Krystian Zimerman

06/12/2019

Krystian Zimerman được xem là một trong những nghệ sĩ piano tài năng nhất thế kỉ 20. Ông không chỉ nổi tiếng với những giải thưởng danh giá dành cho nghệ sĩ và bản thu âm xuất sắc mà còn được biết đến trong giới nghệ thuật như một người trình bày các  piano concerto của Chopin với một phong cách mới lạ. Trong cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật, Zimerman là một người không ngừng tiếp thu và sáng tạo.

Sinh ngày 5 tháng 12 năm 1956 tại Zabrze, Ba Lan, cậu bé Zimerman bắt đầu tập chơi piano từ khi 5 tuổi với người cha, cũng là một nghệ sĩ dương cầm. 2 năm sau cậu trở thành học trò của Andrzej Jasinski và tiếp tục học với ông cho đến khi hoàn chỉnh kĩ thuật. Năm 1973 Zimerman đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Beethoven tổ chức ở Hradec Kralove và giải nhất cuộc thi piano mang tên Frédéric Chopin năm 1975 đã đánh dấu sự nghiệp quốc tế của ông. Arthur Rubinstein đã mời Zimerman đến Paris năm 1976, một sự kiện quan trọng đối với sự tiến bộ của người nghệ sĩ trẻ sau này.

Zimerman đã kí hợp đồng độc quyền với hãng Deutsche Grammophon và đã thu âm nhiều album và đạt được nhiều giải thưởng danh giá. Danh mục biểu diễn của ông bao gồm các tác phẩm của Frédéric Chopin, Franz Liszt, Franz Schubert, Johannes Brahms, Edvard Grieg, Béla Bartók, César Franck, Karol Szymanowski và một số nhà soạn nhạc khác. Năm 1985 Zimerman được nhận giải thưởng của học viện Accademia Chigiana ở Siena cho nhạc sĩ trẻ xuất sắc nhất năm; năm 1994 ông cũng được tổ chức Leonie Sopnning Music Foundation ở Copenhagen tôn vinh.

Krystian Zimerman có thể xem là một điển hình về thành công của một nghệ sĩ đoạt giải nhất cuộc thi Chopin. Giải thưởng trong một cuộc thi lớn không bảo đảm cho người đoạt giải một sự nghiệp lẫy lừng. Thậm chí ngày nay khi số giải thưởng lớn ngày càng tăng lên thì tỉ lệ những trường hợp thành công càng hiếm hoi. Trong số những người đoạt được cùng giải thưởng danh giá này chỉ có Maurizio Pollini và Martha Argerich sở hữu một sự nghiệp so sánh được với Zimerman mặc dù các nghệ sĩ này có con đường phát triển khác nhau, phần nhiều là do khác biệt trong phong cách biểu diễn. Marthe Argerich chủ yếu biểu diễn dựa theo cảm tính và tránh việc tính toán mỗi quyết định của mình và Pollini chơi với một phong cách điềm tĩnh và tinh khiết còn phong cách của Zimerman lại rất trau chuốt và có tính toán cẩn thận. Vì vậy những nghệ sĩ  này có những phong cách rất riêng biệt so với nhau. Zimerman thường hạn chế tần suất biểu diễn, đặt ra giới hạn số buổi biểu diễn sống và ghi âm cũng không thường xuyên. Vì thế mỗi lần Zimerman xuất hiện đều được háo hức đón chờ và theo dõi sát sao.

Ý tưởng của Zimerman cho ngày tưởng niệm 150 ngày mất của Chopin năm 1999 là một ví dụ tiểu biểu. “Tôi đã quyết định năm sau sẽ tổ chức một chuyến lưu diễn ở Đông Âu, Ba Lan và Mĩ. Trong các buổi hòa nhạc tôi sẽ biểu diễn cả 2 concerto cho piano của Chopin.” Zimerman nói trong một bài phát biểu vào ngày 29 tháng 10 năm 1988, khi ông trở về Ba Lan tham dự một hội nghị sau nhiều năm xa rời Ba Lan. “Tôi đã có vinh dự được biểu diễn các tác phẩm này với những chỉ huy dàn nhạc xuất sắc nhất ở Ba Lan và các nước khác. Tôi học hỏi từ mỗi người trong bọn họ và qua thời gian dần dần kết hợp nhiều ý tưởng đó với suy nghĩ của riêng tôi về các concerto của Chopin. Từ đó tôi hình thành niềm tin vào việc tự mình dàn dựng 2 tác phẩm từ a tới z, bắt đầu từ việc xây dựng dàn nhạc. Không biết các bạn có nhận ra rằng ngày nay các dàn nhạc biểu diễn giống hệt nhau. Nếu chỉ dựa vào tai thì bạn không thể phân biệt được dàn nhạc mà bạn đang nghe đến từ Luân Đôn, Paris, New York hay Tokyo. Nền công nghiệp thu âm đã “toàn cầu hóa” cả cách trình bày tác phẩm. Tôi luôn gặp khó khăn trong việc tìm ra những điểm độc đáo của mỗi dàn nhạc. Ngoài ra, các dàn nhạc thường ít luyện tập mà tôi thì muốn tập chung, có khi đến nhiều tuần liên tục. Vì thế tôi kết luận rằng mình sẽ phải tìm một nhóm cùng chia sẻ khát vọng thử nghiệm và cùng làm việc với họ để tạo nên một cái gì đó là kết tinh của 20 năm kinh nghiệm của tôi.

Zimerman đã không nói ngoa. Dàn nhạc “Polish Festival Orchestra”, tập hợp của các nhạc sĩ trẻ người Ba Lan, đã được xây dựng sau nhiều buổi tuyển chọn do chính Zimerman tổ chức và giám sát. Người nghệ sĩ vĩ đại đã tổ chức vô số buổi tập với các nghệ sĩ trẻ ấy và họ biểu diễn trên 30 buổi trong một chuyến lưu diễn tại nhiều địa điểm âm nhạc nổi tiếng ở châu Âu, ở 4 thành phố ở Ba Lan và ở cả nước Mĩ, trong đó có khán phòng Carnegie Hall. Ở Paris họ đã phải biểu diễn thêm một buổi ngoài dự kiến ở Salle Pleyel. Tháng 8 năm 1999, tại khán phòng Giovanni Agnelli Auditorium tại Torino, hãng Deutsche Grammophon đã thu âm cả 2 bản concerto của Chopin do dàn nhạc Polish Festival Orchestra biểu diễn. Trong vòng vài tuần album đã ra mắt và được bán hết veo ngay lập tức trên toàn thế giới. Phong cách biểu diễn của Zimerman đối với 2 bản concerto đã nhận được nhiều phản ứng trái ngược, từ sự hoan nghênh nồng nhiệt cho đến sự buộc tội là “thảm họa”.

Thực tế, cách xử lí của Zimerman đối vớI cả 2 bản concerto có nhiều chỗ khác biệt căn bản so với tiêu chuẩn thông thường. Trong số các tiêu chuẩn thông thường có việc cho rằng phần hòa âm cho các dàn nhạc trong 2 tác phẩm của Chopin là phần bổ sung không mấy hay ho vào phần nhạc cho đàn piano. Người ta thường nói một cách châm biếm rằng Chopin không phải là thiên tài soạn nhạc cho dàn nhạc giao hưởng và thường bố trí các giọng rất khó chơi: kèn đồng xếp ở âm vực sai, bộ dây thì có những nốt ngân dài đến gây chấn thương cho các nghệ sĩ violin. Tiếp cận tổng phổ dựa trên quan niệm này thường dẫn đến việc dàn nhạc chơi phần đệm không được hòa hợp với phần nhạc dành cho piano, gây nên sự thiếu liên kết trong cả tác phẩm. Tuy vậy, Chopin sáng tác bản concerto là một tác phẩm giao hưởng và mặc dù phần nhạc dành cho piano được ưu tiên, dàn nhạc vẫn phải hòa hợp với solo. Âm nhạc của Chopin yêu cầu sự nhạy cảm đặc biệt ở người biểu diễn và có thể trở nên khô khan, tẻ nhạt nếu dàn nhạc chỉ cố gắng “diễn tả” phần hòa âm. Dàn nhạc phải cảm nhận được âm nhạc, đây là một yêu cầu không đơn giản. Vẻ đẹp của bản nhạc và sự tinh tế trong đối thoại giữa các nhạc cụ trong dàn nhạc và piano chỉ được phát lộ khi bản nhạc được xử lí một cách tối ưu. Thông thường tiếng piano bị bao trùm bởI một khối âm thanh nền làm mất đi tiếng của từng bè và sự quyến rũ lạ thường từ phong cách hòa âm của Chopin.

Thính giả hoặc say mê phong cách của Zimerman hoặc ghét cay đắng. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng Zimerman không bao giờ để dàn nhạc đơn thuần là sự bổ sung cho tiếng piano. Trước ông khó có ai từng nâng cao vai trò của dàn nhạc trong âm nhạc của Chopin đến vậy. Krystian Zimerman còn có tài lựa chọn những nghệ sĩ nhạy cảm cùng trình diễn với mình để cùng với họ tạo nên những bản phối khí khuấy động cho âm nhạc của Chopin. Cách xử lí của họ khác vớI những cách xử lí thường thấy ở nhiều khía cạnh và thậm chí còn tách biệt với những chuẩn mực được công nhận từ lâu của phong cách Chopin. Có người cho rằng Zimerman đã lạm dụng tư cách người biểu diễn để biến đổi bản nhạc gốc, ví dụ như việc thêm vào 8 ô nhịp vào cuối chương Allegro maestoso trong bản concerto cho piano giọng Mi thứ, op 11.

Được sớm tiếp xúc với những xu hướng phát triển của nhạc cổ điển châu Âu – Đức, Nga, Pháp hay các trường phái khác, Zimerman không phải là “chuyên gia” về nhạc Chopin. Ngược lại, kinh nghiệm phong phú đó đã đem đến cho Zimerman tham vọng biểu diễn các tác phẩm âm nhạc tại quê hương xuất thân của chúng. Tham vọng này đã được ông cụ thể hóa với việc chơi nhạc Pháp tại Paris, nhạc Beethoven, Mozart và Schubert ở Vienna, Brahms ở Hamburg, nhạc Mĩ ở New York – được chỉ huy bởi chính nhà soạn nhạc: Leonard Bernstein. “Nếu tôi là một diễn viên,” Zimerman phát biểu, “Tôi sẽ đặt mục tiêu diễn Shakespeare ở Luân Đôn và Chekhov ở Nga.”

Witold Lutoslawski, người đề tặng bản concerto cho piano của mình cho Zimerman, đã gợi cho người nghệ sĩ piano ý tưởng tương tự: bản nhạc này cần phải được biểu diễn ở Warsaw trong lễ hội Warsaw Autumn Festival of Contemporary Music do chính nhà soạn nhạc chỉ huy. Trong mỗi đêm diễn ở New York, ông đều trình diễn một bản nhạc Ba Lan trong nội dung chương trình hoặc phần encore. Trong nhiều mùa liên tiếp ông đã biểu diễn các tác phẩm của Karol Szymanowski trong các trung tâm âm nhạc hàng đầu trên 3 châu lục. Cuộc gặp gỡ với những nhạc sĩ lừng danh – nghệ sĩ biểu diễn thính phòng và nhạc trưởng – được ông xem là một sự may mắn. Ông đã được trình diễn nhiều lần cùng với Kaja Danczowska, Kyung-Wha Chung, Gidon Kremer và khoảng 40 ngôi sao trứ danh khác trong thế giới âm nhạc.

Piano không phải là niềm yêu thích duy nhất của Zimerman: ông còn là một nghệ sĩ biểu diễn đàn organ xuất sắc. Chơi đàn organ cũng giúp ông hiểu đựơc hình thái của âm nhạc theo chiều rộng. Zimerman cũng làm giàu kiến thức về chỉ huy của mình qua những lần hợp tác với những nhạc trưởng tài ba nhất thời bấy giờ như Leonard Bernstein, Herbert von Karajan, Seiji Ozawa, Riccardo Muti, Lorin Maazel, Andre Previn, Pierre Boulez, Zubin Mehta, Bernard Haitink, Stanislaw Skrowaczewski và Simon Rattle. Đối với nhiều người trong số họ Zimerman giữ được mối quan hệ thân thiết và tạo dựng được tình bạn lâu dài. Zimerman và Leonard Bernstein đã cộng tác với nhau trong 13 năm: Zimerman luôn là người biểu diễn cuối cùng – có lúc cũng là duy nhất – dưới sự chỉ huy của Bernstein, cả trong phòng thu và tại những buổI hòa nhạc tại nhiều nước châu Âu và Mĩ. Được thường xuyên làm việc một cách gần gũi với một nhân cách âm nhạc tài ba, một nghệ nhân về âm thanh của dàn nhạc, là một kinh nghiệm mang tính dẫn lối cho ông. Zimerman cũng có được kinh nghiệm quý báu như vậy với Herbert von Karajan. Zimerman cũng có dịp gặp gỡ và giữ liên hệ với Claudio Arrau, Arturo Benedetti Michelangeli, Arthur Rubinstein và Sviatoslav Richter – những nghệ sĩ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự chin muồi của Zimerman.

Trong suốt 24 năm hợp tác với Deutsche Grammophon, Zimerman đã có 22 bản thu âm, mang về cho ông nhiều giải thưởng danh giá bậc nhất.

Zimerman hiện sống với vợ và hai con ở Thụy Sĩ – nơi ông đã trú ngụ phần lớn cuộc đời, dành thời gian cho gia đình, các buổi hòa nhạc và biểu diễn thính phòng. Từ năm 1996 trở lại đây ông còn đảm nhiệm việc giảng dạy tạI Music Academy ở Basle.

(Nguồn: https://nhaccodien.info/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...