Khi âm nhạc giao thoa với chính trị
Chúng ta có thể quên đi bom và súng đạn bởi chính âm nhạc cũng có thể tác động đến chính trị và xã hội.
Âm nhạc thay lời muốn nói
Đôi khi chính những bài hát với ca từ sâu sắc hàm chứa nhiều ý nghĩa có thể hoàn toàn thay thế cho bài diễn thuyết dài dòng mà vẫn truyền tải được quan điểm và tâm trạng của người thể hiện.
Vào thời kỳ còn tồn tại chế độ nô lệ ở Mỹ, người da màu bị bắt làm việc cực nhọc trên cánh đồng bông ở miền Nam vẫn thường ngân nga bài hát về tự do cũng như tình trạng nô lệ của họ. Đây được coi là một sự phản kháng được thể hiện qua âm nhạc.
Gilberto Gil cùng biểu diễn với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan (trái)
vào tháng 9/2003.
Trong khi đó, vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, những nhóm nhạc hip hop như N.W.A lại thường có các bài hát phản ánh về tình trạng bạo lực của cảnh sát hay sự bế tắc do nghèo khó trong các khu ổ chuột của người da màu. Những ngôi sao lớn của thời kỳ này như Bruce Springsteen, U2 và Madonna cũng mạnh mẽ thể hiện niềm tin và quan điểm chính trị trong các bài hát và buổi biểu diễn của họ.
Hầu hết người yêu âm nhạc đều biết đến bài hát "We Are the World" được phát hành năm 1985, quy tụ 46 giọng ca đình đám như Lionel Richie, Diana Ross, Stevie Wonder, Michael Jackson... Đây là ca khúc đã giúp gây quỹ hơn 75 triệu USD để hỗ trợ chống nạn đói hoành hành ở châu Phi và đến nay, bài hát này vẫn tiếp tục lan tỏa sức ảnh hưởng.
Trong vài năm gần đây, người dân Hy Lạp phải trải qua thay đổi lớn trong cuộc sống do tình trạng kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, khi Angélique Ionatos, một ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Hy Lạp hiện đang sống tại Paris (Pháp), biểu diễn bài hát có trích lời thơ của tác giả giành giải Nobel Văn học năm 1973 Odysseas Elytis có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ với tình trạng hiện tại của Hy Lạp thì khá nhiều khán giả đã phải bật khóc.
Âm nhạc là nhà ngoại giao
Thay đổi lớn đã đến sau Thế chiến I, khi Woodrow Wilson - Tổng thống thứ 28 của Mỹ - khẳng định nên kết thúc “ngoại giao ngầm” giữa các nước và khởi đầu “ngoại giao mở”, chính vì vậy, âm nhạc được coi là công cụ hữu hiệu.
Điển hình như trong những năm 1960 của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tổ chức chương trình lưu diễn quốc tế cho các nghệ sĩ nhạc Jazz. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là cách để đất nước cờ hoa quảng bá hình ảnh một thế giới tự do trong xã hội nước này. Hiện nay Mỹ cũng rất chú trọng “ngoại giao âm thanh” bằng cách gây quỹ cho các liên hoan nhạc hip hop tại Trung Đông.
Trong khi đó, Brazil cũng đầu tư rất mạnh vào văn hóa để thể hiện vai trò tại Mỹ Latinh bằng cách thiết lập quan hệ thân thiết giữa chính trị và văn hóa. Chính ca sĩ Gilberto Gil từng giữ chức Bộ trưởng Văn hóa dưới thời Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva từ năm 2003 đến 2008. Tháng 9/2003, Gil đã cất giọng hát tại trụ sở Liên hợp quốc trong sự kiện tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom 19/8 tại tòa nhà của cơ quan này ở Baghdad, Iraq. Ông muốn truyền tải thông điệp hòa bình, chỉ trích cuộc chiến tranh tại Iraq do Mỹ tiến hành. Thậm chí Gil đã mời Tổng Thư ký Kofi Annan lên sân khấu chơi trống biểu diễn cùng mình. Anaïs Fléchet, giảng viên bộ môn lịch sử đương đại tại Đại học Versailles-St-Quentin và là đồng tác giả cuốn sách về âm nhạc và toàn cầu hóa, nêu rõ: “Đây là hình ảnh mang tính biểu tượng cao, cho thấy văn hóa có thể đóng vai trò trong việc gắn kết mọi người với nhau”.
Một trường hợp tương tự Gil là nhạc công người Senegal Youssou N’Dour cũng được tin tưởng giao trọng trách bộ trưởng văn hóa của nước này vào năm 2012. Với vị trí mới, ông nhận nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước Senegal tới thế giới. N’Dour chia sẻ: “Ở những ngày đầu khởi nghiệp âm nhạc, chính trị không hề cuốn hút tôi”. Tuy nhiên điều đó đã thay đổi khi vào năm 1988, ông được mời tham gia chuyến lưu diễn âm nhạc đình đám Human Rights Now! cùng các nghệ sĩ nổi tiếng như Bruce Springsteen, Sting, Peter Gabriel và Tracy Chapman để tuyên truyền về nhân quyền. N’Dour hồi tưởng lại: “Tôi nhận ra âm nhạc có thể truyền tải thông điệp, chính vì vậy từ đó cho đến nay, các bài hát tôi đều nói về xã hội Senegal”.
Âm nhạc gây ấn tượng chính trị
Âm nhạc cũng được coi như một chìa khóa để các ứng cử viên gây ấn tượng với cử tri trong các cuộc tranh cử ở Mỹ. Chính trị gia thường đặc biệt quan tâm chú trọng tới việc xây dựng hình ảnh từ quần áo họ mặc, cách họ nói chuyện... và các bài hát tranh cử cũng có vị trí quan trọng không kém. Bài hát riêng của mỗi đảng phái, phong trào chính trị thường được phát lại nhiều lần, và nó cần phải đồng điệu với thông điệp của ứng cử viên. Phó giáo sư Amy Clement-Cortes thuộc Đại học Toronto nhận xét bài hát trong các chiến dịch tranh cử thường có nhịp điệu tiết tấu nhanh và sôi động, một lựa chọn bài hát không thích hợp có thể khiến cử tri cảm nhận rằng những chính trị gia này thiếu sự quan tâm đến công chúng.
Cựu Tổng thống Bill Clinton từng sử dụng bài hát “Don't Stop” của Fleetwood Mac trong chiến dịch tranh cử năm 1992 và nhóm nhạc này cũng góp mặt biểu diễn trong một sự kiện của ông. Tuy nhiên John McCain lại không may mắn như vậy khi vào năm 2008, nhóm nhạc rock Foo Fighters đã lịch sự đề nghị nghị sĩ đảng Dân chủ này dừng sử dụng bài hát “My Hero” của họ.
(Nguồn: http://baotintuc.vn)