Lê Cát Trọng Lý - Tôi dùng âm nhạc để tâm sự với khán giả
Lê Cát Trọng Lý, có gì mà đặc biệt? cô gái nhỏ nhắn, dễ thương luôn mang đến cho khán giả những xúc cảm tinh tế mà đầy mê hoặc. Lê Cát Trọng Lý sinh năm 1987 ở Đà Nẵng, từng đạt giải “Bài hát của năm”, chương trình “Bài hát Việt 2008” với ca khúc Chênh vênh.
Một số sáng tác của Lê Cát Trọng Lý như: Nhiều người ôm giấc mơ, Giấc mộng lớn, Lúng ta lúng túng, Nghe tôi kể này... khiến người nghe cảm giác âm nhạc không phải để thưởng thức nữa mà giống như một thứ ngôn ngữ chung để chia sẻ với những con người mà mình không biết họ là ai và họ cũng không biết mình là ai. Các sáng tác của Lý từ trước đến nay vẫn tập trung nhiều vào chuyện đời, chuyện người. Cô đặc biệt quan tâm đến những kiếp người bé mọn. Cô có một mong muốn rất lớn là khiến cho khán giả vui. Vì thế, cô bớt dần những sắc buồn trong những ca khúc mới.
Để tự bạch về mình, Lý sẽ nói gì?
Tôi sinh ra trong một gia đình ít nhiều dính dáng đến nghệ thuật. Bố là ca sĩ ở Đà Nẵng nên từ bé đã được nghe nhiều thể loại âm nhạc. Nhạc cụ được tôi yêu thích đầu tiên là piano, nhưng lúc đó, vì điều kiện kinh tế, việc có một cây đàn guitar đơn giản hơn rất nhiều. Thế là tôi chuyển sang học guitar. Ở Đà Nẵng, lứa tuổi của tôi, ai cũng chơi được guitar. Hơn nữa, việc học nó rất dễ dàng, đi đâu cũng mang theo được. Khi vào Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh tôi chọn Viola vì tôi rất mê nhạc cổ điển. 10 tuổi, tôi bắt đầu tự đọc sách cho riêng mình, ngoài sách giáo khoa phải học ở trường.
Tôi nhớ bộ sách đầu tiên tôi đọc có tên “Hãy trả lời em tại sao”, gồm năm cuốn đa dạng các chủ đề từ khoa học, tự nhiên đến địa lý, sinh học mà Ba tôi mua cho. Không phải vì tôi ham học hay ham đọc, mà chỉ vì trong đầu tôi luôn bùng nổ các câu hỏi nhưng ba mẹ chưa bao giờ giúp được tôi hạ nhiệt trong vấn đề đó, nên tôi đành tự tìm cách giải quyết. Sau đó, tôi bắt đầu lấy tiền ăn sáng dành dụm để mua những cuốn sách khác. Tôi ăn ít lại hoặc nhịn ăn để dành tiền mua mấy món tôi thích, từ rất sớm. Tôi bắt đầu đọc các loại từ điển động vật, thực vật và Bách khoa toàn thư.
Một kỷ niệm cụ thể hơn với âm nhạc?
Tôi nhớ khá rõ cảm giác ôm radio nghe chương trình Giao hưởng và Thính phòng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi được biết đến Beethoven và Mozart cũng nhờ radio. Tôi mê ông Beethoven đến nỗi vẽ một chân dung của ông để ở bàn học lúc tôi 14, 15 tuổi.
Bài hát Việt đã sinh ra một thế hệ nữ nhạc sĩ? Chị nghĩ sao về điều này?
Bài hát Việt là thành công quá đột ngột đối với tôi và tôi rất biết ơn sự may mắn, khi khán giả biết đến Lê Cát Trọng Lý. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ nhận mình là nhạc sĩ, mà mới chỉ là người biết viết nhạc mà thôi. Nhiều người cũng gọi tôi là ca sĩ nhưng có lẽ chưa đúng lắm vì mỗi khi ra sân khấu, tôi rất run. Tôi dở nhất là khi đi thi mà.
Lý của “Chênh vênh” và Lý của hiện tại có sự đổi khác nào không?
Tất nhiên sau nhiều năm, Lý đã có nhiều sự thay đổi. Khi lớn hơn, Lý nghĩ niềm vui là không chỉ được sống trong âm nhạc của mình mà còn muốn mang âm nhạc của mình làm cầu nối giúp những hoàn cảnh khó khăn
Bạn có bao giờ quan tâm đến những bình luận về phong cách của mình?
Không, vì đơn giản tôi thấy thích cuộc sống như hiện tại, thoải mái từ cách sống đến cách ăn mặc, miễn đừng lôi thôi quá. Việc nhờ người tư vấn phong cách rất tốn kém bởi làm nhạc thì không đủ để lo mấy thứ đó, nó quá phức tạp. Làm vừa đủ sống là đã phải rất cố gắng rồi. Thêm nữa, việc ăn mặc đẹp hơn làm cho mình thỏa mãn sở thích chốc lát chứ còn sáng tác thì có lẽ chẳng ảnh hưởng gì cả. Chắc nó cũng chẳng khiến mình trở thành ngôi sao đắt giá hơn.
Có người cho rằng, sáng tác của chị thấp thoáng bóng dáng nhạc Trịnh Công Sơn? Chị nghĩ sao về nhận xét này?
Có thể không sai, song thú thật là tôi không thích nghe nhạc Trịnh vì nó buồn quá. Người tôi chịu ảnh hưởng là Phạm Duy và dân ca. Nhạc Trịnh giống như một nền văn hoá mà có thể, tôi bị ảnh hưởng lúc nào không biết. Sự ảnh hưởng như thể từ trong tiềm thức, do từ ngày còn đi học, chị tôi hay hát nhạc Trịnh. Giống nữa là vì tôi chơi guitar nên cũng dễ khiến người ta liên tưởng.
Thường xuyên mang âm nhạc đến những trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa, điều gì thôi thúc bạn làm điều đó?
Đối với tôi âm nhạc chính là cầu nối để làm thêm những mảng khác như khuyến học, y tế, môi trường. Đây cũng là điều trọng tâm trong những tour âm nhạc gần đây của tôi. Tôi còn trẻ, còn khỏe và muốn được cống hiến, mang niềm vui đến cho những người khác. Hơn nữa, tôi cũng muốn những người nghèo sống ở miền núi, không có cơ hội đến nhà hát được nghe nhạc trực tiếp.
Sau mỗi chuyến đi, chị học được điều gì?
Tôi thấy có nhiều người hạnh phúc hơn mình nghĩ, nên mình phải cẩn thận hơn tâm thế của mình. Nhiều khi mình nghĩ, mình có nhiều vật chất hơn họ nên tự cho mình có quyền, nhưng điều đó chưa chắc, cả tri thức mình cũng chưa chắc bằng người ta.
Cuộc sống ở thành phố cướp đi toàn bộ phong thái của con người khiến ai cũng cô đơn. Nhất là những người đi làm ở cơ quan, chịu sự bức bối, áp bức, bạo lực về tinh thần và thể chất thì tất thảy ai cũng cô đơn cả. Họ chỉ nói dối là mình không cô đơn thôi chứ thực chất họ sợ cô độc và cô đơn.
Vậy chị có bao giờ cô đơn?
Khi phải làm việc ở thành phố lớn, tôi có nhiều bạn bè, tôi khá cô đơn trong đám đông đó. Nhưng tôi sống ở đây, có ít bạn khiến tôi sống hạnh phúc hơn.
Vì sao chị lại hạn chế khán giả trong những đêm diễn của mình?
Nhiều khán giả cho rằng tôi đang giới hạn người nghe, hoạt động nghệ thuật gói gọn theo nhóm. Sự thực không phải vậy. Tôi không "nguy hiểm" như thế. Hiện tại tôi chỉ có khả năng làm được những thứ vừa phải, nhỏ nhỏ đủ để sống. Đủ sống ở đây nghĩa là đủ để duy trì cuộc sống độc thân, đủ tiền ăn, thuê nhà, uống cà phê, mua sách.
Chị cảm nhận sao về khán giả đến với mình?
Khán giả của tôi hiền lắm. Họ lịch thiệp và rất dễ thương. Họ là nền tảng để tôi làm việc. Thực tế, khán giả có nhiều nhu cầu, sở thích khác nhau. Còn tôi chỉ làm với những gì mình có, nên tôi cố giữ sự cân bằng tối thiểu trong mối quan hệ với công chúng. Trên hết, tôi hết sức trân trọng khán giả của mình. Khi bắt tay vào sáng tác, có thể tác phẩm đó dành cho tôi, nhưng khi đem ra biểu diễn, tôi dành chúng cho khán giả. Vì vậy, khi biểu diễn, tôi hay quan tâm đến tâm trạng của khán giả bằng việc hỏi ý kiến họ để điều chỉnh tiết mục của mình cho phù hợp.
Chọn một lối đi riêng, chị làm thế nào để tên tuổi không bị lãng quên?
Tôi chưa bao giờ ép mình phải sống theo sự yêu mến của khán giả. Tôi luôn muốn được là chính tôi. Khi là chính mình, tôi được tự do làm điều mình thích theo cách riêng và cảm thấy may mắn khi được khán giả yêu mến chính con người thật của mình. Tôi không kỳ vọng được tất cả mọi người đều yêu mến. Tôi chỉ có thể dùng âm nhạc để tâm sự với khán giả.
Một dự định gì đó trong tương lai?
Bên cạnh âm nhạc, tôi sẽ làm thêm nhiều công việc khác. Vẫn tiếp tục theo đuổi mảng hoạt động xã hội nhưng tới đây tôi sẽ làm việc có hệ thống hơn, bình tĩnh hơn, chậm hơn, đầu tư nhiều hơn. Chắc đó là sự thay đổi.