Liên hoan Âm nhạc mới Á - Âu: Các diễn văn đêm Khai mạc

25/11/2018

Thư chào mừng của đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch về Lễ khai mạc Festival quốc tế Âm nhạc mới Á- Âu 2018 tại Thủ đô Hà Nội

Thư chào mừng

Thay mặt Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi nồng nhiệt chào mừng các vị khách quý, các nhạc sĩ, nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam đã đến tham dự Festival quốc tế Âm nhạc Á - Âu lần thứ III được tổ chức từ ngày 24 – 29/11/2018 tại Thủ đô Hà Nội.

Festival quốc tế Âm nhạc Á - Âu được tổ chức hai năm một lần đã trở thành một sự kiện âm nhạc quan trọng mang tính truyền thống - nơi hội tụ những nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn tiêu biểu đại diện cho các nền âm nhạc chuyên nghiệp của các nước Á – Âu. Festival đã thu hút sự chú ý của giới văn nghệ sĩ, sự hưởng ứng của công chúng và được báo chí, dư luận hoan nghênh, đánh giá cao.

Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, Festival quốc tế âm nhạc lần này sẽ giới thiệu được nhiều tác phẩm âm nhạc mới, nhiều gương mặt nghệ sĩ tài năng, qua đó thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác trên lĩnh vực âm nhạc nói riêng và văn hóa nói chung giữa Việt Nam và các nước Á - Âu.

Cùng với sự chuẩn bị chu đáo từ Ban tổ chức, sự phối hợp của các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và một số địa phương, đặc biệt là sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình của các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam, Festival quốc tế Âm nhạc Á – Âu lần thứ III sẽ thực sự là ngày hội của công chúng yêu nhạc và trở thành sự kiện tiêu biểu trong đời sống âm nhạc Việt Nam trong năm 2018.

Chúc quí vị đại biểu, các nghệ sĩ sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

 
 

Nguyễn Ngọc Thiện
Ủy viên BCH Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
 

Phát biểu của PGS., TS., nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lễ khai mạc Festival quốc tế Âm nhạc mới Á- Âu 2018 tại Thủ đô Hà Nội

Các bạn thân mến,

Tôi xin nồng nhiệt chào đón các bạn đã đến với Festival quốc tế Âm nhạc mới “Á - Âu” lần thứ 3 tại thủ đô Hà Nội, thủ đô văn hiến, thành phố vì hòa bình của Việt Nam. Sự kiện âm nhạc quốc tế quan trọng này là bước phát triển tốt đẹp tiếp theo Liên hoan quốc tế Âm nhạc mới Á - Âu bắt đầu năm 2014 và tiếp tục vào năm 2016 tại Việt Nam.

Trong Festival lần này, chúng tôi vui mừng được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đại diện các Ban, Bộ, Ngành ở Trung ương và Hà Nội, cùng các văn nghệ sĩ cả nước và các bạn đồng nghiệp đến từ Vương quốc Anh, Argentina, Azerbaijan, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Campuchia, Canada, Colombia, Costa Rica, Croatia, Czech, Đan Mạch, CHLB Đức, Estonia, Hà Lan, Hàn Quốc, Hy Lạp, Indonesia, Israel, Italia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Litva, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Pháp, Philippines, Singapore, Tatarstan, Tây Ban Nha, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ,  Trung Quốc, Úc, Ukraina, Uzbekistan, Bolivia, Venezuela và nước chủ nhà Việt Nam.

Các bạn thân mến,

Nghệ thuật âm nhạc trong mọi thời đại luôn là cầu nối giữa con người với con người, mang tính nhân văn cao cả, biểu thị vẻ đẹp của tâm hồn và khát khao hướng tới một thế giới hòa bình, thịnh vượng. Chủ đề của Festival lần này là: Nhịp cầu Âm thanh Á - Âu!

Đây là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ giới thiệu những tác phẩm mới trong các lĩnh vực âm nhạc đỉnh cao như: Giao hưởng, Thính phòng, Hợp xướng, Dân gian dân tộc...

Các bạn đồng nghiệp quốc tế sẽ được chứng kiến sự lớn mạnh của nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực: Sáng tác, Biểu diễn, Đào tạo.

Chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành nhất tới Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nội, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, Học viên Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch Tp Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt, xin cám ơn các nghệ sĩ biểu diễn, các chỉ huy dàn nhạc nước ngoài đã góp phần vào thành công của Festival lần này.

Xin kính chúc Quý vị đại biểu, các nhạc sĩ, nghệ sĩ... sức khỏe và sức sáng tạo dồi dào, thành công trong cuộc sống.    

 
PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam
Giám đốc Nghệ thuật
 
Phát biểu của Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Lễ khai mạc Festival quốc tế Âm nhạc mới Á- Âu 2018 tại Thủ đô Hà Nội

Kính thưa quý vị đại biểu!

Kính thưa các vị khách quý và các bạn!

Trước hết, thay mặt Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và các văn nghệ sĩ Việt Nam tôi xin nhiệt liệt chào mừng quý vị đại biểu, các Đoàn nhạc sĩ và nghệ sĩ từ hơn 40 quốc gia trên khắp thế giới đã đến tham dự “Festival quốc tế Âm nhạc mới Á- Âu 2018” được tổ chức tại Hà Nội, thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam, “Thành phố vì hòa bình” như Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) từng tôn vinh. Xin gửi tới các bạn lời chúc tốt đẹp cùng những tình cảm quý mến và chân thành nhất.

Kính thưa quý vị và các bạn,

Âm nhạc luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Âm nhạc có thể chia sẻ với chúng ta rất nhiều điều, từ những khó khăn trong cuộc sống, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc… Âm nhạc còn là sợi dây vô hình kết nối tình yêu thương giữa con người với con người, giữa các dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau hơn, xóa bỏ những rào cản về vị trí địa lý, chính trị xã hội, những ngăn cách về ngôn ngữ để hòa nhập cùng nhau. Nhà soạn nhạc người Ý thế kỷ thứ XIX Gioachino Rossini đã nói: “Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, bởi nó được hiểu bằng trái tim”.

Với truyền thống lịch sử trên bốn nghìn năm văn hiến, Việt Nam chúng tôi tự hào với di sản âm nhạc mà cha ông đã để lại với các loại hình âm nhạc dân gian phong phú, độc đáo của đồng bào 54 dân tộc anh em trên đất nước chúng tôi. Từ năm 1437, Nguyễn Trãi – Vị danh nhân văn hóa thế giới của đất nước chúng tôi trong lần chuẩn bị soạn nhã nhạc cho triều đình đã nói: “Thái bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc”. Trên bước đường xây đắp và phát triển nền thái bình của đất nước Việt Nam hiện đại hôm nay, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng con người mới là nền tảng, động lực và mục tiêu của nền văn hóa mới, âm nhạc cùng với các loại hình văn học nghệ thuật khác đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp cao cả ấy. Chúng tôi tự hào vì trong số 12 Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức UNESCO công nhận và vinh danh có 8 Di sản thuộc về Âm nhạc dân tộc như: Cồng chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca Quan Họ Bắc Ninh, Ca Trù, Hát Xoan, Nhệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ… Việt Nam cũng tự hào là nước có nền nghệ thuật âm nhạc mới, trước sự xuất hiện của nhiều tài năng nghệ sĩ, nhạc sĩ, những dàn nhạc có trình độ đẳng cấp cao được thế giới công nhận.

Với phương châm chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Việc mở rộng quan hệ quốc tế trên lĩnh vực văn hóa được Đảng và nhà nước Việt Nam quan tâm ủng hộ, sự kiện “Festival quốc tế Âm nhạc Mới Á- Âu 2018” được tổ chức tại Việt Nam là biểu hiện sinh động về sự hòa nhập bình đẳng, cùng phát triển của các quốc gia Á – Âu.

Kính thưa quý vị và các bạn,

Và với tiêu đề “Nhịp cầu Âm thanh Á- Âu”, festival lần này là một diễn đàn nghệ thuật tiếp tục gắn kết chúng ta trong sự nghiệp sáng tạo âm nhạc hướng đến Chân – Thiện – Mỹ.

Chính vì vậy, chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc Hội Nhạc sĩ Việt Nam đề xướng tổ chức “Festival quốc tế Âm nhạc mới Á- Âu 2018” lần thứ 3 được đăng cai tại Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, tiếp nối truyền thống các Festival Âm nhạc Âu- Á trước đây đã ghi dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn học nghệ thuật, “Festival quốc tế Âm nhạc mới Á- Âu 2018” tiếp tục là những ngày hội âm nhạc, là nơi hội tụ những nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu thế giới nhằm tìm hiểu, giới thiệu những giá trị nghệ thuật, bản sác văn hóa, đất nước, con người của mỗi quốc gia, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển văn hóa giữa Việt Nam và các nước Á- Âu.

Tôi hy vọng rằng “Festival quốc tế Âm nhạc Mới Á- Âu 2018” sẽ mang tới cho mỗi chúng ta những khám phá mới về âm nhạc và những kỷ niệm sâu sắc đáng nhớ về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.

Cuối cùng, tôi xin gửi tới quý vị đại biểu và các vị khách quý lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, sáng tạo vì tương lai tươi sáng của nền âm nhạc mỗi nước chúng ta.

Chúc “Festival Âm nhạc mới Á- Âu 2018” thành công tốt đẹp!

Xin cảm ơn!

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...