Khoa nhạc cụ truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã trở thành một ngôi trường đào tạo âm nhạc hàng đầu trong cả nước. Cùng với lớp lớp các thế hệ giảng viên, nghệ sĩ có trình độ chuyên môn cao đã đào tạo cho nền âm nhạc nước nhà hàng loạt các nghệ sĩ tài năng có tên tuổi, họ đã và đang làm việc, cống hiến có hiệu quả trong các đơn vị nghệ thuật trên cả nước.
Năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam đã ra đời, sau đó đổi tên thành Nhạc viện Hà Nội và nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Từ khi ra đời, Trường đã được sự lãnh đạo của nhiều thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ lớn đã được đào tạo chính quy bài bản ở nước ngoài, qua từng thời kỳ như: cố nhạc sĩ Tạ Phước (1956 – 1972), cố GS.NSND Nguyễn Văn Thương (1972 – 1984), GS.NSND Trọng Bằng (1984 – 1995), GS.TS.NGND Trần Thu Hà, NSND Ngô Văn Thành, TS. Lê Văn Toàn và nay là TS. Nguyễn Anh Tuấn.
Không chỉ là ngôi trường đào tạo âm nhạc lớn nhất Việt Nam, trường còn là nơi nghiên cứu khoa học và biểu diễn. Cho đến nay Học viện luôn luôn khai thác và phát triển vốn âm nhạc cổ truyền đồng thời tiếp thu các tinh hoa của nền âm nhạc thế giới, góp phần tích cực vào sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc. Ngay từ buổi đầu thành lập, nhà trường đã có đầy đủ các khoa như: khoa âm nhạc truyền thống; khoa piano; khoa sáng tác – lí luận – chỉ huy, khoa đàn dây, khoa kèn – gõ, khoa thanh nhạc, khoa accordeon – guitar – nhạc jazz, khoa kiến thức âm nhạc... Những học sinh, sinh viên theo học ở trường với những chương trình đào tạo khác nhau như: Trung cấp ngắn hạn, Trung cấp dài hạn, Đại học chính quy, Đại học tại chức, Cao học và nghiên cứu sinh. Trong suốt 60 năm qua, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã đào tạo cho cả nước trên 10.000 sinh viên, họ đã tốt nghiệp với các cấp học từ Trung cấp đến Tiến sĩ đã và đang hoạt động rất có hiệu quả trong các lĩnh vực biểu diễn, sáng tác, nghiên cứu lí luận phê bình, sư phạm âm nhạc. Ngoài những nhiệm vụ trên trường còn đào tạo hàng trăm cán bộ âm nhạc cho các nước bạn như Lào, Campuchia... Mở lớp dạy nhạc cụ cổ truyền và phương Tây cho một số sinh viên nước ngoài như Pháp, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trường đã nghiên cứu, biên soạn được hệ thống chương trình, giáo trình cho tất cả các chuyên ngành từ sơ cấp đến nghiên cứu sinh. Ngoài ra trường còn tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế nhằm đưa nền âm nhạc Việt Nam lên một tầm cao mới để phù hợp thế giới. Bên cạnh đó, trường đã cùng với Viện Âm nhạc đệ trình hồ sơ đưa những bộ môn nghệ thuật âm nhạc cổ truyền của người Việt lên Nhà nước, và tổ chức UNESSCO, đã được công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Hàng năm, trường còn tổ chức nhiều buổi biểu diễn âm nhạc như: giao hưởng thính phòng và âm nhạc truyền thống ở trong nước và quốc tế. Có nhiều nghệ sĩ quốc tế đã sang để phối hợp biểu diễn, giao lưu nghệ thuật với giảng viên, nghệ sĩ của trường. Ngược lại nhiều giảng viên, nghệ sĩ, học sinh, sinh viên, tốp nhạc của trường đã được mời đi biểu diễn ở nước ngoài để giới thiệu với bạn bè năm châu về nền âm nhạc truyền thống của nước mình. Năm 1997, trường đã được trao Giải thưởng Hoàng Gia Nhật Bản của Hội đồng Nghệ thuật thế giới về thành tích phát triển tài năng âm nhạc trẻ. Không những thế trường còn tạo điều kiện cho các giảng viên, học sinh, sinh viên tham gia các hội diễn trong nước và quốc tế, đã giành được nhiều huân, huy chương, giải thưởng cao quý.
Với những đóng góp không ngừng nghỉ trong suốt 60 năm qua, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã vinh dự đón nhận nhiều Huân chương, Huy chương cao quí của Đảng và Nhà nước: Huân chương Độc lập Hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động Hạng nhất, Nhì, Ba.
Khoa Âm nhạc Truyền thống là một khoa luôn luôn được nhà trường chú trọng và quan tâm, với mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghệ thuật âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam. Người thầy Trưởng khoa đầu tiên là cố NSND Vũ Tuấn Đức và những nghệ nhân giảng viên như: Tư Dậu, Ba Bằng, Hòa Bình (Cải lương); Trần Kinh (Chèo); Bác Cần, Bác Kích (Huế)... họ là những người đã có mặt ngay từ buổi đầu thành lập trường. Ngoài việc dạy truyền ngón, truyền khẩu họ là những người đã có công đưa âm nhạc truyền thống thành một môn học chính quy có bài bản. Đặc biệt NSND Vũ Tuấn Đức đã chuyển từ nhạc chữ sang nốt nhạc để phù hợp với việc đào tạo và phát triển âm nhạc truyền thống.
Sau đó, thầy Trưởng khoa, cố NSND Đặng Xuân Khải là một người thầy tài năng, ông đã có công nghiên cứu cải tiến thang âm của một số loại nhạc cụ dân tộc để phù hợp với lối diễn tấu hiện đại hơn. Ông còn sáng tác được một kho tàng tác phẩm âm nhạc nổi tiếng như: Chung một niềm tin cho hòa tấu nhạc cụ dân tộc, Ru con cho đàn tranh, Khúc nhạc miền Trung cho đàn nguyệt và tỳ bà, Cung đàn đất nước cho đàn bầu, Thu sang cho đàn 36 dây. Năm 1976, ông đã cùng cố NSND Nguyễn Văn Thương và cố nhạc sĩ Lã Hữu Toản đã sang Liên Xô cũ học hỏi, nghiên cứu và thành công trong việc đưa bộ môn âm nhạc truyền thống được đào tạo ở bậc đại học, cao học và nghiên cứu sinh. Cho đến ngày nay, đã có rất nhiều các giảng viên, nghệ sĩ tài năng như: NSUT Nguyễn Hồng Thái, NSUT Lê Phổ, NSUT Triệu Tiến Vượng (sáo trúc); NSND Nguyễn Thanh Tâm, NGUT Trần Quốc Lộc, NSUT Bùi Lệ Chi (đàn bầu); NGUT Ngô Bích Vượng, NGUT Đinh Thị Nội, NSUT Phạm Trà My (đàn tranh); NSND Vũ Mai Phương, NSUT Vũ Kim Hạnh (đàn tỳ bà); NSUT Cồ Huy Hùng, NSUT Đỗ Văn Đễ (đàn nguyệt); NSND Nguyễn Thế Dân, NSUT Lê Minh (đàn nhị); NSND Nguyễn Hồng Phúc, NSUT Nguyễn Hoa Đăng (36 dây); NSUT Nguyễn Tiến Ninh (bộ gõ)... Họ là những giảng viên, nghệ sĩ tài năng không chỉ đào tạo mà còn tham gia nghiên cứu khoa học, sáng tác và biểu diễn nhằm gìn giữ, giới thiệu rất các loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam trong mọi lĩnh vực, đã được đông đảo các nhà nghiên cứu âm nhạc và khán thính giả trong nước và quốc tế đánh giá cao, đồng thời đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam lên một tầm cao mới sánh vai với các cường quốc năm châu.