Liên hoan Âm nhạc Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 2017
Liên hoan Âm nhạc Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017 diễn ra từ ngày 9 đến 12 tháng 3 năm 2017 tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân, Hội Văn học Nghệ thuật, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hậu Giang tổ chức.
Dự Liên hoan có: Ông Đồng Văn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang; ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Hậu Giang; bà Nguyễn Thanh Thủy – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang; bà Nguyễn Thị Tuyết Loan – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang; và đại diện lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành đoàn thể tỉnh Hậu Giang.
Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan; Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam; nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Liên hoan, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Phó Trưởng ban Tổ chức Liên hoan; Nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam; nhạc sĩ Lê Phùng - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, và các ủy viên Ban Chấp hành Hội, lãnh đạo sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Văn học Nghệ thuật của 13 tỉnh tham dự Liên hoan. Và hơn 150 nhạc sĩ, nghệ sĩ… của các Chi hội nhạc sĩ Việt Nam 13 tỉnh, thành hội tụ về đây: Hậu Giang, Bạc Liêu, An Giang, Bến tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Phát biểu tại Lễ khai mạc Liên hoan, PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có những chia sẻ:
“Liên hoan Âm nhạc Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2017 được tổ chức tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang - vùng đất giàu truyền thống lịch sử Cách mạng, một địa danh nổi tiếng với nền văn hóa đặc sắc và mến khách. Đây là sự gặp gỡ giao lưu giữa các Chi hội Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích là để giới thiệu những tác phẩm âm nhạc mới viết, mới sáng tác của các nhạc sĩ trong thời gian vừa qua, giới thiệu các gương mặt trẻ, các giọng hát hay, là nhân tố quyết định cho hoạt động nghề nghiệp hôm nay và trong tương lai. Đây còn là dịp để các nhạc sĩ cả nước được đến với thành phố Vị Thanh – vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, vùng đất thơ và nhạc sẽ gợi lên nhiều cảm xúc trong giới nhạc sĩ trong những tác phẩm của mình. Đây cũng là dịp để giới lý luận âm nhạc một lần nữa chiêm nghiệm những giá trị âm nhạc truyền thống của các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long… và hướng tới sự phát triển âm nhạc mới theo hướng từ dân tộc truyền thống đi lên hiện đại.
Cùng với thời gian, Liên hoan Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (được khởi xướng từ năm 2007, lần thứ nhất tại Bà Rịa Vũng Tàu) đã trở thành sinh hoạt nghề nghiệp mang tính truyền thống của Hội. Đây là dịp để các nhạc sĩ, nghệ sĩ gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu những tác phẩm, công trình mới sáng tạo trong thời gian gần đây. Những ca khúc hát về vùng đất, con người, về truyền thống hào hùng của dân tộc, về những công trình dựng xây, những điển hình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng nông thôn mới, những bài hát đã đi vào đời sống được công chúng ghi nhận... Tất cả sẽ được giới thiệu trong Liên hoan lần này. Liên hoan Âm nhạc thực sự đã có mặt trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Liên hoan âm nhạc lần này được tổ chức tại Hậu Giang – một miền đất với động lực phát triển “đi lên từ văn hóa” càng tiếp thêm sức mạnh tinh thần và niềm hào hứng cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ, bởi vì hoạt động văn học nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác trong xã hội, đều bắt nguồn sâu thẳm từ nền tảng văn hóa của cha ông và mục tiêu hướng tới là song song với phát triển kinh tế, cần xây dựng một đời sống văn hóa phong phú, xây dựng tính cách tâm hồn con người Việt Nam trong thời đại mới.
Liên hoan Âm nhạc lần này là lần thứ 30 đã được diễn ra tại các khu vực trong cả nước, từ Tây Bắc, Việt Bắc đến Trung du, đồng bằng Bắc bộ, đến khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi kỳ Liên hoan là một bức tranh sinh động bằng âm thanh, phản ánh diện mạo và những bước đi lên của nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam ngày một phát triển và đã xuất hiện nhiều tác phẩm mới, công trình mới đáng tự hào. Đây là một sinh hoạt văn hóa âm nhạc được đông đảo công chúng ủng hộ và đánh giá cao. Đây cũng là kỳ Liên hoan mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, hướng tới Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957 – 2017)”.
Ông Đồng Văn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang đã phát biểu tại Lễ bế Liên mạc:
“Liên hoan Âm nhạc khu vực đồng bằng sông Cửu Long 2017 đã được diễn ra từ ngày 9 – 12 tháng 3, nhiều hoạt động thiêt thực đã được tổ chức như chương trình biểu diễn giới thiệu tác giả, tác phẩm mới, đã thể hiện rõ tài năng và sự sáng tạo của các tác giả, ca sĩ đã mang đến cho công chúng nhiều tiết nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá cao và mang hơi thở mới của thời đại. Cuộc Hội thảo “Từ dân ca, dân nhạc đến sáng tác mới trong đời sống Âm nhạc Đồng bằng sông Cửu Long” đã tạo cho các nhạc sĩ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, đồng thời cũng là cơ hội để Hậu Giang giới thiệu với với các nhạc sĩ, ca sĩ và bạn bè các tỉnh, thành về đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh. Đồng thời là lời giới thiệu rất thực tế qua hành trình tham quan tại Trung tâm nông nghiệp Mùa Xuân, nơi mà các quí vị đã có những trải nghiệm rất chân thật, để có cái nhìn và chia sẻ hơn và đồng cảm hơn với mảnh đất hiền hòa cùng bao con người chăm chỉ. Đúng như kỳ vọng đặt ra tại Liên hoan âm nhạc lần này, nhiều tác phẩm âm nhạc hay, có sức sống, đã góp phần quảng bá nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long đã được giới thiệu và trình bày bởi những giọng ca hết sức ngọt ngào của các ca sĩ và đã được Hội đồng thẩm định ghi nhận, đánh giá cao”.
Hội đồng thẩm định là các nhạc sĩ tên tuổi có trình độ chuyên môn: nhạc sĩ Đức Trịnh – Chủ tịch Hội đồng; nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Phó Chủ tịch Hội đồng; nhạc sĩ Trần Nhật Dương - Ủy viên; nhạc sĩ Phạm Sơn Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hậu Giang – Ủy viên.
Có 37 tác phẩm âm nhạc sáng tác mới của các nhạc sĩ trong khu vực được dàn dựng và trình diễn trong 2 ngày tại sân khấu Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang, đã tạo nên một bữa tiệc âm nhạc mang đậm đà chất liệu của miền sông nước Cửu Long mênh mang giọng hò để lại cho công chúng yêu nhạc nơi đây bao điều thú vị. Hội đồng Nghệ thuật đã làm việc khách quan, công tâm, chọn được những tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải thưởng tại Lễ Bế mạc Liên hoan tối 11 tháng 3 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang: 7 giải A, 10 giải B, và tặng Bằng khen cho Dàn nhạc Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh Hậu Giang đã đạt thành tích xuất sắc trong Liên hoan.
Trong khuôn khổ của Liên hoan còn có cuộc Hội thảo với chủ đề “Từ dân ca, dân nhạc đến sáng tác mới trong đời sống Âm nhạc Đồng bằng sông Cửu Long”, với các bản tham luận của nhạc sĩ Lê Nghiệp (Cần Thơ); Quốc Nam, Nguyễn Hay (Bến Tre); Sơn Ngọc Hoàng (Sóc Trăng). Các ý kiến tham gia của nhạc sĩ: Đức Trịnh (Hà Nội); Huỳnh Anh Kiệt (Vĩnh Long); Bùi Đức Thịnh (Kiên Giang)... đã phản ánh thiết thực về đời sống âm nhạc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.