Lời giới thiệu sách Hình thức âm nhạc của Dương Đình Minh Sơn

27/08/2020

Sách Hình thức

Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để chọn lựa tìm ra những điều cần thiết làm thí dụ cho nội dung của cuốn sách. Đó là 130 ví dụ trích trong những ca khúc sáng tác của những tác giả nổi tiếng từ Tiền chiến -Lãng mạn cho đến nay trong nền âm nhạc mới Việt Nam được thời gian “sàng lọc” và công chúng đón nhận.

Hình thức âm nhạc là những thủ pháp thiết lập nên tác phẩm âm nhạc - ở đây nói riêng phần ca khúc. Đó là việc xây dựng chủ đề, trần thật chủ đề kiến tạo nên các “tiết nhạc” “câu nhạc”, “đoạn nhạc” ở thể một đoạn, thể hai đoạn, thể ba đoạn và kết thúc bài hát. Những điều ấy như thế nào? Nó nằm ở đâu trong mỗi bài hát của nền âm nhạc mới Việt Nam? Tác giả phải truy tìm, lẫy ra và thẩm định chính “nó” ở ví dụ này, ví dụ kia và quy nạp thành một hệ thống cấu trúc logic “từ a đến z”. Sách Hình thức âm nhạc đã làm được cái mà lâu nay chưa ai để công làm như thế ở một cuốn sách Hình thức âm nhạc với 8 chương.

Chương I: Những thủ pháp phát triển của âm nhạc; Chương II: Tiết nhạc, câu nhac; Chương III: Chủ đề - Sự trần thuật chủ đề trong hai câu nhạc; Chương IV: Thể một đoạn; Chương V: Thể hai đoạn; Chương VI: Thể ba đoạn; Chương VII: Hát thơ - Phổ thơ; Chương VIII: Kết luận: Tóm lược khái quát về quá trình hình thành nền âm nhạc “cổ truyền” và âm nhạc “mới” Việt Nam.

Phần Phụ bản là những bài nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền dân tộc gạch nối cho ca khúc mới của nền âm nhạc đương đại Việt Nam. Hình thức âm nhạc trong ca khúc mới là bước nối tiếp - nâng cấp hình thức âm nhạc không còn nằm ở hình thức thể một đoạn(1), hoặc thể một đoạn kéo dài như bản nhạc Chèo Đường trường mà không ai để ý – Dương Đình Minh Sơn đặt tên là thể một đoạn “phát triển”. Hình thức thể một đoạn phát triển của bản nhạc Chèo Đường trường đã gợi cho thế hệ nhạc sĩ đương đại tạo ra hình thức thể một đoạn phát triển như bài Chiến thắng Điện Biên của Đỗ Nhuận, bài Đi tìm người hát Lý thương nhau của Vĩnh An

Sách Hình thức âm nhạc phục vụ cho bốn đối tượng: giáo viên âm nhạc trường văn hóa - nghệ thuật, cán bộ quản lý nghệ thuật ở cơ sở, người có khiếu năng sáng tác âm nhạc và người có thiên hướng nghiên cứu âm nhạc cổ truyền.

Ca khúc mới Việt Nam nhạc Tiền chiến - Lãng mạn khởi nguồn từ các nhóm Tricéa (1935) ở Hà Nội của các nhạc sĩ Văn Chung với bài Bóng ai qua thềm, Lê Yên bài Vườn xuân, Doãn Mẫn bài Biệt ly…, hoặc nhóm “Đồng vọng” ở Hải Phòng (1939) của các nhạc sĩ Lê Thương với bài Tiếng đàn đêm khuya, Hoàng Quý bài Chiều quê, Hoàng Phú (Tô Vũ) bài Tạ từ và nhóm Hướng đạo sinh trong các trường Đại học ở Hà Nội, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước với bài Xếp bút nghiên, Nguyễn Văn Thương với Đêm đông… Điểm nổi bật xúc động ở tập sách này là mỗi tác giả đều có ảnh và năm sinh, nếu ai đã mất thì có năm mất.

Khởi đầu trong các “nhóm” là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát với bài Bình minh phổ thơ của Thế Lữ, ở Sài Gòn có bài Một kiếp hoa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên phổ thơ của Nguyễn Văn Cổn. Hai ca khúc này được tổ chức biểu diễn trước đông đảo khán giả Hà Nội năm 1938 và đăng ở báo “Ngày nay” cho nên được xem như tờ “khai sinh” sự ra đời Tân nhạc Việt Nam(2); cũng có thể có nhiều ca khúc ra đời trước đó và hát cho nhau nghe. Qua đó, có thể nói sách Hình thức âm nhạc như bức tranh “ký họa” góp phần “lược sử” về sự hình thành của nền âm nhạc mới Việt Nam.

Phần Phụ bản.

Có bài Sự hình hành của âm nhạc.

Lý thuyết cho rằng âm nhạc hình thành từ ngôn ngữ và phân làm hai dòng. Một dòng cho lao động tạo ra âm nhạc qua hai từ “dô ta”; còn dòng thứ hai cho âm nhạc hình thành trong nghi thức tâm linh qua nét láy đuôi trong hát cúng như: âm “Ôm” trong kinh Phật, âm “Jubi li” âm “Amen” trong cầu Kinh Công giáo và âm “Xít” của người Kinh. Nhưng Dương Đình Minh Sơn lại đi xa hơn cho rằng, âm nhạc hình thành từ ngôn ngữ là tầng ngôn ngữ “âm thanh” ở thời người vượn Homo eretctus dùng ngôn ngữ ký hiệu “ứ ự” “i ới” do nhu cầu muốn trao đổi về tư duy đầu tiên của con người mà đỉnh cao là tiếng “”. Tiếng “” là đỉnh cao của giai đoạn dùng ngôn ngữ âm thanh đã tạo một “âm” đầu tiên của nghệ thuật âm nhạc.

Đến giai đoạn thứ hai người khôn ngoan Homo sapine giao tiếp bằng ngôn ngữ có ngữ nghĩa thì tác giả tìm thấy ở người Thái Tây Bắc xuất hiện hai từ “Po me” tạo hai bậc âm (mi rề ) đầu tiên trong âm nhạc của họ.

Ở phần Phụ bản còn dẫn một số bài nghiên cứu của tác giả về âm nhạc cổ truyền, cung cấp những cứ liệu cho người làm công tác văn hóa âm nhạc.

Tóm lại. Sách Hình thức âm nhạc trình bày về hình thức trong ca khúc của nền âm nhạc mới Việt Nam là điều mới mẻ, cần thiết cho người hoạt động văn hóa âm nhạc ở nước ta. Phương pháp trình bày trong sáng, mạch lạc theo từng đề mục chương hồi mang tính giáo khoa, người đọc dễ hiểu và tìm thấy nhiều điều cần thiết, bổ ích. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới mẻ trong việc nghiên cứu hình thức của dòng âm nhạc mới Việt Nam không tránh khỏi điều thiếu sót.

PGS Vĩnh Cát

~~~~~~~~~~~~~~~~~~~

Chú thích:

1.Nguyễn Thị Nhung: Tìm hiểu cấu trúc thể một đoạn trong dân ca người Việt. Luận án TS, 1980.

2.Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Nhạc sĩ Việt Nam 2007 tr 503.

*Sách khổ 19x27, 266 trang, Nxb Thanh Niên (8 năm 2020), bán ở các hiệu sách khu Tràng Tiền (từ 14/8).

Tin liên quan

10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...
02/08/2020
Khẳng định không có phần thưởng nào được đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ quý hơn phần thưởng môi trường tự do sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành tuyên giáo kiế...