Làm sao để học sinh hết...dốt nhạc?
Bài 1: Lớp học quốc nhạc
“Cứ đến giờ nhạc, tụi em lại được thầy cho “tự quản”, muốn làm gì cũng được, có bạn chơi game, có bạn mang truyện tranh ra đọc hay học bài môn khác. Thầy thường xuyên nhắn tin trong giờ dạy, thỉnh thoảng lại mở laptop ra khoe hình gia đình”, nhiều học sinh trường THCS N., Q. Phú Nhuận, TP.HCM, cho biết như vậy.
Theo thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn âm nhạc cũng không... cần cho điểm, việc đánh giá, nhận xét chỉ gói gọn ở “đạt yêu cầu” hay “không đạt yêu cầu”. Đổi mới này giúp học sinh giảm áp lực học tập, không bị điểm số môn năng khiếu ràng buộc, nhưng nhiều học sinh lại thay sự nhẹ nhàng bằng biếng nhác khiến giáo viên cũng giảm hứng thú trong những giờ lên lớp. Tâm lý chung của học sinh là thích điểm số hơn đánh giá. “Đạt” hay “chưa đạt” chẳng khác nào 5 (điểm) = 10 (điểm), 4 (điểm) = 0 (điểm), rất khó cho giáo viên đứng lớp.
Làm sao để âm nhạc là môn học có sức hút đối với học sinh? Tạp chí Âm Nhạc Việt Nam xin giới thiệu hai bài viết: Một, việc dạy nhạc trong trường học ở Sài Gòn trước đây, qua lời “hồi tưởng” của cựu học sinh Petrus Ký - Lê Văn Nghĩa. Hai, ý kiến của Thạc sĩ Trần Văn Minh, Trưởng khoa Âm nhạc - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.
Bỗng dưng nó nghe tiếng đàn và tiếng hát bài dân ca Trèo lên quán dốc ngồi gốc... í... a... Cây đa... phát ra từ dãy lầu phía trên. Nó rón rén bước lên lầu. Bài này nó được thầy Nguyễn Hữu Ba dạy năm đệ lục nên nó thuộc lòng. Nó tự hỏi “sao buổi sáng chủ nhật lại có lớp học quốc nhạc trong trường”. Tiếng đàn, tiếng hát càng lúc vang ra càng rõ hơn.
Thầy Ba, với giọng nói đặc sệt Huế gọi “Khải”. “Dạ”. Khi thằng Khải vừa đứng lên, thầy Ba dùng cây thước chỉ lên một trong bảy nốt nhạc đã được kẻ sẵn trên bảng. Thầy chỉ đến nốt nào là phải đọc được nốt đó ngay lập tức. Thằng Khải và thằng Ngầu đều dở ở môn nhạc lý. Thầy Ba chỉ nốt la, tụi nó đọc si hay đô và ngược lại nên toàn lãnh 4 hay 5 điểm. Riêng thằng Dũng, nhờ biết đàn ghita võ vẽ nên thầy Ba chỉ nốt nào nó đọc nốt đó vanh vách. Lần nào nó cũng lấy 18 -.19 điểm.
Học với thầy Ba rất khoái vì nó thường nghe thầy Ba kể chuyện về âm nhạc hơn là lúc học với thầy Hoàng Lang. Năm đệ thất, tụi nó được biết là sẽ được học nhạc sĩ Hoàng Lang. Vô lớp đứa nào cũng háo hức chờ xem mặt nữ nhạc sĩ Hoàng Lang vì lúc ấy nhiều bài nhạc của nhạc sĩ đã được hát trên radio. Sau một lúc chờ đợi, tụi nó thấy một ông có thân hình mập mạp - có vẻ như là giám thị - đầu húi cua, mặt tròn trịa, xách cặp táp bước vào. Tụi học sinh đứng lên chào ông giám thị mập và nghĩ ''chắc là thầy giám thị vào báo cô Hoàng Lang bận việc không đi dạy được, nghỉ được một giờ nhạc sướng quá”, ông giám thị không đứng nói chuyện mà lại ngồi vào bàn giáo sư và nói: “Các em ngồi xuống. Tôi là thầy dạy nhạc của các em...”. Thằng Ngầu láu táu hỏi: “Thưa thầy, cô Hoàng Lang không dạy được hả thầy?”. “Tôi là nhạc sĩ Hoàng Lang”. Cả lớp cười ầm lên. Thầy Hoàng Lang cũng cười. “Nào, các em bắt đầu lấy tập ra. Ta phải định nghĩa thế nào là âm nhạc...”.
Trong suốt năm học với thầy Hoàng Lang, tụi nó được học bảy hình nốt nhạc Tây phương Đô, rê, mi, fa... mà tụi nó hay nói vui là “Đồ mi là đồ mi phá, ba mi về, tao đố mi la...” rồi giá trị của các nốt một tròn bằng hai trắng, một trắng bằng hai đen, một đen bằng hai móc đơn... cứ như thế mà vẽ sơ đồ đầy cả trang giấy tập học trò. Học nhạc mà tụi nó chẳng được học hát hò gì ráo. Bài hát duy nhất mà tụi nó được học là bài “Hiệu đoàn ca”.
Gần hết cuối năm đệ thất, thầy Hoàng Lang nói như tâm tình: “Là học sinh Petrus Ký các em phải biết bài hát này. Bài hát này do chính một học sinh của trường tên là Hòa Việt sáng tác năm 1957. Mấy em nhớ chép lời và nhạc cho kỹ rồi tôi sẽ dạy các em hát sau”. Nói xong, tự tay thầy Hoàng Lang nắn nót chép lên bảng lời bài hát: “Đoàn học sinh hương danh Trương Vĩnh Ký, chúng ta nguyền xây nước Việt ngày mai. Là tài trai phong ba bão táp coi thường, học gương vĩ nhân, cương quyết nung can trường. Giờ lập chí mai ra đời giúp ích cho toàn dân, sao non sông danh vang lừng khắp quốc lân. Xưa tiên nhân ta đã bao ỉần cứu ỉấy sơn hà. Lớp thiếu sinh nay đâu ngại đường xa...”. Sau đó, thầy Hoàng Lang lấy cây đàn măng-đô-lin bắt giọng dạy cho cả lớp hát. Bài hát trầm hùng, theo điệu hành khúc. Mỗi lần cất giọng hát lên Dũng rợn cả da gà ở hai cánh tay... “Mai đây cùng xây nước nhà Việt Nam. Vì nhân dân vì tổ quốc hy sinh cho đất nước Lạc Hồng...”.
Bài “Hiệu đoàn ca “này thường được hát khi tụi nó đi diễn hành trong những ngày hội thể thao liên trường hoặc trong những dịp lễ lớn. Sau này, tụi nó nghe thầy Nguyễn Hữu Ba kể lại là thầy Hoàng Lang đã tự bỏ bài “Khúc hát lên đường” do chính thầy sáng tác để chọn bài của một học sinh Hòa Việt - một trong hai bài hát dự thi sáng tác hiệu đoàn ca - làm bài hát chính thức trong ngày đồng diễn thể dục liên trường năm 1957. Thầy Ba nhận xét “như vậy mới đúng là người nghệ sĩ và người thầy chứ”.
Vậy mà những giờ học đầu tiên tụi nó chỉ nhìn thầy Hoàng Lang như một ông mập, một ông thầu khoán, có cái đầu húi cua không có vẻ gì là nghệ sĩ hết. Đối với tụi thằng Dũng, nghệ sĩ phải là những người để tóc dài như tứ quái Beatles hoặc ốm nhom ốm nhách như mấy nhà thơ sầu mộng thường đăng hình trên các báo. Khi lên niên học đệ lục, tụi nó khoái nhạc sư quốc nhạc Nguyễn Hữu Ba liền. Mỗi khi thầy đi dạy, thầy mang theo cây đàn violon nhỏ để cho tụi nó tập nghe cao độ của các nốt nhạc. Ngoài những giờ học nhạc lý, học đánh nhịp thầy Ba còn dạy tụi nó hát dân ca. “Là người Việt Nam. Là học sinh Petrus Ký các em phải biết hát dân ca. Dân ca là bài hát của dân tộc, của một đất nước. Tây có dân ca của Tây, Mỹ có dân ca của Mỹ, Việt Nam có dân ca Việt Nam...”. Thầy Ba, người Huế, nói giọng Huế trọ trẹ, tụi nó nghe, thoạt đầu tiếng được tiếng mất. Nhưng khi thầy dạy hát Lý cây đa - “trèo lên quán dốc, ngồi gốc cây đa”, “chồng chài là chài vợ lưới, vợ lưới dô, dô khoan dô hầy...”, thì đứa nào cũng nghe được giọng của thầy rất là rõ ràng. Trước khi hát một câu, thầy lại kéo đàn violon trước để tụi nó có thể nghe được cao độ và trường độ của từng nốt nhạc.
Thầy Ba thường sử dụng violon vì thầy cho rằng violon là “vua của các nhạc cụ phương Tây”, nhưng khi nói về nhạc cụ Việt Nam thì thầy lại càng hào hứng hơn hết, nhất là khi thầy nói về cây đàn bầu. Một hôm, vừa vào giờ học quốc nhạc thì thằng Dũng thấy trên bàn giáo sư có một cây đàn rất lạ mà tụi trong lớp nó hình như chưa đứa nào thấy. Cây đàn chỉ có một dây, phía đầu có một cái cán hơi cong cong, dẻo có gắn phân nửa trái bầu. Khi thầy Ba vào lớp, thay vì dùng cây đàn violon thường ngày để dạy bọn nó hát dân ca thì thầy lấy trong cặp ra một cái dùi nhỏ móc móc nhẹ vào sợi dây đàn độc nhất của cây đàn độc đáo kia. Hôm đó thầy Ba dạy bọn nó hát bài “Trống cơm”. Thầy say sưa móc dây đàn còn tụi nó thì hát theo “tình bằng có cái trống cơm, khen ai khéo vỗ ố mấy bong nên bong ố mấy bong nên bong. Một đàn tang tình con nít...”. Dạy xong thầy Ba mới nói về cây đàn.
“Sở dĩ cây đàn này được gọi là đàn bầu vì ngay đầu cần phím có nửa trái bầu như các em đã thấy. Đàn bầu còn được gọi là đàn độc huyền vì nó chỉ có một dây. Chỉ một dây như vậy thôi chứ âm vực của nó rộng đến 3 quãng tám. Năm 1949, một nhạc sư Việt Nam tên Trần Văn Khê đã chiếm giải nhất khi giới thiệu cây đàn bầu trong một liên hoan nhạc cụ dân tộc trong Đại hội thanh niên Budapest. Nhờ đó thế giới rất khâm phục cây đàn độc đáo của Việt Nam...”. Lúc ấy, tiếng máy bay bay ngang trên bầu trời. Thầy phải ngưng nói một chút vì đang ồn bởi tiếng máy bay. Sau đó, thầy Ba chỉ lên trời cười nói châm biếm “đồng minh, đồng minh phá hoại..” rồi thầy cười và tiếp tục bài giảng: “Các em biết nhạc sư Trần Văn Khê là người Mỹ Tho nhưng là học sinh trường nào không?”. Hỏi xong, không đợi tụi nó trả lởi, có lẽ vì thầy Ba biết là tụi nó không thể trả lởi được câu hỏi này đành tiếp luôn: “Nhạc sư Trần Văn Khê là học sinh Petrus Ký đó”.
Tụi nó khoái quá, vỗ tay rần rần. Lâu lâu cả lớp có một giờ vui và tự hào quá thể. Tự hào vì một cây đàn Việt Nam được thế giới biết đến. Tự hào vì nhạc sư Trần Văn Khê - người giới thiệu cây đàn Việt Nam với giới âm nhạc quốc tế lại là một học sinh Petrus Ký. Thấy bọn học sinh đang hào hứng thầy Ba tiếp “Các em có biết câu ca dao nào liên quan đến cây đàn bầu không?”. Trúng tủ, thằng Dũng giơ tay: “Dạ, Đàn bầu ai gãy mà nghe. Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. “Giỏi. Em có thể giải thích được không?”. “Dạ, chắc là con gái nghe đàn bầu chắc bị có bầu hả thầy?”. Lại có một trận cười nổ ra trong lớp. “há há... nghe đàn bầu có bầu”. Thầy Ba gật gù: “Mặt nào đó cũng gần gần như vậy”. Thằng Chương giơ tay: “Thưa thầy, theo em biết thì câu ca dao này có hai nghĩa nhưng chưa biết nghĩa nào là đúng. Một nghĩa có ý cho rằng khi mà con gái nghe đàn bầu vì đàn bầu hay quá thì khoái cái anh đàn bầu nên bỏ nhà đi theo anh này. Còn nghĩa thứ hai thì cho rằng tiếng đàn bầu nghe buồn quá, buồn thê thảm mà con gái mà nghe thì số phận sẽ bị tiếng đàn bầu ám vào người cũng buồn thê thảm theo...”.
“Giỏi. Cho trò 18 điểm”. Chương văn nghệ quay sang nhìn Dũng với cặp mắt tự đắc. Thằng Thuật buột miệng: “Thì nghĩa nào trước sau cũng có bầu hết. Thầy ơi có chỗ nào dạy đàn bầu hông cho em đi học với”. Thầy Ba tưởng thằng Thuật nói thật nên trả lời: “Em phải thi vào trường Quốc gia Âm nhạc môn quốc nhạc. Hiện thời trong trường mình có mở lớp dạy nhạc cụ dân nhạc, các em nào có thích học gặp trò Trang. Trò ấy đang là nhạc sinh của trường Quốc gia Âm nhạc sẽ hướng dẫn cho các em”...Chờ cho tụi nó im lặng trở lại, thầy Ba nói: “Hôm nay thầy sẽ dạy cho các em biết một bài hát của một nhạc sĩ nổi tiếng, cũng là một học sinh trường ta...”. “Nhạc sĩ nào vậy thầy?”. “Phải nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương không thầy?”. “Nào, các em im nào. Thầy dạy các em bài hát Bạch Đằng giang của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước”. Sau khi thằng Tuấn trưởng lớp chép lời bài hát lên bản xong, thầy Ba bắt đầu kéo đàn violon, dạy tụi nó từng câu. Trước khi dạy, thầy Ba nói: “Các em phải học bài này cho kỹ. Cuối năm thi lấy điểm lục cá nguyệt tôi sẽ cho các em thi hát bài này...”. Tụi nó nghe nói bài hát này sẽ là bài thi lục cá nguyệt cuối năm nên thằng nào cũng lo học, kể cả những thằng dốt về ca hát như thằng Ngầu, Khải... Cơ bản, chỉ cần nhớ hết lời bài hát là được.
“Bạch Đằng giang, sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, Nam Bắc Trung. Trên trời cao, muôn sắc đua chen bóng ô, dưới đáy giòng nước...”. Nhờ thầy Ba “hăm dọa” như vậy nên thằng nào cũng hát được bài này và thuộc lời bài hát như cháo. Tụi nó học với thầy Ba hết năm đệ lục, sang năm đệ ngũ không còn được học nhạc nữa vì trong chương trình học của trường học sinh được học nhạc chỉ trong hai lớp đệ thất và đệ lục.
Lê Văn Nghĩa
Bài 2: Âm nhạc ngoại khóa: Sức hút lứa tuổi trung học
Nhờ tính chất phong trào cộng đồng, đơn giản, dễ tham gia mà hoạt động ngoại khoá đã thu hút được mọi lứa tuổi, đặc biệt là đối tượng học sinh phổ thông.
Giữa giờ học các môn văn hoá khoa học tự nhiên, xã hội căng thẳng, học sinh được múa, hát, vui chơi đó là điều kiện tốt nhất cho các em được thư giãn, lấy lại sự cân bằng về tâm lý để tiếp thu tốt hơn trong các giờ học tiếp theo. Ngoài ý nghĩa trên, hoạt động âm nhạc ngoại khoá còn góp phần tích cực giúp học sinh ôn luyện, củng cố những kiến thức, kĩ năng âm nhạc đã học ở các giờ chính khoá.
Giúp thêm tự tin
Hơn nữa, trong nhà trường, ở mọi cấp học, hoạt động âm nhạc ngoại khoá là cơ sở để duy trì phong trào văn hoá văn nghệ, xây dựng những hình thức sinh hoạt tập thể lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.. Học sinh được tham gia vào các chương trình hoạt động như vậy, với các em còn nhút nhát, thiếu tự tin sẽ thêm lạc quan, mạnh dạn hơn trong mọi hoạt động, hoà nhập trong cộng đồng.
Hoạt động âm nhạc ngoại khoá còn là môi trường thuận lợi để học sinh phát huy mọi khả năng âm nhạc của mình. Qua đó, giáo viên có thể tiếp tục đánh giá năng lực hoạt động âm nhạc của từng em. Mặt khác, có thể phát hiện những học sinh có năng khiếu âm nhạc để có biện pháp bồi dưỡng hạt nhân tiêu biểu làm nòng cốt cho phong trào ca hát của trường phổ thông. Như vậy, tổ chức hoạt động âm nhạc ngoại khoá luôn hướng tới giáo dục đạo đức, thẩm mĩ cho học sinh , hình thành ở các em nhu cầu và sở thích âm nhạc.
Với những ý nghĩa trên, hoạt động âm nhạc ngoại khoá là một nội dung rất quan trọng đối với một giáo viên âm nhạc. Người giáo viên âm nhạc không chỉ dạy tốt môn âm nhạc trong các giờ học chính khoá, mà còn phải tổ chức tốt các hoạt động âm nhạc ngoại khoá ở trường phổ thông. Một điều thực tế cho thấy, có rất nhiều giáo viên âm nhạc, ngoài công tác giảng dạy còn phải kiêm nhiệm thêm công tác Đoàn, Đội hay công tác văn thể mĩ của một trường phổ thông. Vì vậy, nắm được phương pháp, cách thức tổ chức các hoạt động âm nhạc ngoại khoá, là điều rất quan trọng và cần phải có đối với một giáo viên âm nhạc nói chung, giáo viên âm nhạc ở các trường phổ thông nói riêng.
Đa dạng cho bữa tiệc âm nhạc
Xin được liệt kê các hình thức tổ chức hoạt động âm nhạc ngoaị khoá phổ biến quen thuộc, thường được sử dụng trong các trường phổ thông như sau: Hát - múa tập thể, hát các bài hát truyền thống, sinh hoạt Đoàn, Đội; Tổ chức các nhóm đội văn nghệ chủ lực (đội múa, đội đồng ca, hợp xướng, nhóm - tốp hát, tốp nhạc); Các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật khối lớp hoặc toàn trường; Hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong các ngày lễ hội: ngày khai giảng, ngày bế giảng năm học...; Tổ chức các cuộc thi hát, trò chơi âm nhạc; Tổ chức xem biểu diễn hoặc nghe nói chuyện, gặp gỡ các văn nghệ sĩ nổi tiếng.
Các hình thức hoạt động âm nhạc nêu trên có thể tổ chức ở trường, lớp, ở trong và ngoài giờ học, ở từng khối hoặc toàn trường mang tính chất phong trào.
Giáo viên tiến hành thường xuyên hoặc đột xuất trong từng thời gian qui định, sao cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, không gian, đặc điểm của nhà truờng. Trong các hoạt động trên, nếu khéo léo phối hợp chặt chẽ với người phụ trách công tác Đoàn, Đội, giáo viên mĩ thuật, giáo viên văn học, giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn khác chắc chắn sẽ đạt được kết quả tốt.
Trước tiên, để các hoạt động âm nhạc ngoại khóa trong các trường phổ thông được tốt, người giáo viên âm nhạc phải có kế hoạch và biết lập kế hoạch chi tiết cho từng hoạt động. Trong kế hoạch phải định hướng hoạt động cho cả năm hay từng học kì, từng tháng (theo chủ đề chủ điểm hoặc phục vụ kế hoạch đột xuất theo các yêu cầu của nhà trường, của địa phương). Sau đó cần phải có sự phân công và tổ chức các hoạt động cho các thành viên cùng tham gia một cách hợp lý, phù hợp với khả năng, năng lực của từng thành viên, đặc biệt cần phải có sự kết hợp với hội đồng nhà trường (thông qua ban giam hiệu) để huy động nhiều lực lượng cùng tham gia.
Ở một trường phổ thông muốn phát triển phong trào ca hát trong nhà trường cần thiết phải xây dựng được một đội đồng ca hợp xướng. Do vậy, người giáo viên nên thực hiện tuần tự theo các bước như sau: Chọn thành viên của đội đồng ca hợp xướng: không nên tuyển chọn một cách ồ ạt, cần phải có tiêu chuẩn, đó là giọng hát tốt, sự yêu thích và say mê với nghệ thuật ca hát, có tai nghe và trí nhớ âm nhạc tốt để nhanh chóng hoàn thành các bè. Số lượng cũng không nên nhiều quá để việc luyện tập tiến hành được gọn nhẹ (Số lượng khoảng từ 20 - 25 em).
Việc lựa chọn tác phẩm sẽ quyết định phần lớn sự thành công của tiết mục nói riêng và của hoạt động biểu diễn nói chung. Vì vậy, việc lựa chọn các tác phẩm phải phù hợp với khả năng âm nhạc của học sinh, có nội dung sát với chủ đề, chủ điểm, đồng thời phải có sự đa dạng của các tiết mục. Triển khai việc luyện tập theo kế hoạch đã dự định. Cần chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, đồ dùng phục vụ cho quá trình luyện tập như: phòng tập, âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ... và cả việc bố trí, sắp xếp đội hình biểu diễn cho thích hợp. Trước khi tập phải cho học sinh khởi động giọng, có thể cho nghe tác phẩm trước qua (băng, đĩa nếu có), hoặc qua bản nhạc Demo. Khi tập, nên tập từ những bài có hình thức đơn giản đến phức tạp, nếu bài có bè thì phải tập hát chuẩn xác cho từng bè sau đó mới ghép hoà các bè với nhau. Khi phối hợp các bè với nhau, phải có sự kết hợp của động tác chỉ huy, để có sự ensam giữa các bè, đồng thời cũng tạo sự hào hứng, phấn khởi, niềm vui cho toàn đội. Quá trình tập luyện cần hết sức lưu ý việc thể hiện sắc thái, tình cảm và tính chất của bài.
Sân khấu học đường
Trong các trường học nói chung, các trường phổ thông nói riêng, các ngày lễ, ngày hội, ngày khai giảng, bế giảng năm học... không thể thiếu được một chương trình văn nghệ. Vì vậy, yêu cầu của một chương trình văn nghệ phải đảm bảo: tính phong trào, tính nghệ thuật, tính giáo dục. Bố cục chương trình phải hài hoà, sinh động, hấp dẫn. Nội dung chương trình phù hợp với chủ đề, chủ điểm.
Việc lựa chọn các tiết mục có một ý nghĩa quan trọng cho sự thành công của buổi biểu diễn. Vì vậy, các tác phẩm được chọn trước hết phải có giai điệu hay, đặc sắc, nội dung âm nhạc phải chặt chẽ, phù hợp với chủ đề và phải thể hiện được một phong cách âm nhạc nhất định. Một điều cần lưu ý, các bài hát được lựa chọn dù có hay đến mấy mà quá khó đối với khả năng của học sinh, đều không đạt hiệu quả cao. Các bài hát trong chương trình phải đa dạng về thể loại, có thể dùng cả các bài hát dân ca để tạo cho mầu sắc của chương trình được phong phú. Tính chất âm nhạc trong các tác phẩm cũng phải sinh động: Có vui nhộn, có trữ tình, trầm lắng, có sôi nổi, hào hùng sẽ làm cho chương trình trở nên hấp dẫn, hài hoà.
Khi đã chọn được các tác phẩm có chất lượng, phong phú về thể loại, cần phải sắp xếp các yếu tố này thành một chương trình có tính logíc, hài hoà. Các tiết mục được sắp xếp phải có sự tương phản về thể loại, tính chất âm nhạc và hình thức biểu diễn. Nếu xếp tất cả các tiết mục cùng một thể loại, một kiểu diễn liên tục sẽ làm cho người nghe bị nhàm chán, mệt mỏi. Để có một chương trình biểu diễn hài hoà, cần xen kẽ các tiết mục ít người và nhiều người biểu diễn, xen kẽ giữa hát và múa... Mở đầu có thể là hát tốp ca, đồng ca, hợp xướng, hoặc màn múa - hát rộn rã vui tươi, kết thúc chương trình cũng nên dùng một tiết mục tập thể, có đông người tham gia, để tạo không khí tưng bừng, hào hứng, sôi nổi của buổi biểu diễn.
Th.S Trần Văn Minh
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 34)