Khúc tráng ca biển “Về với Trường Sa”

20/05/2014

“Về với Trường Sa” là một trong hai ca khúc được nhạc sĩ Vũ Thiết viết ngay trong hành trình đến thăm quần đảo Trường Sa.

Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Vũ Thiết về những kỷ niệm sâu sắc trong chuyến đi này, cũng như hoàn cảnh ra đời của hai ca khúc “Về với Trường Sa” và “Thư ngoài Trường Sa”.

PV: Khi chưa đến Trường Sa, nhạc sĩ đã có khá nhiều ca khúc viết về biển đảo nói chung và Trường Sa nói riêng. Lần đầu tiên đến với Trường Sa, cảm xúc của ông như thế nào?

NS Vũ Thiết: Khi chưa tới với Trường Sa, tôi đã có nhiều ca khúc về chủ đề biển đảo như “Khúc tráng ca biển” phổ từ bài thơ “Mộ gió” của nhà thơ Trịnh Công Lộc, rồi “Sóng hát”, hay “Khúc ca lính biên phòng trên đảo”, “Biển chiều Nha Trang”… Vừa qua, tôi may mắn được đến với quần đảo Trường Sa. Quả thực đây là một chuyến đi vô cùng ý nghĩa.


Nhạc sĩ Vũ Thiết

12 ngày lênh đênh trên biển, từ Song Tử Tây qua các đảo Sơn Ca... đến Trường Sa lớn mới thấy rằng biển đảo của chúng ta mênh mông và đẹp quá, hơn tất cả những gì tôi đã hình dung và xem trên các phương tiện truyền thông cũng như khi viết các ca khúc về biển đảo trước đây. Phải đến tận nơi mới thấy được sự vất vả, kiên cường của các chiến sĩ.

Có những đảo chìm, xung quanh không hề có cây cối mà là biển khơi muôn trùng. Có những nhà giàn trên biển sóng vỗ đến cô đơn. Trên một số đảo, lắng nghe tiếng cô giáo dạy học sinh, một cảm xúc thật khó tả dâng lên trong tôi.

PV: Phải chăng, đó là những kỷ niệm khó quên với nhạc sĩ Vũ Thiết?

NS Vũ Thiết: Đúng thế! Tôi đã xúc động trào nước mắt. Đặc biệt, trong chặng hành trình đến Trường Sa, tôi có dịp đi cùng tốp ca của đoàn nghệ thuật Hải Đăng Khánh Hòa. Trong đêm giao lưu văn nghệ trên đảo, các cháu bé cũng lên hát một bài hát của nhạc sĩ Đoàn Bổng: “Biển này là của ta, đảo này là của ta”. Lúc đấy không riêng gì tôi mà tất cả mọi người đều xúc động rơi nước mắt.

Ngay lúc ấy, tôi nghĩ rằng: các cháu tuy bé nhưng cũng là những chiến sĩ. Còn một điều nữa là, đến mỗi đảo chúng tôi đều hát Quốc ca. Cảm giác hát Quốc ca giữa biển trời Tổ quốc mới thấy tự hào, xúc động và thiêng liêng đến nhường nào.

 
Nhạc sĩ Vũ Thiết trên đảo Trường Sa

PV: Những kỷ niệm ấy cũng góp phần để nhạc sĩ viết ngay hai ca khúc trong hành trình Trường Sa của mình phải không?

NS Vũ Thiết: Cảm xúc và các yếu tố khách quan khiến những giai điệu vang lên trong tâm trí tôi một cách nhanh chóng. Trong chuyến đi lại có cả những nhà văn, nhà thơ của Hội Văn học Nghệ thuật.

Khi giao lưu với anh em trên tàu, nhà thơ Hữu Việt có tâm sự rằng, anh vừa viết bài thơ mang tên “Thư ở Trường Sa”. Với cảm quan của người làm báo và một người sáng tác âm nhạc, tôi thấy đây là một bài thơ hay và ý nghĩa. Một câu chuyện tình giữa người lính ở nơi đảo xa biển khơi và cô gái ở Hà Nội. Cô gái là hậu phương thương người lính tuyến đầu Tổ quốc.

Khi biển xanh chợt quánh dưới thân tàu.
Ấy là lúc mưa sắp về em ạ
Anh vội vã đóng những ô cửa sổ.
Còn một ô anh để ngỏ phương em
Hà Nội, Hà Nội tháng 5 mưa thổn thức thâu đêm
Ở Trường Sa anh vẫn mùa nắng cháy
Em nằm nghe mưa thương anh ngoài ấy.
Anh đội nắng trời, thương lắm đất liền ơi.

Ngay trong chương trình tổng kết chuyến đi, bài hát đã được một ca sĩ đoàn nghệ thuật Hải Đăng hát và nhận được sự cổ vũ động viên của tất cả mọi người. Sau khi được thu thanh hoàn chỉnh, “Thư ngoài Trường Sa” sẽ được giới thiệu tới bạn yêu nhạc cả nước.

PV: Ngoài “Thư ngoài Trường Sa”, NS Vũ Thiết cũng có một sáng tác khác được thu thanh hoàn chỉnh ngay khi vừa kết thúc chuyến đi?

Nghe bài hát "Về với Trường Sa"

NS Vũ Thiết: Đó là bài “Về với Trường Sa”, phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Đại tá Vũ Thanh – Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Bình Định. Ngay sau khi kết thúc chuyến đi, về đến TP.HCM, nhạc sĩ Vũ Trung - một nhạc sĩ có khá nhiều sáng tác trong Sở Công an tỉnh Bình Định đã hòa âm phối khí , dàn dựng ngay và gửi cho chúng tôi. Bài hát do tốp nam thể hiện cũng đã vang lên trong buổi tổng kết chuyến đi bên cạnh “Thư ở Trường Sa”.

Khác với “Thư ngoài Trường Sa”, “Về với Trường Sa” ngắn gọn, xúc tích, dễ thuộc, dễ hát theo thể loại hành khúc chứ không phải trữ tình tự sự.

Anh cùng tôi về với Trường Sa
Với biển quê hương, với đảo nhà
Song Tử Tây hiên ngang hùng vĩ
Sơn Ca kiên cường sóng biển hát tình ca.
Anh cùng tôi về với Trường Sa
Với phong ba đảo chìm đảo nổi
Thắp nén hương lòng thắm tình đồng đội
Mãi mãi sinh tồn vì biển đảo quê hương

PV: Có một điểm chung giữa các văn nghệ sĩ khi đến với quần đảo Trường Sa, đó là những sáng tác đều được viết ngay trong hành trình để kịp thời biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Với cảm quan của một nhạc sĩ cũng như một nhà báo – NS Vũ Thiết lý giải điều này như thế nào?

NS Vũ Thiết: Có lẽ ngắn gọn nhất là, mỗi công dân của nước Việt đều hướng về Tổ quốc. Ai cũng muốn làm một điều gì đấy, cho dù là nhỏ để thể hiện lòng yêu nước, tình cảm yêu Tổ quốc từ thẳm sâu trong tim mỗi người./.

PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Vũ Thiết./.

(Nguồn: http://vov.vn)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.