Khí nhạc Việt Nam: U60
Nền nhạc mới Việt Nam nếu tính từ những bài hát đầu tiên ở thập niên 30 thì nay đang ở tuổi U90. Còn riêng khí nhạc, nếu tính từ những tác phẩm đầu tiên viết cho dàn nhạc cuối thập niên 50 thì tuổi đời chưa tới 60, chưa tròn một “lục thập hoa giáp” theo cách nói của người Á Đông xưa. Vậy là quá trẻ, chưa bằng 1/5 so với lịch sử trên 300 năm của giao hưởng thính phòng thế giới.
(Ảnh: Nguyễn Thị Minh Châu)
Người Việt vốn yêu ca hát - hát ca là tâm điểm trong sinh hoạt âm nhạc, vì thế nhạc hát luôn chiếm ưu thế hơn so với nhạc đàn trong quá khứ cũng như trong đời sống âm nhạc hiện nay. Tình yêu ca hát đó lớn đến mức cũng góp phần tạo nên tình trạng mất cân đối giữa nhạc hát và nhạc đàn trong nhiều thập niên gần đây - một hiện trạng đáng lo ngại: ca nhạc giải trí mang tính thị trường đang lấn át nhạc chính thống, và trong nhạc chính thống thì thanh nhạc (đại diện là ca khúc đại chúng) lại lấn lướt khí nhạc.
Song tôi vẫn muốn dành nhiều lời hơn cho lĩnh vực có phần yếu thế hơn: khí nhạc chuyên nghiệp, bởi đây là đối tượng liên quan trực tiếp tới đào tạo sáng tác, tới “lò” đào tạo âm nhạc uy tín nhất Việt Nam là Học viện Âm nhạc Quốc gia. Hơn nữa, khi vươn ra ngoài biên giới quốc gia để hòa nhập vào cộng đồng âm nhạc chính thống quốc tế, tiếng nói đại diện cho dân tộc Việt lại không thuộc về thanh nhạc, không thuộc về những “bài hát yêu thích” hay những ca khúc được xếp hạng top này hit nọ của người Việt mê ca hát. Tiếng nói âm nhạc mang màu cờ sắc áo quốc gia phải là khí nhạc với “ngôn ngữ không cần phiên dịch”, là những tác phẩm quy mô lớn hơn thể loại ca khúc mà hiện giờ đáng tiếc vẫn còn quá xa lạ với công chúng Việt Nam.
Nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam cũng như toàn bộ nền nhạc mới Việt Nam sinh ra và trưởng thành trong thời chiến. Các tác giả đều là những đứa con của chiến tranh, phần lớn họ khởi đầu sự nghiệp âm nhạc bằng thể loại ca khúc. Thế hệ nhạc sĩ đầu đàn chủ yếu là tự học. Từ cuối thập niên 50 - đầu thập niên 60 đội ngũ sáng tác mới có thêm các thế hệ sau được đào tạo bài bản ở Trường Âm nhạc Việt Nam (thành lập 1956) hoặc được gửi đi học tại các nhạc viện nước ngoài (Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và một vài nước Đông Âu).
Phác đồ thị hành trình gần 60 năm giao hưởng thính phòng Việt Nam có thể thấy khúc biểu thị bước tiến nhanh nhất lại là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Đây là lúc xuất hiện liên tiếp những cái mốc đầu tiên cho hầu hết thể loại quy mô lớn về khí nhạc cũng như thanh nhạc, đưa nền nhạc mới Việt Nam vượt qua giới hạn ca khúc. Các nhạc sĩ được đào tạo chính quy trong và ngoài nước đều có ít nhất làm vốn một tác phẩm tốt nghiệp viết cho nhạc đàn, góp phần mau chóng lập nên danh mục của nền khí nhạc nước nhà. Sau này, vì nhiều lý do liên quan đến điều kiện dàn dựng và thị hiếu công chúng, nên nhạc giao hưởng thính phòng không đủ sức cạnh tranh với nhạc giải trí và ca khúc đại chúng. Đa số các nhà soạn nhạc tạm rời mục tiêu phấn đấu của đời mình là giao hưởng để lại quay về viết ca khúc - thể loại khiêm tốn về đầu tư tài lực và thời gian, dễ dàn dựng và dễ đến với người nghe.
Tuy khiêm nhường về số lượng và chủ yếu tập trung vào đề tài ngợi ca, nhưng gia tài khí nhạc Việt Nam khá phong phú về mặt thể loại và hình thức âm nhạc. Sự kế thừa về thể loại và hình thức âm nhạc châu Âu trong cấu trúc tác phẩm rất rõ ràng. Chưa vượt quá tầm ảnh hưởng của âm nhạc bác học phương Tây, nhưng cũng không hoàn toàn cứng nhắc theo khuôn mẫu và đôi chỗ còn thấy lóe lên những phá cách mang tính khuynh hướng.
Thể loại được ưu chuộng hơn cả là giao hưởng một chương: thơ giao hưởng (poème symphonie), ouverture, ballade, rhapsodie, fantaisie, impromptu... Có lẽ cấu trúc một chương hợp với “cái tạng” của các nhà soạn nhạc Việt Nam hơn, và nếu không được “đặt hàng” mà vẫn ham viết giao hưởng nhiều chương thì e rằng cơ hội dàn dựng và biểu diễn là không có. Những năm sau này, các tác giả cũng quan tâm nhiều hơn đến thể loại concerto cho nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc, đáp ứng sự xuất hiện thêm những nhạc công solist có khả năng phô diễn trong cuộc đua tài với cả một tập thể dàn nhạc.
Xu hướng phá cách được biểu hiện ở “tính hỗn hợp” trong hình thức âm nhạc nói chung và sự mở rộng chức năng của các phần trong hình thức sonate nói riêng. Không thiếu những dẫn chứng về sự pha trộn thể loại hoặc hình thức: giữa concerto với giao hưởng thơ (Tổ quốc tôi - Nguyễn Đình Lượng) hoặc concerto với giao hưởng nhiều chương (giao hưởng số 3 Những em bé mồ côi - Nguyễn Văn Nam), giữa giao hưởng thơ với liên khúc giao hưởng ba chương (Đồng khởi - Nguyễn Văn Thương), giữa rhapsodie với liên khúc giao hưởng bốn chương (Rhapsodie Việt Nam - Đỗ Hồng Quân), giữa rondo với requiem (Khúc tưởng niệm - Doãn Nho), rondo với biến tấu (Non sông một dải - Nguyễn Xinh), sonate với suite (Tháng Tám lịch sử - Doãn Nho)...
Trong hình thức sonate, tính phát triển không còn là độc quyền của phần phát triển (développement) mà luôn lan tỏa sang các phần trình bày (exposition) và tái hiện (reprise). Sự phát triển ngay khi trần thuật các chủ đề trong phần trình bày đã đủ đến độ không cần đến phần phát triển thực thụ có thể dẫn đến hình thức sonate thiếu phần phát triển, hoặc thay thế phần phát triển bằng đoạn chen (épisode) với sự xuất hiện chủ đề mới. Sự biến động trong phần tái hiện (tái hiện động) cũng diễn ra thường xuyên với lối nhắc lại nhiều biến đổi và không nhất thiết phải đủ mặt các chủ đề. Dường như trong tiếp nhận thể loại và hình thức phương Tây luôn có sự chọn lựa những gì gần hơn với tính chất “động” và “mở” của âm nhạc cổ truyền phương Đông.
Tính dân tộc luôn là đích vươn tới trong cuộc kiếm tìm cách biểu hiện riêng ở mỗi nhạc sĩ, đặc biệt trong ngôn ngữ âm nhạc. Xin tạm tổng hợp lại trong vài đặc điểm sau:
1. Kế thừa nhạc cổ, đặc biệt dân ca: a) sử dụng chất liệu cổ truyền: mượn giai điệu hoặc nét nhạc ngắn (motif); b) vận dụng phương thức cổ truyền: dùng cấu trúc, thang âm và quãng đặc trưng, nhịp điệu và tiết tấu đặc trưng, cách tiến hành bè và phát triển tuyến nhạc, chồng âm tự do và ngẫu nhiên, âm sắc nhạc cụ dân tộc, phong cách diễn tấu, nghệ thuật phổ thơ của dân ca.
2. Mượn giai điệu ca khúc nổi tiếng làm chủ đề âm nhạc cũng là một cách “quần chúng hóa” giao hưởng, có thể mang lại cho tác phẩm không chỉ tính phổ cập mà cả tính thời sự. Thêm nữa, bài hát ăn sâu trong ký ức thường làm sống lại trong người nghe kỷ niệm một thời đã qua, dễ gợi lại hình ảnh xưa hay bối cảnh của giai đoạn lịch sử nào đó.
3. Dựa vào ngữ điệu tiếng Việt: một điểm độc đáo trong xây dựng chủ đề âm nhạc là phát triển từ ngữ điệu tiếng nói. Đặc tính “có sẵn âm nhạc” trong tiếng Việt đã gợi ra đường nét giai điệu của không ít chủ đề giao hưởng. Câu mở đầu bài hát nổi tiếng Giải phóng miền Nam (Lưu Hữu Phước) sinh ra motif hành động trong Cuộc đối đầu lịch sử (Vĩnh Cát), K’Nhi (Văn Ký) và Mẹ Việt Nam (Nguyễn Văn Nam). Tiếng rao hàng “Đậu xanh nấu đường” biến hóa thành motif chủ đạo xuyên suốt giao hưởng số 3 Những em bé mồ côi (Nguyễn Văn Nam) và câu ca dao “Trong đầm gì đẹp bằng sen” dẫn dắt đến chủ đề chương II giao hưởng số 5 Mẹ Việt Nam (Nguyễn Văn Nam). Câu nói bất tử của Cụ Hồ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trở thành cốt lõi cho giai điệu chính trong concerto piano (Thế Bảo). Chào năm 2000 - chào thiên niên kỷ mới (Trọng Bằng) khởi đầu bằng nét nhạc “phổ” trên tiếng reo hân hoan “Chào năm 2000!”. Thị Kính - Thị Màu (Nguyễn Đình Bảng) mở màn với giai điệu bắt nguồn từ hai câu kinh của nhà Phật: “Nam mô Quan thế âm Bồ tát” và “Nam mô Đại thế chí Bồ tát”.
Những đặc điểm mang “tính dân tộc” nói trên càng chứng tỏ mối quan hệ gắn bó giữa khí nhạc với thanh nhạc. Đây quả là một nền khí nhạc lớn lên từ thanh nhạc, được sinh ra bởi các nhà soạn nhạc đã lớn lên từ thể loại ca khúc đại chúng. Thêm yếu tố khách quan nữa: công chúng thích nghe thanh nhạc vì thấy quen thuộc và dễ hiểu hơn, do đó những “yếu tố ca khúc” trong ngôn ngữ khí nhạc có thể giúp tác phẩm giao hưởng thính phòng dễ gần hơn với người nghe.
Những “yếu tố ca khúc” trong giao hưởng thính phòng đã tạo cơ sở chính cho mối quan hệ họ hàng giữa nhạc hát với nhạc đàn. Tính thanh nhạc trong khí nhạc rất dễ nhận thấy qua các biểu hiện sau:
- tư duy đơn âm đơn bè (monody), thường gặp một bè giai điệu chính với các bè đệm;
- tính giai điệu: bè chính thường có chất hát, dễ nhớ, dễ thuộc như ca khúc;
- cách sử dụng giai điệu bài hát quen thuộc (dân ca hoặc ca khúc mới) làm chủ đề âm nhạc (theme);
- cách sử dụng giọng hát đơn ca hoặc hợp xướng như một nhạc cụ trong dàn nhạc.
Trong mối quan hệ có đi có lại, ảnh hưởng của nhạc đàn vào nhạc hát diễn ra muộn hơn, khi có sự quay trở về với thể loại ca khúc ở các tác giả từng có cuộc hành trình từ ca khúc tiến tới nhạc đàn. Họ mang theo kinh nghiệm viết khí nhạc vào thanh nhạc. Tính khí nhạc trong thanh nhạc có thể nhận thấy trong giai điệu bài hát qua các yếu tố sau:
- âm vực rộng mở hơn, có nhiều quãng nhảy xa;
- thủ pháp vocalise (hát không lời) hoặc chêm nhiều hư từ và tiếng đệm;
- các chú giải chi tiết về cách biểu hiện giống như trong nhạc đàn: thay đổi tốc độ, cường độ;
- một số cách hát (nảy, ngắt, vuốt, nhấn, rung, luyến, láy...), những nốt tô điểm hoặc dấu lặng giữa câu làm phần hát rất gần với kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ.
Ảnh hưởng của khí nhạc giúp ca khúc vốn được coi là thể loại phổ thông có giá trị học thuật hơn. Cái đích vươn tới của các nhạc sĩ chuyên nghiệp luôn là ca khúc nghệ thuật (romance) có phần piano (thậm chí vài nhạc cụ hoặc dàn nhạc giao hưởng), trong đó nhạc cụ không đơn thuần là phần đệm, mà đóng vai trò đối thoại bình đẳng với phần hát.
Song song với những cố gắng tôn vinh tinh thần dân tộc còn có tính thời đại là dấu ấn không thể thiếu trong ngôn ngữ khí nhạc. Dù dùng chất liệu hay phương thức cổ truyền thì đều được nhào nặn qua bàn tay con người thời đại, theo cảm quan thẩm mỹ thời đại. Có thể nói, những tác phẩm thính phòng giao hưởng mang hơi thở cuộc sống hiện tại, lưu giữ cái chưa từng có trong quá khứ. Điều đáng chú ý ở đây là những tìm tòi trong sự kết hợp Đông - Tây. Kỹ thuật sáng tác khí nhạc truyền thống phương Tây dần dần được vận dụng theo tinh thần “Việt hóa”. Chẳng hạn, vai trò của các quãng đặc trưng không chỉ được nhấn mạnh trong phát triển chiều ngang mà cả ở chiều dọc: đó là những chồng âm trên các quãng 4, 5 và 2. Lối chồng âm tự do còn là kết quả của sự gặp gỡ ngẫu nhiên giữa các tuyến giai điệu phát triển theo chiều ngang. Tính giai điệu và mạch chảy không ngừng biến đổi ở mỗi bè đã dẫn đến một lối phức điệu (polyphony) khá linh hoạt, vừa uyển chuyển theo lối ngẫu hứng của hòa tấu cổ truyền Việt Nam, vừa tự do theo phong cách nhạc hiện đại phương Tây thế kỷ XX. Sự kết hợp các tầng giai điệu độc lập dễ dàng đưa đến hiệu quả âm thanh đa điệu thức, đa điệu tính (thậm chí vô điệu tính) và đa tiết tấu.
Các nhạc sĩ thế hệ sau luôn hướng tới cái mới, trong đó có nhạc đương đại (contemporary), nhạc thử nghiệm, nghệ thuật sắp đặt... Họ tìm tòi ngôn ngữ biểu hiện mới lạ đến mức ngoài sức tưởng tượng và sự tiếp nhận của thế hệ trước. Họ sẵn sàng kết hợp âm nhạc với những yếu tố ngoài âm nhạc, như tác động âm thanh (tiếng động, tiếng ồn trong đời thường), tác động thị giác (ánh sáng, cơ thể, hình khối, kết hợp ngôn ngữ sân khấu hoặc điện ảnh...). Có những thử nghiệm gây ấn tượng bằng những yếu tố ngoài âm nhạc nhiều hơn là tính nhạc, bản thân những gì thuộc về ngôn ngữ âm nhạc cũng giảm bớt tính nhạc, thậm chí bị phá vỡ hoàn toàn, kể cả cái cơ bản quen thuộc nhất với người Việt là giai điệu cũng không còn.
Không gian diễn tấu cũng là yếu tố cấu thành tác phẩm. Đôi khi ranh giới giữa người diễn và người nghe bị xóa nhòa, đan chen vào nhau. Thực ra đây không hẳn là phát hiện mới, mà đúng hơn là một “sự trở lại” với môi trường diễn xướng dân gian. Còn một điểm nữa cũng rất gần phong cách diễn tấu của nhạc cổ Việt Nam: đó là tính ngẫu hứng. Tác giả đồng thời là người biểu diễn và không chỉ một người ngẫu hứng mà nhiều người cùng hòa tấu theo nguyên tắc ngẫu hứng.
Điểm qua vài nét chính trong sáng tác khí nhạc trên đây là để từ đó suy ngẫm rồi nhìn nhận rõ hơn cái được và cái chưa được cho việc lý giải về sức sống của khí nhạc hôm nay.
Sức sáng tạo của con người là vô cùng. Song làm sao có được môi trường lý tưởng để khơi dậy và nuôi dưỡng khả năng sáng tạo đó? Tác động trước hết là từ giáo dục và đào tạo âm nhạc. Giáo dục âm nhạc là câu chuyện dài mang tính liên ngành, chứ còn đào tạo thì hoàn toàn nằm trong tay các thầy, những người biết rõ hơn ai hết về chất lượng đầu vào đầu ra của chuyên ngành sáng tác, những người hiểu rõ hơn ai hết về mục tiêu, phương pháp và giáo trình đào tạo sáng tác đang cần điều chỉnh sao cho vừa phù hợp với yêu cầu xã hội, vừa theo kịp đà phát triển đa dạng của ngôn ngữ âm nhạc thời đại trên toàn cầu.
Trước đây, trong thành tựu của khí nhạc có phần đóng góp to lớn từ thành quả đào tạo của Trường Âm nhạc Việt Nam, tiền thân của Nhạc viện Hà Nội và Học viện Âm nhạc. Còn hôm nay, nếu các nhà soạn nhạc không đủ điều kiện sống chết với âm nhạc không lời, nếu khí nhạc vẫn chưa đi vào lòng công chúng trong nước và không có tiếng nói thuyết phục trên diễn đàn quốc tế, thì đào tạo cũng có phần trách nhiệm không nhỏ. Ngoài những lý do khách quan từ môi trường xã hội còn có nguyên nhân từ chính những người trong cuộc, mà cội rễ bắt nguồn từ phương thức đào tạo dường như chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vẫn còn đó khoảng cách giữa giữa đạo với đời, giữa học với hành, giữa tháp ngà học thuật với sinh hoạt ca nhạc ngoài xã hội, giữa hành trang của sinh viên tốt nghiệp với những gì anh ta phải đối mặt khi bắt đầu chính thức làm nghề.
Đào tạo theo kiểu nhồi kiến thức càng nhiều càng tốt là cách làm vô vọng, vì nhồi nhét quá tải bao nhiêu và bao lâu cũng chẳng đáng là bao so với cả đại dương vô bờ kiến thức nhân loại. Thay vì đơn thuần truyền bá kiến thức, sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu thầy hướng dẫn trò phương pháp tiếp cận, chọn lọc và xử lý kiến thức, giúp trò thoát khỏi tình trạng thụ động đối phó cố hữu và chuyển sang thế chủ động tìm tòi theo cách riêng của mỗi trò. Như người ta vẫn ví von: thay vì cung cấp cá cho người đói ăn hãy trao cần câu và dạy cách họ tự câu cá.
Để khuyến khích sự sáng tạo trong nghệ thuật âm nhạc, các nhạc sĩ sáng tác Việt Nam - cả thầy lẫn trò, đặc biệt là lớp trẻ - rất cần có không gian mở, môi trường mở. Vì thế những cơ hội nghe tác phẩm của nhau trong các festival âm nhạc như Liên hoan Âm nhạc Á - Âu 2014, hoặc giao lưu trực tiếp giữa các đồng nghiệp sáng tác với nhau như trong diễn đàn hội thảo quốc tế như thế này là vô cùng thiết thực và hữu ích.
Đây là cơ hội học hỏi và khích lệ thầy trò sáng tác và cả biểu diễn cũng như lý luận phê bình. Nếu “hậu” Festival Á - Âu này mà khoa Lý - Sáng - Chỉ tổ chức thảo luận (seminar) và viết bình luận về chương trình biểu diễn hoặc phân tích tác phẩm của Festival, thì Hội Nhạc sĩ rất hoanh nghênh và xin đón nhận bài viết của các nhạc sĩ, giảng viên cũng như sinh viên sáng tác và lí luận để đăng tải trên website hoặc tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ.
2-10-2014