Kịch hát Tấm Cám - Kịch trẻ cho người trẻ

23/02/2016

Sân khấu Buffalo là nơi những người trẻ cật lực đem hơi thở mới cho sân khấu kịch đã từng dựng nhiều vở kịch hát (musical) như Chicago, Vũ nữ, High School Musical, Tuyết Sài Gòn… nhưng vẫn chưa để lại dấu ấn rõ nét trong lòng khán giả hay nói chính xác hơn người xem chưa quen với thể loại mới lạ như kịch hát. Bởi khán giả, nhất là khán giả trẻ tuy dễ dàng tiếp nhận cái mới, cái lạ nhưng cũng rất khó tính nếu đó là “món ăn” không hợp khẩu vị. Với sự trở lại trong năm mới 2016, được đầu tư kỹ về kịch bản, dàn dựng, diễn viên, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, phục trang… Buffalo đã chiếm được trọn vẹn tình cảm của khán giả thông qua kịch hát Tấm Cám.

Tưởng chừng đây là vở diễn dành cho thiếu nhi, nhưng có đi xem mới thấy, truyện cổ tích không chỉ dành cho trẻ nhỏ. Kịch bản xoay quanh câu chuyện quen thuộc của cô Tấm, cô Cám, dì ghẻ, hoàng tử… về sự đố kỵ của con người để mưu cầu hạnh phúc, về tình cảm gia đình thiêng liêng, luật nhân quả của chốn nhân gian hay duyên nợ của cái gọi là tình yêu đôi lứa. Những điều mới - cũ cứ thế đan xen vào nhau làm người xem không khỏi bất ngờ như được thưởng thức một món ăn cũ với hương vị hoàn toàn mới lạ. Cái nhân văn trong nội dung không sáo rỗng rập khuôn, không nhân từ đạo đức theo kiểu bắt buộc gượng ép mà rất hiện đại, thể hiện được lối sống và cách nghĩ văn minh của người trẻ hiện nay. Buffalo đã thổi hồn vào Tấm Cám tình thân, tình yêu và cả tình người, để cho con trẻ hiểu được rằng người xấu luôn có chốn quay đầu khi lầm lỗi, người tốt như Tấm sẽ nhận được tình yêu từ những người xung quanh.


Một cảnh trong kịch hát Tấm Cám

Một phần khán giả đồng điệu được với vở diễn, cũng bởi vì dàn diễn viên của Buffalo đều trẻ, ở lứa tuổi sung sức để thể hiện mình và cống hiến hết năng lượng cho mỗi suất diễn. Từ diễn viên chính thể hiện trọn vẹn vai diễn, đến diễn viên phụ dù xuất hiện tập thể nhưng không hề bị lu mờ, mỗi nhân vật xuất hiện đều hợp tình hợp lý, đủ làm người xem rợn da gà bởi sự nhập tâm cần có. Diễn viên trên sân khấu chỉ cần quá lố về cảm xúc dễ đem lại cho người xem cảm giác giả tạo, ở dàn “kép chính” của Buffalo trong Tấm Cám tạo được sự gần gũi bằng lối diễn chân thật, không thể hiện quá nhiều kỹ thuật, nhưng chính vì điều này làm khán giả thích thú hơn hẳn. Người này truyền lửa cho người kia, tập thể diễn viên gắn kết và yêu thương nhau như một đại gia đình, rồi họ sẽ lại làm nên chuyện để khán giả có thêm nhiều món ăn tinh thần mới. Với vở diễn lần này, ngoài dàn diễn viên trẻ đầy tiềm năng như Hoàng Quân, Hạnh Thảo, Mỹ Hạnh… còn là sự xuất hiện của những diễn viên gạo cội như NSƯT Công Ninh, nghệ sĩ Tấn Beo, nghệ sĩ Cát Tường, nghệ sĩ Hoàng Mập đã tạo nên không khí vui nhộn, với những mảng miếng hài hước nhẹ nhàng đủ làm khán giả nhớ mãi. Đứng chung sân khấu với đàn anh, đàn chị cũng là động lực để diễn viên trẻ của Buffalo rèn giũa mình ngày một hoàn thiện hơn.

Tâm lý khán giả ngoài hay còn phải đẹp, Tấm Cám đã làm được điều này. Đẹp từ phục trang, bắt sáng trên sân khấu, vải vóc được chọn tỉ mỉ, phù hợp với từng vai diễn và thể hiện sự sang trọng của vở diễn. Đẹp từ phối cảnh, mang đậm nét Á Đông trên sân khấu, lấy ý tưởng chủ đạo là hoa sen với màu hồng tím lạ mắt, không lẫn vào đâu được hình ảnh nên thơ mà thanh bình của làng quê Việt Nam. Đẹp từ âm thanh, ánh sáng được chăm chút cho từng phân cảnh.

Hầu hết khán giả đi xem đều là những người trẻ, họ phải công nhận rằng Tấm Cám là một tác phẩm kịch hát hay ở từng chi tiết. Họ không tiếc lời khen dành cho vở diễn trên mạng xã hội Facebook, những tràng pháo tay không dứt mỗi lần chuyển cảnh, những cái ôm tặng diễn viên khi hạ màn và cũng có không ít khán giả mua vé xem lại lần 2, lần 3. Tấm Cám và ê kíp trẻ của mình đang nhận lại tình yêu thương từ chính khán giả sau những suất diễn với nhiều tâm huyết mà họ đã bỏ ra.

(Nguồn: http://sggp.org.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.