Không chỉ quay lưng với âm nhạc
“Tụng ca Niềm vui” (Ode to Joy) của nhà soạn nhạc Đức Beethoven không chỉ là một phần của kiệt tác âm nhạc mà còn là biểu tượng của tình yêu, chủ nghĩa nhân văn và sự thống nhất châu Âu. Việc Brexit, một đảng theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu của Anh thành lập vào năm 2019, cự tuyệt bài ca chính thức của EU đồng nghĩa với việc cự tuyệt lịch sử chung của châu Âu.
Nhà soạn nhạc Beethoven. Nguồn: The Guardian.
Trong phiên họp đầu tiên diễn ra ngày 2/7/2019 của Nghị viện châu Âu mới được bầu, các nghị viên thuộc Đảng Brexit do Nigel Farage dẫn dắt đã quay lưng lại khi bài ca chính thức của Liên minh châu Âu được một nhóm tứ tấu saxophone và ca sĩ opera biểu diễn trong phòng họp. Nhiều người đã thể hiện sự phản đối hành vi này bằng trào lưu sử dụng từ khóa #notinmyname trên Twitter. Đây là một hành động mang tính khiêu khích vào thời điểm nhạy cảm, khi nhiều người mong chờ vào cơ hội đàm phán giữa Anh với EU để tránh cái kết thiệt hại nhất. Bản thân việc cự tuyệt bài ca chính thức, một bản chuyển soạn khí nhạc của “Tụng ca Niềm vui” từ chương cuối Giao hưởng số 9 đầy tính biểu tượng của Beethoven có cái gì đó gây ra những hiệu ứng đặc biệt.
Bản giao hưởng số 9 và ảnh hưởng tới nghệ thuật châu Âu
Bản giao hưởng cuối cùng của Beethoven đã được huyền thoại hóa ngay từ buổi công diễn lần đầu vào ngày 7 tháng 5 năm 1824. Nhà soạn nhạc bị điếc hoàn toàn đã có mặt trên sân khấu và phải nhờ người khác xoay người lại mới có thể trông thấy cảnh tượng khán giả đang vỗ tay và reo hò trong cảm xúc. Ý niệm về Bản giao hưởng số 9 được gắn liền với hình ảnh một nhà soạn nhạc khổ đau vượt lên những thước đo tầm thường của xã hội, một nghệ sĩ trên mình đầy vết thương vẫn gắng bước qua thử thách và một thiên tài điếc xa lánh thế giới để tạo ra những tác phẩm âm nhạc siêu phàm nhất. Đó cũng là cách thế giới này nhớ về ông.
Với Giao hưởng số 9, Beethoven không chỉ dự đoán về một kỷ nguyên mới trong âm nhạc và văn hóa mà còn tuyên bố một cách trực diện về kỷ nguyên sắp tới này. Giao hưởng số 9 tiếp tục đứng vững như một trong những tác phẩm dễ nhận biết và mang tính thống nhất bậc nhất trong nghệ thuật châu Âu, một nền nghệ thuật đã tình cờ được một thế giới rộng lớn hơn, gồm cả châu Á và châu Mỹ, đi theo. Là một bản giao hưởng hợp xướng, nó cũng nổi tiếng vì đã kết hợp bài thơ An die Freude (Tụng ca Niềm vui) do nhà thơ Friedrich Schiller sáng tác năm 1785 vào chương kết. Giai điệu của Beethoven cùng lời thơ nói về tình huynh đệ của toàn nhân loại của Schiller thành ra được yêu thích qua nhiều thế kỷ đến mức thường xuyên được hát như một ca khúc độc lập với bối cảnh chương cuối Giao hưởng số 9.
Beethoven xuất chúng không chỉ vì bằng tài năng của mình, ông đã hoàn thiện hình thức giao hưởng, định hình một vị trí trang trọng của các tác phẩm giao hưởng trong văn hóa châu Âu mà còn đã đem đến những quy mô và tái sắp xếp kỹ thuật sáng tác trong các hình thức viết cho dàn nhạc. Trước Beethoven, các dàn nhạc của châu Âu chưa từng biết đến thứ âm nhạc nào được sáng tác theo cách thức phức tạp đến thế. Vì vậy, dàn nhạc châu Âu hiện đại của thế kỷ 19 phần lớn là kết quả tự nhiên của những nỗ lực nhằm trình diễn âm nhạc của Beethoven sao cho đạt yêu cầu về mức độ kỹ thuật và cảm xúc.
Bản giao hưởng số 9 gắn liền với nhiều tên tuổi nhạc trưởng, một trong số đó là Herbert von Karajan. Nguồn: FM Classic.
Các buổi biểu diễn âm nhạc Beethoven sau khi ông qua đời đã trở nên hoàn thiện và đáng kể hơn rất nhiều so với lúc ông còn tại thế. Theo quan điểm này, có một sự công bằng trớ trêu nào đó là trong những năm cuối đời, Beethoven gần như bị điếc hoàn toàn vì người ta nghĩ rằng rất có thể Beethoven đã tưởng tượng ra cách âm nhạc của mình sẽ được một dàn nhạc với quy mô số lượng đầy đủ các nhạc công của những năm 1880 trình diễn thay vì dàn nhạc của những năm 1820, như một cách để bù đắp cho sự khiếm khuyết về thính giác của ông. Nếu như sau này, Wagner theo nhiều cách thức đã tạo ra dàn nhạc lớn nhất châu Âu thời kỳ lãng mạn nhưng nếu không có Beethoven cùng những bố trí dàn nhạc bậc thầy của ông, có lẽ Wagner không thể mở rộng dàn nhạc để đạt được độ vang vọng về âm thanh như vậy.
Những sóng gió, ánh sáng và bóng tối
Buổi bình minh của công nghệ thu âm cũng gần trùng khớp với thời đại của một số nhạc trưởng lớn ở châu Âu thời Lãng mạn. Thực tế này cho phép những thế hệ tiếp theo có thể thưởng thức các màn biểu diễn oai nghiêm Giao hưởng số 9 nói riêng và âm nhạc Beethoven nói chung. Dù là tính siêu hình sâu sắc và tinh thần Khai sáng của Wilhelm Furtwängler hay chất thi vị đậm đà của Willem Mengelberg, vẻ xán lạn chân thành kiểu Apollon của Hermann Abendroth hay nét thanh lịch khoáng đạt của Walter Knappertsbusch, tính lãng mạn mà hơi mộc mạc một cách nghịch lý của Bruno Walter hay tính chính xác điềm nhiên của Karl Böhm, sự tự tin nam tính của Otto Klemperer chín chắn hay sau này là sự hoàn thiện về mặt âm thanh của Herbert von Karajan: các nhà trình tấu vĩ đại âm nhạc Beethoven của châu Âu đầu và giữa thế kỷ 20 đều độc nhất vô nhị về cách tiếp cận, nhưng đều ở tầm vóc lớn lao trong việc nâng Beethoven lên thành một người khổng lồ trong giới âm nhạc. Vì nhiều nhạc trưởng bậc thầy này đều có sự nghiệp cả trước và sau Thế chiến Thứ hai nên một hiện tượng như vậy là bằng chứng cho thực tế là âm nhạc Beethoven có thể tiếp tục tồn tại ngay cả trong thời kỳ đen tối nhất của lịch sử châu Âu hiện đại.
Giao hưởng số 9 có một lịch sử lâu dài và sóng gió: nó là biểu tượng của cả bóng tối và ánh sáng. Là một tác phẩm yêu thích mà Hitler muốn nghe vào mỗi dịp sinh nhật, Giao hưởng số 9 cũng được sử dụng trong các bộ phim tuyên truyền của Đức Quốc xã, và phần hợp xướng được trình diễn tại Thế vận hội Berlin 1936. Nó cũng được chọn là quốc ca của Cộng hòa Rhodesia dưới thời chính quyền phân biệt chủng tộc Ian Smith. Mảng tối nữa trong lịch sử của tác phẩm là nó được dùng làm nhạc nền trong một số bộ phim rùng rợn: bản giao hưởng bị gắn với cảnh cực kỳ bạo lực trong phim A Clockwork Orange (Cỗ máy tội phạm) của Stanley Kubrick và là mô típ trở đi trở lại đại diện cho nhân vật phản diện có học thức Hans Gruber trong phim Die Hard của Alan Rickman.
Tuy nhiên Giao hưởng số 9 cũng mang ý nghĩa cứu chuộc. Nó được Hitler sử dụng và đồng thời cũng được sử dụng để chống lại Hitler, thậm chí còn được một dàn nhạc tù nhân chơi trong các trại tập trung. Âm nhạc được SS sử dụng để kiểm soát và làm nhục, nhưng các tù nhân cũng sử dụng âm nhạc như một công cụ sinh tồn. Vào năm 2000, Vienna Philharmonic đã có một màn trình diễn cảm động tác phẩm này tại Mauthausen, một trại tập trung của Đức Quốc xã, trước cử tọa gồm những nạn nhân sống sót. Với lịch sử của tác phẩm (và cũng là của Vienna Philharmonic), việc lựa chọn Giao hưởng số 9 đã gây tranh cãi. Tuy nhiên, là một biểu tượng của châu Âu mới vào bước ngoặt thiên niên kỷ, Beethoven được nhiều người xem là sự lựa chọn thích đáng và Giao hưởng số 9 đã được tuyên bố là biểu tượng cao vời của tình yêu và chủ nghĩa nhân văn.
Thế nhưng âm nhạc, nhà soạn nhạc và các hiệp hội giao hưởng với tình huynh đệ và sự cứu chuộc phổ quát chỉ là một phần của câu chuyện khiến cuộc biểu tình của đảng Brexit mang tính khiêu khích đến vậy. Bởi về bản chất, bản số 9 được liên kết mật thiết với châu Âu như một thực thể duy nhất.
Hãy nhìn lại những gì diễn ra sau khi ông qua đời. Beethoven sinh ra ở Đức nhưng sống phần lớn cuộc đời mình ở Vienna, do đó ông không là báu vật riêng của Đức hay Áo, hơn thế toàn châu Âu tuyên bố ông là công dân châu lục. Các truyền thống âm nhạc khác nhau phát triển ở nhiều vùng châu Âu, nơi các bản giao hưởng của ông được phóng tác cho phù hợp với thị hiếu và phong tục địa phương, ví dụ như ở Anh, chúng được chuyển soạn thành những giai điệu thánh ca, vang lên trong các thánh đường và được các ban nhạc kèn đồng biểu diễn. Theo cách đó, Beethoven đã trở thành một phần của ngôn ngữ âm nhạc bản xứ riêng của nước Anh, đồng thời trở thành một phần của các truyền thống âm nhạc châu Âu khác. Ông cũng được đối xử một cách trang trọng hơn bất kỳ nhà soạn nhạc nào khác. Louis Jullien, một nhạc trưởng đặc biệt nổi tiếng ở Pháp thế kỷ 19, đã đeo găng tay trắng và sử dụng đũa chỉ huy nạm ngọc được trao cho mình trên một chiếc khay lót nệm mỗi khi biểu diễn các giao hưởng Beethoven.
Đảng Brexit cự tuyệt bài ca chính thức của EU đồng nghĩa với việc cự tuyệt lịch sử chung của châu Âu. Nguồn: The Guardian.
Vào năm 1845, một bức tượng Beethoven đã được dựng lên ở Bonn, nơi nhà soạn nhạc chào đời. Vua nước Phổ, nữ hoàng Victoria và hoàng tử Albert đã cùng tham dự lễ khánh thành. Báo chí Anh, báo chí Pháp và báo chí Đức cùng có mặt để đưa tin về sự kiện. Một số xích mích đã xảy ra: nhóm phóng viên Pháp bực bội vì không có nghi lễ nâng cốc chúc mừng vị vua vắng mặt Louis Philippe. Một nhóm nhạc sĩ và nguyên thủ quốc gia châu Âu đã tập trung tại Vienna vào năm 1927 để kỷ niệm 100 năm ngày mất của nhà soạn nhạc và trong năm tới, lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhà soạn nhạc sẽ được tổ chức không chỉ ở châu Âu mà trên toàn thế giới.
Hình ảnh Giao hưởng số 9 như một biểu tượng của sự thống nhất châu Âu có lẽ đã được tuyên bố theo cách mẫu mực nhất vào ngày Giáng sinh năm 1989 khi Leonard Bernstein chỉ huy chương kết Giao hưởng số 9 để kỷ niệm sự sụp đổ của bức tường Berlin với một dàn nhạc gồm các thành viên từ Đông và Tây Đức cũng như bốn cường quốc đồng minh: Pháp, Anh, Liên Xô và Mỹ.
Vào năm 1972, khi Ủy hội châu Âu đã (Councit of Europe) quyết định về bài ca chính thức, Beethoven được xem như một lựa chọn hiển nhiên. Vào năm 1985, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua nghị quyết chọn Giao hưởng số 9 làm bài ca chính thức của Liên minh. Theo đó, với ý nghĩa thống nhất và mối liên hệ lâu dài với lịch sử châu Âu, bài ca này không chỉ đại diện cho EU mà còn cả châu Âu theo nghĩa rộng lớn hơn.
Đó là toàn bộ lịch sử chung (đôi khi rất đau đớn) cũng như niềm vui và sự lạc quan hướng về tương lai của tác phẩm mà các nghị viên thuộc đảng Brexit cự tuyệt khi họ quay lưng với phiên bản rút gọn từ chương cuối Giao hưởng số 9 của Beethoven.□
(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn/)