Khi người mẫu, diễn viên, người đẹp làm ca sĩ
Trong khoảng mười năm trở lại đây, trong làng âm nhạc giải trí có hiện tượng những ca sĩ được đào tạo bài bản từ các trường âm nhạc chuyên nghiệp lại chỉ có chỗ đứng khiêm tốn trên sân khấu, trong khi những “ca sĩ” rẽ ngang từ người mẫu, diễn viên lại trở thành hiện tượng, thành “siêu sao”. Điển hình nhất trong số những ca sĩ “tay ngang” thành công tột đỉnh, đó là ca sĩ Hồ Ngọc Hà…
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà (Ảnh: Internet)
Hồ Ngọc Hà có ngoại hình đẹp, bởi vì trước đó chị là người mẫu. Hồ Ngọc Hà có khả năng diễn xuất tốt, bởi chị đã từng là diễn viên. Hồ Ngọc Hà là thần tượng của giới trẻ, bởi chị có xu hướng thời trang đặc trưng riêng gắn với biệt danh Hà Hồ… Nhược điểm lớn nhất của Hồ Ngọc Hà là kĩ thuật thanh nhạc dưới mức trung bình nhưng bù lại chị có giọng hát lạ và một số ưu điểm vừa kể đã tạo nên một phong cách mang tên Hà Hồ mà giới trẻ gọi là Style. Bởi vậy mà trong lúc nhiều ca sĩ được đào tạo bài bản về thanh nhạc vẫn đang phải vật lộn kiếm sống ngoài quán bar, thì từ lâu Hà Hồ đã thật sự trở thành một siêu sao ca nhạc.
Trong ngành công nghiệp giải trí có hai nghề là thể thao và ca hát. Hiện tượng siêu sao là căn bệnh của lĩnh vực thể thao, bởi giữa hai vận động viên cùng đẳng cấp nhưng người này chỉ là vận viên giỏi trong khi người kia là siêu sao. Một số yếu tố ngoài chuyên môn nhưng lại giúp vận động viên trở thành siêu sao như: đẹp trai, ăn mặc sành điệu, có những phát ngôn gây sốc, có những việc làm không giống ai, có nhiều hotgirl xung quanh… Nhiều cô gái đến sân vận động không phải để xem hai đội đá bóng, mà xem một cầu thủ thần tượng ngày hôm đó ra sân như thế nào? Thị trường ca nhạc cũng đang lây nhiễm căn bệnh siêu sao từ thể thao, mức độ lây nhiễm càng ngày càng nặng, nặng đến nỗi nhiều người mẫu, nhiều diễn viên, nhiều MC, nhiều hoa hậu, nhiều hotgirl chuyển hẳn sang làm ca sĩ và không mấy chốc trở thành siêu sao đủ sức đè bẹp những ca sĩ được học hành đến nơi đến chốn. Và không ngạc nhiên khi lực sĩ thể hình Phạm Văn Mách bỏ cả thi đấu quốc tế để đi hát, khi anh hát quanh sân khấu đầy ắp khán giả reo hò vỗ tay.
Căn bệnh siêu sao trong làng ca nhạc giải trí đã tạo ra hiện tượng lấn sân của giới người mẫu, diễn viên, người đẹp; tạo ra hiện tượng trái khoáy là người có chuyên môn hát chẳng ai nghe, người hát không có kĩ thuật thì khán giả lại hào hứng đón nhận đến phát cuồng.
Trong số những người làm âm nhạc, bắt đầu xuất hiện hai luồng quan điểm trái ngược nhau: một bên là các nhà làm âm nhạc theo cách cũ, tạm gọi như vậy; còn một bên là các công ti, các đơn vị tổ chức sự kiện mà đứng đầu là các ông bầu “sở hữu” các siêu sao.
Với các nhà làm âm nhạc theo cách cũ, họ giữ nguyên quan điểm truyền thống, họ bảo lưu những giá trị được hình thành hàng trăm năm nay. Với họ, tiêu chuẩn ca sĩ đứng trên sân khấu phải là giọng hát chứ không phải là cái gì khác. Giọng hát là thiên bẩm, là trời phú, đồng thời phải được rèn luyện bài bản qua trường lớp. Bao nhiêu năm nay, hình ảnh ca sĩ chuyên nghiệp đứng trên sân khấu đã trở nên quen thuộc với phong cách ăn mặc chỉn chu, họ hát là chính còn diễn chỉ là phụ. Đến tiết mục biểu diễn, khi nghe người dẫn chương trình xướng tên, ca sĩ chạy ra đứng giữa sân khấu, thân pháp đung đưa theo điệu nhạc, lúc cúi đầu nhìn xuống chân, lúc ngửa mặt nhìn trời, chờ cho đoạn nhạc dạo xong để bắt đầu hát. Với người không có khả năng diễn xuất thì đứng tại chỗ cầm micro trông giống tư thế cò súng. Người biết chiếm lĩnh sân khấu thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vài động tác như tay vuốt từ dưới lên rồi hất ra ngoài như đưa cho khán giả, tay quơ trong không trung rồi cuộn vào lòng như kéo khán giả về phía mình, tay ấp vào tim rồi tung lên… Nhớ lại những năm 80 – 90 của thế kỉ trước, ở các vùng quê mỗi năm có 1 – 2 đoàn văn công về diễn, sân khấu dựng tạm ở bãi đất trống, ở ngoài đồng. Dân chúng từ trẻ con đến người già nô nức kéo đến xem. Khi nghe thấy ca sĩ hát hay, đến đoạn mùi mẫn, khán giả không ai vỗ tay, chỉ nẩy lưỡi trong miệng để tạo ra tiếng “chặc chặc” thể hiện sự yêu thích, thán phục…
Ngày nay, các ông bầu bỏ qua những quan điểm truyền thống, họ tạo dựng lên những ngôi sao, đúng hơn là những siêu sao ca nhạc mà không cần quá chú trọng vào giọng hát. Ca sĩ theo quan điểm của các ông bầu: họ phải là người đẹp như hoa hậu Trúc Diễm; phải là người mẫu có ngoại hình chuẩn như Hồ Ngọc Hà, Maya, Hà Anh, Phan Lê Ái Phương; phải là diễn viên điện ảnh như Mai Phương, phải là các MC nói hay như Lan Trinh, Sỹ Thanh, Nam Hee, Mai Phương; phải là các hot teen như Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Wanbi Tuấn Anh, Emily, Huyền Baby, Hạnh Sino, Cường 7... Công nghệ tạo ra siêu sao không khó, có từng bước, từng công đoạn rất rõ ràng. Sân khấu ca nhạc không phải là nhà hát có vài trăm chỗ ngồi nữa, mà là những rạp có sức chứa lớn, là quảng trường, thậm chí là sân vận động chuyên dành cho đá bóng. Họ chú trọng tới ánh sáng, tới bố cục đạo cụ, tới âm thanh khuếch đại, tới video minh họa, tới vũ đoàn múa phụ họa… Một thời gian dài vừa qua, càng ca sĩ siêu sao càng phải hát nhép, cùng vũ đoàn nhảy múa phụ họa và ánh sáng xanh đỏ lập lòe, ca sĩ phải gào thét lồng lộn, phải tỏ ra day dứt đau khổ hay điên cuồng cuốn hút theo nhạc đệm, thỉnh thoảng phải làm vài động tác hớ hênh để lộ hàng sao cho thật hợp lí. Khán giả thì la hét, thét gào, huýt sáo, nhảy múa giống như đang xem trận đấm bốc hay đá bóng.
Trong con mắt của các nhà làm âm nhạc thủ cựu: sân khấu ca nhạc đang làm theo cách hiện nay là phô diễn sự hoành tráng của những yếu tố ngoài âm nhạc mà không chú trọng tới ca sĩ có chất giọng, thì đó thực chất chỉ là chương trình tạp kĩ; đó là cách làm của những người ngoại đạo không đáng chấp?
Trong con mắt của các ông bầu: các nhà làm âm nhạc thủ cựu đang cố gắng mang đến cho công chúng những thứ mà công chúng không cần, đấy là tư tưởng hủ nho lạc hậu?
Điều quan trọng nhất chính là công chúng, công chúng là những người phân xử chính xác nhất ai đúng, ai sai. Một sự thật hiển nhiên là, Hồ Ngọc Hà hát giá vé chợ đen có thể lên đến vài triệu, khán giả đầy ắp sân vận động không có chỗ đứng. Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ hát trong rạp chỉ toàn vé mời, chẳng mấy ai bỏ tiền ra mua. Lí giải cho hiện tượng này, thoạt tiên có vẻ do nhận thức về thẩm mĩ âm nhạc của công chúng. Bình tĩnh suy xét lại thì điều đó không sai nhưng chỉ là một phần nhỏ của lí do. Lí do chính lại ở chỗ khác, đó là căn bệnh siêu sao. Về chuyên môn thì Hồ Ngọc Hà không thể so được với NSND Quang Thọ, nhưng Hồ Ngọc Hà là siêu sao, mà siêu sao ở thời đại nào cũng đều thuộc về đám đông. NSND Quang Thọ là đẳng cấp chuyên môn, mà đẳng cấp chuyên môn chỉ thuộc về số ít những người có kiến thức hiểu chuyên môn, không thuộc về đám đông. Đấy là sự khác biệt giữa một siêu sao với một người có chuyên môn tốt khi cùng nhau đứng trên sân khấu.
Hoa hậu Trúc Diễm (Ảnh: Internet)
Vậy đâu là nguyên do của căn bệnh siêu sao?
Trước hết, nếu quay về hoàn cảnh xã hội của những thập niên 80 – 90 của thế kỉ trước, sẽ thấy nhu cầu công chúng đến bên sân khấu là để được thưởng thức âm nhạc. Thử nhớ lại các làng quê hồi đó, cả xã may ra có cái ti vi, cả làng có vài cái đài bán dẫn, đa số người dân muốn nghe hát phải dỏng tai lên cái loa công cộng treo trên cột điện phát theo giờ. Vậy khi có đoàn văn công về diễn, nhu cầu nghe nhạc của công chúng là tất yếu. Họ đến bên sân khấu không phải để ngắm ca sĩ, mà để nghe hát.
Ngày nay, nếu muốn nghe hát giới trẻ có thể mở điện thoại, có thể truy cập Internet, có thể mở đĩa, mở đủ loại các thiết bị nghe nhạc. Ca khúc “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song, ở thập niên 80 khán giả yêu nhạc chỉ biết nghe và xúc động nghẹn ngào với giọng ca Tiến Thành; bây giờ ngồi tại nhà bất cứ lúc nào lên mạng có thể tìm nghe vài chục ca sĩ hát rất hay như Trọng Tấn, Tùng Dương, Anh Thơ... Bởi vậy, khán giả trẻ bây giờ đến sân khấu không phải với nhu cầu nghe hát, mà họ xem ánh sáng có đẹp không, xem sân khấu bài trí có ấn tượng không, xem video minh họa có hay không, xem ca sĩ ăn mặc có đẹp và có hở hang không, xem vũ đạo có hấp dẫn không, xem âm thanh có kích động không… Nghĩa là sân khấu ca nhạc bây giờ phải kết hợp đa phương tiện chứ không thể đơn thuần là chất lượng âm nhạc. Và những người mẫu, những hoa hậu, những diễn viên, những MC đủ sức đáp ứng một cách xuất sắc nhu cầu đó của khán giả.
Rõ ràng những ca sĩ tay ngang đều có phong cách riêng biệt, họ có tài trong một lĩnh vực nào đó đã được xã hội ghi nhận, khi chuyển sang ca hát có sự đầu tư của các ông bầu bằng công nghệ lăng xê, chẳng mấy chốc họ trở thành siêu sao cuốn hút đám đông công chúng. Hãy thử nhìn hiện tượng fan hâm mộ Việt đón siêu sao Hàn Quốc đủ thấy nhu cầu xem thần tượng của giới trẻ cao đến mức nào. Nhiều fan từ quê xa bỏ học lên Hà Nội mua vé vào sân vận động Mỹ Đình chỉ để ngửa mặt lên trời nhắm tịt mắt lại mà gào thét, mà cuồng si, mà khóc lóc chứ đâu có ngồi im để nghe hát rồi chặc chặc lưỡi như các cụ thời những năm 70 – 80 của thế kỉ trước.
Thị trường ca nhạc, mà chủ yếu là ca khúc phổ thông, chỉ là một phạm vi nhỏ trong cả một thế giới âm nhạc rộng lớn. Khi sân khấu ca nhạc là nơi các siêu sao trình diễn vẻ đẹp hình thể, trình diễn vũ đạo, trình diễn thời trang, tạo ra những tình huống ầm ĩ ngoài âm nhạc, thì bản thân sân khấu ca nhạc đã tự thu hẹp và dần tách ra khỏi nền âm nhạc chính thống để trở thành những hoạt động giải trí có sự phụ trợ của các ca khúc phổ thông. Song, cách làm này ngoại trừ yếu tố chất lượng âm nhạc, thì đây chính là nghệ thuật trình diễn tuyệt vời đã kéo được khán giả đến quây tụ xung quanh sân khấu. Nói theo ngôn ngữ của nhà triết học cổ đại Platon: nghệ thuật trình diễn là phương cách bóc lột đơn giản nhất, hữu hiệu nhất và thô sơ nhất mà xã hội phương Tây áp dụng với phần còn lại của thế giới. Ở đây là các ông bầu và siêu sao trong làng ca nhạc Việt, họ đã biết cách làm thế nào để khán giả ồ ạt bỏ ra vài triệu mua một cặp vé để xem một buổi trình diễn nghệ thuật tổng hợp dưới danh nghĩa âm nhạc mà không phải là âm nhạc.
Vậy với những nhà làm âm nhạc theo cách cũ, những ca sĩ được đào tạo bài bản thì sao? Họ cũng đã tự thu mình lại một góc nhỏ, tạo nên một thế giới riêng, coi âm nhạc chính thống như một thứ quyền lực tối thượng trên sân khấu, đề cao tính duy lí của âm nhạc chính thống, cho rằng cách mà các ca sĩ chuyên nghiệp đang làm không hề sai, chỉ có công chúng không hiểu để đến với họ, hoặc do các ông bầu biến âm nhạc trở nên thật giả lẫn lộn. Quan niệm và cách làm ấy cũng đang dần xa lánh thế giới âm nhạc đích thực.
Xã hội âm nhạc, mà nền tảng là mối tương tác giữa âm nhạc và công chúng thông qua trung gian là những người làm âm nhạc. Bởi vậy, từ cách làm của của các nhà âm nhạc thủ cựu là đứng về phía âm nhạc thuần túy, đến cách làm của các ông bầu tạo ra siêu sao đứng hẳn về sở thích của công chúng, vô hình trung dần tạo ra một xã hội phi âm nhạc, chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt, về lâu dài thì hại nhiều hơn lợi.
Âm nhạc nói riêng cũng như văn hóa nói chung, cần có sự biến đổi để tồn tại và phát triển. Sẽ thật là tuyệt vời khi ca sĩ chuyên nghiệp có khả năng trình diễn như người mẫu, như diễn viên; và ngược lại, các hoa hậu, người mẫu, MC khi cầm micro hát là có kiến thức thanh nhạc như các ca sĩ chuyên nghiệp. Muốn làm được như vậy, cần phải tạo ra một xã hội âm nhạc thực sự mà ở đó công chúng phải có những kiến thức cơ bản về âm nhạc. Cách làm như thế nào? Rất rõ ràng, đầu tiên là ngành giáo dục phải thấy trách nhiệm đưa vào chương trình đào tạo cho học sinh từ bậc phổ thông những kiến thức âm nhạc thật sự, đảm bảo học sinh tốt nghiệp phải chơi được ít nhất một nhạc cụ. Tiếp theo, ngành âm nhạc có nhiệm vụ đào tạo những giảng viên sư phạm âm nhạc chứ không phải đào tạo thầy cô giáo dạy hát, ngay trong các trường nhạc viện cũng cần phải thay đổi phương thức tuyển sinh và đào tạo, ví như đào tạo ca sĩ không chỉ ngày này tháng nọ chúi đầu vào luyện thanh, mà phải học cách làm đẹp, học biểu diễn, học thời trang, học vũ đạo… Trường phổ thông ở các nước có nền âm nhạc phát triển họ dạy nhạc cụ cho học sinh cả trăm năm nay, ở Mỹ còn đang có kế hoạch mang âm nhạc cổ điển đến các trường mẫu giáo. Tại sao chúng ta không làm như thế? Đấy là phương cách tốt nhất tạo ra thị trường ca nhạc phát triển lành mạnh, tránh những hiện tượng bát nháo gây tổn hại không nhỏ cho tương lai âm nhạc nước nhà.