đờn ca tài tử bên cạnh kỹ thuật ca diễn cho lực lượng cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên.
Tỉnh đoàn Bạc Liêu cũng đã triển khai nhiều chương trình nhằm phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong việc tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2022. Theo đó, dự kiến 100% đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn phối hợp thành lập và duy trì hoạt động một câu lạc bộ Đờn ca tài tử; 90% đoàn viên thanh niên trong tỉnh biết hát bài Dạ cổ hoài lang, hát được ít nhất một câu vọng cổ.
Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu Vưu Long Vĩ cho biết, Trung tâm đã mở nhiều lớp tập huấn cộng đồng để ca bài “Dạ cổ hoài lang”, bài vọng cổ nhịp 8, nhịp 16 và một số điệu thức trong 20 bản tổ Đờn ca tài tử; “Tập hát các bài bản trong Đờn ca tài tử”… Các lớp học giúp các học viên có cái nhìn khác về Đờn ca tài tử, vọng cổ, cũng như hiểu, nắm vững nhịp nhàng bài vọng cổ, bài bản tài tử.
Khi tổ chức truyền dạy Đờn ca tài tử, theo nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Bạc Liêu Trần Phước Thuận, cần phải khuyến khích hình thức kế thừa dân gian. Việc trao truyền cần có sự tham gia hỗ trợ, định hướng của ngành chức năng để Đờn ca tài tử được giữ gìn đúng cách. Ngoài việc dạy kỹ năng đờn và ca, hình thức kế thừa dân gian nên quan tâm giúp người học hiểu lịch sử hình thành và phát triển của Đờn ca tài tử, hoàn cảnh ra đời các điệu thức, tác giả bài bản Đờn ca tài tử…
Bạc Liêu cũng chú trọng chính sách hỗ trợ những nghệ nhân ưu tú khó khăn, những nghệ nhân tham gia truyền dạy bài bản Đờn ca tài tử ở cộng đồng; chú trọng phát hiện đào tạo, bồi dưỡng tài năng thông qua phong trào hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử tại các địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Vương Phương Nam cho rằng trách nhiệm của ngành chức năng là phải làm thế nào để giới trẻ yêu thích nghệ thuật Đờn ca tài tử, sau đó là tự hào và nhận thấy trách nhiệm bảo tồn Đờn ca tài tử.
Ngoài ra, Bạc Liêu cũng cần đa dạng hóa các hình thức tổ chức bảo trợ của các doanh nghiệp trong việc thành lập và phát triển các đội, nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử; đa dạng hóa các hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn; chú trọng hoạt động sáng tác lời mới, sáng tạo trong nghệ thuật đạo diễn dàn dựng, xây dựng kịch bản…
Như vậy, để việc bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài từ có hiệu quả, Bạc Liêu cần có những giải pháp đồng bộ từ các cấp chính quyền cùng với sự tâm huyết và quyết tâm của những thành viên đam mê nghệ thuật Đờn ca tài tử như lời khẳng định của cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê: “Dẫu UNESCO có công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể thì chính chúng ta chứ không phải ai khác phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những tinh hoa mà ông cha để lại”.
(Nguồn: TTXVN)