Khởi động mùa Festival Huế 2020

15/08/2019

Festival Huế năm 2020 sẽ đến sớm hơn so với các kỳ tổ chức trước. Với những chuẩn bị sớm hơn, Ban Tổ chức (BTC) mong muốn mang đến cho công chúng, du khách và người dân một mùa lễ hội mà ở đó “Huế luôn luôn mới”.

Festival Huế 2020 sẽ khai mạc sớm hơn các năm trước (Trong ảnh: Một tiết mục tại Lễ khai mạc Festival Huế 2018)

Chương trình được lên khung sớm

“Huế luôn luôn mới” cũng là chủ đề của Festival lần thứ 11 sắp đến, được gắn với chủ đề xuyên suốt “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Theo BTC, chủ đề này được lấy ý tưởng từ lời kêu gọi cách đây gần 40 năm của ông Amadou Matar M’Bow, nguyên Tổng Giám đốc Unesco khi ông cho rằng “Huế là một bài thơ về kiến trúc đô thị tuyệt tác, là thành phố của sự hài hòa trọn vẹn”, slogan lúc bấy giờ đã trở thành một khẳng định giá trị của Huế và là tâm điểm thu hút sự ủng hộ Huế xây dựng và phát triển.

Khác với những kỳ Festival Huế gần đây (năm 2016 và 2018), được tổ chức trong khoảng thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5 hàng năm, Festival Huế 2020 sẽ được tổ chức sớm hơn, từ ngày 1 - 6/4/2020 (khai mạc tối thứ tư ngày 1/4/2020 và bế mạc vào tối thứ hai 6/4/2020).

Điểm khác biệt và cũng được đánh giá cao nhất trong công tác chuẩn bị lần này chính là “khung” chương trình được dự kiến sớm. Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, Phó Trưởng ban Thường trực BTC Festival Huế 2020 cho biết, với Festival Huế, cái khó là sự khẳng định của các đối tác tham gia thường cận ngày diễn ra lễ hội, kéo theo lịch chương trình thường công bố muộn, gây nhiều khó khăn trong quảng bá và công tác tổ chức. Năm nay, ngoài hai chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc, những chương trình chính cơ bản đã xác định được nội dung và thời gian diễn ra.

Ngoài hai chương trình nghệ thuật đêm khai mạc và bế mạc, Festival Huế 2020 sẽ có những chương trình, lễ hội chính quan trọng như, lễ hội đường phố (16h30, liên tục trong các ngày từ 2 - 6/4/2020); chương trình Văn hiến Kinh kỳ (20h00, ngày 3/4/2020); chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn (20h00, ngày 5/4/2020); lễ hội Huế - Kinh đô ẩm thực (từ 1- 6/4/2020); lễ hội Áo dài (20h00, ngày 4/4/2020)... Ngoài ra, còn có hàng loạt hoạt động, lễ hội, các chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật phục vụ du khách và công chúng suốt sáu ngày đêm diễn ra Festival Huế 2020.

Riêng với Festival lần thứ 11 sắp đến, yếu tố cộng đồng được BTC tập trung khai thác, nhằm hướng đến mỗi một người dân và du khách là chủ thể của Festival Huế. Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, trong nhiều hoạt động, lễ hội đường phố sẽ được tổ chức với kịch bản và phương thức mới hơn, chú trọng tăng thời lượng và thời gian biểu diễn, quy tụ những lực lượng độc đáo phù hợp; đồng thời, khai thác các tuyến đi bộ, tuyến phố du lịch, bố trí khung giờ hợp lý để tạo không khí lễ hội sôi động trong thời gian diễn ra festival nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế.

Thúc đẩy phát triển du lịch

Mục tiêu xuyên suốt của Festival Huế khi được tổ chức 2 năm một lần, là tạo ra một sự kiện văn hóa lớn, nhằm tôn vinh các di sản văn hóa Huế; qua đó, dần trở thành một sản phẩm du lịch có tính khác biệt, độc đáo, thúc đẩy du lịch phát triển.

BTC Festival Huế 2020 cho rằng, vào hai kỳ Festival Huế gần nhất, thời gian được tổ chức vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Việc tổ chức vào thời điểm này có nhiều mặt lợi, khi thu hút được nhiều thành phần du khách tham gia. Hạn chế là làm cho du lịch Huế quá tải, các khách sạn đã “cháy phòng” từ trước đó, vào đúng thời điểm hai yếu tố thu hút khách (Festival Huế và dịp nghỉ lễ) vào cùng một thời điểm, khiến du lịch Huế không thể phục vụ nổi và quá tải. Do đó, năm nay, BTC quyết định dời thời gian tổ chức để tăng hiệu quả trong tổ chức, kích cầu du lịch, tăng sự đóng góp doanh thu cho ngành du lịch, dịch vụ tốt hơn.

Ông Huỳnh Tiến Đạt chia sẻ, một điểm mới, cũng là sự thay đổi nhằm tăng sự chuyên nghiệp hóa, là tăng hiệu quả trong công tác quảng bá cho lễ hội, một lĩnh vực quan trọng của festival. Năm nay, Festival Huế sẽ hợp tác với một đơn vị truyền thông có uy tín, đã khẳng định được tên tuổi để xây dựng kế hoạch và triển khai công tác quảng bá. Từ kế hoạch và các phương thức truyền thông mà đơn vị này đưa ra, nhất là các hình thức quảng bá mới, BTC kỳ vọng công tác quảng bá của Festival Huế năm nay sẽ đạt hiệu quả, tăng khả năng nhận diện thương hiệu và thu hút nhiều du khách đến với Huế.

Không gian tổ chức của Festival Huế tiếp tục được phân chia theo chương trình IN (có bán vé) và OFF (không bán vé). Không gian chính sẽ là các khu vực chương trình IN, điểm biểu diễn cho các đoàn nghệ thuật đặc sắc, chất lượng cao, của cả trong nước và quốc tế, với các thể loại nghệ thuật trình diễn phong phú, hấp dẫn, được tập trung trong Đại Nội. Cung An Định tiếp tục được hình thành sân khấu âm nhạc đương đại, sôi động dành cho giới trẻ, với sự tham gia của các đoàn quốc tế và trong nước đẳng cấp. Không gian khu vực chương trình OFF sẽ lấy sông Hương làm trục chủ đạo để tổ chức hai bên bờ. Kết hợp với đó là những hoạt động mang tính cộng đồng, gắn kết và tương tác giữa các chủ thể của lễ hội.

(Nguồn: http://baothuathienhue.vn/)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...