Làng nhạc Việt 2015: Nhạc cổ điển bước đến gần hơn với công chúng
Cùng điểm lại những hoạt động âm nhạc nổi bật trong nước đã diễn ra trong năm qua.
Nhiều cuộc vận động sáng tác được tổ chức
2015 có thể nói là một năm sôi động bởi các hoạt động của nền âm nhạc nước nhà. Năm 2015 không chỉ là mốc son đánh dấu những ngày kỷ niệm quan trọng, những sự kiện lớn của đất nước, mà còn là năm kỷ niệm ngày thành lập của nhiều ngành, bởi vậy mà hàng loạt cuộc vận động sáng tác đã được tổ chức với sự tham gia đông đảo và nhiệt tình của các nhạc sĩ từ mọi miền đất nước.
Nổi bật nhất trong đó, phải kể đến 3 cuộc vận động sáng tác lớn là: Cuộc vận động sáng tác ca khúc chào mừng đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới IPU 132 diễn ra vào tháng 2, Cuộc vận động sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chi Minh” – hướng tới kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Người diễn ra vào tháng 5và cuối cùng là cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội VN diễn ra vào tháng 11.
Nhạc sĩ Doãn Nho giành giải nhất sáng tác ca khúc IPU 132
Số lượng tác phẩm gửi về các cuộc vận động thường xuyên đứng ở ngưỡng 100, điều này cho thấy sự quan tâm của giới nhạc sĩ nói riêng và giới âm nhạc nói chung dành cho những sự kiện mang tính chất lịch sử và thời sự của đất nước là rất lớn. Qua những cuộc vận động sáng tác trên, chúng ta có thể thấy rõ một điều, rằng có ở thời kỳ nào đi chăng nữa, thì song hành cùng hơi thở của đất nước luôn luôn có âm nhạc.
Những liên hoan âm nhạc nhân kỷ niệm ngoại giao giữa VN và các nước
Năm 2015 cũng đánh dấu ngày kỷ niệm việc thiết lập ngoại giao giữa Việt Nam với nhiều nước. Điểm nhấn trong đó là kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa Liên minh châu âu (EU) và Việt Nam và kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ. Đi cùng những hoạt động chào mừng những ngày kỷ niệm trọng đại đó, chắc chắn không thể không kể đến những liên hoan âm nhạc lớn, có sự góp mặt của các nghệ sĩ Việt Nam và các nghệ sĩ nước ngoài.
Vào những ngày trung tuần tháng 8, trong 4 ngày liên tiếp tại thủ đô Hà Nội, những nghệ sĩ cổ điển tài năng và sáng giá nhất của Việt Nam và Mỹ đã cùng tham gia vào Liên hoan âm nhạc Việt – Mỹ 2015. 4 đêm diễn là 4 phong cách của từng thời kỳ âm nhạc cổ điển khác nhau, cùng những cuộc hội thảo, giao lưu âm nhạc đã được các nghệ sĩ của 2 nước cùng thực hiện.
Bùi Công Duy là một trong những nghệ sĩ tham gia Liên hoan âm nhạc Việt - Mỹ 2015
Tiếp đó vào tháng 11, khán giả Việt Nam đã có cơ hội tiếp tục được chào đón các nghệ sĩ đến từ châu âu với 19 buổi biểu diễn miễn phí trong Liên hoan âm nhạc Châu Âu 2015. Khai mạc vào ngày 18/11 và kết thúc vào ngày 29/11 ở cả Hà Nội và TP.HCM, hơn 50 nghệ sĩ đến từ các quốc gia Châu Âu có nền âm nhạc phát triển như Đức, Áo, Pháp, Ba Lan, Hungary… đã thực sự khiến cho công chúng Việt được thưởng thức âm nhạc một cách đúng nghĩa. Với 19 buổi biểu diễn, liên hoan đã mang đến những trải nghiệm âm nhạc phong phú từ cổ điển cho tới nhạc jazz, từ nhạc truyền thống cho đến nhạc đương đại và đặc biệt nhất là những màn hòa tấu của nhạc rock sôi động cùng những làn điệu dân gian cổ.
Những liên hoan âm nhạc như thế này, mang đến cho khán giả Việt những cơ hội để hiểu hơn về nhạc cổ điển cũng như nhiều thể loại âm nhạc khác trên thế giới, đồng thời mở ra cơ hội giao lưu giữa nghệ sĩ Việt và nghệ sĩ quốc tế.
Nhạc cổ điển bước đến gần hơn với công chúng
Sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến những buổi hoà nhạc cổ điển trong năm qua. Nếu tính sơ qua thì ít nhất đã có hơn 100 chương trình trên khắp cả nước đã được tổ chức. Nếu như trước đây Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam chỉ biểu diễn ở những buổi hoà nhạc mang tính chất trọng đại thì bắt đầu từ năm 2014, chuỗi hoà nhạc định kỳ hàng tháng Subscription đã ra đời và đã quen thuộc hơn với nhiều công chúng.
Bên cạnh đó là vô số các buổi hoà nhạc giới thiệu các gương mặt tài năng trẻ cùng các nhạc trưởng có uy tín trên thế giới. Các tác phẩm cổ điển nổi tiếng và dễ nghe cũng được lựa chọn để công diễn nhiều hơn. Và đặc biệt hơn cả, đã có rất nhiều dự án và chương trình mang tính chất "thu hẹp khoảng cách giữa khán giả Việt và âm nhạc hàn lâm" được thực hiện. Các nghệ sĩ đã "rời bỏ" những khán phòng sang trọng để mang âm nhạc cổ điển đến làm quen với mọi người.
Hòa nhạc đường phố Luala
Phải kể đến nhất là Hoà nhạc đường phố Luala với 5 tuần liên tiếp biểu diễn trên đường phố Hà Nội và sự xuất hiện dàn nhạc trẻ Maius Philharmonic trong Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa. Với những cách tiếp cận như vậy, chắc chắn rằng càng ngày khán giả sẽ có cái nhìn thân thiện và sẽ hiểu nhạc cổ điển hơn. Chúng ta hoàn toàn có thể mong chờ rằng trong tương lai, ở các khán phòng hoà nhạc những chỗ trống sẽ được lấp kín.
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đến Việt Nam biểu diễn
Ở mảng những hoạt động âm nhạc giải trí của giới trẻ trong những năm gần đây, không thể phủ nhận sự cố gắng của các đơn vị tổ chức khi mời được nhiều nghệ sĩ quốc tế tên tuổi như Peabo Pryson, Kenny G, Demi Lovato, Joss Stone, tứ tấu BOND, Rita Ora… và gần đây nhất là “ông hoàng nhạc trance” Armin vaan Buren. Sự xuất hiện của các ngôi sao này đã lôi cuốn hàng triệu bạn trẻ đến với những đêm biểu diễn.
Những liveshow và các lễ hội âm nhạc có sự tham gia của các tên tuổi trên đều được tổ chức một cách chuyên nghiệp và quy mô với những tiêu chuẩn quốc tế, được giới truyền thông đánh giá rất cao về mọi mặt. Bên cạnh việc giới thiệu tới khán giả Việt Nam về những xu hướng âm nhạc mới, những hoạt động này còn giúp cho công chúng dần làm quen với những hình thức tổ chức mới của các Festival đang thịnh hành trên thế giới.
Armin vaan Buren
Đến với những đêm diễn, giới trẻ không chỉ hòa mình vào không khí sôi động đúng nghĩa của một bữa tiệc âm nhạc mà ở đó, còn giúp họ hình thành những hành động đẹp, ứng xử văn minh trong cộng đồng. Những lễ hội âm nhạc mang đẳng cấp khu vực và quốc tế đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển đời sống âm nhạc Việt Nam, từ đó sẽ tạo tiếng vang và trở thành một nơi thu hút nhiều hơn nữa các nghệ sĩ thế giới./.
(Nguồn: http://vov.vn)