Tổ khúc "Ông Gióng"

25/07/2013

Tổ khúc "Ông Gióng" của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát được rút ra từ nhạc phim hoạt họa búp bê "Chuyện Ông Gióng" (1965), trở thành bản nhạc độc lập cho dàn nhạc dân tộc vào năm 1971.


Nguồn tranh: Internet

Sau nhiều năm trăn trở nghiên cứu về âm nhạc truyền thống, đặc biệt về cách hòa tấu nhạc cụ và bộ gõ dân tộc, tác giả thấy lối hòa tấu của ta thường sử dụng sự tương phản của âm sắc đan vào nhau theo tiết tấu để đi đến một sự hài hòa hoàn chỉnh. Phần lớn hòa tấu truyền thống là sự tương phản giữa những tiếng mềm mại (như tiếng sáo, nhị bầu...) với những tiếng cứng rắn của bộ gõ (như trống, phách, thanh la...).

Tác phẩm gồm sáu chương, mỗi chương đều có những tiêu đề riêng.

+ Chương I: "Làng Phù Đổng"

Tác phẩm được mở đầu với chủ đề âm nhạc mang tính chất hoành tráng, khắc họa tinh thần Ông Gióng cùng cảnh trí làng quê, nơi ông sinh ra và lớn lên. Ở đây tác giả đã sử dụng một nét nhạc khỏe khoắn, bay bổng ở âm vực cao với tiết nhạc ngắn trong sự hiệp đồng của toàn dàn nhạc được kết hợp với một hòa thanh trong sáng làm tăng thêm chất hùng tráng của hai chủ đề âm nhạc. Trong phần cuối của chương nhạc, một nét nhạc rất gần với bài Lưu thủy - Kim tiền được tấu lên miêu tả niềm vui và không khí thanh bình của quê hương, làng xóm. Và cuối cùng, nổi trội lên âm thanh của bộ bát âm và bộ trống cà rùng diến tấu hầu như nguyên mẫu tiết tấu đám rước trong ngày hội làng truyền thống. Tiếng trống âm vang xuyên suốt đám rước biến thành một vế bắc cầu: vừa là tiền tấu, vừa là gian tấu, vừa là hậu tấu để gây ấn tượng về một đám rước đang đi xa dần...

+ Chương II: "Giặc Ân"

Để xây dựng hình tượng phản diện với tính chất vừa hung bạo vừa hèn nhát của giặc Ân, tác giả đã dùng một nét nhạc không hoàn chỉnh, khập khiễng để hình thành dần dần, và khi đã rõ nét thì nhấn đi nhấn lại vào các cung bậc xa lạ. Tiếng sênh bắt vào khi giai điệu chuyển sang công năng át mang lại một hiệu quả đặc biệt, khắc họa tính chất của chủ đề giặc.

Để diễn tả cảnh hoang vu, lạnh lẽo của chiến trường, nơi quân giặc vừa tràn qua, tác giả dùng hai mõ to, nhỏ gõ theo nhịp điệu lơ lửng kèm theo tiếng ô boa lắp dăm kèn bóp đi một giai điệu chậm rãi với những quãng rộng. Sau khi nhắc lại một nét nhạc của phần trên có phát triển, tác giả cho kết đoạn đột ngột với dụng ý dựng lên cảnh quân giặc đã bị một sức mạnh nào đó chặn đứng.

+ Chương III: "Mẹ và con"

Một giai điệu vừa da diết vừa đằm thắm qua tiếng đàn bầu và đàn xenlo (thay cho hồ đại) thể hiện lời thủ thỉ của mẹ và Gióng thuở nhỏ, nói lên tình thắm thiết giữa hai mẹ con. Giai điệu được tiến hành trên một nền hòa thanh do bộ tiêu và hồ, nhị đảm nhiệm cùng mấy cây đàn tam làm nền, tạo cảm giác vừa ấm cúng vừa trọng đại.

+ Chương IV: "Lò rèn"

Chương này có nội dung miêu tả việc rèn đúc các vũ khí của dân làng để đánh giặc. Ở đây, tiết tấu lao động được thể hiện rõ nét: âm hình gọn, viết đảo tiết yếu thành tiết mạnh nhằm mô tả một động tác vừa nặng nhọc vừa khẩn trương của công việc. Sau đó xuất hiện những âm hình dựa vào hòa thanh 7 trưởng với 5 tăng ở bè cao, vẽ lên hình tượng ngọn lửa, làm tăng không khí sôi nổi, khẩn trương của việc rèn đúc vũ khí giết giặc.

Về mặt chất liệu, đáng chú ý trong phần B của chương này được mở đầu bằng câu đầu của bài qua họ "Người đi đâu", phần D là câu đầu của bài Quan họ "Lúng liếng".

+ Chương V: "Đánh giặc"

Trong chương này, tác giả sử dụng âm hình trích cả trong chủ đề chính diện (Ông Gióng) và phản diện (giặc Ân) để tạo ra một luồng âm nhạc của hai thế lực đối chọi nhau mang tính xung đột, đối kháng.

Vào đầu là một âm hình trích từ chủ đề Ông Gióng, rồi phát triển để người nghe có thể hình dung tiếng vó ngựa phi nước đại (ngựa Gióng). Sau đó qua chủ đề giặc Ân, bắt đầu một khúc nhạc mới sử dụng toàn bộ gõ, không có giai điệu, hòa thanh. Tiếp thu lối giáo trống của chèo, tác giả thể theo lối viết phức tiết tấu gợi lên cảnh hỗn loạn với ý đồ nói lên sự hỗn loạn của chiến tranh. Tiếp sau đó nét nhạc của giặc Ân lại xuất hiện và kết bằng chủ đề ngựa ông Gióng.

+ Chương VI: "Chiến thắng"

Trong không khí tưng bừng tươi vui của ngày hội thắng trận, một nét nhạc vui nhộn nhịp được đệm bằng nhịp trống múa lân làm tăng sự hân hoan của chủ đề mừng chiến thắng.

Sau đó là hình tượng nhân dân tíu tít mừng vui rủ nhau đi dự hội. ở đây tác giả dùng thủ pháp đệm tiết tấu theo kiểu nhịp "Bỏ bộ" trong ca trù và kết bằng hòa thanh bỏ lửng để trở về nét nhạc mở đầu, chậm rãi, có phần nặng nhọc với sự kết hợp của thanh la và cồng gợi lên hình tượng cờ xí rợp trời và con ngựa thờ được kéo ra trong đám hội. Sau đó lại trở về nét nhạc mở đầu của chương để kết thúc bản hòa tấu.

Tổ khúc Ông Gióng đã được Dàn nhạc dân tộc Trung ương biểu diễn lần đầu tại Nhà hát lớn Hà Nội nhân dịp kỉ niệm 20 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 3 thánh 8 năm 1965 và ngày 1 và 2 tháng 9 năm 1965. Sau đó vào năm 1971, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Trần Quý, tác phẩm được trình diễn tại Đại hội Đảng toàn quốc cũng như trong các lễ hội của Nhà nước và được sự cổ vũ nồng nhiệt của người nghe.

Nghe tác phẩm tại đây: http://hoinhacsi.com/?q=khi-nhac-detail/687

Theo "Âm nhạc mới Việt nam tiến trình và thành tựu"
Nhóm tác giả: PGS.TS Tú Ngọc - PGS.TS Nguyễn Thị Nhung - TS Vũ Tự Lân - Nguyễn Ngọc Oánh - Thái Phiên

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
17/02/2021
“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến ...
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...