Lí luận phê bình âm nhạc Hà Nội đầu thế kỉ XXI: Áo gấm đi đêm

06/07/2017

Lí luận phê bình luôn bị đòi hỏi phải chơi ở vị trí đa năng: đồng hành với sáng tác đã đành, đôi khi còn vượt lên trước để dự báo cho tương lai và lùi lại sau để đánh giá những gì đã qua.

Cứ chiểu theo yêu cầu đó mà xét thì ngành này chưa bao giờ được khen là đạt chuẩn, là mạnh mẽ, kể cả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, kể cả lí luận phê bình âm nhạc của cả nước hay chỉ riêng Hà Nội, kể cả tiến trình hình thành nền lí luận phê bình âm nhạc hoặc chỉ riêng những năm đầu thế kỉ XXI.

Lời đánh giá được nghe nhiều nhất trong giới nhạc hiện nay là: các nhà lí luận im hơi lặng tiếng, các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp xa rời thực tế, còn phê bình âm nhạc quá nghiệp dư và lệch chuẩn.

Thực tế có phải vậy không?

Giữa bức tranh đa dạng của âm nhạc Hà Nội, tôi xin tự khoanh vùng trong cái “nhìn lại” chuyên ngành lí luận ở thập niên khởi đầu thế kỉ - một thế kỉ vẫn còn đầy bí ẩn, khó đoán trước, chen lẫn nhiều khát vọng hi vọng với những lo âu phập phồng không chỉ cho đời sống xã hội của đất nước, mà còn cho cả nền văn hóa nghệ thuật nước nhà, cho âm nhạc Hà Nội nói chung và cho riêng ngành lí luận âm nhạc tại thủ đô.

Trước hết thử nhìn lại những gì đã làm được, cũng là để từ đó thấy rõ hơn những gì chưa làm, những khoảnh trống cần bù đắp trong những thập niên tới. Thực lòng tôi rất muốn tránh từ “thành tựu”, bởi trong phong trào chạy theo thành tích ảo hiện nay trong mọi ngành nghề, từ này có mặt trong các văn bản báo cáo các cấp các ngành nhiều đến mức chẳng còn tính thuyết phục, thậm chí còn gây dị ứng cho những người làm nghề một cách trung thực - thực việc, thực tài và thực tâm.

Vốn là đất mạnh về nghiên cứu, Hà Nội cũng là nơi có nhiều đất sống nhất cho lĩnh vực lí luận phê bình âm nhạc. Chỉ riêng hoạt động lí luận âm nhạc thủ đô cũng đủ phác ra những nét chính trong bức tranh toàn cảnh của nền lí luận âm nhạc nước nhà.

Nếu làm một biểu đồ cho nghiên cứu âm nhạc, thì thập niên đầu thế kỉ XXI chắc chắn chiếm đỉnh cao nhất với số lượng đầu sách lớn nhất và chất lượng nội dung phong phú chưa từng có trước đây. Hà Nội có thể tự hào về điều này, bởi riêng sự kiện Thăng Long tròn 1000 năm tuổi cũng đã thúc đẩy không chỉ phong trào viết tác phẩm ngợi ca, mà còn những cuốn sách tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá, biên soạn và giới thiệu thành quả âm nhạc của thủ đô.

Đáng kể nhất về đề tài Hà Nội phải kể đến bộ sách 5 cuốn 1000 năm âm nhạc Thăng Long - Hà Nội (Bộ VH-TT-DL Nxb Âm nhạc, 2010), Ca khúc Hà Nội thế kì XX và những năm đầu thế kỷ XXI (Hội Âm nhạc Hà Nội, 2010). Cũng nhân dịp này các nhà nghiên cứu âm nhạc của thủ đô còn trình làng Tổng tập âm nhạc Việt Nam - Tác giả và tác phẩm (Viện Âm nhạc, 2010). Và, hoành tráng nhất không chỉ riêng trong lĩnh vực lí luận phê bình âm nhạc, mà so sánh với cả lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung, thì phải nhắc đến bộ sách đồ sộ 5 tập 7 cuốn của nhóm tác giả thủ đô: Hợp tuyển tài liệu nghiên cứu - lí luận - phê bình âm nhạc Việt Nam thế kỉ XX (Viện Âm nhạc, 2003-2004).

May mắn được tham gia vào nhóm tác giả của tất cả những bộ sách nói trên, tôi thấu hiểu hơn cả nỗi nhọc nhằn và nỗ lực của người trong cuộc. Để có được tiếng nói đại diện cho giới lý luận âm nhạc, để có được những phần viết vừa đảm bảo tính khoa học vừa có tính phổ cập, chúng tôi không chỉ lao tâm khổ tứ mà còn buộc mình tự lớn thêm trước mỗi công trình, để xứng với trách nhiệm mà mình phải gánh lấy.

Chỉ tiếc, công sức viết ra những bộ sách kể trên và cả nhiều cuốn khác ra đời trong thập niên này giá như được độc giả biết đến và được ghi nhận một các xứng đáng. Làm sao có thể đòi hỏi các tác giả mãi tận tâm tận lực vì chất lượng các công trình khoa học nếu thù lao chất xám quá rẻ và không đủ sống? Làm sao khích lệ được các nhà lí luận âm nhạc cứ âm thầm cống hiến nếu những đứa con tinh thần của họ toàn chung số phận tồn kho xếp xó? Chỉ cần các nhà quản lí tháo gỡ được mọi khúc mắc liên quan đến hai câu hỏi trên thôi, cũng đủ tạo nên môi trường đáng ao ước cho ngành lí luận phê bình âm nhạc nước nhà.

Về diễn đàn báo chí âm nhạc ở Hà Nội phải kể đến cánh chim đầu đàn tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Một tạp chí chuyên ngành có thâm niên nhất và có uy tín nhất trong suốt những tháng năm khó khăn của thế kỉ XX nay lại phải gồng mình chống chọi với sóng gió của thị trường cạnh tranh báo chí để tồn tại. Tồn tại được đã là kì tích, song trước sự sống còn của tạp chí, với tình cảnh trông chờ vào tài trợ cá nhân và buộc phải đáp ứng cả với thị hiếu đại chúng thì chất lượng rồi sẽ ra sao là điều không dễ trả lời.

Trong lúc tạp chí Âm nhạc cố loay hoay tìm đường hội nhập với đời sống âm nhạc đại chúng, thì vai trò tạp chí chuyên ngành thực sự ở thập niên đầu thế kỉ XXI đã chuyển sang một địa chỉ khác: đó là tờ Thông báo khoa học của Viện Âm nhạc, một tạp chí nghiên cứu âm nhạc nghiêm túc và có uy tín không chỉ trong mà cả ngoài nước (in hai thứ tiếng). Chỉ có điều, từ khi chính thức mang tên Tạp chí Nghiên cứu âm nhạc, ban biên tập lại phải đối mặt với những yêu cầu thực tại, mà đáng tiếc đó có thể là nguyên nhân dẫn đến bước lùi về chất lượng.

Ta vừa điểm qua sách báo chuyên ngành. Còn các chuyên mục âm nhạc của gần 800 báo giấy, 200 đài phát thanh, 200 đài truyền hình, 700 báo điện tử và hàng ngàn website (theo thống kê chưa chính thức!) thì sao?

Tiếng nói phê bình chuyên nghiệp trên báo giấy gần như bị chìm nghỉm. Trăm sự vẫn đổ tại ngành lí luận âm nhạc yếu kém. Song công bằng mà nói, vẫn có những bài viết đúng nghĩa với phê bình âm nhạc, chỉ có điều chúng cũng chịu chung số phận của sách phê bình: ế!

Cách làm báo hiện nay nặng về đưa tin, chỉ cần bài viết trước sự kiện chứ không quan tâm tới bài viết sau, vì thế người làm báo càng tha hồ múa bút thì người làm nhạc (lí luận âm nhạc) phần lớn muốn gác bút. Cũng công bằng mà nói thêm về vai trò các nhà báo, phóng viên: trong đa số “làm hàng” quảng cáo, “buôn chuyện” ngoài lề vẫn có những cây bút nghiêm túc, gồng mình đóng thế các nhà lí luận chuyên ngành. Vì thế, dù gì đi nữa thì ngành lí luận âm nhạc vẫn phải cám ơn họ đã xông xáo mang hộ gánh nặng mà lẽ ra các nhà lí luận cần gánh lấy.

Báo hình báo tiếng ngày càng phong phú hơn, bắt gặp nhiều hơn những khuôn mặt chuyên ngành lí luận âm nhạc trong các cuộc đối thoại trên đài phát thanh và truyền hình về những vấn đề nóng, những bất cập trong sinh hoạt âm nhạc. Ít còn hơn không. Tuy nhiên hiệu quả những cuộc trò chuyện đó còn phụ thuộc vào người biên tập chương trình đã đủ bản lĩnh và hiểu biết về âm nhạc hay chưa. Đây chính là lí do một số nhà nghiên cứu kĩ tính không nhiệt tình tham gia các chương trình truyền hình.

Từ lâu Hội Nhạc sĩ rất mong muốn có kênh truyền hình riêng để quảng bá âm nhạc chính thống. Tôi hình dung một kênh truyền hình của “quân ta” như thế chắc chắn sẽ qui tụ được nhiều người làm nhạc, trong đó lực lượng chính hẳn nhiên vẫn là người Hà Nội.

Trong khi chưa biết đến bao giờ thực hiện được ước mơ trên, việc quảng bá “nhạc sạch” hữu hiệu nhất là website. Website Hội Nhạc sĩ đang gồng mình đóng vai trò tờ báo điện tử - tiếng nói chính thức của những người làm nhạc chuyên nghiệp. Ở thời đại công nghệ thông tin toàn cầu, đây là phương tiện tuyệt vời tổng hợp cả chức năng báo giấy - báo hình - báo tiếng, có thể phủ sóng tới mọi nhà cả trong và ngoài nước, nối dài thêm diễn đàn trao đổi của các hội thảo.

Trong những năm gần đây, thay vì tổ chức toàn quốc tốn kém hình thức lớn mà hiệu quả ít, Hội Nhạc sĩ tổ chức hội thảo trong các liên hoan Âm nhạc khu vực mỗi năm khoảng 3-4 lần. Những bài viết trong hội thảo được đăng tải trên website Hội, để cuộc trao đổi có thể tiếp tục với sự tham gia của cả những ai không đến được hội thảo.

Không giới hạn không gian, thời gian và đối tượng, việc tranh luận trên web không chỉ dành cho những người làm nhạc, mà cả công chúng, đặc biệt giới trẻ là đối tượng sử dụng internet như cơm bữa. Chú trọng phát huy thế mạnh của website cũng chính vì sự lan tỏa và sức thu hút của nó đối với tuổi trẻ, bởi một nền âm nhạc sẽ không có tương lai nếu đánh mất công chúng trẻ. Điều mà những người làm web chúng tôi vẫn băn khoăn chính là đối tượng già và nhiều người không còn trẻ gần như không tiếp cận với báo mạng.

Ngay từ khi mới khôi phục từ 2010, website hoinhacsi luôn dành chỗ ưu tiên cho tin tức và hình ảnh của Hội Âm nhạc Hà Nội, săn lòng tạo điều kiện cho website Hội Âm nhạc Hà Nội ra đời để giới làm nhạc và yêu nhạc Hà Nội có thêm một diễn đàn liên kết hỗ trợ lẫn nhau. Thôi thì trong cảnh con nhà nghèo với nhau, trong khi không đủ kinh phí và nhân lực để làm báo giấy và tạp chí, ta cứ tận dụng công nghệ thông tin để làm báo mạng. Đó là cách khả dĩ nhất hiện nay để quảng bá nhạc sạch và và bớt cảnh “chất xám đi đêm” cho các nhà lí luận phê bình chuyên nghiệp.

Nhìn lại để rồi nhìn tới, tiếp tục hi vọng có một ngày đẹp trời không còn cảnh thù lao yếu và diễn đàn thiếu, một ngày mà Hà Nội có thể tự hào đã góp phần đáng kể nhất cho một nền phê bình âm nhạc chuyên nghiệp, đa dạng và đa năng.

29-12-2013

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...